Vào nội dung chính
LHQ - NGA - GRUZIA

Chiến tranh Nga-Gruzia : CPI đề nghị điều tra về tội ác chống nhân loại

Tòa án hình sự quốc tế (CPI) hôm qua, 13/10/2015, chính thức yêu cầu mở điều tra về tội ác chiến tranh và chống nhân loại trong thời gian Nga can thiệp quân sự tại Gruzia năm 2008.

Trụ sở Tòa án hình sự quốc tế (CPI), La Haye, Hà Lan
Trụ sở Tòa án hình sự quốc tế (CPI), La Haye, Hà Lan Wikimédia
Quảng cáo

Hãng tin AFP dẫn lời công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (CPI) Fatou Bensouda, trong chiến dịch này, quân đội Nga đã đốt phá nhà cửa của người Gruzia, hàng chục người Gruzia đã bị giết hại, « có thể với sự can dự của quân đội Nga ».

Vẫn theo ông Bensouda, chính quyền Nga có chủ trương quét sạch người gốc Gruzia ra khỏi Nam Ossetia. Dân cư gốc Gruzia giảm tới ba phần tư sau chiến dịch nói trên : từ 13.400 đến 18.500 người đã bị cưỡng bức rời khỏi nơi cư ngụ, hơn 5.000 căn nhà bị phá hủy. Từ 51 đến 113 thường dân đã bị giết trong một chiến dịch do chính quyền Nam Ossetia thân Nga tiến hành.

Bên công tố của Tòa hình sự quốc tế hy vọng, song song với điều tra trên, CPI sẽ mở một điều tra khác nhắm vào các cuộc tấn công « chống lại lực lượng gìn giữ hòa bình », từ phía quân đội Gruzia và cả quân đội Nam Ossetia.

Công tố CPI đã tiến hành thu thập thông tin về các tội ác có thể đã xảy ra trong cuộc chiến tranh này ngay từ năm 2008. Đối tượng của cuộc điều tra được đề nghị là khoảng thời gian từ ngày 01/07/2008 đến 10/10/2008.

Can thiệp quân sự chớp nhoáng của Nga tại Nam Ossetia diễn ra trong 5 ngày hồi tháng 8/2008. Nam Ossetia vốn là một nước tự trị nằm trong Gruzia thời Liên Xô cũ, nhiều lần khẳng định ý muốn độc lập với Gruzia, sau khi Liên Xô tan vỡ. Sau can thiệp quân sự vào  Gruzia, Matxcơva đã kiểm soát Nam Ossetia, trước khi công nhận « nền độc lập » của vùng đất nhỏ bé với diện tích 4.000 km² và khoảng 70.000 dân cư này. Hiện tại chỉ có Nga và một vài nước công nhận Nam Ossetia.

Gruzia là thành viên của Tòa hình sự quốc tế. Tòa án này có thẩm quyền điều tra và xét xử các tội ác nghiêm trọng, trong trường hợp các cơ quan tư pháp quốc gia bất lực hoặc không muốn truy tố thủ phạm. Nếu đề nghị của công tố CPI được chấp nhận, đây sẽ là cuộc điều tra đầu tiên của Tòa hình sự quốc tế về các tội ác xảy ra ngoài Châu Phi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.