Vào nội dung chính
KHÍ HẬU - TÀI CHÍNH

IMF–Ngân hàng Thế giới : Tiền nào cho khí hậu khi kinh tế trì trệ ?

Khí hậu là một chủ đề chính bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phối hợp với Ngân hàng Thế giới, khai mạc tại thủ đô Pêru từ đầu tuần, qui tụ đại diện của 188 quốc gia. Một câu hỏi lớn ám ảnh hội nghị là lấy đâu ra tiền cho khoản 100 tỉ đô la hàng năm, giúp các nước nghèo đối phó với Biến đổi khí hậu ?

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde tại cuộc họp thường niên của  IMF và Ngân hàng Thế giới, Lima, 08/10/2015.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde tại cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới, Lima, 08/10/2015. REUTERS/Stephen Jaffe/IMF Staff Photo/Pool
Quảng cáo

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nhấn mạnh : Đóng góp đủ 100 tỉ đô la/một năm từ đây tới 2020 là mục tiêu chính, và điều kiện cho sự thành công của COP 21 tại Paris. Theo Bộ trưởng Pháp, vấn đề tài chính cho khí hậu phải được giải quyết 9/10, thậm chí 100% trước Thượng đỉnh Paris, để bảo đảm COP 21 không thất bại, như các kỳ thượng đỉnh trước.

Hãng tin AFP dẫn số liệu của OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, quy tụ 34 nền kinh tế phát triển), theo đó, hiện mới chỉ tập hợp được 62 tỉ đô la tính cho đến cuối 2014. Tuy nhiên, theo bà Isabel Kreisler, chuyên gia về chính sách khí hậu của Oxfam, rất nhiều khoản tiền mà OCDE thống kê không thực sự là tài trợ để đối phó với Biến đổi khí hậu, mà là cho các chương trình kinh tế hay đầu tư thu lời khác.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Tư, 07/10, bày tỏ hy vọng các ngân hàng phát triển quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu) sẽ đóng góp nhiều hơn. Bộ trưởng Tài chính Pháp coi nguồn đóng góp này « có ý nghĩa quyết định ». Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề xuất giải pháp lấy tiền từ thuế cacbon.

Một nhóm khoảng 60 quốc gia được thành lập sẽ tìm kiếm các biện pháp để thu được đủ số tiền dự kiến. Theo các chuyên gia, nhiều chính phủ chưa công bố các khoản đóng góp bổ sung.

Vấn đề khác: Dự án truy thuế 240 tỉ đô la

Nhóm Bộ trưởng Tài chính các cường quốc kinh tế G20 họp tại Lima, hôm nay ra thông cáo chính thức phê chuẩn kế hoạch chống trốn thuế của OCDE, nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia, với hy vọng lấy lại được từ 100 tỉ đến 240 tỉ đô la tiền trốn thuế từ nhiều đại công ty đa quốc gia, đặc biệt của Hoa Kỳ, như Google, Apple hay Starbucks. Theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, các hoạt động trốn thuế này gây thiệt hại khoảng 100 tỉ đô la riêng đối với các nước nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới, những hoạt động như vậy là « một hình thức tham nhũng ».

Cũng tại Pêru, G24 - nhóm 24 nước « nghèo » (bao gồm các quốc gia như Ấn Độ, Côte d’Ivoire, Achentina) – ra thông cáo kêu gọi G20 để cho các nước đang phát triển tham gia « một cách bình đẳng » với các nước giàu trong việc thực thi kế hoạch truy thu thuế khổng lồ nói trên.

Kinh tế trì trệ, bất bình đẳng bị bỏ qua

Vấn đề tìm tiền cho khí hậu và kế hoạch truy thu thuế khổng lồ nói trên không che lấp được nỗi lo ngại chung về mức độ tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu. Theo Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde, tăng trưởng « không đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu việc làm của 200 triệu người hiện nay ». Các nước như Brazil, hay Nam Phi, bị ảnh hưởng nặng nề trực tiếp đặc biệt tăng trưởng Trung Quốc sụt giảm, khiến nhu cầu nguyên nhiên liệu tụt xuống theo.

Trong khi đó, tổ chức chống nghèo đói Oxfam lấy làm tiếc là vấn đề bất bình đẳng đã không có vị trí trong hội nghị quan trọng này, trong khi mà chính Nam Mỹ lại là khu vực bị vấn nạn này ảnh hưởng « trầm trọng nhất ». Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nhấn mạnh : « Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các nước, tất cả mọi người, nhưng nặng nề nhất là các nước nghèo ».

Lần đầu tiên một nước Nam Mỹ đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng thường niên của giới tài chính thế giới, kể từ gần 50 năm nay. Đối với khu vực Nam Mỹ, hội nghị Lima là bước chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới tại Santiago, Chili, trong hai ngày 5 và 6/12/2015, với chủ đề « Các thách thức với tăng trưởng và việc chia sẻ thịnh vượng kinh tế tại Châu Mỹ Latinh ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.