Vào nội dung chính
HÀNG KHÔNG - TAI NẠN

Tai nạn máy bay Nga : Giả thuyết cài bom ngày càng rõ nét

Máy bay Nga rơi tại Ai Cập phải chăng là do bị cài bom? Trong lúc giới điều tra vẫn đang tiến hành xét nghiệm các mãnh vỡ để xác định nguyên nhân gây thảm họa, thì báo chí Pháp hôm nay càng lúc càng tin vào giả thuyết khủng bố. Tuy chưa thể xác nhận 100% với bằng chứng cụ thể, nhưng báo chí Pháp phản ánh những dấu hiệu bất thường cho thấy kịch bản khủng bố là đáng tin cậy hơn cả.

Mãnh vỡ máy bay Nga được tìm thấy gần thị trấn Arish, phía bắc Ai Cập.
Mãnh vỡ máy bay Nga được tìm thấy gần thị trấn Arish, phía bắc Ai Cập. REUTERS /Mohamed Abd El Ghany
Quảng cáo

Về điểm này, báo Libération chạy tựa : Nga oanh kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo để trả đũa vụ rơi máy bay. Tờ báo cho biết là nếu như chiến sự vẫn tiếp diễn tại Syria, thì trên một số mặt trận, lệnh ngưng bắn đã có hiệu lực kể từ hơn một tháng nay. (Đó là trường hợp của khu vực nằm giữa hai thành phố Maarat Masrin và Ram Hamdan, ở vùng Idlib, phía tây bắc Syria).

Thế nhưng, hôm qua, lần đầu tiên không quân Nga bất chấp lệnh ngưng bắn này, đã mở các đợt oanh kích nhắm vào các căn cứ của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Theo Libération, mặc dù chính quyền Nga vẫn chưa công bố kết luận về nguyên nhân gây tai nạn hàng không ở vùng Sinai, nhưng dường như Bộ Quốc phòng Nga qua việc ban hành lệnh tấn công, đã gián tiếp thừa nhận trách nhiệm của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong vụ rơi máy bay.

Tuần báo L’Obs đăng bức ảnh chụp của phóng viên nhiếp ảnh (Khaled Desouki) của hãng thông tấn AFP, dưới hàng tựa Chuyến bay kinh hoàng tại Ai Cập. Phóng viên này kể lại là ngay sau khi tai nạn xẩy ra hôm 31/10, anh đã cùng với các đồng nghiệp được phái đi chụp ảnh hiện trường. Từ Cairo lên tới vùng núi Sinai là hơn 400km. Chặng cuối cùng là phải đi bộ trên sa mạc gần hai cây số. Điều hơi bất thường là sự hiện diện của quân đội Ai Cập từ khoảng 25 cây số trước khi tới hiện trường. Khi đến tận nơi, các phóng viên nhiếp ảnh chỉ được chụp hình trong vòng bốn phút. Sự kiện quân đội Ai Cập tăng cường kiểm soát chặt chẽ cho thấy vụ rơi máy bay Metrojet có vẻ nghiêm trọng hơn các vụ tai nạn khác trong ngành hàng không dân sự.

Một mũi tên bắn nhiều mục tiêu

Về phần mình, báo Le Figaro đăng hàng tít đậm : Giả thuyết máy bay Nga bị cài bom. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là chất nổ đã được đưa lên máy bay bằng cách nào, khi ta biết rằng các biện pháp an ninh đã được tăng cường trong ngành hàng không dân dụng trong những năm gần đây. Hôm qua, đài truyền hình CNN đã xác nhận là vệ tinh của Mỹ đã phát hiện ánh ‘‘quang nhiệt’’ trước khi máy bay vỡ tung, có nhiều khả năng là một vụ nổ đã tạo ra một nguồn ánh sáng bất thường lóe lên rồi chợt tắt giữa không trung, máy bay vỡ tung thành nhiều mãnh do mất điều hòa áp lực.

Một viên chức ẩn danh của ngành tình báo Mỹ cho biết là chất nổ có thể đã được đưa vào trong hành lý hay là được cài vào bộ phận máy bay. Điều này khiến các nước Âu Mỹ phải lo ngại. Văn phòng Thủ tướng Anh cũng như chính quyền Ai Len đã thông báo đình chỉ các chuyến bay tới Charm el-Cheikh. Trong trường hợp máy bay Metrojet của Nga thật sự bị đặt bom, thì hiện vẫn còn quá sớm để biết rằng các tay khủng bố đã dùng cách nào.

Theo ông Wassim Nasr, phóng viên chuyên về các nhóm thánh chiến thì Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tung chiêu tuyên truyền ‘‘chọc tức ’’ để tiếp tục làm lung lay tinh thần của đối phương. Tổ chức này đã nhận trách nhiệm gây ra vụ khủng bố, nhưng sẽ không bao giờ nói hớ để tiết lộ cách thức đưa chất nổ lên máy bay. Dù gì đi nữa, nếu như kịch bản đặt chất nổ được xác nhận, thì Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã dùng một mũi tên để bắn cùng lúc nhiều mục tiêu : đây là lần đầu tiên, nhóm này tiến hành khủng bố trên không. Chĩa mũi dùi tấn công vào Nga là một cách để răn đe các quốc gia khác. Ai Cập tuy không tham chiến hay can thiệp vào Syria, nhưng vẫn là đồng minh của Mỹ, lần này cũng bị vạ lây. Sự kiện nhiều nước hủy các chuyến bay cũng là một đòn đau đánh vào ngành du lịch Ai Cập.

