Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nobel Hòa bình: Đoàn kết và đối thoại, bí quyết thành công của Tunisia

Đăng ngày:

Ngày 09/10/2015 vừa qua, giải thưởng Nobel Hòa bình đã được trao cho Bộ Tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia do những đóng góp quyết định cho tiến trình dân chủ, trong một xã hội bên bờ vực nội chiến, trong bối cảnh hầu hết các phong trào dân chủ hóa trong vùng đều hoặc rơi vào bế tắc, hoặc bạo lực vượt tầm kiểm soát. Bộ Tứ nói trên đã mang lại những đóng góp cụ thể gì cho xã hội Tunisia ? Và rộng hơn, những bài học nào có thể rút ra từ các nỗ lực của nhóm cho việc xây dựng một xã hội dân chủ, pháp quyền hậu Cách mạng ?

Bộ Tứ (bàn bên phải) trong một Hội nghị Đối thoại Dân tộc, thủ đô Tunis, 05/10/2013. Tổng thống Moncef Marzouki ở bàn trái.
Bộ Tứ (bàn bên phải) trong một Hội nghị Đối thoại Dân tộc, thủ đô Tunis, 05/10/2013. Tổng thống Moncef Marzouki ở bàn trái. REUTERS/Zoubeir Souissi
Quảng cáo

Một số chuyên gia so sánh tầm cỡ của cuộc Cách mạng tại Tunisia, biến cố đầu tiên trong làn sóng phong trào Mùa Xuân Ả Rập, với sự kiện bức tường Berlin sụp đổ cách này một phần tư thế kỷ, với kết cục là nền dân chủ thay thế chế độ độc tài cộng sản tại Đông Âu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng để thành công, phong trào dân chủ hóa tại các quốc gia Ả Rập gặp phải những khó khăn nan giải hơn rất nhiều : Tunisia có thể coi là một ngoại lệ duy nhất, một xã hội hết sức may mắn có cơ hội sống sót, khi mà làn sóng bạo lực và nền cai trị độc tài trùm lên hầu hết các quốc gia Mùa Xuân Ả Rập, như Ai Cập, Libya hay Syria.

Mùa hè 2013, vào đúng thời điểm mà chính quyền dân cử của Tổng thống Morsi thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo bị quân đội lật đổ, Tunisia, do chính phủ đảng Hồi giáo Ennahdha nắm quyền, bắt đầu khởi sự cho một giai đoạn chuyển tiếp hết sức bất trắc và khó khăn.

Thành công đầu tiên của giai đoạn này là sự ra đời một bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trong thế giới Ả Rập vào đầu năm 2014, mở đường cho các cuộc bầu cử dân chủ, và cho việc thiết lập một chính quyền có đủ uy tín và thực lực để điều hành đất nước. Bộ Tứ Đối thoại Dân tộc đã đóng vai trò quyết định trong giai đoạn bản lề này.

Trước khi giới thiệu những đóng góp cụ thể của Bộ Tứ, xin mời quí vị theo dõi một số phản ứng tại Tunisia, sau khi giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 chính thức có chủ nhân.

Nếu không có Bộ Tứ…

Asma Belkacemn, một nữ luật sư trẻ tại Tunis, thủ đô Tunisia, chia sẻ với phóng viên RFI cảm tưởng của cô trước tin vui này :

« Chúng tôi rất tự hào, rất vui sướng, rất hạnh phúc. Tôi tin rằng giải thưởng này là hết sức xứng đáng. Bởi vì tất cả chúng tôi đã nỗ lực cho điều đó kể từ Cách mạng. Thành công đã đến, chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi gần như khởi sự từ số không, chúng tôi rất vui sướng vì kết quả hiện tại ».

Về phần mình, ông Mouldi Jendoubi, Trợ lý Tổng thư ký nghiệp đoàn UGTT, một trong bốn tổ chức của Bộ Tứ Đối thoại Dân tộc bày tỏ (xem thêm bài "Tunisia vui sướng với giải Nobel mà họ không còn trông đợi nữa", RFI, ngày 10/10/2015) :

« Cá nhân tôi rất xúc động bởi giải thưởng này. Riêng về phần mình, tôi xin gửi niềm vinh dự này đến linh hồn những người Tunisia đã hy sinh vì Cách mạng Tunisia ».

