Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thách thức dầu hỏa Iran

Đăng ngày:

Nhiều thách thức đang đặt ra với quốc gia Hồi giáo này sau gần một chục năm bị quốc tế dùng lá bài kinh tế trừng phạt Teheran phát triển chương trình hạt nhân. Dầu hỏa và khí đốt Iran vừa thách thức quốc tế, vừa là một bài toán nan giải đối với Teheran.

REUTERS/Jo Yong-Hak/Files
Quảng cáo

Những « chân trời mới đang mở ra » cho thị tường dầu khí của thế giới sau khi Iran và nhóm 5+1 vừa đạt được thỏa thuận lịch sử về hạt nhân. Là một trong 5 quốc gia có sản lượng dầu hỏa lớn nhất hành tinh, lại cũng là một trong những nền kinh tế kiểm soát một trữ lượng khí đốt ngang ngửa với Nga, một khi mở van dầu hỏa và bắt đầu khai thác khi đốt, Teheran sẽ làm giảm bớt áp lực trên thị trường năng lượng.

Dưới tác động của các biện pháp cấm vận, một phần ba cỗ máy công nghiệp Iran đã bị ngủ vùi, một phần tài sản của Iran ở hải ngoại bị phong tỏa, khu vực xuất khẩu bị đóng băng, đầu tư sa sút. Lạm phát tăng thêm 35 % chỉ riêng trong năm 2013.

Năm 2012 Iran có khả năng sản xuất 3 triệu thùng dầu một ngày, nhưng bị quốc tế xiết chặt gọng kềm, mức sản xuất đã rơi xuống còn 1,3 triệu thùng một ngày vào năm 2014. Đối với một quốc gia, dầu hỏa chiếm 80 % tổng kim ngạch xuất khẩu, và 80 % hoạt động của ngành công nghệ dầu hỏa do nhà nước kiểm soát, biện pháp trừng phạt của phương Tây là một đòn vô cùng lợi hại, nhắm thẳng vào hầu bao của các nhà cầm quyền ở Teheran.

Thêm vào đó kể từ tháng 6/2014 giá dầu trên thế giới giảm mất gần 50 %. Điều này lại càng gây thêm khó khăn cho Iran. Tỷ lệ thất nghiệp năm ngoái lên đến hơn 10 % theo các thống kê chính thức, nhưng các nhà nghiên cứu độc lập cho rằng có tới 20 % dân số Iran trong tuổi lao động không có việc làm.

Trong bài diễn văn thông báo Iran đạt được thỏa thuận lịch sử về hạt nhân với quốc tế, tổng thống Rohani đã nhấn mạnh « một điểm khởi đầu mới đang mở ra với những hứa hẹn về tương lai tương sáng cho thế hệ trẻ ». Trong kịch bản tốt đẹp nhất, khi lệnh cấm vận được bãi bỏ, quốc gia Hồi giáo này hội nhập trở lại vào các hoạt động kinh tế và thương mại của thế giới, dầu hỏa sẽ là đòn bẩy cho phép Teheran thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các nhà máy sản xuất, nâng cao năng suất và nhất là cải thiện đời sống cho 80 triệu dân.

Iran, mảnh đất mầu mỡ ?

Tuy nhiên như nhiều chuyên gia nhận định, xóa bỏ cấm vận không là chiếc đũa thần cho phép Iran giải quyết tất cả các vấn đề kinh tế nội bộ. Bởi thứ nhất về mặt cơ bản, nền kinh tế nước này phụ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa, trong khi đó, phần còn lại của mạng lưới công nghiệp lại quá lỗi thời, kém hiệu quả. Thách thức thứ nhì đang chờ đợi các nhà cầm quyền tại Teheran là làm thế nào để các dòng tư bản sắp được đổ vào Iran phải thực sự được bơm vào khu vực sản xuất, đem lại một làm gió mới cho bộ máy công nghiệp của một quốc gia đã hơn 30 năm bị cô lập.

Không phải tình cờ mà chỉ 5 ngày sau thỏa thuận về hạt nhân Iran được ký kết tại Vienna, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Kinh tế Đức, Sigmar Gabriel, bay sang Iran trong một chuyến công tác ba ngày. Berlin ngay từ đầu đã không che giấu là nước Đức có nhiều « quyền lợi trong tiến trình bình thường hóa quan hệ » với Teheran. Nghiệp đoàn các chủ nhân Đức thẩm định, tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch hai chiều đang từ 2,4 tỷ euro năm 2014 có triển vọng đạt tới 10 tỷ trong trung hạn.

Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius cũng thông báo sẽ dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân đến tham quan quê hương của giáo chủ Khomenei. Bộ trưởng bộ Phát triển kinh tế của Ý, bà Federica Guidi đã không quên nhắc nhở các đối tác Iran rằng Ý « luôn là một đối tác kinh tế và thương mại đáng tin cậy của Iran trước khi quốc gia này bị cấm vận ». Roma chờ đợi kim ngạch xuất khẩu của Ý sang Iran sẽ được nhân lên gấp 4 lần so với hiện tại trong hai năm sắp tới.

