Vào nội dung chính
SCHENGEN - NHẬP CƯ

Đối mặt với nhập cư, liệu phải xem xét lại khối Schengen ?

Một bức tường đầy dây thép gai và dao lam được dựng lên tại biên giới giữa Hungary và Serbia; hàng ngàn người chen chúc nhau tại Lampedusa (Ý) và Lesbos (Hy Lạp) để tìm cơ hội đặt chân vào Châu Âu. Đây là đường dẫn đến thiên đàng cho người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới dồn về, đặc biệt từ khu vực Trung Cận Đông và Châu Phi.

« Thị thực Schengen còn hơn cả thiên đường ? », tranh của Mfumu’eto Ier, vẽ tháng 07/2015 nhân triển lãm « Nét đẹp Congo » (Beauté Congo), được đăng trên website của Quỹ Cartier.
« Thị thực Schengen còn hơn cả thiên đường ? », tranh của Mfumu’eto Ier, vẽ tháng 07/2015 nhân triển lãm « Nét đẹp Congo » (Beauté Congo), được đăng trên website của Quỹ Cartier. Papa Mfumu'eto Ier / Fondation Cartier
Quảng cáo

Thực vậy, Châu Âu là cửa ngõ mở cho họ những cơ hội mới và con đường tới tự do, vì một khi đặt chân vào được một nước Liên Hiệp Châu Âu, họ có thể tự do đi lại trong toàn khối Schengen.

Năm nay, tròn 30 năm khối Schengen được thành lập, ban đầu có năm thành viên, trong đó có Pháp. Hiệp ước Amsterdam được ký kết năm 1997 quy định khu vực không có đường biên giới nội bộ là một khối “tự do, an ninh và luật pháp”. Hiện nay, khối Schengen có 26 thành viên, gồm 22 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, cùng với Islande, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein.

Federica Infantino, nhà nghiên cứu tại Đại học tự do Bruxelles, cho biết: “Ban đầu, ý tưởng chủ đạo của hiệp định không liên quan tới tự do đi lại của công dân Châu Âu mà chỉ nhằm tạo điều kiện đối với tự do thị trường, vận chuyển hàng hóa, vốn và tài sản, sau này mới liên quan tới những người lao động”.

Xem xét lại quyền tự do lưu thông trong khối Schengen?

Thế nhưng, chưa bao giờ ý tưởng xem xét lại vấn đề biên giới lại được đề cập nhiều như hiện nay, trước thực trạng nhập cư ngày càng căng thẳng.

Tại miền Bắc Châu Âu và tại các nước thuộc cộng đồng Anh ngữ, tác phẩm của một luật gia người Hà Lan, đồng thời là giáo sư về luật công, Thierry Baudet, nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình. Cuốn sách ủng hộ việc duy trì các đường biên giới và đánh giá không thể tiếp tục kinh nghiệm Schengen như hiện nay.

Ông khẳng định nhà nước pháp quyền chỉ có thể tồn tại trong một khuôn khổ khác với Nhà nước-quốc gia. Trong khi quá trình toàn cầu hoá, với những ưu việt và bất cập, dường như đang vượt qua khỏi vấn đề đường biên giới, vì thế, chưa bao giờ chúng ta lại cần tới những Nhà nước-quốc gia vững chắc. Trong đó có cả việc giúp những người nhập cư mới hoà nhập vào xã hội, bởi vì một trong những hệ lụy của quá trình toàn cầu hoá là tình trạng nhập cư hàng loạt.

Luật gia trên đề cao chủ nghĩa dân tộc đa văn hoá có thể thay thế được Nhà nước-quốc gia trong trọng tâm trật tự chính trị. Ông cũng kêu gọi chấm dứt chính sách hợp tác của châu Âu mà Bruxelles đề ra, vì cho rằng chính sách này chỉ củng cố thêm chủ nghĩa dân tộc không nhân nhượng. Ông đánh giá là cần phải "xem xét lại" các điều quy định rõ ràng nhất của Liên hiệp, như về cơ cấu kinh tế-chính trị, về đồng tiền chung... và dĩ nhiên là có cả hiệp ước Schengen.

