Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Vụ Volkswagen : Vết dầu đang loang rộng sang châu Âu

Tập đoàn xe hơi Volkswagen đã thiệt hại gần 30 tỷ euro khi giá cổ phiếu giảm mất một phần ba trong vụ xì-căng-đan gian lận kiểm tra phát thải của xe. Đó là chưa kể đến trên 6 tỷ euro tiền bồi thường cho khách hàng và có nguy cơ bị Hoa Kỳ phạt 18 tỷ euro. Nhưng không chỉ có tiền mất với hãng xe Đức, vấn đề đạo đức và lòng tin của khách hàng đang bị xói mòn bởi vụ gian lận bắt  bầu lan ra nhiều nước châu Âu. 

Hiệu xe Volkswagen có có mặt trên khắp thế giới.
Hiệu xe Volkswagen có có mặt trên khắp thế giới. REUTERS/Mike Blake
Quảng cáo

Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn tường trình : 

Khi gặp khủng hoảng thì các tập đoàn lớn ngay lập tức dồn tiền để xử lý khủng hoảng trên truyền thông, nhưng vụ việc lần này được nhiều chuyên gia đánh giá là vượt khỏi qui mô tính toán của sách giáo khoa trong ngành kiểm soát khủng hoảng. Các tờ báo lớn ở Anh chạy theo nhu cầu tin tức của độc giả là người sử dụng động cơ diesel tập trung phóng viên vào làm phóng sự đặc biệt.

Tờ Independent theo vết của dòng động cơ EA189 bị tố cáo là đã gian lận trong kiểm tra nồng độ chất thải và xác nhận là các động cơ này được lắp cho xe Skoda và Seat bán ở Anh, bên cạnh các đời xe Volkswagen như Jetta, Beetle, Golf và Passat cũng như Audi A3. Nhìn vào danh sách các công ty con trong tập đoàn Volkswagen, hiện cho đến thời điểm này từng dẫn đầu thế giới, thì còn có rất nhiều hãng xe nổi tiếng trên thế giới, như dòng xe Bentley đang rất được ưa chuộng ở Việt Nam.

Volkswagen là hãng xe duy nhất có tiểu xảo né tránh kiểm tra ?

Tờ báo The Guardian chạy một phóng sự đặc biệt về các tài liệu mới được phát hiện, cho thấy chính phủ Anh, Pháp và Đức từng vận động để cho phép sử dụng các lỗ hổng của qui định về khí thải cho xe ô-tô. Chuyên gia của báo này ước tính điều đó cho phép xe hơi vượt mức khí thải, lên đến 110g CO2 cho một cây số thay vì 95g theo qui định. Cụ thể, chính phủ Anh vận động để được phép thực hiện việc kiểm tra khi đã nạp đầy bình acqui ở bên ngoài, để động cơ không phải tăng công suất, hay là bỏ qua qui định phải nạp thêm tải trọng 100kg lên xe để kiểm tra mức tăng nồng độ khi thải. Cũng theo tài liệu này thì chính phủ Đức còn vận động để thực hiện việc kiểm tra trên đường xuống dốc và cho phép các công ty hạ thêm 4% sai số khi công bố kết quả. Chính phủ Pháp hầu như là đồng thuận với các đề nghị đó, trong quá trình dự thảo để ra luật mới về kiểm tra khí thải vào năm 2017 tới đây, thay thế các qui định cũ có từ năm 1970.

Giới chuyên gia trong ngành xe hơi lên tiếng không thể chấp nhận được chuyện trong lúc chính phủ các nước này chỉ trích tập đoàn Volkswagen gian lận trong việc kiểm tra thì chính họ lại bí mật vận động để cho phép gian lận. Giáo sư kinh tế Karel Williams từ Đại học Manchester nhìn cuộc khủng hoảng của Volkswagen như cuộc khủng hoảng về đạo đức, sẽ khiến các nước như Hi Lạp không còn tin vào những lời giáo huấn của nước Đức về chuyện họ gian lận trong cách tính thâm hụt ngân sách, còn nước Đức cũng gian lận trong cách tính nồng độ khí thải. Tờ Daily Mail chạy tin đảng Xanh ở Đức cho rằng thủ tướng Đức Angela Merkel biết về chuyện này từ trước nhưng cố tình che đậy.

Tương lai nào cho thị trường xe chạy diesel ở Anh ?

Từ năm 1994 đến nay chỉ riêng ở Anh số lượng xe con dùng động cơ diesel tăng từ 1,6 triệu lên thành 12 triệu chiếc. Chính phủ thời Tony Blair bị chỉ trích là đã hướng dẫn dư luận nước Anh tin vào điều kì diệu của động cơ diesel. Hiện tại, để bảo vệ cho ngành kinh doanh xe hơi, bộ máy PR của nước Anh đang hoạt động hết công suất để giảm thiếu tối đa thiệt hại, ví dụ như dồn hướng giải thích vào duy nhất là xe Volkswagen. Nhưng nếu nhìn kỹ, thì hãng xe Porsch cũng là một phần của tập đoàn Volkswagen, và một chiếc xe thành phẩm bao gồm nhiều bộ phận từ rất nhiều công ty hay quốc gia khác nhau. Ví dụ như xe Qashqai của hãng Nissan của Nhật lại sản xuất ở Anh và dùng động cơ diesel của Renault.

Lòng tin vào động cơ diesel cũng chính là động cơ khiến hai nhà khoa học Peter Mock và John German từ đại học West Virginia thực hiện các thử nghiệm trên đường trường từ San Diego đến Seatle với ý định tuyên truyền ủng hộ cho loại động cơ này. Thế nhưng kết quả thực nghiệm đã khiến họ bất ngờ và sau đó phải yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ điều tra. Những tín hiệu ban đầu từ năm 2014 đã lan truyền dần sang các nhóm hoạt động vì môi trường và báo chí ở Anh bắt đầu nói nhiều đến khí thải của động cơ diesel. Người ta còn nhắc thêm đến các hợp chất ô-xít ni-tơ và đặc biệt là các loại bụi PM2.5 có kích thước nhỏ hơn 2,5 micro mét.

Mới gần đây đại học King’s College ở Anh đã làm khảo sát và kết luận về sự hiện diện của các chất động hại này làm tăng số lượng người chết ở Anh vì các chứng bệnh tim mạch. Tuy nhiên, lúc đó họ chưa dám gắn kết khảo sát này với những chiếc ô-tô con đang hàng ngày chạy trên đường phố. Giới chuyên gia kinh tế ghi nhận lượng xe diesel bán ra trên thị trường đang giảm từ đầu năm nay và có nguy cơ sẽ giảm nhiều hơn sau cơn chấn động đạo đức này. Văn phòng tư vấn Bernstein ở Luân Đôn thậm chí còn cho rằng cơn sóng Volkswagen sẽ nhấn chìm và đóng cửa hoàn toàn thị trường động cơ diesel.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.