Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Kinh tế Nga trong cơn bão tố

Đăng ngày:

Đồng tiền quốc gia bị rớt giá thê thảm, cơ cấu kinh tế mất cân đối, phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu nguyên liệu, dầu khí, phương Tây tiến hành trừng phạt kinh tế tài chính do cuộc khủng hoảng Ukraina. Có thể nói, kinh tế Nga đang trong cơn bão tố. Mặc dù Liên Xô cũ đã sụp đổ cách nay hơn hai thập niên, nhưng nền kinh tế Nga dường như vẫn đi theo con đường cũ, vẫn bị chi phối, chỉ đạo bởi một hằng số : Chính trị là trên hết.

Tổng Giám đốc tập đoàn Gazprom Alexei Miller (ở giữa), Chủ tịch Tổng công ty dầu khí Trung Quốc Zhou Jiping  (phải) và et Tổng thống Nga Vladimir Poutine (trái) tại một buổi lễ ký kết hợp đồng dầu khí, tại Thượng Hải, ngày 21/05/2014.
Tổng Giám đốc tập đoàn Gazprom Alexei Miller (ở giữa), Chủ tịch Tổng công ty dầu khí Trung Quốc Zhou Jiping (phải) và et Tổng thống Nga Vladimir Poutine (trái) tại một buổi lễ ký kết hợp đồng dầu khí, tại Thượng Hải, ngày 21/05/2014. REUTERS/Alexei Druzhinin/RIA Novosti/Kremlin
Quảng cáo

Từ tháng Giêng năm 2014 đến tháng Hai năm 2015, đồng Rúp của Nga đã bị mất giá tới 50%. Vào tháng Sáu vừa qua, đồng tiền Nga đã phần nào tìm lại được sự cân bằng, nhưng giá trị vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước khi xẩy ra khủng hoảng, (một euro ăn 60 Rúp thay vì 40 Rúp).

Cuộc khủng hoảng tiền tệ mà Nga đang trải có cội nguồn từ việc dầu lửa bị giảm giá nhanh và liên tục trên thị trường thế giới. Giá một thùng dầu thô WTI (West Texas Intermediate) từ 110 đô la xuống còn 50 đô la và tạm thời ổn định ở mức 60 đô la. Trong khi đó, một nửa Ngân sách Nga có nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, thứ hạng của nền kinh tế Nga đã bị giảm, từ vị trí thứ 10 trên thế giới, xuống ở hàng thứ 12 hoặc 13.

Xây dựng ngân sách trên giả định giá một thùng dầu là 100 đô la, điều dễ hiểu là nền kinh tế Nga rơi vào bế tắc khi giá dầu xuống thấp. Khi bị thất thu, thì một trong những giải pháp là đi vay trên thị trường tài chính quốc tế, trong khi chờ đợi giá dầu tăng. Nhưng, các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đã ngăn chặn khả năng này.

Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia Julien Vercueil, thuộc Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông - INALCO (Paris), tác giả của nhiều bài viết về kinh tế Nga, nhận định về tác động của việc giảm giá dầu đối với nền kinh tế Nga.

« Đây là vấn đề nghiêm trọng trên nhiều phương diện và không chỉ đối với nền kinh tế Nga. Nếu chỉ đề cập đến nền kinh tế Nga, thì việc dầu lửa tụt giá tác động mạnh đến các cân bằng trong trao đổi với nước ngoài. Ví dụ, cán cân vãng lai của Nga phụ thuộc nặng nề vào khả năng xuất khẩu nguyên nhiên liệu. Dầu khí và các sản phẩm dầu khí chiếm tới 70% trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Nga. Do vậy, khi giá dầu giảm, đương nhiên, thu nhập ngoại tệ của Nga giảm. Cán cân vãng lai bị mất cân đối và hậu quả là dự trữ hối đoái của Ngân hàng Trung ương Nga bị giảm theo.

Mặt khác, giá dầu giảm cũng gây ra các tác động nội tại nền kinh tế Nga, làm mất cân đối thuế khóa. Nhà nước Nga phụ thuộc tới 50% vào nguồn thu thuế từ các ngành công nghiệp xuất khẩu nguyên liệu, nặng lượng và xét cho cùng, rất phụ thuộc vào đồng đô la.

