Vào nội dung chính
MÊHICÔ

Mêhicô : 25.000 người bị mất tích trong 10 năm

Tại Mêhicô, số người bị mất tích lên đến hàng chục ngàn. Tình trạng này đã trở nên nghiêm trọng hơn, kể từ năm 2007, vào thời điểm chính quyền Mêhicô phát động chiến dịch triệt hạ các tổ chức buôn ma túy.

Dư luận Mêhicô tiếp tục đòi chính quyền phải điều tra về số phận của 43 sinh viên Ayotzinapa. - REUTERS /J.D. Lopez
Dư luận Mêhicô tiếp tục đòi chính quyền phải điều tra về số phận của 43 sinh viên Ayotzinapa. - REUTERS /J.D. Lopez
Quảng cáo

Kể từ cuối năm 2012, khi ông Enrique Peña Nieto nhậm chức Tổng thống, chính quyền Mêhicô vân xkhông ngăn chặn được vòng xoáy của bạo lực. Các vụ bắt cóc thủ tiêu lại có chiều hướng tăng thêm. Thông tín viên RFI Patrick John Buffe tường trình từ Mêhicô.

Hơn 25.000 người bị mất tích trong vòng chưa đầy 10 năm. Đây là số liệu chính thức do chính quyền công bố, nhưng theo giới chuyên gia, con số này có lẽ thấp hơn nhiều so với thực tế. Cho tới giờ, chưa ai tìm lại được những người bị mất tích, không ai biết được là họ còn sống hay đã chết, và kẻ nào đứng đằng sau các vụ này.

Trong đa số các trường hợp, các đường dây buôn ma túy bị tình nghi là đã bắt cóc thủ tiêu các nạn nhân, rồi phi tang các bằng chứng. Thế nhưng, trong một số trường hợp, các lực lượng của chính quyền Mêhicô cũng có dính líu vào các vụ mất tích như vậy.

Liệu cảnh sát có móc ngoặc với các băng đảng tội phạm ? Hiện tượng này đã bị phơi bày trước ánh sáng vào tháng Chín năm 2014 với vụ tai tiếng liên quan tới 43 sinh viên Ayotzinapa bị mất tích. Ngành tư pháp tình nghi là chính các cảnh sát địa phương đã bắt cóc các sinh viên này trước khi giao nộp họ cho các tay trùm buôn ma túy. Chính quyền đã tuyên bố là 43 sinh viên là nạn nhân của các tổ chức buôn ma túy, nhưng kết luận này chẳng thuyết phục được ai.

Gần một năm sau, vụ bắt cóc 43 sinh viên vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhưng không ai còn hy vọng là những thanh niên này sống sót. Trong đa số các trường hợp, chính quyền Mêhicô không tiến hành điều tra cặn kẻ để tìm hiểu người bị mất tích còn sống hay đã chết.

Ngay đến khi người ta phát hiện các thi hài trong những hố chôn tập thể, các cuộc giảo nghiệm tử thi cũng ít khi nào mang lại kết quả. Cho tới giờ, chính quyền Mêhicô vẫn chưa lập ra một cơ sở thu thập các mẫu xét nghiệm, để có thể đối chiếu so sánh DNA của nạn nhân với gia đình thân nhân của họ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.