Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬP CƯ

Tị nạn : Một tuần rung chuyển Hungary

Gần một tuần qua, nhà ga quốc tế Keleti (Ga phía Đông) của Budapest bỗng nhiên lọt vào tâm điểm sự chú ý của truyền thông quốc tế khi nó là nơi tập trung của nhiều ngàn người tị nạn bằng mọi giá muốn rời Hungary qua Tây Âu. 

Người tị nạn ở một trại trước ga Keleti ở Budapest, Hungary. Ảnh ngày 04/09/2015.
Người tị nạn ở một trại trước ga Keleti ở Budapest, Hungary. Ảnh ngày 04/09/2015. REUTERS/Bernadett Szabo
Quảng cáo

Vì nhiều lý do phức tạp, của nhiều phía, con đường Tây du của những người này, cho tới sáng hôm nay vẫn còn rất mờ mịt, và chính phủ Hung thì hầu như gây bất hòa với đa số các cường quốc Châu Âu, và bản thân EU, với những lời phê phán, chỉ trích gay gắt của mình.

Khủng hoảng di dân và tị nạn ở Châu Âu dường như đã chuyển sang một trang mới, quyết liệt hơn, và đòi hỏi sự đồng thuận tối đa trong các giải pháp xử lý của mọi quốc gia có liên quan, dù là Đông hay Tây Âu, để mọi sự không chuyển thành một tấn thảm kịch lớn hơn. 

Cuối tháng trước, thảm cảnh 71 người tị nạn chết ngạt trong chiếc xe tải trên đường từ Hungary sang Áo diễn ra đúng vào lúc chính quyền Hung chuẩn bị siết chặt thêm trong vấn đề di dân và tị nạn bằng cách đưa ra phê chuẩn hàng loạt đạo luật có liên quan.

Bên cạnh việc hoàn tất giai đoạn một của dự án dựng hàng rào trên 175km biên giới với Serbia, cũng như thiết lập một lực lượng cảnh sát riêng để “bảo vệ biên giới”, các điều luật được sửa đổi cho phép có thể huy động cả quân đội để xử lý tình trạng người tị nạn.

Từ Budapest, Thông tín viên Hoàng Nguyễn trước tiên hết đã điểm lại các diễn biến mới đây và cách phản ứng của chính quyền Hungary trước tình trạng người tị nạn tràn vào để tìm đường qua Tây Âu.

Có lẽ chính quyền Hung không thể ngờ được rằng, mặc dù đã đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt như vậy để chống khủng hoảng tị nạn, nhưng dòng người tị nạn đến Hungary không giảm, đa số chỉ coi Hung là chặng chuyển tiếp và yêu cầu được đi tiếp qua Tây Âu.

Nhất là, sau khi phía Đức đưa ra một lời hứa không thật rõ ràng, có thể hiểu rằng nước Đức tiếp nhận tất cả những người đến từ Syria, coi họ là người tị nạn trốn chạy khỏi vùng chiến sự, và đã lên chương trình tái định cư rất hứa hẹn cho họ ở tầm ngắn hạn và trung hạn.

Bắt đầu từ thứ Hai tuần này, đòi hỏi của người tị nạn ở ga Keleti là hãy cho họ sang Đức, họ muốn tự do, họ không muốn ở lại Hung, không muốn bị lấy vân tay và vào trại tị nạn ở Hung. Nhiều cuộc biểu tình ở nổ ra ở ga, người tị nạn gọi tên Thủ tướng Đức Merkel, như một vị cứu tinh.

Ga Keleti trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết trước cảnh rất nhiều cảnh sát giữ trật tự và dòng người tị nạn ngày một đông, tìm cách leo lên bất cứ chuyến tàu nào sang Phương Tây, dù có vé hay giấy tờ không, bất kể bị ngân viên đường sắt hoặc công an ngăn cản.

Chính quyền Hung đã hoàn toàn tỏ ra không biết làm gì trước tình hình mới. Ngày thứ Hai, sau nhiều giằng co, một toán đã lên được tàu và sau khi cảnh sát Áo không ngăn cản, họ đã tới được Munchen (Đức) và được tiếp nhận như những người tị nạn tới nước Đức.

Tuy nhiên, tình hình thay đổi hẳn từ ngày thứ Ba, khi cả Áo lẫn Đức đều tỏ thái độ không đồng tình với Hung, trước việc Hung cho người tị nạn rời Budapest. Chính quyền Đức lên tiếng yêu cầu Budapest phải tuân thủ những điều khoản trong luật quốc tế về tị nạn, trong đó có Công ước Dublin.

Hungary đành phải dùng nhiều biện pháp "cực chẳng đã", như không cho người tị nạn không có giấy tờ mua vé, ngăn không cho họ ùa vào sân ga, thậm chí tạm đóng cửa nhà ga trước họ, nhưng không đưa ra được thông tin cụ thể nào về việc số phận họ sẽ ra sao.

Nhà ga Keleti bỗng nhiên trở thành một điểm nóng, là nơi "đóng đô" của nhiều cơ quan truyền thông ngoại quốc, nơi các cá nhân và tổ chức dân sự chở hàng cứu trợ cho người tị nạn, và cũng là nơi hàng ngày diễn ra nhiều cuộc biểu tình từ đủ các thành phần, tổ chức.

