Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Volkswagen, cái giá phải trả để thống lĩnh thị trường xe thế giới ?

Đăng ngày:

Volkswagen bên bờ vực thẳm khi vừa soán ngôi Toyota để trở thành nhà sản xuất xe hơi số 1 của thế giới. Vụ gian lận thông số phát thải của hãng xe Đức khiến toàn bộ ngành công nghệ xe hơi bị ngờ vực. Lừa dối người tiêu dùng phải chăng là hậu quả của chính sách cạnh tranh quá độ ?

Chiếc Golf VII của Volkswagen tại nhà máy Wolfsburg. Ảnh tháng 2/2013.
Chiếc Golf VII của Volkswagen tại nhà máy Wolfsburg. Ảnh tháng 2/2013. Reuters
Quảng cáo

Cách nay 78 năm những chiếc xe đầu tiên của Volkswagen được ra lò từ nhà máy Wolfsburg, cách Berlin khoảng 200 km về phía Tây. Như tên gọi của nó "Volkswagen- chiếc xe của nhân dân" phải là một chiếc xe bình dân, gọn gàng, dễ sử dụng và đáp ứng với nhu cầu của người dân Đức ở vào những năm 1930. Khi nước Đức dưới sự điều hành của nhà độc tài Adolf Hitler tuyên chiến với thế giới năm 1939, cơ sở sản xuất Wolfsburg bị trưng thu để trở thành nhà máy chế tạo vũ khí, đạn dược.

Chiến tranh kết thúc năm 1945 nhà máy Wolfsburg suýt bị đóng cửa. Thế nhưng một viên sĩ quan trẻ tuổi người Anh, Charles Radclyffe, đã nhìn thấy ở chiếc xe Beetle -có hình dáng con bọ hung sản xuất tại Wolfsburg -một con gà đẻ trứng vàng.

Từ năm 1946 trở đi, xe của Volkswagen đã chinh phục được đông đảo người hâm ưa chuộng, từ Hà Lan đến Thụy Sĩ và nhiều nước Châu Âu khác bởi lý do đơn giản : xe có logo ghép từ hai chữ V và W này vừa dễ sử dụng, vừa rẻ, lại vừa bền và nhất là có hình dáng dễ mến của con bọ Beetle. Radclyffe đã không nhầm khi biết rằng, tới đầu thế kỷ 21, cho dù có thay đổi với thời gian Volkswagen đã bán được 21 triệu rưỡi chiếc xe có dáng dấp hình con bọ hung.

Năm 1949 khi người Anh trao trả nhà máy Wolfsburg lại cho Đức quản lý, Volkswagen đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Chỉ ba năm sau, Volkswagen mở chi nhánh đầu tiên ở hải ngoại với nhà máy được đặt tại Canada. Năm 1953 Volkswagen đã hiện diện tại 83 quốc gia. Trong trên dưới 60 năm qua, mỗi kiểu xe của Volkswagen đều đem lại thành công rực rỡ cho tập đoàn, từ kiểu xe break có cái đuôi dài, được thương mại hóa vào đầu những năm 1960 cho đến những chiếc Passat của thập niên 70 nhay gần đây hơn là những chiếc Golf xinh xắn. Chỉ trong ba năm đầu sau khi được trình làng, Volkswagen đã bán ra hơn 1 triệu chiếc Golf.

Cách nay ba năm tại Hội chợ xe hơi quốc tế Paris, kiểu xe Golf đời 7 vẫn là một trong những loại xe thu hút nhất. Hiện tại, kiểu xe này được xếp hạng thứ ba trong số các kiểu xe ăn khách nhất mọi thời đại.

Nhân dịp niệm 40 năm chiếc Golf đầu tiên được cho ra lò, Volkswagen kỳ vọng vào kiểu xe này để chinh phục thị trường Trung Quốc. Đây là nơi mà chỉ trong một thập niên, số xe của Volkswagen bán ra đang từ 571.000 chiếc nhảy vọt lên thành 3,6 triệu chiếc một năm. Một phần ba khách hàng của Volkswagen là người Trung Quốc họ ưa chuộng tất cả các gam xe của tập đoàn này, từ Volkswagen đến Audi từ Skoda đến Porsche … Với những thành công vượt bực, tập đoàn Volkswagen đã đề ra mục tiêu vào năm 2018 giành chiếc ngai vàng của tập đoàn Nhật Bản Toyota để trở thành nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới. Cuối tháng 7/2015 Volkswagen bất ngờ thông báo giấc mơ lấn át Toyota đã trở thành hiện thực.