Các đường biên giới được coi là sự khẳng định chủ quyền và là cam kết bảo toàn toàn vẹn lãnh thổ. Phải chăng, nếu không có những điều kiện này, một nền dân chủ không thể tồn tại được ? Dù không phải là quan điểm riêng của chính mình, nhưng nhiều chính trị gia cực hữu lại thấy thích thú với những luận điểm trên, như từ chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (le Front national) Marine Le Pen, tới Viktor Orban người Hungari, hay từ Geert Wilders người Hà Lan tới Vaclav Klaus người Séc. Họ chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa và chống Liên Hiệp theo cách riêng để thu hút lá phiếu cử tri.

Thế nhưng, lật lại vấn để khối Schengen mà không tạo cơ hội cho những thành phần cực hữu mới đúng là mục đích của luật gia Baudet. Nhưng khó lòng mà đạt được điều đó. Lợi dụng chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy tại châu Âu ngay cả trong cánh tả hay cánh hữu, người ta có cảm giác là nguyên tắc chính của hiệp ước Schengen đang bị xem xét lại.

Những khó khăn nếu xóa bỏ khối Schengen

Đối với công dân châu Âu, họ coi quyền tự do đi lại, lưu thông hàng hoá là một quyền nghiễm nhiên nên thấy không cần phải bàn cãi. Chưa chắc họ đã hiểu được việc xoá bỏ khối Schengen sẽ gây ra khó khăn như thế nào.
Yves Pascouau, giáo sư và là nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors, hình dung ra viễn cảnh đường biên giới giữa các nước trong châu Âu được ấn định lại: “Hàng đoàn người chờ tại biên giới, không còn chuyến tầu nào xuất phát và đến đúng giờ. Các loại hàng hóa sẽ tăng giá do chi phí tăng cao vì thời gian chờ đợi, chúng ta sẽ phải đối mặt thật sự với hàng loạt vấn đề kinh tế và tài chính”.

Thế nhưng, khối Schengen trở thành một biểu tượng quá hoa mỹ đối với thủ tướng Anh David Cameron, cũng như đối với những người chống Liên Hiệp Châu Âu hay những người không ủng hộ châu Âu. Họ đang đứng cùng chiến tuyến.

Theo Federica Infantino, nếu các đường biên giới trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu bị xóa bỏ, thì các đường biên giới bên ngoài phải được tăng cường nghiêm ngặt hơn song song với việc thiết lập hệ thống kiểm tra chung và chính sách thị thực. Các biện pháp nhằm cải thiện sự hợp tác giữa các đơn vị cảnh sát và tư pháp giữa các nước đã được hình thành. Và một cơ sở dữ liệu lớn (hệ thống thông tin Schengen) đã được thành lập, cho phép các Nhà nước trao đổi thông tin của mình về người hay tài sản.

Vì vậy, Schengen không phải là một điển hình về tự do lưu thông phổ biến mà một số người vẫn miêu tả. Kiểm tra tại biên giới trong nội bộ khối không hề biến mất hoàn toàn. Thỉnh thoảng nó vẫn được tiến hành nhân các dịp lễ hội hay sự kiện lớn, các cuộc biểu tình hay các mối đe dọa tới nền an ninh.

Năm 2012, các Bộ trưởng Nội vụ của Liên Hiệp đã thông qua nguyên tắc thỉnh thoảng tái lập kiểm soát trong vòng 6 tháng, và có thể kéo dài tới 24 tháng trong trường hợp triển hạn. Quyết định này nhằm đối mặt với những khó khăn mà Hy Lạp đang gặp phải trước làn sóng nhập cư tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, năm 2011, một vụ tai tiếng lớn đã khiến Paris và Roma bất đồng với nhau, sau khi hàng nghìn người Tunisia tới bờ biển Ý. Pháp và Đức đã phải đấu tranh để có thể đưa được vấn đề nhập cư vào danh sách các chủ đề cho phép tái lập kiểm soát tại cửa khẩu. Lời đề xuất đã không được chấp thuận. Song từ đó các nước thuộc Liên Hiệp đã được phép tạm đóng cửa biên giới nước mình trong trường hợp làn sóng người nhập cư diễn ra ồ ạt hay bất ngờ.

Thế nhưng, mọi biện pháp trên vẫn không ngăn được cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cùng với nhiều nhân vật khác, tiếp tục đòi cải cách hiệp ước Schengen, trong khi đó, trên thực tế, khối này đã cải cách rộng rãi. Các chính trị gia hành động cẩn trọng về vấn đề người nhập cư cũng như việc tự do đi lại trong khối Schengen vì không dám để mất phiếu bầu trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.