Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - TRUNG QUỐC

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Trung Quốc với hồ sơ Duy Ngô Nhĩ nổi cộm

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đến Trung Quốc vào hôm nay 29/07/2015 trong một chuyến công du cấp Nhà nước dự trù kéo dài hai ngày. Mục tiêu của Ankara rất rõ rệt : Tăng cường hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, đồng thời làm dịu căng thẳng trong hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ( Phải) tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29/07/2015 tại Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ( Phải) tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29/07/2015 tại Bắc Kinh. REUTERS/Ng Han Guan/Pool
Quảng cáo

Theo AFP, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào hôm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ vẻ hài lòng, cho rằng : « Với tất cả những thỏa thuận chúng ta sẽ ký kết, đây là chuyến viếng thăm – song phương - quan trọng nhất từ ngày hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ».

Theo hãng tin Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ hiện bị thâm hụt lớn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc, trao đổi mậu dịch đã giảm sụt trong 6 tháng đầu năm 2015.

Ankara hiện vẫn đang thương lượng để mua hỏa tiễn phòng không của Trung Quốc. Thương lượng từ 2013 nhưng đến giờ vẫn chưa đúc kết. Tổng thống Erdogan, theo Tân Hoa Xã, sẽ đề cập đến việc mua bán này trong các cuộc tiếp xúc ở Bắc Kinh.

Bên cạnh hồ sơ kinh tế, trong cuộc tiếp xúc dự kiến với chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Erdogan sẽ còn đề cập đên một hồ sơ tế nhị : người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một cộng đồng nói tiếng Thổ, cùng văn hóa với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bị Trung Quốc đàn áp.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thường xuyên lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh. Cách nay không lâu, ngay đầu tháng 7 này, vào mùa chay Ramadan, Ankara đã triệu mời đại sứ Trung Quốc lên để phản đối việc Bắc Kinh giới hạn các sinh hoạt của người Duy Ngô Nhĩ vào mùa chay. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bật đèn xanh để đón tiếp 170 người Duy Ngô Nhĩ chạy khỏi Tân Cương qua ngã Thái Lan, làm Trung Quốc bất bình không ít.

Ngay ông Erdogan trước đây, năm 2009, cũng đã từng lên tiếng tố cáo Bắc Kinh thực hiện một loại ‘diệt chủng’ ở Tân Cương.Tờ báo Anh ngữ China Daily hôm nay đã cảnh cáo là nếu xấu đi thêm, hồ sơ này sẽ ‘đầu độc ‘ quan hệ hai nước, phá hỏng hợp tác.

Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên nhóm G20. Năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ giữ chiếc ghế chủ tịch luân phiên, năm 2016, theo AFP, sẽ đến lượt Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ còn là thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở AIIB mà Bắc Kinh thiết lâp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.