Vào nội dung chính
COP21 - KHÍ HẬU

COP21 : Khi khoa học tiếp tay cho các ngành công nghiệp hóa thạch

Báo chí Pháp ngày 10/12/2015 tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến các cuộc thương lượng tại hội nghị về khí hậu COP21. Chỉ còn có một ngày nữa là kết thúc vòng đàm phán về thỏa thuận khí hậu Paris, nhưng các cuộc thảo luận vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hội nghị COP21-Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.
Chủ tịch Hội nghị COP21-Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. REUTERS/Stephane Mahe
Quảng cáo

La Croix : « Pháp đưa ra các lá bài của mình ». Chủ tịch hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã trình một văn bản đã được « chỉnh sửa » về dự thảo thỏa thuận cho 196 bên tham gia hội nghị. Bản dự thảo này đã được rút ngắn gần như một nửa, từ 48 trang xuống còn 29 trang.

Giờ đây « Các cuộc thương lượng sẽ tập trung vào những điểm khó nhất và mang tính chính trị nhất », như nhận định của Les Echos. Do các điểm cần thương lượng đã được giảm đến 2/3. Các giải pháp cũng đã được rút bớt một cách đáng kể, chỉ còn lại khoảng 30 điểm cần thông qua cho thỏa thuận so với con số 140 điểm cách đây một tuần.

Nhưng đối với Le Figaro, đó là « Một dự thảo vẫn còn do dự giữa tham vọng và đồng thuận lỏng lẻo ». Tuy là đã được rút ngắn, nhưng vẫn còn quá nhiều điểm bất đồng trong dự thảo luật này.

Đặc biệt là các hải đảo, nạn nhân chính của hiện tượng biến đổi khí hậu. Trên thế giới có tổng cộng 44 đảo quốc. Tuy chỉ chiếm có 1% dân số toàn cầu, và là những quốc gia nghèo nhất, nhưng tiếng nói của những quốc gia này đang đè nặng lên các cuộc thương lượng.

Libération trong bài phóng sự cho biết, các đảo quốc nhỏ không đồng tình với mức hạn chế tăng nhiệt độ ở 2°C mà phải là ở mức 1,5°C. Đại diện đảo Maurice cho rằng : « Không phải chính các đảo quốc làm biến đổi khí hậu, mà chính họ mới là nạn nhân, đang gánh chịu hậu quả của hiện tượng này. Các quốc gia gây ô nhiễm phải hiểu là chúng tôi cần một cách xử lý khác và đặc biệt hơn ».

Khí hậu : Khi « khoa học nối giáo cho giặc »

Trong khi cả thế giới đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận chung để kềm hãm mức tăng nhiệt độ cứu hành tinh, nhiều nhà khoa học tiếng tăm, giảng dạy tại những trường đại học danh tiếng, vì hám lợi vẫn tiếp tay cho ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch. Nhật báo Le Monde cho biết làm cách nào tổ chức Greenpeace đã lật tẩy nhiều nhà khoa học nổi tiếng.

Ngày 08/12/2015, Greenpeace tiết lộ tổ chức này đã vờ đóng vai là nhà cố vấn cho nhiều hãng công nghiệp lớn và đã viết mail đến nhà vật lý học William Happer, giáo sư danh dự trường đại học Princeton (New Jersey), đề nghị ông viết một bài về lợi ích của dầu khí hay than đá.

Từng là một trong những quan chức cao cấp về nghiên cứu thuộc Bộ năng lượng Hoa Kỳ, vị giáo sư này đã nhận lời và cho biết rõ mức thù lao là 250 đô-la/ giờ, đồng thời yêu cầu giữ bí mật nguồn tài chính. Qua các trao đổi, ông Happer còn tiết lộ là tập đoàn khai thác than đá Hoa Kỳ, Peabody đã từng mời ông đến thuyết trình trước một cơ quan quản lý ở Minnesota. Khi được Le Monde hỏi về vụ việc, vị giáo sư này đã không bình luận cũng như phủ nhận sự việc xảy ra với Greenpeace.

