Vào nội dung chính
NGA - TRUNG ĐÔNG - CHÂU ÂU

Mục tiêu chiến lược của Putin ở Trung Đông là phương Tây ?

Những ngày qua, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria tiếp tục khiến thế giới phương Tây sững sờ bởi quy mô và hiệu quả của nó. Lãnh đạo điện Kremlin dường như đã đạt được mục tiêu đưa nước Nga trở lại trường quốc tế với vị thế mới.

Tổng thống Putin và Tổng thống Obama gặp gỡ bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, ngày 18/06/2015.
Tổng thống Putin và Tổng thống Obama gặp gỡ bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, ngày 18/06/2015. AFP PHOTO/Jewel Samad
Quảng cáo

Trang "Ý tưởng và Tranh luận" của nhật báo kinh tế Les Echos ra ngày 16/10/2015 có bài phân tích mang tiêu đều : «Trung Đông : Điều mà Putin đang tìm kiếm thực sự » của tác giả Benjamin Quenelle, thông tín viên của tờ báo tại Matxcơva.

Mở đầu bài viết tác giả trích dẫn câu trả lời điện thoại năm 2003 của ông Vladimir Putin, khi được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, George W. Bush, thông báo Hoa Kỳ tấn công Irak. Theo lời kể lại của một nhân vật gần gũi với Tổng thống Nga khi đó, ông Putin nói : « Cảm ơn George đã báo cho tôi. Nhưng các vị đang mắc phải một sai lầm lịch sử ở Irak, điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong khu vực về lâu về dài ».

Mười hai năm sau, Nga mở chiến dịch quân sự lớn vào khu vực Trung Đông. Lần này, Matxcơva biện minh cho cuộc can thiệp vào Syria là do tính cấp thiết phải lập lại trật tự tại Trung Đông đang bị tàn phá do chính sách tai hại của các nước phương Tây. Ông Putin đã không tiếc tay tung vào cuộc chiến ở Trung Đông những phương tiện vũ khí hiện đại nhất để biểu dương sức mạnh của nước Nga và dường như là để đưa ra cho phương Tây một bài học.

Theo tác giả bài viết, thì hành động quân sự đó hoàn toàn mâu thuẫn với các phát ngôn ngoại giao của Nga, vẫn luôn chỉ trích mọi sự can thiệp của phương tây vào Trung Đông. Nhưng lúc này điều cấp bách nhất đối với Matxcơva là cứu Bachar al-Assad, cứu chế độ Damas đang có nguy cơ bị tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm nổi dậy tiêu diệt.

Ngoài ra, theo Les Echos, Matxcơva có thể cũng lo ngại khả năng hàng ngàn chiến binh thánh chiến trở về nước Nga. Theo nhật báo kinh tế, có khoảng từ 2.000 đến 7.000 thanh niên Nga đã đến Syria tham gia các nhóm thánh chiến. Đây quả thực là một mối đe dọa không nhỏ đối với nước Nga vốn vẫn phải đối phó thường trực với các lực lượng ly khai Hồi giáo ở Kavkaz, Tchernia. Đúng là mối đe dọa đối với an ninh của Nga là có thật. Nhưng với việc triển khai quân sự lớn như vậy, Kremlin hy vọng sẽ thành công ở khu vực mà liên minh phương Tây, cho đến giờ, vẫn tỏ ra bất lực, nếu không muốn nói là thất bại.

Tác giả bài viết phân tích, chiến thuật mà Putin đang tiến hành tại Syria, cũng như thành công mà ông đạt được trong vụ sáp nhập Crimée hồi đầu năm 2014, khiến phương Tây ngã ngửa vì bất ngờ. Ban đầu Kremlin phủ nhận gia tăng hiện diện quân sự, cùng lúc vẫn chuẩn bị tham chiến, để rồi đi đến khẳng định, đặt phương Tây vào sự đã rồi.

