Vào nội dung chính
KYRGYZSTAN

Kyrgyzstan sắp đưa tượng Lê Nin vào bảo tàng

Gần 25 năm sau khi Liên Xô tan rã, và hơn 90 năm sau cái chết của lãnh tụ cộng sản, ký ức về Lê Nin tại Kyrgyzstan chỉ còn rất mờ nhạt. AFP có phóng sự mô tả ngày tưởng niệm Lê Nin năm nay nhân dịp cuộc Cách mạng tháng Mười 1917, tại thủ đô nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ.

Một số người ủng hộ đảng Cộng sản Kyrgyzystan tại tượng đài Lê Nin, nhân kỷ niệm 98 năm Cách mạng tháng 10.
Một số người ủng hộ đảng Cộng sản Kyrgyzystan tại tượng đài Lê Nin, nhân kỷ niệm 98 năm Cách mạng tháng 10. Ảnh : AFP/Vyacheslav Oseledko
Quảng cáo

Ông Georgui Mamedov, một trí thức mác xít có mặt trong nhóm những người về hưu hàng năm có mặt bên chân tường đài Lê Nin tại Bichkek, thừa nhận « bức tượng đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình », và chỉ còn là « biểu tượng của một thời đã qua ».

Theo ghi nhận của AFP, số lượng người về hưu tụ về tượng đài Lê Nin ở thủ đô Kyrgyzstan mỗi năm một ít, cho dù quốc gia này là một trong nước cộng hòa cuối cùng của Liên Xô cũ còn lấy ngày kỷ niệm cách mạng Nga làm ngày nghỉ lễ.

Theo người phát ngôn Bộ Văn hóa Kyrgystan, « sẽ là sai lầm nếu rũ bỏ các bức tượng Lê Nin hay các biểu tượng khác của thời Xô viết. Bởi chúng thuộc về lịch sử của chúng ta ». Kyrgyzstan là một trong những nước nghèo nhất vùng Trung Á, và phụ thuộc nặng nề về tài chính vào Nga. Theo bà Erica Marat, một chuyên gia về khu vực này, thuộc đại học Quốc phòng Mỹ, ở Washington, « bức tượng (Lê Nin) không có ảnh hưởng gì đến đời sống hàng ngày của mọi người, nhưng nó có thể trở thành một biểu tượng mang tính địa chính trị » trong quan hệ giữa Nga và tiểu quốc láng giềng.

Tình hình có vẻ hoàn toàn khác tại nhiều nước thuộc Liên Xô cũ, nơi việc hủy bỏ các biểu tượng về nhà lãnh đạo cộng sản được coi là một biểu hiện cho việc thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào cường quốc láng giềng.

Ở Ukraina, hơn 500 tượng Lê Nin đã bị hạ bệ trong năm nay trong khuôn khổ chính sách « phi xô viết hóa » của chính quyền thân phương Tây, kể từ khi Nga dùng sức mạnh sáp nhập bán đảo Crimée, và nội chiến bùng phát tại miền đông ly khai thân Nga.

Tại một số nơi ở Trung Á, tượng đài Lê Nin có khi được thay thế bởi các tượng đài vinh danh lãnh đạo mới, nhằm khơi dậy một không khí sùng bái lãnh tụ giống như trước đây. Ví dụ như, Turkmenistan – một trong các quốc gia khép kín nhất thế giới -, đã thay các tượng Lê Nin bằng hai tượng bằng vàng, một của Tổng thống đương quyền Berdymoukhamedov, và một tượng khác của người tiền nhiệm Niazov.

Tại Uzbekistan và Tadjikistan, thay thế cho Lê Nin là Tamerlan – thủ lĩnh quân sự gốc Mông Cổ, và Ismael đệ nhất, người sáng lập triều đại Ba Tư Samanide.

Trở lại với Kyrgyzstan, theo các nhà quan sát, cho dù chính quyền nước này vẫn có vẻ còn lưu luyến thần tượng Lê Nin, thì xu thế đã thay đổi hoàn toàn. Theo ghi nhận của nhà trí thức mác xít, một trong những người về hưu cuối cùng đến tưởng niệm Lê Nin năm nay, tại Kyrgyzstan « không còn phong trào cộng sản », không còn bất cứ ứng cử viên cộng sản nào ra ứng cử Quốc hội hồi tháng trước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.