Cả Ý lẫn Đức đều nhắc đi nhắc lại là ngành công nghiệp dầu khí Iran vừa đang bị lão hóa, vừa cần có nhiều vốn đầu tư để được phát triển đúng mức. Bản thân bộ trưởng Dầu khí Iran Bijan Zanganeh vào đầu tháng 6/2015 từng tuyên bố «Ưu tiên của chúng tôi là phát triển các mỏ dầu khí bằng vốn đầu tư trong nước và của nước ngoài ».

Tổng thống Venezuela N.Maduro (phải) và Iran H. Rohani. Ảnh ngày 10/01/2015
Tổng thống Venezuela N.Maduro (phải) và Iran H. Rohani. Ảnh ngày 10/01/2015 Reuters

Dầu Iran gây rạn nứt trong khối OPEP

Trong bối cảnh giá dầu đang giảm sụt và được duy trì ở ngưỡng dưới 60 đô la/thùng, viễn cảnh dầu Iran tràn ngập thị trường quốc tế là một tin không hay đối với các nhà sản xuất từ, Ả Rập Xê út, đến nước Nga của tổng thống Putin, từ Venezuela đến Algeri ..

Thâm hụt ngân sách của Nga, Venezuela hay Algeri gia tăng do vàng đen mất giá. Hiện tại thị trường dầu hỏa thế giới dư thừa sản xuất, viễn cảnh từ đầu năm 2016 Iran xuất khẩu đến 2,4 triệu thùng một ngày thay vì 1,3 triệu như vào cuối năm 2014 đang khiến quan hệ trong nội bộ khối các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa thêm căng thẳng.

Trước mắt, giá dầu vẫn được ổn định bởi từ nhiều tháng qua các nhà môi giới đã dự phòng trước khả năng Teheran và quốc tế đạt được thỏa thuận hạn nhân. Thị trường dầu lửa cũng biết là Iran cần có thời gian để nâng cao khả năng cung cấp và mức xuất khẩu. Iran chưa thể một sớm một chiều tăng mức xuất khẩu để phá giá dầu trên thị trường quốc tế.

Giáo sư Mohammad-Reza Djalili, nhà chính trị học chuyên nghiên cứu về lịch sử đương đại Iran ghi nhận :

« Viễn cảnh Iran tham gia trở lại thị trường dầu hỏa thế giới đã đẩy giá dầu đi xuống. Tuy nhiên Iran chỉ có thể sản xuất trở lại ở mức tương đương với hồi năm 2012 tức là trước khi Mỹ và Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế với hai điều kiện : một là quốc tế phải đợi thêm 6 tháng, và hai là Teheran phải đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp dầu khí. Iran cần cấp bách hiện đại hóa guồng máy sản xuất dầu hỏa. Còn công nghệ khai thác khí đốt thì đã hoàn toàn bị lạc hậu. Là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn nhất thế giới về khí đốt thế nhưng lĩnh vực này hoàn toàn bị quên lãng, các hoạt động khai thác còn rất hạn chế ».

Trả lời trên đài RFI, chuyên gia về dầu hỏa Francis Perrin, giám đốc điều hành tạp chí Dầu hỏa và Khí đốt Ả Rập lưu ý đến vị trí chiến lược của Iran trên bàn cờ năng lượngg -cả dầu hỏa và khí đốt của thế giới và kèm theo đó là mối quan tâm của các đại tập đoàn dầu khí Âu, Mỹ :

« Iran chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong mắt các tập đoàn dầu khí của thế giới, do quốc gia này kiểm soát một nguồn dự trữ cả về dầu hỏa lẫn khí đốt rất to lớn. Một số quốc gia chỉ có dầu hỏa hoặc khí đốt, Iran có được cả hai. Viễn cảnh quốc tế bãi bỏ cấm vận cho Teheran đã khiến các tập đoàn trên thế giới rất quan tâm đến Iran, đặc biệt là các tập đoàn châu Âu.

Tất cả các đại gia dầu khí trên toàn cầu đều đã chuẩn bị rất kỹ để quay trở lại Iran, một khi quốc gia Hồi giáo này hội nhập trở lại vào các sinh hoạt bình thường của thế giới. Nhiều công ty dầu khí châu Âu có lợi thế do đã từng hoạt động tại Iran. Như là trường hợp của Total. Đành rằng Iran bị Liên Hiệp Quốc cấm vận từ năm 2006, rồi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt kể từ năm 2012, thế nhưng tập đoàn Pháp Total chưa bao giờ thực sự cắt đứt liên lạc với các đối tác đã có ở Iran- chủ yếu là với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Iran NIOC.