Ngành dầu lửa không phải là động lực có tác động mạnh đối với cơ cấu kinh tế Nga, nếu nhìn dưới góc độ giá trị gia tăng. Lĩnh vực năng lượng không chiếm một tỷ trọng lớn, xét dưới góc độ giá trị gia tăng trong nền kinh tế Nga. Các lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng là dịch vụ, công nghiệp chế biến. Đương nhiên ngành công nghiệp dầu khí cũng có vai trò, nhưng khiêm tốn, chỉ vào khoảng 15-20%.

Ngược lại, những tác động gián tiếp gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Nga. Giá dầu giảm gây áp lực mạnh đối với tỷ giá hối đoái của đồng Rúp. Tỷ giá này theo sát giá dầu lửa. Tỷ giá hối đoái đồng Rúp giảm tác động đến một loạt các cân bằng ngoại tệ của những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những công ty xuất khẩu. Những doanh nghiệp này đi vay bằng đồng đô la và do vậy gặp khó khăn trong việc trả lãi và thanh toán nợ ».

Cũng về khía cạnh này, trên đài RFI, chuyên gia phân tích chính trị, bà Cécile Vaissié, bổ sung :

« Tôi có nhìn vào các số liệu của Nga. 91% tổng xuất khẩu của Nga là nguyên liệu, dầu lửa, khí đốt. Đó là những sản phẩm không chế biến. Nga là nước có trình độ đào tạo cao, trên một số lĩnh vực có trình độ khoa học cao, nhưng lại không đủ khả năng để xuất khẩu các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao. Mặt hàng chế biến chỉ chiếm có 9%. Đây là vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Nga, một trong những điểm đen trong bản tổng kết kinh tế, chính trị của Nga trong 15 năm qua ».

Theo giới phân tích, khả năng đối phó, thích ứng của nền kinh tế Nga kém là do những vấn đề cơ cấu nội tại và những mất cân đối này đã tồn tại từ thời Liên Xô cũ, kéo dài cho đến nay. Công nghiệp nặng của Nga bao gồm chủ yếu là các ngành khai thác nguyên nhiên liệu. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến rất yếu ớt.

Ông Julien Vercueil giải thích :

« Công nghiệp Nga bao gồm hai mảng chính : Công nghiệp nặng bao gồm chủ yếu là dầu khí và nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Có thể nói, Nga có tất cả các ngành nghề công nghiệp, nhưng bị phân chia, rất tản mạn. Ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo máy công cụ, ngành chế biến thiết bị công nghiệp hầu như biến mất trong những năm 1990 và không được xây dựng lại trong những năm 2000 hoặc rất ít.

Mạng lưới công nghiệp Nga đã bị tan rã trong những năm 1990 và chỉ có một bộ phận được tái lập và phát triển rất mạnh trong những năm 2000. Phần còn lại không được ở mức như vậy.

Có nhiều yếu tố thể hiện sự mong manh của mạng lưới kinh tế thực ra là di sản của nền kinh tế Nga trong những năm 1990.

Nga tiến hành mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và hội nhập vào kinh tế thế giới, năm 1992 diễn ra vào lúc ngành công nghiệp của nước này không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc mở cửa xẩy ra một cách mạnh mẽ, phũ phàng. Do các điều kiện tài chính và những khó khăn lúc đó, Nhà nước Nga đã không làm được gì để hỗ trợ cho ngành công nghiệp. Do vậy, đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế, ngành công nghiệp Nga bị sụt giảm mạnh, từ 90 đến 95% và hầu như không còn thị trường nữa.

Chính trên cơ sở này mà trong những năm 2000, Nga có mức tăng trưởng cao, thế nhưng, sự tăng trưởng này lại chỉ diễn ra ở một số ngành nghề không bị tổn hại nhiều trong giai đoạn trước. Và đó là những lĩnh vực thuộc về lợi thế tự nhiên của nước Nga, như ngành công nghiệp nguyên liệu, nhiên liệu ».

Nền kinh tế Nga có một đặc điểm khác biệt : Đó là sự thiếu vắng mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo « Nghiên cứu kinh tế » của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OCDE, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực phát minh, sáng tạo, trong các nền kinh tế lớn thuộc tổ chức này : Một phần tư ngân sách Nghiên cứu và Phát triển được chi cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn tại Nga, tỷ lệ này chỉ là 2% trong năm 2010 và 1,6% trong năm 2013.