Volkswagen tuột dốc không phanh

Vụ tai tiếng Volkswagen liên quan tới việc gian lận kiểm tra phát thải của xe hơi tiếp tục thu hút sự chú ý của làng báo Pháp. Báo Libération chạy tựa lớn Tai tiếng ngập đầu Volkswagen, tờ Le Figaro đăng hàng tít đậm : Trong cơn lốc khủng hoảng, Volkswagen tuột dốc không phanh. Cả hai tờ báo nhắc lại là vụ tai tiếng không chỉ liên quan tới các kiểu xe diesel, giờ đây đến lượt các kiểu xe xăng cũng nằm trong tầm nhắm, về khối lượng phát thải khí CO2. Ngoài 800.000 chiếc xe bị xếp vào diện có vấn đề, còn có thêm 90.000 chiếc khác bị triệu hồi do hệ thống phanh xe gặp trục trặc. Họa vô đơn chí, theo Libération, các vụ tai tiếng dây chuyền này khiến cho cổ phần Volkswagen mất giá đến 40% kể từ trung tuần tháng Chín. Chỉ riêng trong ngày hôm qua, giá cổ phần công ty này xuống thêm 9,5%.

Còn theo Le Figaro, cho dù Volkswagen có sẵn một khoản vốn dự trữ để ứng phó với các tình huống khó khăn, nhưng không ngờ là khủng hoảng lần này lại lớn đến như vậy. Trước mắt, tập đoàn này đã mất gần 1,7 tỷ euro từ ngày 20/09. Nay Volkswagen sẽ bị mất thêm ngay 2 tỷ euro, trong đó có các chi phí triệu hồi xe hơi, các hợp đồng bị hủy bỏ, tiền phạt do không tôn trọng thỏa thuận giao hàng đúng thời hạn ….. Chưa kể tới chuyện Volkswagen có nguy cơ bị phạt tới 18 tỷ đô la và mới đây công ty thẩm định tài chính Moody’s vừa hạ thấp điểm tín nhiệm của Volkswagen, do khoảng nợ của tập đoàn này đột ngột tăng vọt.

Phụ trang kinh tế báo Le Monde trong bài xã luận đề tựa ‘‘Lỗ lã và Lợi nhuận’’ nói thẳng là vụ tai tiếng Volkswagen là một vụ gian lận ở mọi cấp, mọi tầng. Tờ báo dĩ nhiên quy trách nhiệm do giới kỹ sư sáng chế ra các bộ phận kỹ thuật của xe hơi, nhưng nghiêm trọng hơn nữa là trách nhiệm của ban giám đốc điều hành, tức là thượng tầng lãnh đạo tập đoàn, đã để cho vụ tai tiếng xẩy ra.

Bên cạnh Volkswagen, còn có trường hợp của công ty Takata, chuyên sản xuất nệm khí an toàn Airbag cho hãng xe hơi Honda. Công ty Honda đã bỏ rơi Takata, sau khi hãng này bị tình nghi là đã chế tạo những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo Le Monde, hai trường hợp này giống nhau ở một điểm, ban giám đốc chẳng những cho lưu hành những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn mà còn cố tình che giấu thông tin.

Theo Le Monde, trong cả hai trường hợp, vấn đề được đặt ra vẫn là lương tâm và đạo đức nghề nghiệp : không thể nào vì lợi nhuận mà lại đánh đổi thanh danh của một công ty gầy dựng từ lâu đời. Đức và Nhật Bản nổi tiếng là nghiêm túc và có uy tín trên thị trường, nhưng các vụ tai tiếng gần đây cho thấy là gian lận có thể xẩy ra ở bất cứ nơi nào. Không có cách nào khác là phải tăng cường các đợt kiểm tra và nhất là công việc ấy phải được giao cho các cơ quan độc lập.

"Lầu Năm góc" của Pháp

Hôm nay là ngày nước Pháp khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng, nằm ở quận 15, ở góc tây nam của thành phố Paris. Báo chí Pháp đều đăng bài nói về sự kiện này và gọi đó là Ngày khai trương "Lầu năm góc" của Pháp, cho dù toà nhà này không có năm góc.

Diện tích tổng cộng của Bộ Quốc phòng Pháp là 320.000 thước vuông, có khả năng tiếp đón gần 10.000 nhân viên. Về mặt vận hành, toà nhà này dùng pin mặt trời để tự sản xuất năng lượng, để khỏi phải lệ thuộc vào các nguồn cung ứng từ bên ngoài. Mục tiêu đầu tiên là tập hợp tất cả các bộ tham mưu binh chủng về cùng một nơi. Trước đây, lục quân, không quân và hải quân Pháp nằm rải rác trên 12 căn cứ khác nhau.