Tác giả nhận định, vẫn ám ảnh với cái chết của Kadhafi tại Libya, Vladimir Putin đặt sự sống còn của Bachar al-Assad là vấn đề quan trọng. Kremlin luôn kêu gọi một liên minh quốc tế rộng rãi dưới sự điều phối của Liên Hiệp Quốc, nhưng đó là liên minh với quân đội của Damas. Song phương Tây không chấp nhận đề xuất này.
Những người lạc quan trong giới ngoại giao châu Âu giờ chỉ còn hy vọng là sau chiến dịch can thiệp quân sự, ông Putin sẽ là người duy nhất có thể điều khiển sự ra đi của Bachar al-Assad. Bài báo kết luận, Kremlin đưa ra mục tiêu rõ ràng là : Nước Nga trở lại Trung Đông và chấm dứt bị cô lập với quốc tế từ khi khủng hoảng Ukraina nổ ra.

Biển Đông : Căng thẳng tập trung vào Mỹ-Trung

Chuyển qua với thời sự châu Á. Le Figaro chú ý tình hình ở Biển Đông với sự kiện Hoa Kỳ tuyên bố sẽ đưa tầu chiến tuần tra vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp trong các khu vực đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Minh họa cho bài viết « Bắc Kinh-Washington : Cái bẫy ngoài khơi Biển Trung Hoa (Biển Đông) », Le Figaro đăng tấm bản đồ toàn vùng Biển Đông với các đường ranh giới đòi hỏi chủ quyền của 6 nước liên quan. Trong đó độc giả có thể thấy rõ là toàn bộ các đường chủ quyền của 5 nước nhỏ đều nằm lọt trong khu vực đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, được bao bằng đường ranh giới vẫn được gọi là « đường lưỡi bò ».

Tờ báo cho biết, có 3,5 triệu km biển đang nằm trong tranh chấp giữa : Trung Quốc, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các tranh chấp chủ quyền này vốn dĩ đã rắc rồi lại càng trở nên phức tạp khi khu vực này nằm trên con đường hàng hải quốc tế quan trọng của thế giới gắn liền lợi ích của nhiều cường quốc.

Chính vì thế mà Hoa Kỳ không thể làm ngơ trước việc làm của Trung Quốc, ỷ thế mạnh ngang nhiên lấn biển, án ngữ con đường thông thương quốc tế. Le Figaro ghi nhận với việc thông báo cho tầu đi tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp do Trung Quốc chiếm giữ và cải tạo, Hoa Kỳ đang thách thức Trung Quốc ngay tại sân sau.

Le Figaro trích dẫn lại tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khi thông báo hải quân Mỹ chuẩn bị tuần tra trong vùng hải phận quốc tế tại Biển Đông, tức là áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp.
Ông Carter tuyên bố : « Không một ai được phép nhầm lẫn, Hoa Kỳ sẽ cho máy bay và tàu bè đi lại ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi đã làm ở khắp nơi trên thế giới. Biển Đông không phải là ngoại lệ ». Theo Le Figaro thì lời cảnh báo này rõ ràng là nhắm tới Bắc Kinh, hiện vẫn đòi chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi có 30% lượng hàng hóa buôn bán của cả thế giới đi qua.

Sau khi nhắc lại sự việc các hình ảnh vệ tinh gần đây liên tục tố cáo Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa nhằm biến thành tiền đồn quân sự, Le Figaro nhận định, Washington và các nước trong vùng đang lo ngại Trung Quốc sử dụng vũ lực để kiểm soát con đường hàng hải tấp nập nhất thế giới.

Tất nhiên Bắc Kinh không thể bỏ qua động thái của Washington. Trong những ngày qua, phát ngôn viên Ngoại giao Trung Quốc liên tục đưa ra những tuyên bố phản ứng mạnh mẽ trước thông báo của bộ Quốc phòng Mỹ, tố cáo Washington đang làm dấy lên căng thẳng. Thậm chí, báo chí chính thức còn kêu gọi Bắc Kinh phải đáp trả mạnh mẽ nếu hải quân Mỹ tuần tra như thông báo.

