Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - CHÂU ÂU

Làn sóng nhập cư : Đâu đâu cũng muốn dựng tường rào

Toàn cầu hóa hẳn đã xóa bỏ hoàn toàn ranh giới đối với hàng hóa. Nhưng đối với con người, mối lo an ninh và mong muốn ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp lại làm trỗi lên những bức tường trên khắp thế giới, dù rằng nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính hiệu quả của chúng trong dài hạn.

Một đứa trẻ Syria đối mặt với hàng rào cảnh sát tại biên giới Macedonia.
Một đứa trẻ Syria đối mặt với hàng rào cảnh sát tại biên giới Macedonia. REUTERS/Yannis Behrakis
Quảng cáo

Cách đây một phần tư thế kỷ, vào lúc bức tường Berlin sụp đổ, trên thế giới chỉ có 16 bức tường ngăn bảo vệ các đường biên giới. Ngày nay tổng cộng có đến 65 tường rào, đã được xây xong hay đang trong quá trình xây dựng, theo nhận định của nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, đại học Québec.

Từ bức tường ngăn cách Israel (hay còn gọi là "bức tường phân biệt sắc tộc" đối với người Palestin) cho đến những hàng rào gai thép dài 4000 km mà Ấn Độ dựng lên ở biên giới với Bangladesh, hay như bờ đê cát khổng lồ chia cách Maroc với những vùng do quân nổi dậy Polisario chiếm đóng tại Sahara. Tường hay rào chắn ngày càng trở nên được các chính khách ưa chuộng mong muốn tỏ ra cứng rắn trên vấn đề dân nhập cư và an ninh.

Vào tháng 7 năm 2015, chính phủ bảo thủ Hungary đã khởi công xây dựng một hàng rào cao 4 mét dọc theo biên giới với Serbia, để cố ngăn chặn làn sóng người tỵ nạn chạy trốn khỏi Syria, Irak hay Afghanistan. Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu phải thốt lên rằng: "Chúng ta vừa mới hạ xuống nhiều bức tường. Không có lý gì chúng ta lại xây mới cái khác". Ba quốc gia khác như Kenya, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng kiểm soát các đường biên giới để ngăn chặn sự trà trộn của quân thánh chiến khủng bố đến từ các quốc gia láng giềng như Somali, Irak và Syria.

Ảo giác an toàn

Dù là những bức tường đó mang tính biểu tượng có tính chất hơi hung hăng, nhưng tính hiệu quả của chúng cũng chỉ là tương đối, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia. Ông Marcello Di Cintio, tác giả quyển sách "Những bức tường, chuyến du hành dọc theo các chướng ngại vật " đảm bảo rằng: "Các bức tường đó có một điểm chung duy nhất đó là chúng tạo nên cảnh trí cho màn kịch. Chúng tạo ra một ảo giác về an toàn, chứ không phải là một sự an toàn thật sự ".

Bất chấp những chướng ngại đó, người nhập cư rồi cũng tìm cách vượt qua được, chả phải cũng như thuốc phiện lúc nào cũng hiện diện trên những chiếc bàn tại Manhattan cũng như là thuốc lá lậu tại đồi Montmartre. Bởi vì, bất chấp việc lính canh nhắm bắn thẳng vào họ, ngay cả bức tường Berlin cũng chưa bao giờ khép kín hẳn.

Những người ủng hộ xây tường đánh giá là thà bị rò rỉ còn hơn là bị ngập lụt, nhưng ông Marcello Di Cintio cũng cho rằng không nên bỏ qua những tác động trở lại về mặt tâm lý của việc dựng tường rào. Ông dẫn chứng những thành viên cũ của bộ tộc da đỏ Châu Mỹ Tohono O'odham, mà một vài người trong số họ đã qua đời đương nhiên là do buồn rầu, khi bức tường chia cách Mehico với Hoa Kỳ đã chia lìa họ với một số thánh địa.

Câu chuyện về những người da đỏ đó đang vang đi khắp nơi đến mức mà nhà tâm lý học người Đức sống tại Berlin Dietfried Muller-Hegemann trong những năm 70 đã gọi đó là "chứng bệnh của tường". Bởi vì ở những người phải sống trong cái bóng của bức tường chia đôi thành phố làm đôi, tần suất mắc chứng trầm cảm, nghiện rượu và bạo hành trong gia đình là rất cao.

Những người nghèo bị ảnh hưởng nặng nhất

Trên thực tế, những bức tường đó chẳng làm thay đổi được nguyên nhân sâu xa của việc mất an ninh hay làn sóng nhập cư. Việc dựng lên mọi chướng ngại vật chẳng dập tắt được mức tăng xin tỵ nạn hay tấn công khủng bố. Chúng đơn giản đã buộc những nhóm người đó phải thích nghi với tình huống. Theo ông Reece Jones, giáo sư đại học Hawai, tác giả sách "Tường biên giới: an ninh và cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Israel ", thì những bức tường đó chỉ có hiệu quả chống lại những người nghèo nhất và những người tuyệt vọng nhất.

Ông Jones nói: "Các băng đảng chống thuốc phiện và các nhóm khủng bố đều có phương cách để luồn lách các bức tường, phần lớn thời gian là nhờ vào giấy tờ giả. Đóng cửa biên giới chỉ làm dịch chuyển vấn đề, buộc người nhập cư băng qua những hoang mạc khủng khiếp hay trên những chiếc thuyền tồi tàn ở Địa Trung Hải. Điều đó chỉ có làm tăng thêm số nạn nhân ".

Theo ước tính của Tổ chức Di dân Thế giới, từ năm 2000 đến nay, đã có hơn 40.000 người đã bỏ mạng khi cố tìm cách di cư. Đối với Emmanuel Brunet-Jailly, đại học Victoria của Canada, "dòng người di dân hiện nay chỉ làm cho các chính khách nghĩ là xây tường ở biên giới là cần thiết. Họ còn ám chỉ đến những câu chuyện cổ xưa về đường biên giới, lằn ranh được vạch ra ở trên cát. Đối với công luận, điều khó nhất là làm thế nào để công luận chấp nhận là hợp tác ngoại giao và chia sẻ thông tin là những phương cách giải quyết hiệu quả nhất trong dài hạn".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.