Vào nội dung chính
ISRAEL - CHÂU ÂU

Israel tố cáo Châu Âu có chính sách nhập khẩu “kỳ thị”

Tất cả các sản phẩm của Israel đến từ các vùng đất xâm chiếm ở Palestine kể từ giờ sẽ được áp nhãn “xuất xứ thuộc địa”. Trên đây là quyết định của Ủy ban Châu đưa ra ngày 11/11/2015. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tức thì phản ứng xem đấy như là một hành động bài Do Thái thời Đức Quốc Xã.

Một nhóm du khách châu Âu thăm một xưởng sản xuất xà bông tại khu định cư Kohav Hashabar tại Cisjordanie.
Một nhóm du khách châu Âu thăm một xưởng sản xuất xà bông tại khu định cư Kohav Hashabar tại Cisjordanie. AFP PHOTO / MENAHEM KAHANA
Quảng cáo

Liên Hiệp Châu Âu không nhìn nhận hành động xâm chiếm lãnh thổ của Israel tại Cisjordani, Đông Jerusalem hay trên cao nguyên Golan kể từ cuộc chiến 6 ngày xảy ra vào năm 1967. Do đó, theo Liên Hiệp Châu Âu, chính sách áp nhãn là nhằm để phân biệt rõ các loại hàng hóa được sản xuất bên trong đường ranh giới của lãnh thổ Israel được quốc tế công nhận và với những sản phẩm bên ngoài lằn ranh. Biện pháp này chủ yếu chỉ liên quan đến các loại nông phẩm và mỹ phẩm.

Ngay khi biện pháp dán nhãn có ghi “xuất xứ từ thuộc địa” được thông qua, đang công du tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Netanyahu đã phản ứng mạnh mẽ cho rằng: “Việc Châu Âu ra quyết định áp nhãn các sản phẩm của Israel gợi nhắc lại những quá khứ đen tối. Châu Âu có lẽ sẽ phải cảm thấy xấu hổ”.

Đối với Thủ tướng Israel, quyết định trên mang tính “kỳ thị”. Ông nói: “Trong khi trên thế giới có hàng trăm cuộc tranh chấp lãnh thổ xảy ra khắp nơi trên thế giới, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định chỉ đánh vào một mình Israel, vào lúc quốc gia này đang phải gồng mình chống lại làn sóng khủng bố”.

Bộ trưởng Tư pháp Israel, bà Ayelet Shaked cho biết là Israel cũng sẽ xem xét và đưa ra các biện pháp thích hợp. Bà cũng mập mờ tố cáo Liên Hiệp Châu Âu là mang tư tưởng bài Do Thái. Bà nói: “Quyết định ghi rõ nơi sản xuất là một quyết định chống lại Israel và chống người Do Thái. Thái độ đạo đức giả từ Châu Âu và sự thù hằn chống lại Israel đã vượt quá mọi giới hạn”.

AFP cho biết hồi tháng Chín này, Thủ tướng Netanyahu cũng đã so sánh quyết định trên, khi đó chỉ mới ở giai đoạn dự thảo cũng giống như là những chính sách của chế độ Đức quốc xã chống lại các loại sản phẩm của người Do Thái.

Bất chấp lời trấn an từ Liên Hiệp Châu Âu cho quyết định trên chỉ đơn thuần là “kỹ thuật” nhằm lưu ý người tiêu dùng không mang tính chất trừng phạt hay tẩy chay, Israel tuyên bố tạm ngưng các cuộc đối thoại ngoại giao với Liên Hiệp Châu Âu trong nhiều diễn đàn được tổ chức trong những tuần sắp tới.

Về phía Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine đã đánh giá việc dán nhãn là một biện pháp tích cực, nhưng vẫn “chưa đủ”, bởi vì “các sản phẩm xuất xứ từ một tội ác chiến tranh phải bị cấm, chứ không chỉ là dán nhãn thôi”, theo như tin nhắn của tổ chức này trên Twitter.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.