Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Selfie: nghệ thuật tự chụp ảnh hay là sự « tự mê sướng » nguy hiểm?

Đăng ngày:

« Selfie » đang là mốt thời thượng. Một thao tác đơn giản, chỉ cần với chiếc điện thoại thông minh bạn có thể tự chụp hình mình rồi đăng trên các trang mạng. Từ năm 2012, hiện tượng đó gần như chiếm lĩnh trên các mạng xã hội. Một hiện tượng toàn cầu do bởi chúng hiện diện hầu như ở khắp nơi trong mọi tầng lớp xã hội: từ chốn riêng tư, công cộng, nơi làm việc, bình dân thiên hạ, cho đến giới trí thức và cả tầng lớp chính khách. Câu hỏi đặt ra, phải chăng selfie là một xu thế nghệ thuật đương đại, kế thừa từ nghệ thuật chụp ảnh của tranh chân dung? Hay đó lại là một thái độ « tự mê sướng » nguy hiểm?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. @presidente_garcia
Quảng cáo

Quan sát chung

Năm 2009, một nghiên cứu tại Pháp do cơ quan thăm dò TNS Sofre thực hiện cho thấy 90% trẻ trong độ tuổi từ 12-17 đã có điện thoại di động gắn thiết bị chụp ảnh. 86% trong số này thường xuyên gởi ảnh bằng điện thoại.

Tháng 06/2012, một cuộc điều tra do Trung tâm nghiên cứu và quan sát điều kiện sống tiến hành cho thấy 80% các em thiếu niên truy cập thường xuyên một trang xã hội. Viện thăm dò Ipsos cũng tiến hành điều tra tương tự cho thấy trong số các em tuổi từ 14-18, cứ 10 em có 9 sử dụng điện thoại thông minh như là một thiết bị chụp ảnh. Đó cũng là nguyên nhân làm bùng nổ hiện tượng selfie (chiếm đến 62%).

Hiện tượng này phổ biến đến mức năm 2013, các tự điển của Oxford tiến hành thống kê cho thấy tỷ lệ xuất hiện từ « selfie » tăng đến 17000%. Chính vì thế Oxford đã bầu chọn « Selfie » là từ khóa của năm. Còn tại Pháp, tự điển Petit Robert đã cập nhật thêm từ « Selfie » vào trong ấn bản năm 2015.

« Selfie » phá vỡ lối chụp ảnh chân dung truyền thống

Từ "Selfie" có nguồn gốc từ tiếng Anh « Self » (tự mình) có lẽ xuất hiện lần đầu vào năm 2002 tại Úc trên trang mạng truyền thông ABC Online. Rồi trên các trang mạng khác như Flickr hay Myspace vào năm 2004, trước khi bị biến thành một lý thuyết trong cẩm nang thực hành chụp ảnh do một người tên Jim Krause thực hiện. Như vậy « Selfie » hay còn gọi là « tự chụp ảnh » hay « chân dung về cái tôi » là một dạng ảnh chân dung kỹ thuật số được thực hiện nhờ sự trợ giúp của một điện thoại cầm tay và được dành cho một cổng chia sẻ, nhất là thông qua các trang mạng xã hội.

Trên thực tế, nghệ thuật ảnh chân dung không phải là một hiện tượng mới mẻ. Rất nhiều họa sĩ và nhiếp ảnh gia đã thực hành nghề này từ lâu. Vẽ ảnh chân dung đã có từ thời Ai Cập cổ đại và trải qua nhiều nền văn minh khác nhau. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, ảnh chân dung tự chụp (selfie) nổi tiếng và có thể xem như đó là bức « Selfie » đầu tiên trên thế giới là do chính nữ công tước Anastasia Nikolaevna thực hiện năm 1914.

Như giải thích của cô Pauline Escande-Gauquié, nhà thuật ngữ học, giảng viên trường đại học Paris Sorbonne, rõ ràng từ lâu ảnh chân dung chỉ dành cho tầng lớp tinh hoa trong xã hội: giới trí thức, quý tộc.. Nhưng chính nhờ vào sự phát triển của ngành nhiếp ảnh, nên ảnh chân dung trở nên phổ biến hơn. Thế nhưng, theo quan điểm của Ronan Chastellier, chủ tịch tạp chí Tendanceo-Opinionway trên làn sóng đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, ảnh chân dung bằng « Selfie » đã phá vỡ các chuẩn áp đặt trong lối thể hiện ảnh chân dung truyền thống.

