Vào nội dung chính
NGA - SYRIA

Nga dùng lá bài Syria để giành lại thế thượng phong

Khéo léo khai thác thất bại của phương Tây, Nga đang trở thành tác nhân không thể thiếu trên tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông. Mọi chú ý đang dồn về New York : Chiều nay trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị thành lập một liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang reo rắc kinh hoàng tại Syria.

Tổng thống Vladimir Poutine trên truyền hình Nga, Matxcơva, ngày 16/04/2015
Tổng thống Vladimir Poutine trên truyền hình Nga, Matxcơva, ngày 16/04/2015 Russian President Vladimir Putin takes part in a live broadcast
Quảng cáo

Sáng kiến của Matxcơva đẩy hồ sơ chống biến đổi khí hậu vào hàng thứ yếu nhân khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 70. Lên tiếng trên hồ sơ Syria, Tổng thống Putin đưa nước Nga trở lại trung tâm bàn cờ quốc tế sau khi bị các nước phương Tây cô lập vì can thiệp vào Ukraina.

Vài giờ trước khi phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên từ 10 năm qua, trả lời đài truyền hình Mỹ CBS, Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ Matxcơva cùng với một số quốc gia liên quan « phối hợp » hành động, chống quân thánh chiến Hồi giáo tại Syria và Irak. Chủ nhân điện Kremli đồng thời nhắc lại : Giải pháp duy nhất để đưa Syria thoát khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay là ủng hộ chế độ Bachar Al Assad đang cầm quyền. Nga đề nghị thành lập một liên minh – bao gồm cả quân đội Syria – để tiêu diệt chống quân Hồi giáo cực đoan Daesh.

Hai điểm chính trong cuộc trả lời phòng vấn mà ông Putin dành cho đài truyền hình Mỹ CBS chứng tỏ Matxcơva đang dành lại thế thượng phong trên hồ sơ Syria. Từ nhiều tuần qua, Nga tăng cường hiện diện quân sự tại miền tây Syria, gần Lattaquié thành trì của gia đình tổng thống Bachar Al Assad. Kế hoạch chống « khủng bố » tại Syria của điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, liên tục oanh kích các căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak nhưng không ngăn cản được tổ chức Hồi giáo cực đoan này củng cố địa bàn hoạt động ở hai nước này.

Xung đột tại Syria đã kéo dài từ hơn bốn năm qua và đã làm hơn 240.000 người thiệt mạng, hàng triệu người dân xứ này phải di tản.

Từ trước tới nay, Nga vẫn muốn duy trì vai trò của Tổng thống Al Assad trên sân khấu chính trị Syria. Lập trường này của Matxcơva ngày càng được nhiều nước tán đồng. Đứng đầu trong số đó là Iran, một điểm tựa quan trọng khác của chế độ Damas. Bản thân Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp hay Đức cũng đã tỏ ra mềm dẻo hơn khi không còn coi việc ông Al Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết để chấm dứt xung đột đã kéo dài.

Phương Tây, sau khi đã chỉ trích Nga che chở Tổng thống Bachar Al Assad phải ngậm bồ hòn làm ngọt để đón nhận sáng kiến của Matxcơva. Các chiến dịch không kích của liên quân đã không làm Daesh suy yếu. Chương trình đào tạo quân sự cho phe nổi dậy ở Syria do Hoa Kỳ đảm trách là một thất bại ê chề.

Trong khi đó, Nga đã có một sự chuẩn bị chu đáo để trở lại bàn cờ quốc tế. Tổng thống Vladimir Putin tuần qua đã có nhiều cuộc điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, với lãnh đạo Cơ quan quyền lực Palestin hay với Quốc vương Ả Rập Xê Út, nhằm một mục đích duy nhất : chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại Syria cho dù phương Tây có tán đồng hay không.

Theo giới phân tích, thái độ này của Matxcơva buộc Washington phải lên tiếng và gần như bắt buộc phải ủng hộ kế hoạch của điện Kremlin. Nhờ đó, Tổng thống Putin phá được thế cô lập của Nga.

Ngoài mục tiêu giúp đỡ đồng minh thân cận là Bachar Al Assad để bảo vệ quyền lợi cốt lõi của Nga ở Syria, thì Matxcơva còn theo đuổi nhiều mục tiêu khác.

Thứ nhất là Nga lo ngại cho chính vấn đề an ninh của mình khi biết rằng những thành phần thánh chiến Nga sang Syria chiến đấu sau này có thể hồi hương. Thứ hai là Matxcơva đang muốn sử dụng lá bài Syria để nhổ đi một cái gai khác trong quan hệ giữa Nga với phương Tây : đó là khủng hoảng Ukraina.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Âu Mỹ đang đè nặng lên đời sống hàng ngày của người dân Nga.

Một nhà ngoại giao Châu Âu xin được giấu tên đã nhận xét : thông điệp chính ông Putin gửi đi từ Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là Matxcơva đang muốn tìm một ngõ thoát trên vấn đề Ukraina. Quan chức này chờ đợi, trong cuộc họp cấp cao 4 bên sắp diễn ra tại Paris vào ngày 02/10/2015 giữa Ukraina, Nga, Pháp và Đức sẽ có những tiến triển tích cực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.