Một người khác, nhà xã hội học Frank Clemente, giáo sư danh dự trường đại học Penn State (Pennsylvania) cũng bị sập bẫy của Greenpeace. Lần này, vị cố vấn giả của Greenpeace yêu cầu giáo sư Clemente viết một bài về lợi ích than đá cho một tập đoàn khai thác Châu Á. Ông Clemente đã đồng ý và yêu cầu giữ bí mật nguồn tài chính. Tuy nhiên, mức thù lao được yêu cầu là 275 đô-la/giờ, hoặc 15.000 đô-la cho một bài viết từ 8-10 trang và 6.000 đô-la cho một bài diễn đàn đăng trên một tờ báo.

Để chứng minh hiệu quả công việc của mình, ông Clemente trích dẫn một trong các bài viết của ông để bảo vệ than đá, đăng hồi tháng 3/2015 rên một tờ báo Mỹ. Hơn nữa, vị giáo sư này còn khẳng định, « trong bất cứ tình huống nào, tên nhà tài trợ không bao giờ được tiết lộ. Tôi công bố các bài nghiên cứu của tôi như là ‘nhà khoa học độc lập’ ».

Vị giáo sư không ngần ngại cho biết thêm là « Bài báo cáo về ‘Giá trị toàn cầu của than đá’ đã mang về cho ông 50.000 đô-la cho 8 tuần làm việc ». Được Le Monde hỏi về vụ việc, giáo sư Clemente không hề phủ nhận mà còn tự hào khẳng định các công trình đó là do ông nghiên cứu. Theo ông, « đó là một sự tư do khoa học ». Ông còn cho biết thêm là bản báo cáo Giá trị toàn cầu của than đá của ông, còn được Cơ quan Năng lượng Quốc tế đăng hồi năm 2012.

Pháp, bầu cử cấp vùng : tả - hữu –cực hữu, ván cờ chưa ngã ngũ

Còn ba ngày nữa là bầu cử cấp vùng bước vào vòng hai. Hầu hết các báo Pháp sáng nay đều dành nhiều trang bàn tán sôi nổi về chiến thuật của từng đảng một trong vòng hai sắp tới. « Liệu những người vắng mặt có làm thay đổi được tình thế hay không ? » là câu hỏi lớn của Le Figaro. Gần một nửa cử tri Pháp đã không đến bỏ phiếu trong vòng một, và đây là « một nguồn dự trữ cử tri rất được các chính đảng muốn lôi kéo ».

Tờ nhật báo thiên hữu này còn tỏ ra tràn đầy hy vọng khi nhắc lại là « Vào tháng 3/1978, thất bại của cánh hữu ở vòng một chuyển thành thắng lợi trong vòng hai ». Nhưng tờ báo cũng không quên cảnh báo phe hữu là kịch bản đó đã từng được lặp lại trong kỳ bầu cử địa phương năm 1982. Lần đó, lợi thế lại nghiêng về cánh tả. Le Figaro còn đưa ra một dự phóng khả năng đảng cánh hữu LR có thể lật ngược thế cờ thắng lớn trong vòng hai tại hai vùng Nord-Pas-de-Calais-Picardie và Provence-Alpes-Cote d’Azur, hiện đang do hai ứng viên cùng gia đình Le Pen dẫn đầu.

Le Monde trên trang nhất quan tâm đến « Sự phản công của Nicolas Sarkozy để lôi kéo cử tri của đảng Mặt trận Quốc gia FN ». Chủ tịch đảng Những người Cộng hòa- Les Républicains đánh giá là « lá phiếu của FN không phải là vô đạo đức ». Ông đã có bài diễn văn giọng điệu cứng rắn hơn, đặc biệt là liên quan đến vấn đề người nhập cư.

