Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Brazil : Khủng hoảng kinh tế đe dọa các thành tựu xã hội

Đăng ngày:

Brazil từ một nền kinh tế đang trỗi dậy với nhiều hứa hẹn đã trở thành mối lo ngại hàng đầu khi nền kinh tế năng động nhất của Châu Mỹ La Tinh đứng bên bờ vực thẳm. Brazil bị hạ điểm tín nhiệm và giảm dự phóng tăng trưởng. Khủng hoảng chính trị và kinh tế có nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng sâu rộng về mặt xã hội. Những thành tựu đạt được trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Lula để đưa 40 triệu dân thoát khỏi cảnh bần cùng liệu có bị cuốn trôi ?

Tổng thống Brazil, D.Rousseff trong tâm bão.
Tổng thống Brazil, D.Rousseff trong tâm bão. REUTERS/Adriano Machado
Quảng cáo

Tình trạng tài chính « bất ổn »

Sau Standard & Poor's đến lượt cơ quan thẩm định tài chính Fitch vừa hạ điểm tín nhiệm Brazil. Chỉ số an toàn về nợ công của quốc gia này đang từ BBB đã bị giáng xuống hạng BBB- và bị đánh giá là có « triển vọng tiêu cực ». Brazil có thể sẽ còn bị Fitch hạ điểm thêm nữa. Tình trạng tài chính của nền kinh tế số 1 Châu Mỹ La Tinh bị xem là « bất ôn định ».

Trong 8 tháng đầu 2015 nhà nước Brasilia đã chi ra 388 tỷ real tức hơn 101 tỷ đô la chỉ để trả tiền lãi cho các chủ nợ. Khoản chi phí này tăng 90 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. 45 % ngân sách của nhà nước được dành để trả nợ cho ngân hàng và các định chế tài chính tư nhân.

Theo thẩm định của kinh tế trưởng cơ quan tư vấn về đầu tư Graduel Investimentos, André Perfeito, từ đầu năm tới nay Ngân hàng trung ương Brazil đã tung ra 74 tỷ real – tức hơn 19 tỷ đô la để hỗ trợ đồng tiền quốc gia bị mất giá so với đô la Mỹ. Đây là một khối tiền khổng lồ, khi biết rằng để trang tải các phí tổn cho mùa Cúp bóng đá Thế giới 2014, Brazil đã chỉ đi vay có 30 tỷ real.

Tỷ lệ nợ công của Brazil đã lên tới 65,29 % tổng sản phẩm nội địa GDP. Điểm son duy nhất là tới nay quỹ dự trữ ngoại tệ của Brazil dù đã bị gọt mỏng nhưng vẫn còn tương đối « chấp nhận được », với trên 307 tỷ đô la Mỹ và các nhà phân tích chờ đợi chính quyền của tổng thống Dilma Rousseff không dám động đến chiếc gối ngoại tệ đó.

Kinh tế brazil đang tươi sáng với dự phóng tăng trưởng ít nhất là 3 % trong năm 2015 đột nhiên tuột xuống số âm. Khủng hoảng trên thị nguyên, nhiên liệu và khó khăn của Trung Quốc, thị trường chính của các nhà sản xuất Brazil, là nguyên nhân đẩy kinh tế Brazil sát tới bờ vực thẳm.

Bản thân bà Rousseff cũng đang trong tâm bão : tỷ lệ tín nhiệm của vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil rơi xuống tận cùng, với chỉ còn khoảng 10 %. Chiếc ghế tổng thống của bà Dilma Rousseff bị tai tiếng từ vụ tham nhũng của đại tập đoàn dầu khí Petrobras đe dọa.

Hàng chục ngàn người tại São Paulo đòi tổng thống Brazil từ chức. Ảnh tháng 3/2015.
Hàng chục ngàn người tại São Paulo đòi tổng thống Brazil từ chức. Ảnh tháng 3/2015. REUTERS/Paulo Whitaker

Con tàu không người lái ?

Viễn cảnh kinh tế của Brazil càng lúc càng đen tối. Vào đầu tháng 10 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giảm dự báo tăng trưởng cho hai tài khóa 2015 và 2016 : IMF trong cuộc họp tại Lima- Perou không loại trừ khả năng GDP của Brazil trong năm nay có thể bị tụt giảm đến 3 % và sẽ còn tiếp tục giảm thêm 1 % trong tài khóa 2016.

Trong dự báo được công bố vào mùa hè năm nay, IMF đã tỏ ra thận trọng khi dự trù GDP của Brazil trong năm 2015 bị giảm sụt 1,5 % so với thành tích của năm 2014. Trong ba tháng qua, chỉ số tiêu thụ tại Brazil không ngừng bị sa sút, trong lúc lạm phát lại tăng nhanh hơn dự kiến và đồng real mất giá đến 36 % so với đô la. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Rủi ro bất ổn định trong xã hội ngày càng lớn.

