Vào nội dung chính
NGA - SYRIA

Anh quốc chuẩn bị long trọng đón « Hoàng đế đỏ Trung Hoa »

Thời sự Châu Á hầu như vắng bóng trên các mặt báo Pháp. Les Echos quan tâm đến chuyến công du Luân Đôn bốn ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bài viết đề tựa « Tập Cận Bình đến Luân Đôn : Báo hiệu một ‘kỷ nguyên vàng’ trong quan hệ giữa Vương quốc Anh với Trung Quốc ». 

Đường vào điện Buckingham tại thủ đô Luân Đôn ngày 19/10/2015, trang hoàng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đường vào điện Buckingham tại thủ đô Luân Đôn ngày 19/10/2015, trang hoàng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. REUTERS/Suzanne Plunkett
Quảng cáo

Sao đã đổi ngôi. Ngày xưa phương Tây nhào vào xâu xé lãnh thổ Trung Quốc, nay lại phải trải thảm đỏ để đón « Hoàng đế đỏ Trung Hoa », một tấc thảm cũng không được thiếu. Les Echos mỉa mai nhắc lại, khi Thủ tướng Trung Quốc đến thăm Luân Đôn năm rồi, Bắc Kinh đã phàn nàn thảm đỏ trải từ chân máy bay đến sảnh dành cho VIP tại sân bay bị ngắn mất vài mét.

Tuần này, để cho chuyến công du Chủ tịch Tập Cận Bình được chỉnh chu, thảm đỏ sẽ được trải khắp nơi ở Luân Đôn và Manchester, hai thành phố mà Chủ tịch Tập và phu nhân sẽ đến thăm. Một điều nữa có thể sẽ làm cho ông Obama phải ghen tỵ, đó là Luân Đôn sẽ dành Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân mọi sự đón tiếp tráng lệ nhất như trong cổ tích : ngủ tại cung điện của Nữ hoàng Anh – cung điện Buckingham và di chuyển bằng xe ngựa kéo.

Luân Đôn muốn xóa tan đi tảng băng đang đè nặng lên quan hệ đôi bên, kể từ sau việc Thủ tướng David Cameron tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma năm 2012. Nước Anh muốn xem chuyến thăm này của Chủ tịch Trung Quốc như là sự khởi đầu cho một « kỷ nguyên vàng » quan hệ song phương.

Đối với Bắc Kinh, đây là cơ hội mới để thúc đẩy « một trật tự thế giới mới ». Cứ mỗi một chuyến công du, như là chuyến đi Hoa Kỳ chẳng hạn, nhân vật số 1 Trung Quốc biện hộ cái lý lẽ cho những nước mới trỗi dậy, đặc biệt là cho chính Trung Quốc, với mục đích có được sự nhìn nhận nhiều hơn của thế giới về vị thế kinh tế của Trung Quốc.

Về điểm này, Bắc Kinh biết là sẽ tìm được sự ủng hộ từ Vương quốc Anh. Đã đến lúc Trung Quốc phải nhận lời chuyến đi thăm này, và Tập Cận Bình sẽ chỉ thăm Vương quốc Anh trong tuần này thôi. Bởi vì, Luân Đôn đã biết dẹp qua một bên những lời chỉ trích về Hồng Kông, Tây Tạng hay như Nhân quyền.

Les Echos lưu ý là ngoài vấn đề hâm nóng quan hệ đôi bên, David Cameron còn hy vọng một cơn mưa thỏa thuận kinh tế, đặc biệt là vào ngày thứ Tư 22/10 tới đây, nhân kỳ « business summit » tại City. Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư thứ tư tại Anh sau Hoa Kỳ, Pháp và Ấn Độ.

Luân Đôn hy vọng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đến đầu tư tại Anh trong nhiều lĩnh vực ngân hàng, cảng hàng không, năng lượng, bất động sản, chế biến thực phẩm…Các chuyên gia ước tính hơn 100 tỷ bảng Anh từ nguồn vốn Trung Quốc sẽ đổ dồn vào Anh từ đây đến năm 2025. Ngược lại, Anh quốc cũng hy vọng phát triển hơn nữa ngành xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nga cứu đồng minh Syria để bảo vệ lợi ích tại Địa Trung Hải

Kể từ khi quyết định dấn thân vào cuộc chiến tại Syria ngày 30/09/2015, quân đội Nga đã gia tăng các chiến dịch quân sự không những trên không mà cả trên bộ. Lần đầu tiên từ ¼ thế kỷ nay, Matxcơva đưa quân đi can thiệp xa ngoài vùng ảnh hưởng thuộc khối Xô viết cũ. Báo Le Monde, số ra cho hai ngày Chủ Nhật 18 và thứ Hai 19/10/2015 đặt một câu hỏi lớn trên trang nhất « Vì sao Putin gây chiến tại Syria ? »

Không chỉ tăng cường trên mặt trận quân sự, Nga còn gia tăng các hoạt động ngoại giao, liên tiếp tổ chức các cuộc gặp với các lãnh đạo vùng Trung Á và Trung Cận Đông. Mà đỉnh điểm của sự tăng cường hoạt động ngoại giao đó là bài diễn văn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 28/09/2015, kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế chống quân thánh chiến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.

