Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - SYRIA

Liên Hiệp Quốc điều tra vũ khí hóa học của Syria

Ngày 07/08/2015, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về việc cho mở điều tra liên quan đến vũ khí hóa học của Syria. Mục đích nhằm trả lời câu hỏi ai đã sử dụng loại vũ khí độc hại này trong những tháng gần đây.

Một người đàn ông chạy trong một khu vực bị hủy diệt vì một quả bom thùng được cho là do lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar Al Assad thả xuống tại Maarat Al-Numan, phía nam Idlib, ngày 08/06/2015.
Một người đàn ông chạy trong một khu vực bị hủy diệt vì một quả bom thùng được cho là do lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar Al Assad thả xuống tại Maarat Al-Numan, phía nam Idlib, ngày 08/06/2015. REUTERS/Khalil Ashawi
Quảng cáo

Theo các nhà quan sát, dự thảo nghị quyết về vũ khí hóa học Syria sẽ được thông qua sau khi Nga và Mỹ đạt được đồng thuận cách nay hai ngày nhân diễn đàn an ninh khu vực ASEAN ở Kuala Lumpur.

Anh, Pháp và Mỹ tố cáo quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tại một số nơi, đặc biệt là ở tỉnh Idleb, miền tây bắc Syria, để đẩy lui phe nổi dậy, chống chính quyền Damas. Nga, đồng minh thân cận của tổng thống Bachard Al Assad, tới nay luôn bác bỏ mọi cáo buộc nhắm vào chính quyền Syria.

Trên nguyên tắc, Damas đã phải hủy kho vũ khí hóa học theo tinh thần của thỏa thuận mà Washington và Matxcơva đã đạt được vào tháng 9/2013. Thỏa thuận đó đã cho phép Syria tránh được chiến tranh sau khi Damas bị tố cáo dùng hơi ngạt sát hại 1.400 người ở ngoại thành thủ đô Syria.

Về mặt lý thuyết, khoảng 1.300 chất hóa học độc hại và gây thương tích cho thường dân đã được chuyển ra ngoài lãnh thổ Syria và đã phải được tiêu hủy.

Tuy nhiên, năm ngoái Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học khẳng định là vũ khí hóa học có chứa chất ngạt vẫn thường xuyên được quân đội chính quy Syria sử dụng. Vẫn theo tổ chức này, quân đội trung thành với Bachard Al Assad dùng trực thăng rải loại vũ khí nói trên xuống các vùng do đối lập Syria kiểm soát.

Tháng 7/2015 Mỹ đề nghị quốc tế cho mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ những cáo buộc nói trên. Một khi đề nghị của Washington được Hội Đồng Bảo An chấp thuận, cần thêm 20 ngày để thành lập các nhóm chuyên gia bao gồm nhân viên Liên Hiệp Quốc và của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học.

Công cuộc điều tra sẽ kéo dài trong vòng một năm. Các nhà quan sát đánh giá đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn. Quyền tự do đi lại sẽ bị hạn chế và an ninh của chuyên gia quốc tế trên lãnh thổ Syria không được bảo đảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.