Vẫn theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, do là một nhà xuất khẩu lớn về nguyên và nhiên liệu, nông phẩm, lĩnh vực  khoáng sản đến đậu nành, ngũ cốc … Brazil trông thấy nguồn thu nhập bị thu hẹp lại khi giá cả trên thị trường của tất cả các mặt hàng nói trên đổ dốc.

Các dự phóng của Ngân hàng trung ương Brazil hay của Ủy ban Kinh tế khu vực Châu Mỹ La Tinh và vùng biển Caribê cũng không mấy lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của Brazil. Trong quý 2/2015 kinh tế Brazil lâm vào suy thoái, gần 8 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm và đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ năm 2009 tới nay. Vẫn theo thống kê của Ngân hàng trung ương Brazil, lạm phát tăng lên tới 9,5 % vào cuối năm 2015, cao gấp đôi so với mục tiêu được chính quyền ấn định.

Thêm vào đó trong 9 tháng đầu năm nay, đơn vị tiền tệ của Brazil đã mất 36 % trị giá so với đồng đô la Mỹ. Hàng nhập khẩu vào Brazil càng thêm đắt đỏ. Trong những điều kiện đó người dân Brazil, đặc biệt là những thành phần ủng hộ đảng Lao động của nữ tổng thống Dilma Rousseff càng cảm thấy họ bị bỏ rơi như phân tích của giáo sư Stéphan Monclaire, chuyên gia về Brazil và châu Mỹ La Tinh, giảng dậy tại đại học Sorbonne-Paris và tại Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội EHESS :

« Cử tri có truyền thống bỏ phiếu ủng hộ đảng Lao động nay đã thất vọng. Họ thất vọng khi thấy đảng này đang rời xa với những lý tưởng ban đầu. Lý tưởng đó là gì ? Từ đầu những năm 1980 đảng này có ý tưởng cùng xây dựng một xã hội có một sự tương trợ lẫn nhau, nâng đỡ người nghèo. Nhưng từ đó tới nay đảng này đã từng bước thiên dần về phía giới chủ, phía các nhà tư bản. Dù vậy dưới hai nhiệm kỳ của tổng thống Lula đã có nhiều tiến bộ. Trong thời gian đó, Brazil đã thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xóa bớt được một số bất công xã hội.

Nhưng nhìn chung, Brazil không đi theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, mà lại có khuynh huớng đi theo thuyết tân tự do. Thế rồi các nhà cầm quyền dưới thời tổng thống Lula trước đây hay dưới thời của bà Dilma Rousseff đã có một số quyết định kinh tế gây nhiều tranh cãi.

Brazil là một xã hội phức tạp. Cựu tổng thống Lula đã thành công ở một số phương diện mà bà Rousseff không đạt được do ông lên cầm quyền trong giai đoạn khá thuận lợi (2003-2010). Hơn nữa ông Lula cũng là một chính trị gia lão luyện, ông rất khôn khéo, không làm phật lòng giới tư bản, mà còn khuyến khích họ làm giàu, đồng thời chính phủ trợ giúp người nghèo, để họ thoát khỏi cảnh bần cùng. Chính quyền đã tài trợ được các chương trình xã hội tốn kém đó nhờ vào các thành quả kinh tế tốt đẹp. Đương kim tổng thống Dilma Rousseff không có được sức thuyết phục của Lula, và cũng không có được cái uy của ông ».

Nhưng trong tám cầm quyền thành tựu lớn nhất của tổng thống Lula da Silva là 28 triệu dân thoát khỏi cảnh bần cùng, 40 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và nhất là Brazil đã đứng vững trước cơn bão tài chính 2008-2009. Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2/2010 vinh danh ông Lula da Silva là nhà « vô địch thế giới trong việc xóa đói » cho một phần nhân loại.Ông là một trong số các nhà lãnh đạo hiếm hoi trên thế giới khi rời khỏi chiếc ghế tổng thống vẫn còn được tới 80 % dân chúng tín nhiệm. Ông cũng đã để lại cho người kế nhiệm một đất nước với 7,5 % tăng trưởng một năm.

Thất vọng của người dân

Vanessa, một nhân viên bán hàng tại Sao Paulo, mỗi ngày mất 4 tiếng di chuyển từ nhà đến chỗ làm. Tới nay cô luôn bỏ phiếu cho đảng lao động nhưng không che giấu thất vọng : cô nói đã bỏ phiếu cho bà Rousseff vì chờ đợi bà tiếp tục quan tâm đến những vấn đề thiết thân đối với dân nghèo, như giáo dục, y tế. Nhưng trong nhiệm kỳ đầu, tổng thống Dilma Rousseff đã không làm gì hơn cho dân. Đó chính là lý do vì sao cử tri quay lưng lại với đảng Lao động, với bà Dilma Rousseff.