Câu hỏi đặt ra : Đâu là nguyên nhân chính của hành động can thiệp này ? Tổng thống Putin đã không giấu giếm và thẳng thắn khẳng định trong một cuộc phỏng vấn là để cứu Bachar Al-Assad, đồng minh cuối cùng của Nga trong khu vực.

Nhưng theo Le Monde, Putin cứu Assad không vì sự gắn bó với một con người ông chẳng mấy thân quen mà là vì trước hết để bảo vệ toàn vẹn một quân cờ cần thiết  khi cần dùng vào gây áp lực trên các bàn đàm phán tới đây trong việc xử lý khủng hoảng Syria. Kế đến là để dập tắt các cuộc phong trào cách mạng màu (trong khối Xô viết cũ) và phong trào Mùa xuân Ả Rập mà ông Putin đánh đồng với sự thao túng của phương Tây.

Cứu được chế độ Syria, Matxcơva cũng cứu được khu căn cứ quân sự của mình tại Tartous, hải cảng quân sự Nga duy nhất tại vùng Địa Trung Hải. Một khu vực giàu nguồn năng lượng, lắm xung đột nhưng mang tính chiến lược. Bởi vì Syria và Irak là khu vực tập trung đông đảo quân thánh chiến đến Chechnya hay từ những vùng phụ cận của khối Xô viết cũ. Và đây cũng chính là một mối bận tâm lớn của Nga.

Matxcơva muốn khẳng định như là một cường quốc

Tuy nhiên, tất cả những lý do trên cũng chưa đủ giải thích cho hành động tham chiến của Nga tại Syria. Theo phân tích của chuyên gia Fiodor loukianov, giám đốc tạp chí Russia in Global Affairs : « Điện Kremli tiến hành các chiến dịch quân sự ngoài lãnh thổ, không vì động cơ gìn giữ hòa bình, mà vì những lý do chiến lược ».

Nếu như xung đột tại Ukraina là một bước để Matxcơva khẳng định khả năng gây ảnh hưởng lên khu vực, thì hồ sơ Syria đã bổ sung cho Nga một khả năng nữa : Lấp khoảng trống ngày càng lớn do Hoa Kỳ để lại trong khu vực Trung Cận Đông kể từ khi ông Obama lên cầm quyền năm 2008.

Theo quan sát của chuyên gia Alexandre Choumiline, giám đốc Trung tâm phân tích các cuộc xung đột tại Trung Cận Đông, tại Matxcơva, « Người Ả Rập cảm thấy thất vọng về Hoa Kỳ và các đối tác của họ. Ông Putin đã cảm nhận rõ sự yếu kém của ông Obama. Tổng thống Nga đánh hơi thấy rằng giải Nobel Hòa bình 2008 đã trói tay ông Obama. Và vì thế Putin đã biết cách khai thác tối đa thỏa thuận về việc dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria. Do đó, cùng lúc để chứng tỏ cho thấy sự yếu kém về chiến lược của Hoa Kỳ, nhưng cũng để hợp pháp hóa một phần chế độ Bachar Al-Assad, trở thành một đối tác cho thỏa thuận đó ».

Cuối cùng bài viết cho rằng ý muốn trở lại thành cường quốc còn cho phép ông Putin một chân trấn giữ xã hội Nga, đang bị suy yếu do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vốn dĩ đã có trước khi Châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra các lệnh trừng phạt, chống lại việc sáp nhập vùng Crimee vào Nga và can thiệp vào cuộc xung đột tại vùng Donbass, đông Ukraina.

Assad và Daech : Mối quan hệ mờ ám

Cũng liên quan đến tình hình Syria, nhật báo Kinh tế Les Echos, tóm tắt lại một bài viết trên tờ Financial Times đề tựa « Những phi vụ mờ ám của Assad với Daech ».

