Vào nội dung chính
BỒ ĐÀO NHA - CHÍNH TRỊ

Bầu cử Bồ Đào Nha : Cánh trung hữu có thể thắng

Sau bốn năm thi hành các biện pháp khắc khổ, hôm nay, 04/10/2015, 10 triệu cử tri Bồ Đào Nha được kêu gọi bầu lại Quốc hội. Hai cánh tả và hữu cùng không có triển vọng đạt đa số tuyệt đối.

Cử tri đợi bỏ phiếu tại Massama, Bồ Đào Nha, 04/10/2015.
Cử tri đợi bỏ phiếu tại Massama, Bồ Đào Nha, 04/10/2015. Reuters/路透社
Quảng cáo

Tuy nhiên, liên minh trung hữu của thủ tướng Premier ministre Pedro Passos Coelho có khả năng tiếp tục thêm một nhiệm kỳ thứ hai vì dân Bồ Đào Nha muốn tránh để bị rơi vào trường hợp như của Hy Lạp.

Theo nhận định của thông tín viên đài RFI Marie-Line Darcy từ Lisboa, cử tri Bồ Đào Nha không mấy hào hứng trong cuộc bỏ phiểu lần này :

« Kèn trống, công-phét-ti, không khí các buổi meeting khép lại mùa vận động tranh cử tại Bồ Đào Nha lúc nào cũng như ngày hội. Thế nhưng các chương trình vận động cũng như kết quả bầu cử lần này mang màu sắc khá ảm đạm và bi quan. Theo lời một cử tri, uy tín của các chính trị gia Bồ Đào Nha đã sứt mẻ nhiều, các chính khách thường ‘nói một đằng, làm một nẻo’. Cũng có những người cho biết họ sẽ đi làm bổn phận công dân, đến các phòng phiếu, nhưng để bỏ phiếu trắng, bày tỏ phẫn nộ trước các chính sách khắc khổ. Người dân cảm thấy là họ đã phải hy sinh quá nhiều.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cánh hữu có triển vọng về đầu với khoảng 37 % phiếu ủng hộ, đảng Xã hội chỉ thu thập được chừng độ 33 %. Cử tri Bồ Đào Nha có vẻ như sẵn sàng giữ liên minh cầm quyền lại thêm một nhiệm kỳ. Cũng liên minh này đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng từ bốn năm qua. Giám đốc tờ báo thuộc cánh trung Observador, ông José Manuel Fernandes quan niệm giai đoạn khó khăn nhất đối với Bồ Đào Nha đã thuộc về quá khứ. Dù vậy có nhiều triển vọng là cánh tả cũng như cánh hữu không đạt được đa số tuyệt đối và sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh để điều hành đất nước ».

Kinh tế Bồ Đào Nha liên tục bị suy thoái. Năm 2011 Lisboa dưới sự điều hành của thủ tướng José Socrates - đảng Xã hội, đàm phán với châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để nhận được một gói hỗ trợ 78 tỷ euro. Tương tự như trong trường hợp của Hy Lạp, Bồ Đào Nha cũng phải cam kết tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ. Nhưng khác biệt nằm ở chỗ đến tháng 5/2014 Bồ Đào Nha đã không còn phải ngửa tay xin các nhà tài trợ giúp đỡ.

Công luận xứ này lo ngại, những nỗ lực để đưa Bồ Đào Nha thoát khỏi khủng hoảng và cảnh nợ nần chồng chất sẽ bị tiêu tan nếu để cho đảng Xã hội trở lại cầm quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.