« Điều thú vị đó là những tấm ảnh không bất động, ngược lại với ảnh chân dung theo lối truyền thống. Trong ảnh "Selfie", nếu ta càng xê dịch, càng thoải mái, và tự nhiên bao nhiêu, ảnh selfie càng hay bấy nhiêu ».

Selfie: một hiện tượng tâm lý - xã hội

Đối với rất nhiều nhà quan sát, đầu tiên hết hiện tượng này mang tính chất tâm lý. Giới chuyên gia tại Quebec gọi « Selfie » là « egoportrait » (tạm dịch là « chân dung về cái tôi »). Chính vì thế mà tờ Time Magazine vào tháng 5/2014 đã đưa lên trang nhất hàng tít lớn "ME ME ME generation" để ám chỉ đến « thế hệ tôi ». Bởi vì, ít nhiều trong những ảnh « Selfie » đều có dấu ấn của « sự tự mê sướng », theo như giải thích của Pauline Escande-Gauquié: « Bởi vì trong hiện tượng selfie, quả thật có yếu tố mang tính chất tự sung sướng khi được tự dàn cảnh. Nhưng người ta cũng có thể hình thành nhiều "self" (tự mình) với nhau ».

Hiện tượng « thích tự chụp ảnh về cái tôi » (egoportrait) đó, hiện hữu phần đông là ở giới trẻ, thích kiểu văn hóa « tự mê sướng » và tự thể hiện mình, như nhận định của ông Ronan Chastellier :

« Bởi lẽ ngày nay chúng ta đang sống trong một nền văn hóa rất ư là tự mê sướng, thích tự phơi bày bản thân. Chúng ta đang trong một xã hội phát đi liên tục sự thể hiện. Do đó, chúng ta cảm thấy rất là tiện ích khi có một chiếc gương nhỏ từ chiếc điện thoại cầm tay, nghe tiếng chuông reo và cho phép gởi đi hình ảnh.

Chúng ta có thể xem hình người khác, hay gởi ảnh của mình lên mạng xã hội để phô bày một vài khía cạnh nào đó của mình, để rồi được người khác đánh giá. Những tấm ảnh đó không chỉ mang tính chất tự phát mà còn là một thông điệp. Người ta càng ngày viết càng ít, người ta chỉ gởi ảnh tự chụp ở một thời điểm nào đó, như để vừa kể chuyện vừa để cho vui ».

Một công cụ liên kết và chống quyền hạn thế hệ

Sự phát triển nhanh chóng các dòng sản phẩm smartphone, được trang bị một máy camera nhỏ nhắn đã làm bùng nổ nhanh chóng hiện tượng « Selfie ». Nó cho phép chủ nhân được thể hiện mình ở dưới bất kỳ hình thức nào, một mình hay với bất kỳ ai (không kể số lượng), ở mọi lúc mọi nơi, một cách tự phát và nhanh chóng mà không cần phải tuân theo một chuẩn nào về nghệ thuật chụp ảnh.

Ông Ronan Chastellier, nhà xã hội học có những nhận xét như sau trên làn sóng đài RFI: « Người tự chụp ảnh như thế là vì muốn tự dàn cảnh. Bởi vì ngày nay chúng ta sống trong một xã hội thích thể hiện, nghĩa là mọi thứ đều có thể được nhìn thấy. Do đó, già trẻ đều cảm thấy hay hay cái việc có thể gởi đi lập tức những gì mình đã chụp. Khác với những kiểu chụp ảnh thông thường, ảnh selfie còn có một tác động đặc biệt.

Bởi vì đó là ảnh dùng để truyền đi trên mạng, có tính chất khôi hài. Đấy là điểm hấp dẫn của selfie. Người ta có xu hướng tạo ra một qui trình hài hước. Trong ảnh người ta có thể nhìn thấy các sắc thái nghịch ngợm, những khía cạnh lộ rõ nét... Nói tóm lại, xung quanh selfie chỉ toàn là nụ cười. Trong ảnh selfie, không hẳn là những tấm ảnh phải chụp đẹp với quần áo lượt là. Một kiểu tự chụp ảnh với những tư thế thoải mái, thư giãn... ».

