Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - SYRIA

Ủy ban Châu Âu trình kế hoạch đón 160.000 người tị nạn

Trước Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg, hôm nay 09/09/2015, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo kế hoạch dự trù đón 160.000 người tị nạn trong vòng hai năm tới, và kêu gọi 28 nước chấp nhận một « cơ chế » phân bổ bắt buộc số lượng người cần tiếp nhận « mang tính thường xuyên ».

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo kế hoạch đón người tị nạn - Reuters.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo kế hoạch đón người tị nạn - Reuters.
Quảng cáo

 Đây là điều vốn bị nhiều nước phản đối mạnh, đặc biệt các quốc gia miền đông của Châu Âu, đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn ghê gớm nhất kể từ sau Thế Chiến II. 

Trước các nghị sĩ, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh : « Đây là thời điểm Liên Hiệp Châu Âu, các định chế Châu Âu và tất cả các nước thành viên cần hành động táo bạo, cương quyết và có sự phối hợp. Trước hết đây là một vấn đề nhân đạo và phẩm giá con người. Đối với Châu Âu, đó còn là một vấn đề công lý đối với Lịch sử ». Ông Jean-Claude Juncker cũng lưu ý : « Từ đầu năm đến nay, đã có gần 500.000 người vào Châu Âu… tuy nhiên đây không phải là lúc chúng ta sợ hãi ». 

Con số 160.000 người cần phân bổ nói trên bao gồm 40.000 người tị nạn đã có mặt trên lãnh thổ Châu Âu, và 120.000 người khác hiện vừa đến Ý, Hy Lạp và Hungary. Trong số 120.000 người mới tới, nước dự định sẽ tiếp nhận nhiều nhất là Đức (31.443 người), tiếp theo là Pháp (24.031 người), Tây Ban Nha (14.931 người), Ba Lan (9.287 người), Hà Lan (7.214 người)…, thấp nhất là Malte (133 người). 

Bên cạnh việc phân bổ theo hạn mức nói trên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng đề nghị một biện pháp khẩn cấp, trong khi chờ đợi cải cách sâu sắc hệ thống tiếp nhận người tị nạn. Đó là « một cơ chế thường trực », cho phép phối hợp một cách tốt nhất các chính sách với người tị nạn. Ông Jean-Claude Junker cũng yêu cầu tăng cường bảo vệ biên giới Châu Âu, đặc biệt với lực lượng biên phòng Frontex. 

Các đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu được Thủ tướng Đức hoan nghênh như « một bước tiến » trong việc giải quyết khủng hoảng. Bà Merkel cũng khẳng định cần phải có một thỏa thuận mang tính cưỡng chế, được phân bổ một cách hợp lý giữa các nước thành viên Liên Âu. Thủ tướng Đức cũng nói rõ, người di cư vì lý do kinh tế không được hoan nghênh tại Đức. Angela Merkel cảnh báo : « nếu Châu Âu thất bại về vấn đề tị nạn, chúng ta sẽ làm hỏng một trong các nguyên tắc nền tảng của Châu Âu, đó là mối liên hệ mật thiết giữa các quyền căn bản của con người, vốn đã là nền móng của Châu Âu ngay từ thuở ban đầu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.