Cần nhắc lại là trong quá khứ Total từng tham gia vào bốn dự án khai thác dầu khí Iran ở vào thập niên 1990. Tức là Total đã từng hợp tác với chế độ hiện tại. Ngoài Total, còn có những tập đoàn dầu khí châu Âu khác, như Shell, hay ENI … cũng có truyền thống làm ăn tại Cộng Hòa Hồi giáo Iran. Họ cũng đã chuẩn bị để quay lại Iran. Tuy nhiên trước mắt tất cả hãy còn trong vòng chờ đợi. Quốc tế cần có thời gian để thỏa thuận về hạt nhân Iran chính thức có hiệu lực. Phương Tây cần có thời gian để kiểm chứng là phía Teheran tôn trọng cam kết chấm dứt các chương trình hạt nhân, ngưng làm giàu chất uranium …

Iran là một trong 5 nước có dự trữ dầu hỏa lớn nhất thế giới và cũng là một trong 5 quốc gia có mức sản xuất lớn nhất. Về tiềm năng, tức là khi chúng ta nói đến những khoản dự trữ còn chưa được chứng minh hay khai thác, về khí đốt Iran thường được coi là nơi có trữ lượng số 1 hoặc số 2 trên toàn cầu. Ở vị trí số 1 thì có nghĩa là tiềm năng về khí đốt của Iran còn lớn hơn so với của nước Nga.

Đối với dầu hỏa, dự trữ của Iran được coi là thấp hơn so với Venezuela, Ả Rập Xê Út và Canada, nếu chúng ta tính gộp cả dầu hỏa và dầu đá phiến. Nói tóm lại, Iran đang làm chủ một nguồn dự trữ vô cùng to lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức, bởi vì Teheran bị phương Tây trừng phạt.

Tới nay Iran chỉ khai thác và sản xuất, xuất khẩu dầu hỏa với những phương tiện đang có trong tay. Đó là những kỹ thuật khai thác và lọc dầu đã lỗi thời. Iran không có điều kiện cả về tài chính lẫn kỹ thuật để phát triển ngành công nghiệp dầu khí.

Vấn đề còn lại là Teheran sẵn sàng mở cửa đến đâu và đặt ra những điều kiện nào với các nhà đầu tư Âu Mỹ. Có nhiều khả năng vào mùa thu năm nay, Iran sẽ tổ chức một hội nghị về năng lượng tại Luân Đôn. Đây là điểm hội tụ của các tập đoàn năng lượng quốc tế. Có hai mục tiêu đề ra tại hội nghị đó. Một là để Teheran trình bày một hợp đồng mới với các đối tác, nhất là trong ngành khai thác khí đốt. Tựu chung Iran muốn mời các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tay để phát triển ngành công nghiệp dầu khí. Điểm quan trọng thứ nhì là công bố danh sách các dự án mà Teheran cho phép các nhà đầu tư quốc tế tham gia. Nói cách khác, trong những tháng tới, Iran sẽ phải nêu rõ ý định và điều kiện để các tập đoàn quốc tế tham gia vào các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ».

Và gần đây nhất là các tập đoàn Á châu đã nhập cuộc, chuyên gia Francis Perrin :

« Trong trường hợp quốc tế bãi bỏ cấm vận, các tập đoàn của Nga và châu Á sẽ là những công ty đầu tiên chen chân vào thị trường Iran, bởi họ không bị trói buộc vì những biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Teheran. Trong khi đó các hãng dầu khí của Mỹ, của châu Âu và các nước đồng minh của Âu, Mỹ như Canada, Úc còn phải thận trọng … Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, thỏa thuận mà nhóm 5+1 vừa đạt được với Iran còn phải được Quốc hội thông qua. Thủ tục này đòi hỏi thời gian. Châu Âu sẽ không mất nhiều thời gian như Mỹ nhưng những tập đoàn có thể hiện diện ngay được tại Iran sẽ là các công ty của Nga và Á châu ».

Chỉ riêng trong lĩnh vực dầu hỏa, Iran được coi là nguồn cung cấp lớn thứ tư trên thế giới sau Ả Rập Xê Út , Venezuela và Canada, nhưng đứng trước Irak và Koweit. Do vậy sự hồi sinh của dầu hỏa Iran có khả năng mở ra « một cuộc chiến » về giá cả giữa các nhà sản xuất dầu hỏa của thế giới.

Nhìn từ Ryiad, kình địch truyền thống của Teheran, việc Iran hội nhập trở lại vào các hoạt động của thế giới thu hẹp ảnh hưởng của Ả Rập Xê Út trên bàn cờ địa chính trị ở Trung Đông và nhất là trên bàn cờ năng lượng quốc tế. Đó là chưa kể khi Iran lao vào công nghệ khí đốt, cạnh tranh trực tiếp với khí đốt của Nga.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.