Bên cạnh những yếu tố mang tính chất « trao đổi xã hội », cách để tự kể về mình, « Selfie » còn mang dấu hiệu của một sự phản kháng chống lại quyền hạn do thế hệ lớn hơn đặt ra. Năm 2011-2012, ông Jocelyn Lachance, nhà xã hội-nhân chủng học người Quebec, giảng dạy tại Đại học Pau (Pháp) đã tiến hành một điều tra dài về các thức sử dụng kỹ thuật số ở giới trẻ Pháp và Canada, vùng Quebec, từ cách sử dụng, động cơ chính, quy ước và quy định do thế hệ được gọi là « digital native » sáng chế ra.

Qua nghiên cứu ông đặc biệt chú ý thấy là cách tạo hình ảnh về chính bản thân, về nhóm bạn phụ thuộc, về chính văn hóa của giới trẻ ngày nay không phải do chính người lớn ấn định. Theo ông, « Selfie » còn là cách họ chống đối lại quyền hạn thế hệ. Điều đó được thể hiện rõ trên màn ảnh chiếc điện thoại di động. Đó là những vấn đề có liên quan đến việc trở thành người lớn: « tình dục, bạo lực và cái chết », ba chủ điều cấm kỵ lớn của nhân loại.

Selfie làm thay đổi triệt để cách truyền thông

Một số chuyên gia, sự thành công của « Selfie » chính là dấu hiệu kiểu tôn thờ « cái tôi ». Số khác thì lại cho rằng đó chỉ là một sự biểu hiện về tính chất tức thì và chia sẻ . Ông Lorraine d'Huart , tác giả quyển sách « Mười ý tưởng cho thanh thiếu niên chúng ta » lại không mấy bi quan như vậy. Theo ông, chúng ta có thể giúp cho thế hệ « cực kỳ kết nối » đó củng cố một cách khách quan hình ảnh tự thân.

Ngoài tính chất nghệ thuật « tự kể » về mình, « selfie » còn là một công cụ liên lạc, trao đổi thông tin hữu hiệu. Sự giao thoa giữa phát triển kỹ thuật số và kỹ thuật giao tiếp đã làm nảy sinh cái gọi là « thương hiệu cá nhân ». Người ta có thể vừa tạo cho mình một hình ảnh vừa mang tính chất cá nhân, thông qua « Selfie » và vừa có tính chất chuyên nghiệp nhờ vào các trang mạng xã hội. Có thể nói, « Selfie đã trở thành một công cụ truyền thông thật sự », như nhận xét của nhà xã hội học Ronan Chastellier.

« Selfie » đang tạo ra một sự thử nghiệm chưa từng có: « Được thấy đang tự ngắm mình ». Tự mình trở thành kẻ săn ảnh chính bản thân. Tự mình tự kiểm soát lấy hình ảnh của mình như giải thích của Guillaume Ridolfi, Giám đốc hội Headoo tại Pháp với RFI:

« Nghĩa là có một sự cố ý để ở trên cao, dưới thấp hay ở bên cạnh cái gì đó. Thật sự có một sự làm chủ hình ảnh mình muốn. Điều thú vị tôi quan sát thấy dược là có phạm vi xã hội sơ khởi. Không có chuyện phát tán nội dung ảnh cho một người bất kỳ nào, 'tôi gởi cho bạn bè, người thân. Tôi không có ý định kể chuyện mình cho người xa lạ. Bên cạnh đó là khía cạnh phù du của bức ảnh. Tôi biết là bức ảnh tôi để trên mạng xã hội tôi biết, và sau đó nó sẽ biến mất không để lại dấu vết trong thời gian. Rõ ràng có một sự giao tiếp có mục tiêu lẫn cả về đối tượng và thời gian lưu giữ ».

Đối với cô Pauline Gauqié, hiện tượng « Selfie » cho thấy có sự dịch chuyển ranh giới giữa cuộc sống riêng tư và ngoài đời. « Tự dàn cảnh trên ảnh, điều đó luôn tồn tại. Nhưng trước đó, còn có một ranh giới rất rõ ràng giữa phạm vi gia đình và ngoài đời. Phạm vi riêng tư đó kể từ giờ được phơi ra trước mắt bình dân thiên hạ ».

