Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Giấc mơ « làm chủ » được khí hậu

Syria, Irak, Liban chiếm nhiều trang báo Paris trong ngày. Bên cạnh đó là chủ đề về khí hậu, 18 ngày trước hội nghị quốc tế COP 21. Liệu khoa học có giúp được con người « làm chủ » được khí hậu hay không ?

Khói mù ô nhiễm tại một thành phố Trung Quốc.
Khói mù ô nhiễm tại một thành phố Trung Quốc. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Cộng đồng quốc tế chạy đua nước rút để tìm ra nguồn tài trợ 100 tỷ đô la hỗ trợ các nước chậm phát triển giảm khí thải làm hâm nóng trái đất. Nhiều thành viên trong nhóm G20 vẫn chưa chính thức đưa ra những cam kết cụ thể về môi trường, như là trường hợp của Canada hay Úc. Tranh cãi vẫn kéo dài về « tính rằng buộc » hay không của thỏa thuận về khí hậu, nếu như tại Paris lần này 195 quốc gia trên thế giới đạt được đồng thuận để nhiệt độ của trái đất không tăng quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.

Thế những tất cả những vấn đề đó sẽ không tồn tại, nếu như các nhà bác học tìm ra được những giải pháp kỳ diệu để con người « điều khiển được khí hậu như ý muốn ». Phụ trang Khoa học và Y tế của Le Monde điểm qua những sáng kiến ít nhiều mang tính « khoa học giả tưởng » để cưỡng lại đà « hâm nóng » trái đất.

« Nghiền núi đá thành bột hút carbon »

Le Monde đi từ một nhận xét cơ bản : trái đất đang ấm vì lượng khí carbon do các hoạt động của con người thải ra. Một trong những biện pháp để giảm lượng CO2 trong khí quyển được tờ báo quan tâm mang tên « enhanced weathering » dựa trên nguyên tắc nghiền các vách núi đá để tăng tốc độ hút khí carbon.

Chuyên gia về biến đổi khí hậu Elmar Krieger thuộc Viện nghiên cứu Potsdam của Đức lưu ý : núi đá hút lượng carbon là một quá trình tự nhiên, đơn vị thời gian được tính trên hàng ngàn thế kỷ. Tuy nhiên con người có thể « can thiệp » để làm tăng tốc độ hút CO2 bằng cách nghiền nát thành bột những loại đá có sức hút carbon cao. Chẳng hạn như là vách đá thuộc dòng Ôlivin, có màu xanh của quả ô liu, hay đá basan. Vẫn viện nghiên cứu Potsdam cho rằng, một khi nghiền nhuyễn, bột đá dùng để trải trên cánh đồng. Nhờ có độ ẩm, khí carbon sẽ được nhanh chóng hấp thụ.

Biện pháp này theo ông Krieger còn có một lợi thế khác đó là sẽ giúp cho đồng ruộng thêm phì nhiêu, vì bột đá sẽ là những loại phân bón tự nhiên, bồi đắp thêm chất than cho đất đai. Giải pháp này hiện đang vấp phải ít nhất hai trở ngại : Chúng ta cần bao nhiêu năng lượng để nghiền vách đá thành bột ? Riêng đá Ôlivin, có hàm độ kim loại nặng khá lớn, mà tới nay các nhà khoa học chưa thể bảo đảm rằng, một khi được ngấm vào đất, vào các mạch nước ngầm, những thứ kim loại độc hại sẽ không ngấm luôn cả vào các loại hoa mầu … để rồi những chất như thủy ngân hay chì sẽ ít nhiều được phát hiện trong cơ thể của chúng ta.

« Quản lý ánh sáng mặt trời »

Một hướng nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Climatic Change năm 2006, được nhà khoa học Paul Crutzen gợi ý dùng phương phát phóng chất lưu huỳnh (soufre) vào khí quyển, để tạo nên một « chiếc dù che bớt nắng » cho trái đất. Biện pháp này nhằm giảm khối lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào tái đất hâm nóng hành tinh của chúng ta trong lúc nhân loại ngày càng thải nhiều khí CO2 giữ nhiệt cho bầu khí quyển bao quanh trái đất.