Ngoài việc phối hợp hành động để lấy quyết định nhanh chóng, mục tiêu thứ nhì qua việc tập hợp các binh chủng về cùng một nơi, chính là sử dụng cùng một hệ thống an ninh, chặt chẽ hơn thay vì lủng củng rời rạc như trước đây. Tổng chi phí thực hiện dự án này sẽ lên tới 4,2 tỷ euro, và khâu tốn kém nhất vẫn là các hệ thống an ninh bảo vệ cũng như bảo mật thông tin. Nhưng dù sao thì vẫn còn thấp hơn, nếu tính gộp lại các chi phí hoạt động của 12 căn cứ trước kia của bộ Quốc phòng.

Activision ‘‘mua kẹo’’ gần 6 tỷ đô la

Trên lãnh vực trò chơi điện tử, vì sao Activision lại chi gần 6 tỷ đô la để mua kẹo ‘’Candy Crush’’, loại trò chơi dành cho điện thoại smartphone ? Trả lời câu hỏi này, báo Libération trên mạng cho biết kế hoạch này nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn Activision.

Tập đoàn này thuộc vào hàng lớn nhất ngành sản xuất game video, với những thương hiệu trò chơi hốt bạc tỷ như game video Call of Duty hay là World of Warcraft. Activision có thể đầu tư để chuyển thể phóng tác các trò chơi này thành một phiên bản nhẹ để cài vào điện thoại, thế nhưng Call of Duty và World of Warcraft dành cho giới ghiền chơi game, đối tượng này thường thích chơi các loại game có nét đồ họa tinh xảo, lối thiết kế công phu. Phóng tác một phiên bản nhẹ cho điện thoại, dù thông minh cách mấy, vẫn có nguy cơ phản tác dụng ….

Activision cũng có thể đầu tư vào việc phát triển các loại game dành riêng cho điện thoại, thế nhưng quá trình này cũng hàm chứa nhiều rủi ro mà chưa chắc gì dễ đem lại lợi nhuận, nếu không được người tiêu dùng hưởng ứng. Theo báo Libération, đối tượng thích chơi game trên điện thoại, được gọi là ‘’casual gamer’’, chủ yếu chơi game để cho qua thời gian, trong nhưng lúc đang chờ đợi như đón tàu đến sở làm, đứng xếp hàng chờ tới phiên mình trả tiền tại quầy siêu thị. Một trò chơi chỉ vỏn vẹn có vài phút và không đòi hỏi quá nhiều sự tập trung hay vận động trí óc. Hai yếu tố này giải thích vì sao các trò chơi như ‘’Candy Crush’’ hay là ‘’Angry Birds’’ trở nên phổ biến trên điện thoại.

Ăn chắc mặc bền : Activision rốt cuộc chọn lựa giải pháp thứ ba qua việc mua lại trò chơi ‘’Candy Crush’’ từ tay công ty (KDE) King Digital Entertainement với giá gần 6 tỷ đô la (5,4 tỷ euro). Trò chơi này hiện thu hút 500 triệu người tại 196 quốc gia trên thế giới. Ngoài phiên bản trò chơi kẹo màu, còn có nhiều trò chơi khác cùng khai thác một kiểu chơi rất đơn giản như phù thủy Bubble Witch, hay giải cứu thú vật Pet Rescue. Các trò chơi ‘’miễn phí’’ này dành cho mọi đối tượng, già hay bé, lớn hay nhỏ, nữ hay nam.

Thế nhưng có một điều mà Activision không nói thẳng ra : tuy gọi là ‘’miễn phí’’ nhưng thật ra các loại trò chơi dành cho điện thoại đến một lúc nào đó sẽ tim cách moi tiền của bạn. Càng chơi thì trình độ càng khó, và khi bị kẹt trong trò chơi không thể tiến thêm được nữa, bạn vẫn có thể chi một vài đô la để mua các ‘’dụng cụ’’ hầu tháo gỡ các nút thắt.Tính trung bình, cứ trên ba người chơi game điện thoại, có hai người không bao giờ chi tiền để ‘’nâng cấp’’, thế nhưng chỉ cần một người trên ba chịu bỏ tiền, thì Activision sẽ hốt bạc. Với hơn 500 triệu thành viên, kẹo màu Candy Crush đem lại cho công ty chủ ít nhất là 800.000 đô la lợi nhuận mỗi ngày.

Điều đó giải thích vì sao Activision đã chịu chi gần 6 tỷ đô la để mua lại trò chơi ‘’Candy Crush’’. Vào năm 2008, tập đoàn này từng mua lại công ty Blizzard Entertainement, nắm gữi bản quyền của các trò chơi ăn tiền, hốt bạc như Warcraft, Starcraft, hay là Diablo. Mong các bạn đừng quên rằng trên điện thoại di động hay trên các mạng xã hội, tất cả các dịch vụ gọi là ‘’miễn phí’’ thật ra chỉ nhằm một mục đích duy nhất, khai thác các thành viên như một đối tượng nhằm quảng cáo thương mại, để rồi đến một lúc nào đó biến chúng ta thành khách hàng từ lúc nào không hay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.