Về sự kiện này, ông Mohamed Fadel Ma Hfoudh, người đứng đầu liên đoàn luật sư Tunisia, và là người phát ngôn của nhóm Đối thoại Dân tộc, đánh giá :

« Tôi cho rằng đây là một thông điệp gửi đến mọi người Tunisia. Bộ Tứ có thể nói là ý thức dân sự của Tunisia. Họ đã hành động để cho giới chính trị, xã hội dân sự ngồi lại được với nhau quanh bàn hội nghị, để cuối cùng giải quyết được trở ngại, các vấn đề chính trị (…). Không có Bộ Tứ, tôi cho rằng quá trình chuyển tiếp sẽ diễn ra một cách khó khăn hơn, một cách đau đớn hơn, và chậm hơn ».

Nghĩ về quá khứ, để hướng đến hiện tại và tương lai, người đứng đầu liên đoàn luật sư Tunisia cho biết thêm :

« Tôi cho rằng đây là một quá trình chuyển đổi thành công. Với tư cách là thành viên của xã hội dân sự, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy cảnh giác, hỗ trợ tiến trình dân chủ, nhằm khẳng định một cách chắc chắn Nhà nước pháp quyền, Nhà nước bảo vệ các quyền tự do của con người, tóm lại là một Nhà nước dân chủ.

Cần phải hỗ trợ tiến trình này, bằng các tiến trình cải cách khác. Cải cách kinh tế, các dự án văn hóa, và tất nhiên là chiến đấu chống lại các hình thức bạo lực, chủ nghĩa khủng bố, là những thế lực đe dọa toàn thế giới, chứ không chỉ Tunisia. Chúng tôi cần đến một sự ủng hộ tinh thần mạnh mẽ, đồng thời cả về tài chính, để cho kinh tế có thể được chấn hưng.

Bài học của Tunisia có thể được nhiều người học hỏi, nhưng tôi cũng biết là mỗi quốc gia đều có những điểm riêng. Tôi hy vọng mỗi dân tộc có thể tìm được một con đường đối thoại, nhất là tránh được bạo lực cực đoan, chiến tranh ».

Cầu nối giữa xã hội dân sự và giới chính trị

Để hiểu rõ hơn về những đóng góp cụ thể của Bộ Tứ Đối thoại Dân tộc, chúng tôi tìm đến nhà chính trị học Khadija Mohsen-Finan, giảng viên Đại học Paris I, chuyên gia về khu vực Bắc Phi. Bà cho biết chi tiết :

« Đúng là phần thưởng này khiến mọi người đều ngạc nhiên. Cách mạng Tunisia đã hơi lùi xa và người Tunisia hiện đang chìm trong rất nhiều khó khăn của giai đoạn chuyển tiếp, với một nền kinh tế đình trệ, tỉ lệ thất nghiệp rất cao, và các vấn đề an ninh trở thành ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ.

Giải Nobel mang lại niềm tin cho người Tunisia, khi thừa nhận tầm quan trọng và sự độc đáo của đối thoại dân tộc. Sự kiện này cho họ một dịp để quan sát những gì xảy ra trong khu vực : nhiều quốc gia đang rơi vào hỗn loạn, với bạo lực khủng khiếp, nhiều chế độ độc đoán đang được củng cố, nhiều bước thoái lùi quan trọng ở nơi này, nơi khác về nhân quyền, thường là nhân danh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, và hiện tại là chống Daech.

Trong một bối cảnh khu vực như vậy, một kinh nghiệm đối thoại dân tộc thành công đáng được tưởng thưởng, nếu chúng ta thử đặt mình trở lại bối cảnh mùa hè 2013, khi Tunisia lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Cách mạng 2011. Người Tunisia nhìn chung rất bất bình với những gì mà Bộ Ba nắm quyền đã làm (Bộ Ba này bao gồm đảng Hồi giáo Ennahdha, và hai đảng xã hội dân chủ khác).

Dân chúng có cảm giác là, cho dù đã có Cách mạng, nhưng không có bước tiến nào về xã hội và kinh tế cả. Về mặt chính trị, ba đảng phái đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10/2011, đã tỏ ra bất lực và hoàn toàn thiếu kinh nghiệm. Ennahdha thậm chí đã tái lập các hành xử của chế độ cũ, vốn bị lên án trong thời gian cuộc nổi dậy 2011, đó là chủ nghĩa đặc quyền, đặc lợi, hệ thống phân phát bổng lộc dựa vào quan hệ.