Có điều trong 5 năm qua, gần 200 triệu dân phải trực diện với thực tế phũ phàng : Brazil có diện tính lớn gấp 15 lần nước Pháp, là nền kinh tế thứ 7 của thế giới và lại là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Brazil cũng là một quốc gia có mạng lưới công nghiệp phát triển chủ yếu nhờ vào các ngành như công nghệ xe hơi, hàng không dân sự hay dệt may. Thế nhưng trong chu kỳ thịnh vượng trên dưới 10 năm đầu thế kỷ 21, Brazil đã trông chờ quá nhiều vào các hoạt động khai thác quặng mỏ để phát triển mà chủ yếu là để phục vụ cho « cái hòm không đáy » là thị trường Trung Quốc.

Phi công nghiệp hóa và nợ tư nhân tăng cao

Cũng chính nhờ thế mà chính quyền của ông Lula đã có phương tiện tài trợ cho các chương trình xã hội, chống đói giảm nghèo. Trung Quốc trở thành bạn hàng số 1 của ông khổng lồ Brazil. Có điều từ khi cỗ xe kinh tế của Trung Quốc chựng lại thì đã kéo theo Brazil vào vòng xoáy. Bên cạnh đó hơn 10 năm qua cũng là thời gian guồng máy công nghiệp của Brazil bị lơ là, đầu tư giảm sụt trong lĩnh vực công nghiệp. Các tập đoàn sản xuất của Brazil cũng đua nhau di dời cơ sở sản xuất đến những địa điểm có nhân công rẻ.

Song song với hiện tượng phi công nghiệp hóa, thì xã hội Brazil nhờ trở nên thịnh vượng hơn, đã làm quen với cái thú tiêu xài. Trong một thập niên, tỷ lệ nợ của các hộ gia đình đang từ 10 % nhảy vọt lên thành 58 %. Nói cách khác người Brazil bắt đầu ăn tiêu theo kiểu Mỹ. Hậu quả là khi kinh tế bị chững lại, thì nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Giáo sư Stéphane Monclaire, đại học Sorbonne Paris và trường Cao đẳng EHESS tiếc là một quốc gia có nhiều tiềm năng như Brazil đã không tận dụng chu kỳ thịnh vượng để thực sự tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế phát triển :

« Thật là hết sức đáng tiếc, khi kinh tế Brazil, trong những năm tháng thịnh vượng dưới thời của tổng thống Lula đã không tận dụng thời cơ để lành mạnh hóa guồng máy tài chính, để thanh toán bớt nợ công, cắt giảm những khoản chi tiêu công cộng kém kiệu quả và nhất là không để dành được một khoản dự trữ lớn đề phòng khi gặp khó khăn. Để rồi, khi cỗ xe kinh tế của Brazil bị chựng lại, thì nhà nước không còn tiền để tiếp tục tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội. Hậu quả kèm theo tức thời là tầng lớp trung lưu bị đe dọa. Để tiếp tục tài trợ các dự án xã hội tốn kém, chính phủ phải tăng thuế. Nhưng biện pháp này đã vấp phải sự chống đối dữ dội tự phía các thành phần có thu nhập cao ».

Trên thực tế có lẽ cùng một lúc 4 thách thức đang đặt ra cho Brazil. Một là tăng trưởng đang bị tuột dốc, nợ công gia tăng trong lúc thuế thu vào thì giảm sụt. Chính phủ bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu. Hai là nợ chồng chất của tư nhân. Thách thức thứ ba là các chương trình phúc lợi xã hội có nguy cơ bị chìm vào quên lãng khi nhà nước không còn có phương tiện tài chính để đài thọ. Khi đó thì lại có hàng chục triệu người quay lại cảnh bần cùng. Hiện tại có tới 14 triệu gia đình nghèo được trợ cấp để nuôi con và khoản trợ cấp đó mang tính sống còn đối với thành phần này.

Yếu tố thứ tư khiến các giới chức chính trị và tiền tệ tại Brasilia mất ăn mất ngủ là viễn cảnh Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo. Khi đó thì vốn đang được đầu tư tại Brazil sẽ ồ ạt đội nón ra đi. Đồng real chắc chắn sẽ còn bị mất giá. Song song với bốn mối đe dọa nói trên, giá nông phẩm và nguyên nhiên liệu trên thế giới hiện ở mức thấp kỷ lục và điều đó lại càng gây khó khăn cho ông khổng lồ châu Mỹ La Tinh này.

Trước mắt, đại đa số người dân Brazil không chút hào hứng trước viễn cảnh Brazil vào năm tới tổ chức Thế Vận Hội Olympic 2016, sự kiện thể thao được chờ đợi nhất hành tinh.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.