Hung bất ngờ thay đổi khiến người tị nạn lo sợ

Giữa chừng, Hungary vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu, rằng nước Hung không thể nhận ồ ạt người tị nạn, nhưng mọi người tị nạn vào Hung phải làm thủ tục đăng ký và không thể đi đâu khi chưa có giấy tờ và chưa có thị thực nhập cảnh của quốc gia mà họ muốn tới.

Quan điểm cương quyết và cứng rắn đó của chính quyền Hung được người tị nạn hiểu theo nghĩa, Hung muốn làm khó dễ, ngăn họ tới "mảnh đất hứa" là nước Đức, và một khi đã đăng ký thủ tục tị nạn ở Hung thì phải vào trại chứ không thể đi bất cứ đâu.

Và những sự kiện diễn ra tiếp sau đó càng khiến người tị nạn cho rằng suy nghĩ của họ là có cơ sở. Từ thứ Năm, cảnh sát Hung rút khỏi ga, Đường sắt Hungary tuyên bố tạm đình chỉ những chuyến tàu sang Tây Âu, càng làm không khí trở nên căng thẳng.

Một số chuyến tàu đi về phía biên giới Hungary vẫn được người tị nạn tràn lên, nhưng tất cả đều bị đưa xuống ở ga trước biên giới với mục đích chở họ vào trại tị nạn. Nhiều người kháng cự, và tìm cách trụ lại cho đến tận giờ, để không bị "cầm chân" tại Hungary.

Cho đến trưa thứ Sáu, vẫn chưa có thông tin gì về việc xử lý người tị nạn ở Hung. Có tin một số cá nhân và doanh nghiệp Áo tổ chức những chuyến xe hơi hoặc xe buýt để giúp người tị nạn từ ga Keleti sang Vienna, hoặc những người này sẽ tìm cách tổ chức đi bộ sang Áo. 

Trách nhiệm thuộc về ai ? 

Truyền thông Hungary, một mặt liên tục đưa tin từng phút, một mặt luôn đặt ra và tự tìm câu trả lời về nguyên nhân của bước ngoặt mới trong khủng hoảng tị nạn này. Câu trả lời của họ là, Hungary đương nhiên phải chịu một phần trách nhiệm, nhưng không chỉ chính quyền Hung.

Rõ ràng, Hungary đã gây ác cảm đối với người tị nạn với những tuyên bố khắt khe, nhiều khi không đúng sự thật và thường là độc địa. Họ cũng đánh mất thiện cảm trước thế giới với việc dựng hàng rào suốt dọc biên giới Serbia, và còn nói rằng có thể làm thế ở các tuyến biên giới khác.

Hungary càng có vẻ đối đầu với Châu Âu, khi lãnh đạo nước này trước sau vẫn chỉ trích, cho rằng chính sách tị nạn của EU đã hoàn toàn thất bại, Budapest phải "tự cứu lấy mình" theo cách riêng, và không nhận bất cứ người tị nạn nào từ nơi khác theo hạn ngạch mà Châu Âu đề xuất.

Đây là điều bị Phương Tây cho là Hung "một mình một kiểu", tự tiện hành động mà không đếm xỉa đến sự đồng thuận, đoàn kết của các thành viên khác trong EU. Việc xây hàng rào bị coi là sự khước từ, bác bỏ những giá trị căn bản của Châu Âu, và đó là chuyện "vô cùng nghiêm trọng".

Như một nhà ngoại giao Pháp "đe dọa", cho dù Hungary đang chịu áp lực rất lớn của vấn đề tị nạn, nhưng thái độ này của Hung đe dọa sự tồn tại của không gian Schengen, và trong tương lai nó có thể khiến dân Hung sẽ không được phép đi lại tự do trong Châu Âu nữa.

Chính quyền Hung cũng tỏ ra yếu kém trong xử lý khi dường như không đưa ra được những kịch bản khả dĩ trong tình huống khủng hoảng, chưa hề có ê-kíp xử lý khủng hoảng, khiến trong vòng nhiều ngày trời không ai biết sự thể ra sao, kể cả cảnh sát và người tị nạn.

Tuy nhiên, xét về lý, Budapest đã không sai khi không cho phép người tị nạn đã đăng ký tại Hung sang Đức, đây là sự tuân thủ từng chữ một Hiệp ước Dublin về vai trò và trách nhiệm của quốc gia EU đầu tiên phát hiện và thực hiện thủ tục đối với người tị nạn.

Chính Đức và Áo, sau một lần đầu, và cũng là lần duy nhất cho phép tàu hỏa chở người tị nạn từ Hung qua lãnh thổ nước mình, giờ cũng đòi hỏi Hung thực hiện những cam kết của EU về người tị nạn. Nghĩa là, thủ tục tị nạn với người tị nạn đến Hung, phải được xử lý ở Hung.