Nhưng bên cạnh đó Le Monde cũng chú ý đến « Những tính toán của ông Hollande trước thảm họa ». Tờ báo tìm cách giải mã sự im lặng của Tổng thống Pháp từ hôm Chủ Nhật 06/12/2015 đến nay. Phải chăng với cuộc bầu cử cấp vùng lần này, ông Hollande đang định hình chiến thuật của ông cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 ?

Libération cảnh báo cử tri cẩn thận với « Chương trình thật sự của FN ». Để có thể hình dung được một vùng dưới sự điều hành của FN như thế nào, nhật báo mời gọi độc giả so sánh các thành phố hiện do đảng này quản lý với các đề nghị của các ứng viên. Bài phân tích của tờ báo thiên tả còn cho rằng giữa những lời hứa hẹn truyền thống của cánh hữu, đảng Mặt trận Quốc gia theo đuổi đường hướng bình thường hóa nhằm tạo một thế đứng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Nhật báo Công giáo La Croix có bài giải thích đề tựa « Quyền hành thật sự của các vùng ». Theo nhật báo, dù là có ngân sách khá thấp, nhưng các vùng cũng có nhiều thẩm quyền quan trọng trong những lãnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như giao thông trong vùng, các trường cấp 3, đào tạo và dạy nghề. Chỉ riêng ba lãnh vực này đã chiếm đến 2/3 ngân sách của vùng và trong một chừng mực nào đó là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Bắc Triều Tiên : chế độ đảng trị hay chế độ phong kiến ?

Thời sự Châu Á gần như vắng bóng, ngoài thông báo của tờ phụ trương kinh tế Le Figaro : « Trung Quốc sắp trở thành quốc gia tiêu thụ rượu hàng đầu thế giới ». Riêng tuần san Courrier International trích dịch lại một bài viết trên tờ Chugan Dong-a tại Hàn Quốc với câu hỏi : « Bắc Triều Tiên : Sắp chấm dứt các triều đại phong kiến ? »

Tờ báo Hàn Quốc cho rằng từ lâu nay dường như quyền điều hành đất nước Bắc Triều Tiên tập trung chủ yếu vào bốn gia đình. Bởi vì, cho đến giờ nhiều chuyên gia Châu Âu về Bắc Triều Tiên vẫn thường so sánh chế độ Bình Nhưỡng với một triều đại phong kiến.

Ngay từ khi được thành lập năm 1945, đảng Lao Động Triều Tiên tiếp nhận nhiều người có nguồn gốc khác nhau, kể cả những người ủng hộ Xô Viết và những người có nguồn gốc phía Nam bán đảo. Nhưng nhiều cựu kháng quân, tập hợp xung quanh ông Kim Il-Sung (Kim Nhật Thành), đã nhanh chóng loại bỏ dần những người khác thông qua các vụ thanh trừng.

Từ đó, Kim Il-Sung (nắm quyền lãnh đạo từ năm 1948-1994) và các công thần của ông đã lập nên một trật tự mới, cùng chia sẻ những tước hiệu cao quý nhất. Tình trạng đó kéo dài cho đến tận ngày nay.

Quyển « Hồi ức Kim Nhật Thành », phát hành năm 1992, đã dành hẳn một chương để nói về các chiến công của những người ủng hộ ông và tài năng đặc biệt của con cháu những người đó. Lòng trung thành ấy cũng được truyền sang thế hệ công thần kế thừa thứ nhất, khi Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật) lên cầm quyền năm 1994 (mất năm 2011).

Ngay tại Viện nghiên cứu Cách mạng Mangyondae, những người đó đã tạo dựng nên một mạng lưới, tiêu biểu nhất là Choe Ryong-Hae, con trai của Choe Hyon và O Il-Jong, con của O Chin-U. Nhưng chính vì sự vắng mặt của hai người này trong danh sách 171 thành viên ủy ban tổ chức tang lễ cho thống chế Ri Ul-Sol qua đời hôm 07/11/2015, đã đặc biệt thu hút sự chú ý của giới phân tích. Ri Ul-Sol cũng là một trong những người ủng hộ cố sáng lập viên đảng Lao động Bắc Triều Tiên.

