Vào nội dung chính
ÚC - ẤN ĐỘ - QUÂN SỰ

Úc xác nhận ý muốn tham gia tập trận cùng với Mỹ, Nhật và Ấn

Trục liên kết Mỹ Nhật Úc Ấn nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển phải chăng đang trên đường được hình thành ? Khả năng này đã được gợi lên trở lại với sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Úc, vào hôm qua, 03/09/2015 đã công khai xác nhận ý muốn tham gia cuộc tập trận hải quân hỗn hợp Mỹ-Ấn, năm nay đã mở rộng trở lại cho Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews (G) trong buổi lễ đón tiếp ở thủ đô New Delhi, Ând Độ, ngày 2/09/ 2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews (G) trong buổi lễ đón tiếp ở thủ đô New Delhi, Ând Độ, ngày 2/09/ 2015. REUTERS/Adnan Abidi
Quảng cáo

Phát biểu với một số nhà báo nhân ngày thứ hai trong chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews cho rằng việc mở rộng thêm cuộc tập trận cho nhiều nước hơn sẽ có tác dụng ngăn chặn nguy cơ tính toán sai lầm về mặt quân sự trong vùng, một khu vực đang chứng kiến một cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ấn Độ vào Hoa Kỳ hàng năm đều tổ chức cuộc tập trận hải quân song phương trên Ấn Độ Dương mang tên Malabar, nhưng năm nay, hai nước đặc biệt mời thêm một nước thứ ba là Nhật Bản cùng tham gia.

Đây là lần đầu tiên lần đầu tiên kể từ năm 2007 đến nay mà Nhật Bản trở lại cuộc tập trận Malabar, một dấu hiệu được giới quan sát cho là phản ánh đà thắt chặt quan hệ quân sự giữa các đồng minh, đang lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Vào năm ấy, Mỹ và Ấn Độ từng tổ chức một cuộc tập trận đa phương với sự tham gia của Nhật, Úc và Singapore, thế nhưng hình thức đa phương này sau đó đã không được tái lập sau khi Trung Quốc tỏ thái độ hết sức bất bình.

Các hành vi càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ khiến cho các láng giềng Đông Nam Á của Bắc Kinh bất bình, mà còn gây quan ngại nơi hai cường quốc trên biển chủ chốt tại vùng châu Á là Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Bắc Kinh cũng đã khiêu khích New Delhi vào năm ngoái 2014, khi cho hai tầu ngầm hạt nhân tấn công của mình neo đậu tại Sri Lanka, nước láng giềng của Ấn Độ.

Riêng nước Úc cũng ngày càng tỏ rõ thái độ lo lắng trước các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh không che giấu ý định quân sự hóa các đảo mới này.

Ngày 02/09 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã một lần nữa bày tỏ thái độ quan ngại của Canberra về tình hình Biển Đông với nguy cơ xung đột bùng nổ : « Tranh chấp lãnh thổ tiếp tục đe dọa ổn định trong vùng, và tạo ra một tình trạng bấp bênh. Trong những tháng gần đây, Biển Đông đã thu hút rất nhiều sự chú ý của quốc tế. Nước Úc có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền làm thương mại mà không bị cản trở, cũng như tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông ».

Riêng về quan hệ quốc phòng song phương Úc-Ấn, hai bên đang chuẩn bị một cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên vào tháng 10 tới đây, trong đó cả hai sẽ phô diễn năng lực tác chiến chống tàu ngầm.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc, hai nước sẽ tăng cường thêm quan hệ quân sự, với các cuộc tập trận giữa các lực lượng Không quân và Bộ binh được dự trù trong vòng một, hai năm tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.