Một liên quân quốc tế với sự tham gia của hơn 60 quốc gia với gần 11.000 vụ oanh kích nhưng vẫn không thể nào làm suy giảm được kho báu chiến tranh của quân khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Một kho báu chủ yếu có được từ nguồn thu dầu khí, ước tính mỗi năm mang về cho tổ chức này hơn 500 triệu đô-la.

Theo nội dung chuỗi bài viết về cuộc chiến tại Syria của Financial Times, quân thánh chiến kiểm soát một vùng lãnh thổ cho phép khai thác mỗi ngày 1,53 triệu thùng dầu thô. Và từ lâu người ta đã nghi ngờ có sự thông đồng giữa Daech và chế độ Syria, thông qua các thỏa thuận bí mật.

Các tiết lộ của Financial Times cho là sự hợp tác mạnh nhất giữa đôi bên là trong lãnh vực khai thác khí đốt. Nguồn năng lượng này có thể cung cấp đến khoảng 90% nguồn điện cho cả đôi bên. Nhưng thỏa thuận thương mại cũng không đồng nghĩa với một lệnh ngừng bắn. Daech và chế độ Assad vẫn tiếp tục giao tranh lẫn nhau.

Tờ Finacial Times kể lại cơn ác mộng của một thanh niên Syria 25 tuổi, từng làm việc tại Trung tâm khai thác khí Tuweinan với mức lương 80 đô-la/ngày. Trung tâm này là một sự liên doanh giữa chính phủ Assad với người của quân Daech.

Trung tâm khai thác này nằm ở phía bắc Palmyra, nằm gần một khu căn cứ quân sự của Syria, mà cách đây vài tháng quân IS đã giết chết hàng chục binh sĩ ở đây. Chế độ Assad lên án ầm ĩ hành động bạo tàn đó để khẳng định là không có thỏa thuận ngầm nào với IS.

Nhưng chủ nhân của một công ty năng lượng Syria khẳng định với tờ Financial Times « đó là những thỏa thuận giống như là những kiểu thỏa thuận của mafia Chicago trong những năm 1920. Người ta giết lẫn nhau, đánh lẫn nhau để gây ảnh hưởng lên thỏa thuận, nhưng không bao giờ chấm dứt hoàn toàn ». Les Echos kết luận : « Ngày tàn của IS hẳn cũng còn xa vời ».

Biến đổi khí hậu : Bangladesh có nguy cơ mất đất

Nhật báo Le Monde có một bài phóng sự về cuộc sống vốn dĩ đã quá vất vả của người dân ở phía bắc Bangladesh, nay lại còn khó khăn hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Mức nước dòng Brahmaputra mỗi ngày một dâng cao do băng tan chảy trên đỉnh Himalaya, nuốt chửng các đảo nhỏ và các khu dân cư.

Trung bình cứ mỗi 12 năm, có một đảo nhỏ trên dòng sông này bị biến mất. Cuộc sống của người dân tại đây chỉ là tạm bợ, không ổn định. Không có gì có thể mọc được ở trên thượng nguồn. Hiện tượng đất xói mòn buộc khoảng từ 500 ngàn đến một triệu người hàng năm phải di dời. Với nhịp độ trái đất ấm dần như hiện nay, Bangladesh – một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh, có lẽ sẽ phải bị mất đến 17% diện tích lãnh thổ từ đây cho đến năm 2050 và phải xử lý từ 13 – 40 triệu người di tản vì khí hậu.

Pháp vinh danh đạo diễn Martin Scorsese

Trong lãnh vực văn hóa, báo Pháp nói nhiều đến sự kiện Liên hoan Ánh sáng (Festival Lumière) diễn ra tại Lyon cuối tuần vừa qua. Liên hoan này nhằm vinh danh những nhà điện ảnh và hãng phim dấn thân trong việc phục hồi những bộ phim lớn bị đe dọa biến mất.

Giải thưởng Ánh sáng năm nay được trao cho đạo diễn Mỹ Martin Scorsese. Nhân dịp này, ông cũng loan báo cho biết đang chuẩn bị thực hiện bộ The Irishman, với diễn viên Robert de Niro, câu chuyện về một giết mướn làm việc cho một băng đảng người Ý. Lần hợp tác cuối cùng giữa đạo diễn người Mỹ với diễn viên de Niro là cách đây 20 năm.

Cũng trong thời gian, ông sắp hoàn tất bộ phim The Devil in the White City, với ngôi sao màn bạc Leonardo DiCaprio, nói về một tên sát nhân hàng loạt. Bên cạnh đó, Martin Scorsese cũng loan báo bộ phim tài liệu về Bruce Springsteen có thể sẽ sớm xuất xưởng. Một bộ phim rất được giới hâm mộ nhạc rock trông đợi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.