Các chuyên gia hiện không rõ số phận của Choe Ryong-Hae và O Il-Jong. Cũng quá sớm để nghiêng về khả năng hai người này là nạn nhân của một vụ thanh trừng. Nhưng nếu kịch bản đó ấy xảy ra, thì điều có nghĩa là chấm dứt quyền bá chủ của bốn gia đình và trật tự điều hành từ nửa thế kỷ nay.

Khi phân tích bài diễn văn của lãnh đạo Kim Jong-Un (Kim Chính Ân) nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động, ông Stephan Haggard, giáo sư đại học California, nhận thấy đó như là một « khúc dạo đầu cho chế độ độc tài dân túy ». Theo ông, lãnh đạo Bắc Triều Tiên dường như đang cố thiết lập một chế độ độc tài bền vững khi đề cập đến việc cải thiện đời sống người dân, giống như chính quyền Trung Quốc đã từng làm.

Còn theo giải thích của một cựu nhân viên tình báo Hàn Quốc, « Giờ không còn ai cho rằng Kim Jong-Un chỉ là một con rối, rằng quyền hành thật sự nằm trong tay của Hwang Pyong-So – lãnh đạo Quân ủy trung ương và Cho Yon-Jun- Lãnh đạo thứ nhất Ban Tổ chức. Dẫu sao, thì họ cũng đã thành công loại trừ con cháu của các công thần, sau vụ hành quyết Ri Yong-Ho, Tổng tư lệnh quân đội hồi tháng 7/2012 và ông Jang Song-Taek, vào tháng 12/2013, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và cũng là dượng của Kim Jong-Un ».

Theo một thông báo chính thức từ Bắc Triều Tiên, Hội nghị Đảng Lao động lần 7 sẽ diễn ra vào tháng 5/2016. Đây là hội nghị đầu tiên kể từ sau hội nghị tháng 10/1980. Lần đó, Bình Nhưỡng chính thức công nhận sự kế vị của Kim Jong-Il. Tờ báo Hàn Quốc cho rằng có lẽ hội nghị lần tới nhằm mục đích tuyên bố sự ra đời của một chế độ mới tại Bắc Triều Tiên.

Các chủ đề khác

Thời sự Châu Âu khá dàn trải trên các trang báo Paris. « Lời kêu gọi của Paris và Berlin để bảo vệ khối Schengen », bài viết của La Croix. Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Đức cùng ký vào một bức thư chung gởi lên Ủy ban Châu Âu, đề nghị cải thiện công tác giám sát các ngõ vào trong không gian tự do đi lại Châu Âu.

Khủng hoảng di dân cũng đặt « đảng SPD và CDU của Đức trước thách thức lớn » là mối bận tâm của Le Figaro. Trước thềm hội nghị của hai đảng này, lãnh đạo hai bên buộc phải xem xét lại chương trình nghị sự đã bị cuộc khủng hoảng nhập cư làm đảo lộn.

Bên cạnh đó, Le Figaro có bài viết : « Chính quyền Ukraina bị cáo buộc tham nhũng ». Dường như chính phủ Kiev vẫn không muốn từ bỏ với thói quen xấu có từ thời chế độ cũ.

Liên quan đến vấn đề sức khỏe, phụ trươngkinh tế Le Figaro đưa tin hãng dược Sanofi của Pháp đã được chính phủ Mêhicô bật đèn xanh, cho phép đưa ra thị trường loại vắc-xin chống bệnh sốt xuất huyết đầu tiên sau hơn 20 năm nghiên cứu.

Nhật báo Le Monde dành hai trang quảng cáo, kêu gọi người dân cùng tham gia chống bệnh Ebola. Theo đó, viện nghiên cứu Inserm cần tình nguyện viên cho chiến dịch thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin chống Ebola tại Pháp.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.