Theo chuyên gia Julien Vercueil, vào cuối những năm 1990, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế Nga. Hiện nay, tỷ lệ này vẫn như vậy. Có nghĩa là bộ phận này bị ngưng trệ và bị khống chế về quy mô trong 15 năm qua. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã không phát triển tại Nga trong lúc ở Châu Âu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm từ 60% đến 70% tổng giá trị gia tăng trong các nền kinh tế.

Trong lúc các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân hầu như đình trệ thì ngành công nghiệp quân sự của Nga vẫn phát triển. Đây không phải là điều gì mới, vì xu thế này này đã có từ thời Liên Xô cũ.

Các trừng phạt của phương Tây đối với Nga dường như không có tác động đến các xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga trong năm 2014. Tháng Giêng năm nay (2015), trong cuộc họp với Ủy ban hợp tác quân sự - kỹ thuật, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định : Trong năm 2014, xuất khẩu vũ khí của Nga vượt qua mức 15 tỷ đô la. Các hợp đồng đã ký có giá trị gần 14 tỷ. Nguyên thủ Nga nhấn mạnh : Việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ quân sự cao cấp có tầm quan trọng đối với Nga, nhất là trong bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay. Điều quan trọng là phải hiện đại hóa sản xuất trong lĩnh vực quốc phòng.

Bà Cecile Vaissié nhận định:

« Đương nhiên, ngành công nghiệp quân sự của Nga vẫn tồn tại. Liên Xô trước đây không đủ khả năng bảo đảm cho người dân ăn, mặc, ở một cách tử tế, chưa nói đến việc chiếm lĩnh thị trường nội địa. Thế nhưng, Nga lại giành một sự ưu tiên đặc biệt cho một số lĩnh vực, như chế tạo vũ khí, chinh phục không gian và đã thu được một số kết quả tốt. Nhiều loại vũ khí do Nga sản xuất trở nên nổi tiếng trên thế giới. Từ nhiều năm qua, ông Putin và nhóm lãnh đạo tại Matxcơva tiếp tục chú ý tới ngành công nghiệp quân sự và nhìn chung, đây là lĩnh vực kinh tế duy nhất tại Nga không bị suy thoái và còn phát triển mạnh. Như vậy, cái mà Nga cần là tuyên truyền và tuyên truyền hiếu chiến ».

Phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu khí, lại bị phương Tây cấm vận, Nga đi tìm thị trường mới và đương nhiên, Trung Quốc, đang rất khát năng luợng, trở thành một đối tác quan trọng của Matxcơva.

Liên Hiệp Châu Âu hiện chiếm tới gần 50% trong xuất nhập khẩu của Nga, nhưng Matxcơva đang đẩy mạnh quan hệ thương mại - đầu tư với Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí : Mục tiêu đề ra là vào năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ tới 25% tổng xuất khẩu dầu khí của Nga ; tỷ lệ này hiện nay chỉ là 5%. Tháng 10/2014, hai nước đã ký 38 thỏa thuận, nhằm tăng gấp đôi tổng giá trị trao đổi thương mại song phương. Đáng chú ý nhất là hợp đồng khổng lồ trị giá 400 tỷ đô la : Trong vòng 30 năm, kể từ 2018, mỗi năm Nga cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc, qua đường ống dẫn khí vừa được khởi công xây dựng hồi tháng 09/2014.

Thế nhưng, theo bà Cécile Vaissié, Nga ký hợp đồng này vì lý do chính trị, hơn là kinh tế :

« Hợp đồng cung ứng khí đốt mà người ta nói nhiều đến, với những con số gây ấn tượng mạnh, về tài chính và khối lượng khí đốt cung ứng. Tôi có đọc một số nghiên cứu của giới chuyên gia năng lượng Nga. Nhiều người cho rằng hợp đồng ký với Trung Quốc không mang lại lợi lộc gì cho Nga. Có nghĩa là Nga ký hợp đồng vì những lý do chính trị. Trong một chừng mực nào đó, Nga bị mất thị trường Châu Âu vì các nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Khí đốt bán cho Châu Âu mang lại những khoản thu lớn cho Nga.