Volkswagen, trên thị trường Mỹ.
Volkswagen, trên thị trường Mỹ. Sylvain Biville/RFI

"Phép lạ" Winterkorn

Căn cứ vào các số liệu chính thức của năm 2014, Volkswagen sản xuất 10,1 triệu chiếc xe, gần 600.000 nhân công làm việc tại 119 cơ sở sản xuất trên thế giới, doanh thu hơn 200 tỷ euro và lãi hơn 11 tỷ. Đối với mỗi một công nhân của tập đoàn, làm việc cho Volkswagen là một niềm tự hào. Họ cũng tự hào không kém về ông chủ tịch tổng giám đốc Martin Winterkorn : một kỹ sư bình thường, từ dưới đi lên, và ông tự nhận là một người « biết rõ từng đinh ốc » trong mỗi chiếc xe mang hình logo ghép từ hai chữ V và W.

Một trong những người mà cho tới tận cách nay hai tuần được xem là có công đẩy Volkswagen lên cương vị hàng đầu thế giới là ông Martin Winterkorn. Ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo số 1 năm 2007, trong chưa đầy 8 năm qua, khối lượng xe sản xuất với nhãn hiệu Volkswagen được tăng lên gấp đôi, từ 5,7 triệu chiếc năm 2006 lên thành hơn 10 triệu năm ngoái ; doanh thu của tập đoàn cũng đã nhảy vọt từ 104 tỷ euro lên hơn 200 tỷ ; nhân sự của Volkswagen qua đó cũng tăng theo đang từ 330.000 người được nâng lên thành gần 600.000.

Cũng trong thời gian ngắn ngủi vừa qua công ty mẹ kiểm soát thêm 4 nhãn hiệu xe hơi mới cùng với 8 nhãn hiệu đã hoạt động dưới màu cờ của Volkswagen từ nhiều năm nay. Nhờ những thành tích đó, năm 2014 Martin Winterkorn là ông chủ có mức lương lớn nhất trong số tất cả các lãnh đạo của Đức có tên trong danh sách các tập đoàn tham gia chỉ số chứng khoán Dax trên thị trường tài chính Frankfurt.

Con sâu làm rầu nồi canh

Lĩnh vực công nghiệp đem về đến gần 31 % tổng sản phẩm nội địa của Đức. So với Pháp, tỷ lệ đố là 19,4 %. Ngành công nghiệp xe hơi chiếm một vị trí hàng đầu : trong năm 2014 gần 6 triệu triệu chiếc xe được cho ra lò trên lãnh thổ Đức. Xét về mặt khối lượng, Đức là nhà sản xuất lớn thứ tư trên thế giới, đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Theo thẩm định của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, có khoảng 825.000 người lao động trực tiếp phục vụ cho ngành sản xuất xe hơi. Nếu tính luôn cả những lĩnh vực phụ thuộc vào ngành công nghệ này thì công việc của 1 người trên 7 có ít nhiều gắn bó với chiếc xe.

Ngay sau vụ tai tiếng Volkswagen được phơi bày ra ánh sáng, một nữ dân biểu Đức đã thốt lên rằng, « Volkswagen không chỉ là một tập đoàn lớn mà còn là hiện thân của nước Đức », là biểu tượng của một nền công nghiệp lấy chữ « tín » làm đầu.

Bài học từ sau vụ tai tiếng Volkswagen

Cho đến hai tuần trước đây, Volkswagen còn là biểu tượng của sự thành công vượt bực trong ngành công nghiệp của Đức nói chung, của ngành công nghệ xe hơi bên kia bờ sông Rhin nói riêng. Xe Volkswagen nổi tiếng là vừa bền, vừa tốt lại vừa đẹp. Không một ai nghĩ rằng hợp đồng của ông Winterkorn với Volkswagen lại không được gia hạn thêm 4 năm. Không có một áng mây đen nào đe dọa hào quang của Volkswagen và cũng không một bóng đen nào đe dọa chiếc ghế chủ tịch tổng giám đốc tưởng như vững nhữ bàn thạch của Winterkorn.

Nhưng tất cả đã sụp đổ cả với Volkswagen lẫn ông Martin Winterkorn. Nhà lãnh đạo từng có phiếu lương cao nhất trong số các giám đốc điều hành công ty của Đức đang trong tầm ngắm của tư pháp và có thể bị "truy tố hình sự". Hãng xe nổi tiếng của Đức chỉ có vài ngày để trình bày kế hoạch khắc phục hậu quả từ vụ lừa dối cả người tiêu dùng lẫn các cơ quan có chức năng bảo vệ nguồn không khí sạch.

Cổ phiếu của Volkswagen trên các thị trường tài chính mất giá khoảng 40 % trong những ngày qua. Hơn 20 tỷ đô la trị giá trên các sàn chứng khoán của tập đoàn này không cánh mà bay. Chỉ còn lại trước mặt là những đơn kiện ngày càng chồng chất lên cao và hàng chục tỷ tiền bồi thường mà tập đoàn này có thể sẽ bị phạt trong nay mai.

Volkswagen thông báo đã dành hẳn 6,5 tỷ euro đề phòng trường hợp thua kiện và phải nộp phạt. Tập đoàn này cũng hy sinh chủ tịch tổng giám đốc Martin Winterkorn với hy vọng lấy lại uy tín trong mắt các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Nhưng tương lai của Volkswagen vẫn rất mù mịt. Sau Mỹ, Hàn Quốc và Ý hầu hết các nước tại Châu Âu, rồi kể cả những nước xa xôi với chiếc nội Wolfsburg như Mêhiccô, hay Ấn Độ cũng đòi kiểm tra về lượng thải khí của xe Volkswagen.