Nước Đức không có trách nhiệm gì với người tị nạn đã qua Hung và muốn sang Đức, theo tuyên bố của Thủ tướng Đức Merkel và tòa ĐSQ Đức tại Budapest, tuy nhiên chính cơ quan quản lý tị nạn Đức đã có một tuyên bố khiến người tị nạn Syria có thể hiểu rằng, Đức giang tay đón họ.

Trong khi, theo các quan chức Đức, điều đó chỉ có nghĩa là Đức sẽ chấp nhận tị nạn với những người Syria đang ở Đức, thì người tị nạn cho rằng họ có thể rời Hung là nước không mặn mà với họ, sang Đức là quốc gia đã dự trù bỏ ra hàng chục tỷ Euro cho họ tái định cư.

Không phải hoàn toàn vô lý mà trong chuyến công du sang Brussels vừa rồi, Thủ tướng Hung Orbán Viktor có nói, khủng hoảng hiện tại ở Hungary chính là do cách phát ngôn của Đức không "trước sau như một", trong khi Hungary luôn tuân thủ Hiệp ước Dublin về người tị nạn (NDR : ngày 21/08/2015, Cơ quan nhập cư và tị nạn Liên bang Đức quyết định không áp dụng một quy định chủ yếu trong Hiệp ước Dublin II. Theo đó, người xin tị nạn bị gửi trả lại quốc gia Châu Âu nơi họ nhập cảnh đầu tiên. Điều này cho phép Đức tiếp nhận người tị nạn Syria từ nước khác tới [như Hungary, Ý hay Hy Lạp]. Quyết định nói trên mở đường cho việc xem xét lại Hiệp ước Dublin).

Budapest - Bruxelles : Bất đồng không thể điều hòa ?

Không chỉ Hungary, mà Cộng hòa Czech hay Slovakia cũng có quan điểm cứng rắn trong vấn đề tị nạn, và các quốc gia này đang phải tìm kiếm một tiếng nói chung để trả lời Châu Âu trong Hội nghị thượng đỉnh khối V4 (bốn nước cộng sản cũ ở vùng Đông Trung Âu, gồm ba nước nói trên và Ba Lan) nhóm họp hôm nay.

Trong kỳ họp bất thường này, khả năng là Hungary vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, đã được Thủ tướng Orbán bổ sung một cách thẳng thừng vào hôm qua, theo đó, ông cho rằng Châu Âu và Hungary không thích hợp để sống chung với những cộng đồng Hồi giáo đông đảo.

Về người tị nạn ở Hung, ông Orbán khẳng định họ sẽ phải vào trại tị nạn trong thời gian Hung xử lý đơn của họ, còn ai muốn sang Đức thì mời lên ĐSQ Đức xin thị thực nhập cảnh. Về phần mình, Hung sẽ vẫn "bảo vệ biên giới của mình và biên giới bên ngoài của EU".

Cũng trong hôm nay, Quốc hội Hungary sẽ bàn luận để phe chuẩn đề xuất của phe cầm quyền, nhằm siết chặt khả năng di dân và tị nạn. Theo nhận xét của một tờ báo Hung, nếu những điều luật này được thông qua, thì nhà tù của Hungary sẽ không đủ chỗ để chứa người tị nạn.

Trái với đề nghị của EU, Hung cũng không chấp nhận việc mở ở lãnh thổ nước này một trạm tiếp nhận người tị nạn (hot spot) ở những nơi mà Châu Âu cho rằng tình trạng người tị nạn là gây cấn nhất, vì như thế không khác nào "dụ" người tị nạn tiếp tục đổ vào Hung.

Về căn bản, Thủ tướng Orbán cho rằng, chính sách tị nạn của EU, cũng như một số nhà lãnh đạo Tây Âu khiến người nhập cư nghĩ rằng sang Châu Âu là béo bở, và có thể trụ lại được, thay vì nói thẳng sự thật với họ là họ sẽ không có cơ hội ở Châu Âu và nên ở lại nơi đang ở.

Ông Orbán cũng cho hay, có thể ông sẽ lại cho tổ chức "tham vấn quốc gia" - một hình thức trưng cầu dân ý nhỏ, để xem dân Hung suy nghĩ ra sao, họ có muốn nước Hung tham gia nhận người tị nạn theo cách phân bổ của EU hay không, hay đầu tiên là phải lo giữ gìn biên giới, ngăn người tị nạn.

Quan điểm ấy của chính quyền Hung ở một mức độ nào đó đã và đang nhận được sự hưởng ứng của một vài quốc gia cựu cộng sản trong vùng. Những nước này, ngoài Ba Lan, cũng ít hoặc không chấp nhận việc phân bổ người tị nạn, điều mà Châu Âu coi là nền tảng của sự đoàn kết EU.

Những thông tin sơ bộ cho thấy, khó có khả năng nhóm các nước Đông Âu khối V4 sẽ có được quan điểm chung mang tính đột phá và gần gũi hơn với Tây Âu trong vấn đề tị nạn, trong hội nghị thượng đỉnh hôm nay. Như thế, mong muốn Đông - Tây hòa hợp, chung tay giải quyết vấn đề tị nạn, có lẽ còn xa vời...

09:30

Thông tín viên Hoàng Nguyễn (Budapest)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.