Thành công của « Selfie » không chỉ có giới trẻ mới cảm nhận được. Tính tiện ích « tự quảng bá » của « Selfie » cũng đã được giới showbiz cũng như các chính khách nhanh chóng nắm bắt. Ví dụ điển hình là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng với Thủ tướng Anh David Cameron và nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đã bị bắt gặp đang làm « Selfie » ngay trong tang lễ cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Điều đó cũng giải thích vì sao có sự bùng nổ hiện tượng « Selfie » năm 2012. Cô Pauline Gauquié phân tích :

« Dù là mang tính chất tự phát, nhưng selfie cũng có đặc điểm ngày càng trở thành một chiến lược thật sự, kể cả đôi khi đó là một chiến lược chuyên nghiệp. Chính vì thế vào năm 2012, hiện tượng này đã bùng nổ bởi vì các ngôi sao, các nhân vật nổi tiếng, các chính khách... đã hiểu ra rằng selfie còn là một công cụ truyền thông cực kỳ hiệu quả và hoàn hảo đến dường nào ».

Sự « tự mê sướng » nguy hiểm

Nhưng sự « tự mê sướng » đó đi quá giới hạn sẽ có những hệ quả tai hại trên bình diện tâm lý học. Tờ tạp chí Mỹ Time Magazine, đã trích dẫn một nghiên cứu thuộc Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health), gióng lên hồi chuông báo động cho rằng các chứng rối loạn về tính tự mê sướng ở giới trẻ trong độ tuổi 20 cao gấp ba lần so với những người trên 65 tuổi.

Ông David Gourion, tiến sĩ về Phân tâm học xác nhận tỷ lệ đặc tính tự mê sướng ở thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng. « Một số nghiên cứu ước tính tỷ lệ thanh thiếu niên và giới trẻ bị chứng phức cảm tự tôn chiếm khoảng từ 5-10%. Những người này có khuynh hướng tìm kiếm không ngừng cảm giác tự khâm phục và dường như có cảm giác là ai cũng nợ họ hay như là người khác phải phục tùng họ... ». Một quan điểm cũng được nhiều chuyên gia về Tâm thần học đồng chia sẻ. Vì « Selfie » là cách để giới trẻ ngày nay tự khẳng định bản sắc của mình, ai cũng phải có dấu ấn riêng để « cảm thấy được tồn tại », nên đôi khi sự thái quá đã dẫn đến nếu không muốn nói là thảm kịch, tìm cách ngự trị những gì mà họ cho là tốt nhất.

Mà đỉnh điểm của sự thái quá là ở những người thích đùa cợt với nỗi sợ. Nếu như « Selfie » được sử dụng như là hình thức chứng nhận những gì mình đã thấy, đã làm… , những kiểu « Selfie nguy hiểm » còn là cách thức dàn cảnh dưới vẻ một kẻ phiêu lưu nhưng vẫn duy trì sắc thái hóm hỉnh.  Theo nhà nghiên cứu, Nathalie Nadaud-Albertini, thuộc Trung tâm Nghiên cứu các biến động xã hội, thuộc trường Cao học Khoa học Xã hội (Ecole des Hautes études en Sciences Sociales), « các tác giả của những kiểu ‘Selfie’ này làm ra vẻ thật sự không sợ. Họ tạo cảm giác đang đùa cợt với nỗi sợ mà không hề chứng minh được điều đó. Họ không tin vào mối nguy hiểm có thực ».

Dù tin hay không, dù sự đùa giỡn đó có vui hay không, chỉ biết là đôi khi người ta cũng phải trả giá đắt kiểu « tự mê sướng nguy hiểm » này. Cách đây không lâu, một công dân Mỹ đã suýt mất mạng chỉ vì đã làm « Selfie » với một con rắn chuông. Để có thể giữ được mạng sống, ông đã chi ra mất 150.000 đô-la cho chi phí điều trị. Điều an ủi là giờ ông đã trở nên nổi tiếng, vì sự việc đã được hầu hết báo chí toàn cầu loan tải về sự « tự mê sướng » dại dột của ông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.