Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬP CƯ

Gần 110.000 người vượt biên vào Châu Âu trong tháng 7

Làn sóng nhập cư, tỵ nạn vào Châu Âu đột ngột tăng vọt. Theo cơ quan biên phòng Liên Hiệp Châu Âu Frontex, trong tháng 7/2015, có ít nhất 107.500 người vượt biên, nhiều gấp ba so với tháng 7 năm ngoái. Hy Lạp gánh gần một nửa số người vượt biên.

Người tỵ nạn vượt biên, chờ đến phiên khám sức khỏe, ngủ trên vỉa hè trước cơ quan y tế Đức tại Berlin, 11/08/2015
Người tỵ nạn vượt biên, chờ đến phiên khám sức khỏe, ngủ trên vỉa hè trước cơ quan y tế Đức tại Berlin, 11/08/2015 REUTERS/Stefanie Loos
Quảng cáo

Gần một nửa số người nhập cư vào Châu Âu qua các đảo Hy Lạp trên biển Egée, đặc biệt là Kos, Samos, Chios hay Lesbos. Riêng trong tuần qua có đến gần 21.000 người vượt biển đổ lên các đảo này. Chiến tranh, bạo lực và đói nghèo tại Syria, Irak hay Afghanistan là những nguyên nhân chính buộc người ta phải bỏ nước ra đi. Làn sóng di cư đổ vào Hy Lạp đúng vào lúc quốc gia này đang trong cơn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Riêng tại đảo Kos trong tuần vừa qua đã có 7.000 người đến. Trên hòn đảo này, không có cơ sở hạ tầng dự kiến để tiếp đón. Một khu tạm trú với khoảng 600 đến 700 chỗ vừa được mở khẩn cấp. Việc làm hồ sơ hết sức chậm, không đủ số lượng cảnh sát triển khai để tiếp nhận các yêu cầu. Gần như không có hỗ trợ thực phẩm cho người tỵ nạn, ngoài một số chia sẻ ít ỏi của du khách và cư dân rủ lòng thương. Đa số người vượt biển tới Kos bằng xuồng cao su. Theo Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, đa số những người này sẽ nhận được quy chế tỵ nạn.

Thứ sáu tuần trước, Liên Hiệp Châu Âu cam kết hỗ trợ tài chính Hy Lạp, nhưng nhiều nước thành viên không muốn thực thi các biện pháp do Ủy ban Châu Âu đề nghị nhằm giảm tải cho Hy Lạp và Ý.

2015 : Đức dự kiến có 750.000 nghìn người xin nhập cư

Áp lực nhập cư tiếp tục đè nặng lên nước Đức. AFP dẫn thông tin của nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt hôm qua, 18/08/2015, theo đó, chính quyền liên bang điều chỉnh lại dự kiến số người xin nhập cư sẽ tăng đến 750.000 nghìn, thay vì 450.000 như hiện nay.

Đầu năm nay, cơ quan di trú Đức đã dự kiến có 300.000 đơn yêu cầu trong năm, nhưng con số này đã bị vượt qua vào ngày 01/08. 750.000 là một con số kỷ lục. Năm 1992, do chiến tranh tại Nam Tư cũ, Đức đã từng đối mặt với 438.191 đơn xin tỵ nạn.

Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Muller kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hành động trước làn sóng người di cư tăng vọt. Theo Bộ trưởng Đức, Châu Âu cần có « một ủy viên phụ trách người tỵ nạn », và Bruxelles phải « hành động khẩn cấp ». Còn theo Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, Châu Âu cần phải có một sự chia sẻ gánh nặng người tỵ nạn, chứ không thể để trách nhiệm đè nặng chủ yếu lên hai quốc gia Đức và Thụy Điển, như hiện nay.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : « phần lớn người tỵ nạn vượt Địa Trung Hải bằng thuyền để chạy trốn xung đột và truy bức. Tất cả các nước Châu Âu phải có nghĩa vụ đạo lý tiếp nhận họ và nghĩa vụ pháp lý hiển nhiên là bảo vệ họ ».

Theo thống kê của Eurostat, năm 2014, Đức tiếp nhận 32,4% tổng số người tỵ nạn nhập cư vào Châu Âu. Theo các nhà quan sát, quá tải bởi số lượng này, Berlin tìm cách giảm mức tiếp nhận người nhập cư từ bán đảo Balkan, chiếm khoảng 40% số đơn yêu cầu từ tháng 1/2015.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chủ nhật, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, và vấn đề nhập cư sẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với « Hy Lạp và sự ổn định của đồng euro ».

Hungary đưa hàng nghìn cảnh sát tới biên giới với Serbia

Theo Reuters, hôm qua 18/08/2015, chính quyền Budapest thông báo hàng nghìn cảnh sát Hungary được tăng viện tới đường biên giới Cộng hòa Serbia, nơi chính quyền đang tiến hành xây dựng một hàng rào chặn dân nhập cư.

Để biện minh cho việc tăng cường lực lượng an ninh tại khu vực này, Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban nêu lý do dân nhập cư có thái độ hung hãn.

Riêng từ đầu năm đến nay, có hơn 100.000 người nhập cư vào Hungary, so với 43.000 người trong năm 2014. Hungary là thành viên của Hiệp định tự do đi lại Shengen.

Bức rào 3,5 mét, dài 177 cây số, mà Budapest chủ trương xây dựng, có kế hoạch hoàn thành vào tháng 11. Chính quyền Serbia và Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc lên án dự án này.

Hồi giữa tháng 7, gần 20 tổ chức nhân quyền đã tuần hành tại Budapest để phản đối dự án hàng rào ngăn biên giới. Theo các nhà bảo vệ nhân quyền, bức rào thép gai nói trên không những phản nhân quyền, mà còn vô tác dụng. Ủy ban bảo vệ quyền con người Helsinki Budapest cho hay sẽ đưa vụ việc ra các diễn đàn luật của EU.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.