Chính vụ sát hại nhắm vào gương mặt biểu tượng thứ hai của cánh tả, ông Mohamad Brahmi vào ngày 25/07/2013, đã châm ngòi nổ cho sự phẫn nộ. Trước đó, chính quyền đã bất lực trong việc tìm ra các thủ phạm vụ sát hại nhà lãnh đạo Chokri Belaid, bị giết ngày 06/02/2013.

Một bộ phận lớn người dân hoàn toàn mất lòng tin vào giới chính trị. Một cuộc tọa kháng lớn đã được tổ chức trước trụ sở Quốc hội lập hiến, và một số nghị sĩ đã từ nhiệm để tham gia vào phong trào bất tuân dân sự, để yêu cầu chính phủ từ chức. Tuy nhiên, chính quyền lúc đó đã cự tuyệt, vì cho rằng họ có chính danh, họ được bầu lên một cách dân chủ.

Chính là trong bối cảnh đó mà bốn tổ chức (bao gồm nghiệp đoàn UGTT, hiệp hội của giới chủ Utica, liên đoàn nhân quyền và liên đoàn luật sư) đã đề xuất giải pháp cho khủng hoảng thông qua đối thoại quốc gia. Sáng kiến của bốn tổ chức này đã được nhiều đảng phái chính đi theo. Các định chế dân sự nói trên được tin tưởng, vì họ giữ khoảng cách với giới quyền lực. Chính nhờ vậy mà các định chế này đã mang lại được một kênh kết nối hết sức quí giá giữa một xã hội dân sự đang rất giận dữ và một tầng lớp chính trị bất lực, mà tính chính đáng của họ có được qua con đường bầu cử đã bị suy giảm mạnh, do hoạt động không hiệu quả.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất ở đây vẫn là tinh thần đối thoại. Một lối thoát cho khủng hoảng đã được xã hội bên dưới đề xuất, và thông qua đối thoại. Điều này cho thấy tập quán dùng sức mạnh và bạo lực chính trị được coi là hợp thức rõ ràng đã đi vào quá khứ ».

Tính chính đáng : đồng thuận qua đối thoại

Nhà chính trị học Khadija Mohsen-Finan cho biết thêm về một số tác động đã dẫn đến sự thỏa hiệp giữa các đảng phái cho một chính phủ quá độ và lịch trình cụ thể để hoàn tất bản Hiến pháp dân chủ.

« Chính sách đối thoại, đưa các đảng phái đối lập vào bàn thương lượng với nhau đã được thực thi, và được tạo điều kiện bởi một số nhà hoạt động, cũng như một số đảng phái chính trị. Lãnh đạo của hai đảng lớn nhất, đã tham gia phong trào. Rached Ghannouchi – lãnh đạo đảng Hồi giáo Ennahdha - đã quan sát được những gì diễn ra tại Ai Cập vào thời điểm đó, với biến cố Tổng thống Morsi bị hạ bệ.

Việc Ghannouchi và Beji Caid Essebssi (lãnh đạo đảng Nidaa Tounès) đến được với nhau cho thấy quyền lực chính trị chỉ có thể được tạo lập trên cơ sở nhân nhượng giữa những người theo quan điểm Hồi giáo và những người không Hồi giáo. Và xã hội dân sự kể từ giờ là một chủ thể không thể thiếu vắng trong đời sống chính trị. Chính xã hội dân sự này đã đặt tính chính đáng thông qua đồng thuận lên vị trí cao hơn tính chính đáng thông qua bầu cử ».

Cuốn « Ngoại lệ Tunisia. Ghi chép về một cuộc quá độ dân chủ đầy sóng gió » (« L’exception tunisienne », Seuil, 2014) của hai nhà báo Nicolas Beau và Dominique Lagarde, đặc biệt chú ý đến vai trò của Bộ Tứ với chương « Sự phục hồi của xã hội dân sự ». Hai tác giả nhấn mạnh : « là hóa thân cho những gì tốt nhất của xã hội dân sự Tunisia, Bộ Tứ đã giải cứu tiến trình dân chủ » của Tunisia.

