Vào nội dung chính
NOBEL HÒA BÌNH

Nobel Hòa bình tiếp sức cho nền dân chủ Tunisia non trẻ

Giải Nobel Hòa bình 2015 hôm qua đã được trao tặng cho bốn tổ chức đã thúc đẩy Đối thoại dân tộc ở Tunisia, giúp cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ đạt thành công. Không chỉ tôn vinh bốn tổ chức này, giải Nobel năm nay còn tiếp sức cho nền dân chủ còn non trẻ của Tunisia, mà hiện đang đối đầu với nhiều mối đe dọa về an ninh, gây tác hại cho kinh tế của nước này.

Các thành viên Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia tại Hội nghị Đối thoại Quốc gia, thủ đô Tunis, ngày 05/10/2013
Các thành viên Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia tại Hội nghị Đối thoại Quốc gia, thủ đô Tunis, ngày 05/10/2013 REUTERS/Zoubeir Souissi
Quảng cáo

Hôm qua, các tổ chức thúc đẩy đối thoại dân tộc năm 2013 cũng như chính phủ nhiều nước đã ca ngợi tiến tình dân chủ duy nhất đạt thành công trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, mà Tunisia là điểm xuất phát từ năm 2011. Nhưng mọi người đều nhấn mạnh đến những thách đố to lớn về an ninh và kinh tế mà Tunisia đang đối đầu.

Một trong những thất bại của các chính quyền nối tiếp nhau cầm quyền ở Tunisia từ năm 2011, đó là đã không ngăn chận được sự trỗi dậy các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan, đã gây ra cái chết của hàng chục du khách ngoại quốc, cũng như binh lính và nhân viên an ninh Tunisia.

Đặc biệt năm nay đã xảy ra hai vụ khủng bố lớn, một ở viện bảo tàng Bardo ( 22 người chết ) vào tháng 3 và một ở bãi biển Sousse ( 38 người chết ) vào cuối tháng 6. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận là tác giả hai vụ khủng bố này. Đến mức mà vào cuối tháng 7, chính quyền Tunis đã phải tái lập tình trạng khẩn cấp, đã từng được ban hành trong thời gian từ tháng 01/2011 đến tháng 03/2014. Biện pháp này chỉ được bãi bỏ vào đầu tháng 10 vừa qua, sau khi tình hình về mặt an ninh đã tạm yên.

Các nước đồng minh của Tunisia, đứng đầu là Hoa Kỳ và Pháp, đã tăng cường hợp tác an ninh với nước này. Tunisia nay được xem là “đồng minh lớn không thuộc NATO” của Washington. Paris thì đã loan báo một chương trình 20 triệu euro để hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm và cơ quan tình báo Tunisia.

Vấn đề là nền kinh tế Tunisia phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch, mà ngành này lại đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Do các vụ khủng bố đẫm máu, số khách đến từ châu Âu đã giảm phân nửa từ tháng 1 đến nay. Nhiều chuỗi khách sạn quốc tế sẽ đóng cửa các khách sạn của họ ở Tunisia trong cả mùa đông.

Hôm qua, ông Béji Caid Essebi, tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ vào cuối năm 2014, sau một tiến trình chuyển tiếp, đã tuyên bố rằng, “chúng ta chỉ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố, nếu chúng ta biết đoàn kết lại". Ông Abdelsatar Ben Moussa, chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Tunisia, một trong bốn tổ chức được tặng giải Nobel Hòa bình 2015, thì cho rằng “vũ khí duy nhất chống khủng bố, đó là đối thoại”.

Tinh thần đối thoại đó đã được Uỷ ban Giải Nobel tuyên dương hôm qua, vì chính nhờ đối thoại mà Tunisia đã xây dựng được nền dân chủ đa nguyên, sau khi Cách mạng Hoa Lài thành công. Báo chí Tunisia hôm nay rất vui mừng trước việc giải Nobel Hoà bình được trao cho bốn tổ chức tham gia Đối thoại Dân tộc, vì giải này “làm sống lại niềm hy vọng” và là một “sự nhìn nhận của quốc tế”, sẽ giúp củng cố nền dân chủ của Tunisia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.