Trước mắt để đạt được mục tiêu đề ra, các nhà khoa học phải vượt qua khá nhiều thử thách : Một là phải bắn được lên bầu khí quyển hàng triệu tấn lưu huỳnh và hai là phải bảo đảm được rằng, những hạt bụi siêu nhỏ có chất sulfate đó không rơi trở lại xuống đầu chúng ta. Theo thẩm định của viện nghiên cứu về môi trường và khí tượng Max Planck ở Hambourg – Đức, để giữ nhiệt độ của trái đất ở mức của năm 2020, trong tương lai, mỗi năm thế giới cần huy động đến 45 triệu tấn chất lưu huỳnh. Đây là một khối lượng lớn gấp 5 lần so lượng từng được núi lửa Philippines Pinatubo phun ra vào năm 1991.

Các chuyên gia về khí hậu trên thế giới được báo Le Monde trích dẫn, dường như có một nguồn cảm hứng vô tận. Một số đề nghị phun nước biển lên không trung để làm hạ nhiệt trái đất, tương tự như khi một bệnh nhân bị sốt cao, bác sĩ khuyên tạt nước vào người để giảm sốt. Lại cũng có những tiếng nói đề nghị dùng những tấm kính, hất trả lại ông mặt trời một chút nắng ấm …

Theo nhận định của nhà nghiên cứu về khí hậu giáo sư Alan Robock, đại học New Jersey- New York, Hoa Kỳ được Le Monde trích dẫn, tất cả những tính toán của con người để « điều khiển » khí hậu, để làm chủ được lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào trái đất … đều vô nghĩa nếu nhân loại không giảm được lượng thải khí CO2.

Bởi vì hiện tượng trái đất bị hâm nóng không là mối đe dọa duy nhất đối với hành tinh. Biển cả và đại dương cũng đang ngạt thở vì lượng carbon đã quá tải. Theo tính toán của nhà khoa học người Mỹ này, để từ nay đến cuối thế kỷ, nhiệt độ của trái đất không tăng quá 2°C, con người phải có chiếc đũa « cất giấu » được từ 300 đến 700 tỷ tấn CO2 … Nói cách khác, các nhà khoa học chưa có « phép lạ » cho nhân loại.

Trong khi chờ đợi, dù ngày khai mạc Hội nghị khí hậu Paris cận kề, Pháp và Mỹ vẫn bất đồng trên hồ sơ then chốt này. Le Figaro ghi nhận « hục hặc » Pháp –Mỹ sau khi Ngoại trưởng John Kerry cảnh cáo : Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận mang tính rằng buộc về mặt pháp lý.

Nga can thiệp quân sự tại Syria : kết quả nửa vời

Trung Đông chiếm một vị trí quan trọng trên các tờ báo Pháp hôm nay. Le Monde ngay trên trang nhất nói tới « kết quả nửa vời » sau hơn một tháng Nga mở chiến dịch oanh kích tại Syria.

Tính tới nay Nga tung ra gần 2000 phi vụ, chủ yếu là nhắm vào phe nổi dậy Syria đe dọa sự tồn tại của chế độ Bachar Al Assad. Nhìn từ Matxcơva ông Assad là tường thành duy nhất chống quân thánh chiến Hồi giáo Daech. Có điều dù được Nga yểm trợ quân đội chính quy của Syria vẫn chưa làm chủ lại được tình hình. Về phương diện ngoại giao, tổng thống Putin chưa tạo được « nền tảng » chính trị để giải quyết khủng hoảng Syria như mong đợi. Matxcơva đề nghị một kế hoạch gồm 8 điểm để giải quyết khủng hoảng Syria. 24 giờ trước hội nghị Vienna mở ra vào ngày 14/11/2015 kế hoạch của Nga vẫn còn gây tranh cãi. Từ hội nghị Vienna lần trước, ngày 30/10/2015 tới nay, Điện Kremli và quốc tế vẫn bất đồng về số phận của tổng thống Syria và trên danh sách các « tổ chức khủng bố ». Theo quan điểm của Nga, danh sách này bao gồm cả các phe đối lập chống Bachar Al Assad.