Cuốn sách nhắc lại một thử nghiệm đối thoại dân tộc bất thành hồi 2012, vì không được một số đảng lớn hưởng ứng. Sứ mạng môi giới đối thoại được nghiệp đoàn UGTT khởi sự trước tiên từ giữa tháng 5/2013, và sau đó được ba hiệp hội khác tham gia. Đảng cầm quyền Ennahdha, sau nhiều lưỡng lự, đã chấp nhận cuộc chơi vào ngày 22/08, gần một tháng sau vụ ám sát nhà đối lập Mohamad Brahmi. Trước đó, ngày 14/08, một cuộc gặp riêng giữa lãnh đạo hai đảng lớn, ông Gannouchi đảng Ennahdha và ông Essebsi, đảng Nidaa Tounès, đã được tổ chức tại Paris.

Điểm mấu chốt được người đứng đầu đảng đối lập khẳng định trong cuộc đàm phán không chính thức là chế độ đa nguyên tại Tunisia không thể trở lui, đảng Hồi giáo là một thành phần không thể thiếu trong chính trường Tunisia, nhưng đảng này không thể áp đặt luật tôn giáo của mình cho toàn xã hội.

Với sự môi giới của Bộ Tứ, đại diện của 21 chính đảng Tunisia được nhóm lại, và tổng cộng khoảng 50 hội nghị như vậy đã được tổ chức. Thủ tướng thuộc đảng Hồi giáo Ennahdha chấp nhận từ chức, để nhường chỗ cho một chính phủ trung lập nhằm đẩy nhanh tiến trình thông qua Hiến pháp, sau nhiều thương lượng hết sức phức tạp và căng thẳng.

Nhờ các áp lực của xã hội dân sự, đặc biệt thông qua Bộ Tứ Đối thoại Dân tộc, Quốc hội lập hiến, được bầu từ cuối 2011, cuối cùng đã thông qua được bản Hiến pháp mới vào tối Chủ nhật ngày 26/01/2014, với 200 phiếu thuận, 12 chống và 6 vắng mặt. Toàn bộ những gì mang tính phân biệt giới tính, hay ý đồ áp đặt charia, luật Hồi giáo, mà nhóm nghị sĩ Hồi giáo bảo thủ muốn đưa vào đã bị loại bỏ khỏi Hiến pháp.

Vượt qua đối kháng ý thức hệ

Nhận xét về ý nghĩa của giai đoạn thương lượng giữa các đảng phái, với môi giới của Bộ Tứ, trong nửa cuối 2013, đầu 2014, trong một so sánh với tình hình hiện tại, nhà chính trị học Khadija Mohsen-Finan nhận xét :

« Việc thiết lập đối thoại quốc gia cho thấy Tunisia đã bước vào một nền văn hóa chính trị mới, nền văn hóa của sự chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, không thể nói đến một sự thay đổi triệt để của xu thế chính trị. Sau cuộc Đối thoại Dân tộc, sau cuộc bầu cử 2014, chúng ta lại chứng kiến sự phân đôi của sân khấu chính trị Tunisia, giữa một bên là những người theo quan điểm Hồi giáo và những người không theo. Mà sự chia rẽ, sự phân đôi như vậy là hoàn toàn ngược lại với tinh thần của Đối thoại Dân tộc ».

Chính quyền ba đảng, do đảng Hồi giáo Ennahdha đứng đầu, sau Cách mạng đã bất lực trong việc điều hành đất nước, trước nạn khủng bố chính trị, cũng như các đòi hỏi chấn hưng kinh tế. Tuy nhiên, đảng Hồi giáo không chấp nhận lui bước, do tự tin được đông đảo cử tri hậu thuẫn. Việc môi giới của Bộ Tứ dẫn tới việc đảng này chấp nhận thoái nhiệm, chấp nhận cuộc chơi dân chủ mới. Trong cuộc bầu cử sau đó một năm, Ennahdha lui xuống hàng thứ hai, và cùng tham gia chính phủ với đảng về đầu. Xu hướng lãnh đạo theo chủ trương độc đoán của Ennahdha tạm thời được loại trừ.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Đối thoại Dân tộc Tunisia không lấy đối thủ chính là một đảng phái chính trị hay tư tưởng tôn giáo nào, dù là tư tưởng cực đoan, mà mục tiêu chính là hướng đến sự đoàn kết mọi người Tunisia, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền cơ bản, không phân biệt ý thức hệ, như nhận định của nhà chính trị học Khadiji Mohsen-Finan.