Miến Điện : Ngừng bắn nhưng không dập tắt được xung đột sắc tộc

Tiếp tục với đề tài châu Á, nhật báo Le Monde dành trang báo lớn nói về Miến Điện sau sự kiện ngày hôm qua, chính phủ nước này đã ký được thỏa thuận ngừng bắn với thủ lĩnh của tám nhóm nổi dậy người sắc tộc thiểu số.

Như vậy là sau hàng chục năm xung đột nội chiến chính phủ Miến Điện mới đạt được một thỏa thuận ngừng chiến với các phe nổi dậy vũ trang, nhất là khi Miến Điện đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội cực kỳ quan trọng vào ngày 8/11 tới đây.

Tuy nhiên, theo nhận định của Le Monde, bản thỏa thuận mang ý nghĩa lịch sử vừa ký được vẫn mang dáng dấp thất bại, không thể giải quyết được các cuộc xung đột ở miền bắc Miến Điện. Le Monde cho biết, thỏa thuận đã được ký ngày hôm qua tại thủ đô hành chính Naypyidaw trong một buổi lễ long trọng trước sự chứng kiến của đại diện các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng, vẫn còn 13 nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy không tham gia vào thỏa thuận. Trong đó có những nhóm không chịu bắt tay với chính phủ, hay những nhóm bị chính phủ gạt ra ngoài tiến trình hòa bình, thí dụ như nhóm sắc tộc có gốc gác người Hoa trong vùng Kokang. Trong khi đó, các nhóm sắc tộc nổi dậy lại có những mối liên hệ phức tạp, đan chéo nhau ; Miến Điện là nước có tới 135 dân tộc thiểu số, chiếm 1/3 dân số đất nước.

Vẫn liên quan tới sự kiện trên với ghi nhận tương tự, Le Figaro quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Miến Điện. Theo nhật báo, chiến dịch tranh cử đang diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Người Hồi giáo, đặc biệt là những người thiểu số Rohingya, không được phép ra ứng cử và là mục tiêu tấn công của nhiều phong trào Phật giáo cực đoan. Nhà dân chủ đối lập Aung San Suu Kyi thì bị tố cáo đã quay lưng lại với người Hồi giáo do sợ bị ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội thắng cử.

Bảo tàng về Con Người tại Paris mở cửa trở lại

Kết thúc mục điểm báo hôm nay là thông tin Viện bảo tàng về Con Người (Musée de l’Homme) tại Paris bắt đầu mở cửa trở lại, sau hơn bốn năm trùng tu. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng đối với người Pháp được hầu hết các báo quan tâm thông tin.

La Croix cho biết : Được lập nên từ năm 1938, sau một thời gian dài 6 năm đóng cửa và thậm chí suýt nữa bị đóng cửa vĩnh viễn, bắt đầu từ ngay 17/10/15, Bảo tàng về Con Người mở cửa đón khách tham quan trở lại. Trên diện tích 2.500 m2, Bảo tàng về Con Người nằm ngay trung tâm du lịch của thủ đô Paris, trên quảng trường Trocadeo, cách Tháp Eiffel chỉ vài trăm mét. Khách tới thăm bảo tàng sẽ được tham gia vào cuộc du hành ngược thời gian, từ điểm khởi thủy của loài người cho tới hiện tại để thấy được sự đa dạng, tính thích ứng của con người trong quá trình tiến hóa hàng nghìn năm.

Khách thăm quan sẽ được giải đáp một phần cho những câu hỏi muôn thuở : « Chúng ta từ đâu tới ? »« Chúng ta sẽ đi về đâu ? » hay với hơn 7 tỷ con người sống trên Trái Đất, làm sao có thể duy trì được nguồn tài nguyên của chúng ta ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.