Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - CHÂU ÂU

Nhập cư: Không còn gì để mất, liều mình đi tìm đất dung thân

Ngoài những cánh đồng hướng dương, từ phía bên kia đường sắt cho đến ngõ ra ngôi làng nhỏ bé Idomeni của Hy Lạp, hàng trăm người tỵ nạn tụ lại thành nhóm và chuẩn bị băng qua biên giới Macedonia. Đó là những gì phóng viên hãng AFP ghi nhận trong bài phóng sự.

Một bé gái Syria mệt mỏi ngủ trong lòng bố mẹ bên lằn ranh biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp.
Một bé gái Syria mệt mỏi ngủ trong lòng bố mẹ bên lằn ranh biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp. REUTERS/Yannis Behrakis
Quảng cáo

Hai tảng đá lớn và chừng 5-6 viên cảnh sát, là những gì có được của đội canh gác biên phòng Macedonia. Đây cũng là cửa ngõ chính hàng chục ngàn người di dân đã chọn đi qua để vào được Bắc Âu. Rất nhiều người đến từ Hy Lạp, thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, bằng đường bộ hay đường biển, đang hối hả chạy về đường biên giới này mà không thèm đợi giấy phép thông hành đúng luật. Họ nóng lòng muốn băng qua Serbia để có thể vào được Hungary, trước khi nước này khép hoàn toàn đường biên giới như đã thông báo hồi trung tuần tháng 7 vừa qua.

« Chắc là thôi rồi, không được gì cả » là cảm giác lo lắng của rất nhiều người tỵ nạn. Sau khi bỏ chạy khỏi Raqa, lãnh địa của nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhiều người trong số họ đã mất tất cả, đôi khi buộc phải vứt bớt đồ xuống biển để không bị chìm đò. Một hành trình vô định. Như thú nhận của một cô giáo viên dạy Anh ngữ trẻ người Syria. Họ không biết mình muốn đi đến đâu. Chỉ có một niềm hy vọng duy nhất là tìm được mảnh đất dung thân, ở đó họ sẽ được đối xử tử tế như là những con người thật thụ.

Trong số từ 1000-2000 người đó, phần đông là người Syria, một số ít người Afghanistan, Pakistan, Irak hay Iran. Có những người cho biết họ là người Công giáo đang chạy trốn sự trấn áp. Tại cửa khẩu, cảnh sát Macedonia chỉ cho phép từng nhóm một từ 50-100 người bắt tàu lửa đi Serbia. Với số lính canh ít ỏi (5-6 người), công việc xử lý dòng người tỵ nạn thời gian gần đây hầu như là quá tải.

Một hành trình gian nan. Nhưng không vì thế mà cũng làm mất đi tính chất nghệ sĩ, hài hước của « Wolf », anh chàng diễn viên múa chuyên nghiệp người Syria. Trên gương mặt của từng người trong đoàn, người ta có thể nhận thấy muôn vàn sắc thái khác nhau : tuyệt vọng, lạc quan, đôi khi sung sướng, thi thoảng tràn đầy hy vọng hoặc như thú dữ của những kẻ dẫn đường, theo như nét vẽ minh họa trong nhật ký hành trình của anh.

« Giống như là khách du lịch »

Theo thống kê, từ đầu năm nay, hơn 160.000 người tỵ nạn và thuyền nhân đã cập bến Hy Lạp. Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát của đất nước. Liên Hiệp Châu Âu đã hứa cấp một nguồn tài trợ mới để đất nước đối phó với điều mà Châu Âu đánh giá là « cuộc khủng hoảng tỵ nạn tệ hại nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến ». Nhưng sự trợ giúp từ quốc tế lại quá ít ỏi, chủ yếu đến từ người dân hay các tổ chức phi chính phủ như Y sĩ không biên giới chẳng hạn. Bởi vì, từ 11 tháng nay, các băng đảng đang kiểm soát các đường biên giới. Chúng đánh đập hay trấn lột những người tỵ nạn.

Do đó, đối với các tình nguyên viên, việc Châu Âu đóng cửa biên giới chỉ dần biến các thuyền nhân đó thành những con mồi của các băng đảng. Anh Vasilis Tsartsanis, 42 tuổi cho rằng : « Châu Âu cần phải nhìn thắng vào sự thật. Họ đâu còn gì để mất, họ cũng chẳng thể quay đầu về được nữa, cách này hay cách khác, họ cũng sẽ tìm cách vượt qua ».

Theo ghi nhận của phóng viên AFP, phần đông người tỵ nạn xuất thân thành phần trung lưu, ăn mặc chỉnh tề, thậm chí có cả điện thoại thông minh. Đến mức, một ông tài xế xe buýt cũng phải thốt lên là « Lẽ ra gọi họ là du khách thì đúng hơn ».

Nhiều thanh niên trong số đó, bỏ xứ ra đi là vì không muốn cầm súng cho chế độ như Omar Abdi, 24 tuổi. Anh chấp nhận chi trả một khoản tiền lớn 2.500 euro để băng Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường bộ, ngủ trong rừng hay trên hè phố, đi bộ gần trăm cây số để đến biên giới Macedonia. Dù gian khổ, nhưng anh cũng cảm thấy nhẹ lòng chỉ vì « không muốn giết người, chỉ muốn được đi học ». Cũng như bao nhiêu người khác, anh « đã chịu đựng quá nhiều, làm đủ mọi cách chỉ để có được một cuộc sống khác tốt hơn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.