Bài học đầu tiên từ vụ bê bối của Volkswagen là không có một thành trì nào thực sự kiên cố. Trước đây những ông khổng lồ tưởng chừng không gì lay chuyển nổi, như tập đoàn kiểm toán Arthur Andensen của Mỹ, hãng điện tử nổi tiếng IBM hay ông trùm Kodak ngự trị trên thế giới của các nhà nhiếp ảnh và hãng làm phim đã từng phải hóa kiếp trước khi hồi sinh. Volkswagen có triển vọng rồi cũng lấy lại được phong độ sau hàng loạt các quyết định mạnh dạn cải tổ, đoạn tuyệt với những tính toán gian lận.

REUTERS

Volkswagen là thủ phạm hay nạn nhân ?

Nhưng ở đây một số các nhà quan sát nêu lên câu hỏi phải chăng áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, đã đẩy Volkswagen vào con đường gian dối ? Cách nay đã 240 năm, nhà thuyết học kinh tế Adam Smith khi bàn về tài sản của các quốc gia trong “An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations” đã nêu rõ bản năng của mỗi tác nhân kinh tế : từ ông bán thịt đến ông chủ quán bia đều chạy theo lợi nhuận. Trên con đường đi tìm lợi nhuận đó thì người ta dễ bị cám dỗ. Có gì dễ hơn là lừa dối người mua ? Vụ bê bối của Volkswagen phải chăng chỉ là bằng chứng cho thấy tư tưởng của Adam Smith vẫn còn tính thời sự và nếu đúng là như vậy thì chắc chắn hãng xe hơi của Đức này không là một ngoại lệ.

Có điều vỏ quýt dầy, móng tay nhọn. Những hành vi lừa dối khách hàng càng trở nên tinh xảo thì các cơ quan có chức năng bảo vệ người tiêu dùng càng có những công cụ để đối phó tinh vi. Đó là chưa kể những tính toán cũng tinh xảo không kém từ phía các chính trị gia, lợi dụng những chuẩn mực phi quan thuế để bảo vệ quyền lợi cho công dân. Nhưng những chuẩn mực về an toàn, về y tế, về môi trường ... lại cũng là những công cụ lợi hại để áp dụng chính sách bảo hộ trá hình.

Động cơ diesel, nạn nhân đầu tiên của vụ tai tiếng Volkswagen

Volkswagen còn đang tiếp tục lao xuống vực thẳm và đang kéo theo nhiều nhãn hiệu khác sử dụng động cơ chạy bằng dầu diesel của mình. Tai hại hơn cả là tập đoàn này đang châm thêm củi lửa cho những thành phần đòi loại bỏ hẳn các loại xe diesel.

Giới bảo vệ môi trường luôn khẳng định rằng xe diesel gây ô nhiễm, độc hại khi phát những phân tử cực nhỏ gây bệnh tật về đường hô hập. Với vụ gian lận vừa bị phát giác trên một số loại động cơ của Volkswagen, mối ngờ vực lại càng lớn thêm. Vấn đề đặt ra là các tập đoàn chế tạo xe hơi của Đức và Pháp từ Daimler đến Renault, Peugeot đã đầu tư rất nhiều vào động cơ diesel. Xe chạy bằng dầu chiếm một phần lớn thị phần của các hãng xe Pháp và Đức. Năm 2008, 2/3 lượng xe lưu hành trên đất Pháp và 50 % trên thị trường Châu Âu dùng động cơ diesel cho dù ai cũng biết đầu máy diesel khó đáp ứng các chuẩn mực về ô nhiễm môi trường khắt khe của Âu Mỹ.

Từ những năm 1990 khi Châu Âu bắt đầu quan tâm đến chuẩn mực phát khí thải carbone hầu hết các nhà sản xuất đầu máy diesel đều đã phải tìm ra những giải pháp để thích nghi với những tiêu chuẩn mới. Với tai tiếng vừa bùng lên lần này, không biết rằng loại động cơ được kỹ sư người Đức Rudolf Diesel sáng chế vào cuối thế kỷ thứ 19 rồi được nhà bác học người Pháp Lucien Eugène Inchauspé cải thiện vào năm 1929 để phù hợp với ngành công nghệ xe hơi, có còn tiếp tục được phát triển nữa hay không ? Hay đây là điểm khởi đầu để động cơ diesel lùi vào bóng tối nhường chỗ cho mô-tơ điện vào lúc mà thị trường xe điện ngày càng đang phát triển mạnh ? Nếu kịch bản này đang diễn ra, thì ngành công nghệ xe hơi của Pháp và Đức đang bị nhiều đối thủ Châu Á bỏ lại sau lưng.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.