Một tia hy vọng với sự kiện Sinjar

Tại Irak, một chút hy vọng vừa lóe lên. « Lực lượng Kurdistan tấn công thành trì của Daech » tại Sinjar, tựa của Le Figaro. Về mặt chiến lược, Sinjar là một chốt quan trọng trên con đường huyết mạch nối liền thành phố Mossoul của Irak với Raqqa tại Syria. Cả hai thành phố này đều là những « trung tâm quân sự và chính trị » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Tờ L'Humanité nhắc lại : từ tháng 8/2014 thành phố Sinjar lọt vào tay quân thánh chiến. Cộng đồng người Kurdistan theo đạo Yazidi bị quân thánh chiến sát hại, phụ nữ và trẻ em bị bắt hoạch bị bán làm nô lệ. Theo thông tin của Libération sau thắng lợi tại Sinjar, lực lượng vũ trang Kurdistan dường như đang chuẩn bị một đợt tấn công tương tự để giành lại Raqqa trên lãnh thổ Syria. Vẫn theo tờ báo này, kế hoạch tấn công Raqqa được Mỹ hậu thuẫn

Báo kinh tế Les Echos ghi nhận : giành lại được Sinjar, một bước tiến quyết định để giải phóng Mossoul, thành phố lớn thứ hai Irak trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Le Figaro tỏ ra lạc quan khi nêu lên câu hỏi : phải chăng Sinjar là dấu hiệu đầu tiên báo trước sự cáo chung của Daech ?

Khủng bố đẫm máu tại Liban

Một tia hy vọng cho Irak vừa chớm nở thì tai họa lại giáng xuống Liban sau loạt khủng bối tối hôm qua làm hơn 40 người thiệt mạng : « Tang tóc, Liban rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng Syria », tựa của báo Le Monde ấn bản được cập nhật trên mạng.

Tờ La Croix trong bài xã luận lưu ý : đây là loạt khủng bố đẫm máu nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Liban (1975-1990). Libération cũng gắn liền khủng bố tại Liban với khủng hoảng Syria. Tờ báo nhấn mạnh : khủng bố tự sát đã xảy ra ở phía nam thủ đô Beyrouth, đây là một khu phố bình dân và được coi là thành trì của phong trào Hezbollah theo đạo Hồi thuộc hệ phái Shia.

Lực lượng Hồi giáo vũ trang Hezbollah đang hiện diện ngày càng đông đảo tại Syria và đứng về phe quân đội chính phủ, trung thành với chế độ Damas. Hai vụ tấn công tự sát ở Liban ngày 12/11/2015 diễn ra đúng vào lúc, quân đội Syria nhờ có sự hỗ trợ của Hezbollah đã chiếm lại được một sân bay quân sự gần thành phố Alep. Từ gần hai năm qua tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã chiếm đóng thành phố ở phía bắc Syria này.

Dân Nga khốn đốn vì khủng hoảng

Nhìn đến tình hình kinh tế nước Nga, phụ trang báo le Figaro dành hẳn một bài phóng sự dài để nói về cảnh khốn khó của nhiều người dân xứ này. Matxcơva tăng ngân sách quốc phòng, cắt giảm trợ cấp xã hội. Hàng trăm ngàn hộ gia đình Nga lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Kinh tế Nga bị suy thoái trong hai năm liên tiếp, giá dầu hỏa và khí đốt rơi xuống mức thấp nhất từ 2008 tới nay. Kèm theo đó là lạm phát hơn 10 % và đồng tiền Nga bị mất giá. Ngân sách quốc phòng tăng 0,8 % trong tài khóa 2016. Trong hoàn cảnh đó, để giữ tỷ lệ thâm hụt cán cân chi tiêu ở ngưỡng 3 % GDP, chính quyền bắt buộc phải hy sinh các khoản chi tiêu xã hội.

Hậu quả rõ rệt nhất được Le Figaro ghi nhận là trên quê hương của ông Putin có tới nửa triệu người bị coi là trong tình trạng « mất khả năng thanh toán », và có tới 10 % dân số Nga không thể trả nợ đáo hạn trong vòng 90 ngày. 10 % ngân hàng của Nga đã phải đóng cửa. Cảnh tượng thừa phát lại đến tịch biên tài sản của tư nhân xảy ra hàng ngày. Những dịch vụ cầm cố nở rộ hơn bao giờ hết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.