« Tôi không cho rằng tinh thần của Đối thoại Dân tộc nhắm đến một chiến thắng trước ý thức hệ Hồi giáo toàn trị. Bởi vì ngay chính đảng Hồi giáo Ennahdha Tunisia cũng bao gồm nhiều phe phái. Trong số các nhóm này, chắc chắn có nhóm bảo thủ, muốn áp đặt luật Hồi giáo lên toàn xã hội. Nhưng tôi không tin rằng đây là ý thức hệ của toàn bộ đảng Ennahdha, và tôi cũng không tin rằng lãnh đạo đảng này, ông Garnouchi, đồng tình với quan điểm ấy.

Tôi cho rằng đảng Ennahdha, ngay từ năm 1990, đã hiểu rằng, họ cần đến nền dân chủ, để có thể tồn tại được trên chính trường. Họ cần phải đề cao các quyền căn bản của con người, cho dù chỉ để cho thấy bản thân họ là nạn nhân của việc nhân quyền bị vi phạm. Tôi cho rằng, sở dĩ Đối thoại Dân tộc Tunisia đã thành công, vì tất cả mọi người đều tham gia, cho dù đó là những người theo quan điểm Hồi giáo thuộc Ennahdha, hay những người khác. Tinh thần của Đối thoại Dân tộc là vượt qua sự phân biệt đối kháng lưỡng cực như vậy.

Một ví dụ cho thấy điều này : cuộc tọa kháng trước Quốc hội lập hiến (mùa hè năm 2013) có sự tham gia của những người theo quan điểm Hồi giáo và những người không. Tôi cho rằng sức mạnh của cuộc Cách mạng này, cái tốt lành của cuộc Cách mạng, đó là nó đã không chấp nhận sự chia rẽ. Hiện nay, cần phải rất cảnh giác, vì hai đảng Ennahdha và Nidas Tounès có xu hướng trở lại với chủ trương phân rẽ xã hội ra làm hai nửa như đã nói ở trên ».

***

Vào một thời điểm đặc biệt khó khăn của xã hội Tunisia hậu Cách mạng, Bộ Tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia - một nhóm các tổ chức, vốn có những lợi ích khác biệt, thậm chí mang tính xung đột - đã hợp sức lại để môi giới và đỡ đầu cho đàm phán giữa các đảng phái chính trị. Nhờ các thỏa hiệp có được, Tunisia không rơi vào bạo lực và bế tắc như trường hợp Ai Cập.

Thành công này, bên cạnh những gì được kế thừa từ di sản của nhân loại, có phần sáng tạo rất riêng của Tunisia, của biết bao cá nhân và tổ chức dân sự, nhà hoạt động chính trị, trong đó có đóng góp quyết định của Bộ Tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia. Những đóng góp này ắt hẳn rất cần được hiểu rõ thêm, như nhận xét của một nhà chính trị học Pháp : « Các cuộc Cách mạng Ả Rập : thách đố đối với khoa học chính trị » (Choukri Hmed).

Công chúng cũng đang chờ đợi nhóm bốn tổ chức tinh túy của xã hội dân sự Tunisia tiếp tục sứ mạng của mình trên các lĩnh vực khác. Tinh thần tìm giải pháp qua đối thoại của Bộ Tứ chắc chắn cũng giúp cho chính giới Tunisia tìm được một thái độ công bằng, thỏa đáng với di sản gây tranh cãi của cố lãnh đạo Habib Bourguiba. Người vừa bị lên án là nhà độc tài, lại vừa được ca ngợi là tác giả của những cải cách hết sức quan trọng, làm thay đổi hoàn toàn xã hội Tunisia.

RFI Việt ngữ xin cảm ơn nhà nghiên cứu Khadija Mohsen-Finan.

Tin bài liên quan

Tunisia : Bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên

Tunisia : Các cải cách quan trọng còn ở phía trước

Cửa ải lớn đầu tiên của nền dân chủ Tunisia : Thông qua Hiến pháp mới

Tunisia mở đối thoại quốc gia, sau 3 tháng bế tắc chính trị

Tunisia: Nhà nước bên bờ tan vỡ

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.