Có thể nói, một trong những thảm họa của nền kinh tế Nga, đó là những yếu tố chính trị thắng thế so với những yếu tố thuần túy kinh tế, kiếm lợi. Theo Matxcơva, cái gì tốt cho đất nước thì tốt cho nền kinh tế ».

Về phần mình, ông Julien Vercueil cho rằng hợp đồng khổng lồ cung ứng khí đốt được ký với Trung Quốc giúp đa dạng hóa thị trường nhưng đồng thời cũng có thể trở thành cái bẫy, kìm hãm mọi sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế Nga.

« Tôi có thể nói là cả hai, vừa lợi vừa hại. Hiển nhiên, nếu nhìn vào việc bán năng lượng hiện nay của Nga cho thế giới, thì Matxcơva cần phải đa dạng hóa khách hàng. Việc Nga ký được hợp đồng quan trọng, cung cấp khí đốt cho Trung Quốc tạo triển vọng đa dạng hóa thị trường. Đây là điều không thể tranh cãi. Hợp tác song phương này cũng có nhiều triển vọng, không dừng lại ở việc Trung Quốc đầu tư, tài trợ các dự án hạ tầng cơ sở tại Nga và đổi lại Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, hợp đồng này cũng có nguy cơ trở thành cái bẫy đối với Nga, nếu hai nước chỉ dừng lại ở việc trao đổi liên ngành, ví dụ Trung Quốc cung cấp các thành phẩm, và cả thiết bị công nghiệp cho các doanh nghiệp Nga và đổi lại, Nga chỉ đóng vai trò là một cái kho dự trữ khí đốt cho Trung Quốc.

Về hợp đồng cung ứng khí đốt Nga-Trung, hai bên đã thương lượng trong vòng 10 năm. Một trong những điểm gây bất đồng làm cho cuộc đàm phán kéo dài là giá một mét khối khí đốt bán cho Trung Quốc. Tập đoàn Gazprom áp dụng nhiều mức giá khác nhau. Giá thấp nhất được giành cho khách hàng Nga. Một loạt mức giá trung bình được áp dụng cho các nước thuộc Liên Xô cũ Liên Hiệp Châu Âu phải trả mức giá cao nhất.

Trong 10 năm, đàm phán không tiến triển, thế rồi các cuộc thương lượng lại được hoàn tất nhanh chóng vào đúng thời điểm Nga có quan hệ xung đột với phương Tây do hồ sơ Ukraina. Điều đó có nghĩa là Nga đã nhượng bộ Trung Quốc để phá vỡ bế tắc trong đàm phán.

Từ đó, chúng ta có thể suy luận được rằng giá khí đốt được áp dụng cho Trung Quốc sẽ thấp hơn mức bán cho Châu Âu. Tuy vậy, qua hợp đồng này, Nga cũng có lợi, nhưng không nhiều như trong việc bán khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu ».

Câu hỏi đặt ra là tương lai của kinh tế Nga sẽ ra sao, khả năng Nga thoát ra khỏi khủng hoảng như thế nào?

Chuyên gia Julien Vercueil thẩm định :

« Chắc chắn là không và mỗi cuộc khủng hoảng có những yếu tố quyết định của nó. Các phản ứng đối phó cũng khác nhau. Điều này có thể nhận thấy qua việc đồng Rúp mất giá.

Thế nhưng cơ cấu kinh tế Nga hiện nay không giống như trong thời kỳ xẩy ra các cuộc khủng hoảng trước đây.
Tôi cho rằng, kinh tế Nga có tiềm năng vững chắc để tái khởi sắc, thế nhưng các điều kiện để phá vỡ bế tắc, ngăn cản khởi sắc lại phức tạp hơn trước rất nhiều, khi so với tình hình của cuộc khủng hoảng năm 1998 và thậm chí năm 2009. Bởi vì đa số các yếu tố này mang tính chất chính trị.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, nền kinh tế Nga là con tin của lập trường chính trị hiện nay của Matxcơva.

Nếu có những yếu tố kinh tế, địa chính trị thuận lợi thì kinh tế Nga có thể thoát ra khỏi sự bế tắc, ví dụ như tình hình Ukraina lắng dịu, đồng Rúp tăng giá và giá dầu lửa có xu hướng tăng trở lại, ba yếu tố này kết hợp với nhau thì kinh tế Nga có thể tái khởi sắc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.