Vào nội dung chính
HY LẠP - EURO

Khủng hoảng Hy Lạp : Thượng đỉnh bất thường của khu vực đồng euro

Hôm nay 07/07/2015, các quốc gia khu vực đồng euro họp thượng đỉnh bất thường vào cuối giờ chiều nhằm thảo luận về khả năng hỗ trợ Hy Lạp, đang đứng trước nguy cơ ra khỏi vùng euro, sau cuộc trưng cầu dân ý, với việc đại đa số cử tri nói « không » với đề xuất của các chủ nợ. Đây là một thượng đỉnh được các nhà quan sát đánh giá là đầy bất trắc.

Tân bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos ( giữa ) họp với các đồng nhiệm châu Âu tại Bruxelles ngày 07/07/2015.
Tân bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos ( giữa ) họp với các đồng nhiệm châu Âu tại Bruxelles ngày 07/07/2015. Reuters
Quảng cáo

Trước hội nghị thượng đỉnh nói trên, các bộ trưởng Tài chính của vùng euro sẽ gặp nhau tại Bruxelles. Ít giờ trước thượng đỉnh khối euro, phát biểu trước Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định « đã đến lúc trở lại bàn thương lượng », và nhấn mạnh quyết tâm của ông không để xảy ra kịch bản Grexit (tức Hy Lạp bị loại ra khỏi Eurogroupe).

Quyết tâm của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu dường như ngày càng ít được chia sẻ trong nội bộ khối euro, bị phân làm hai. Một số nước có quan điểm cứng rắn với Athens, bao gồm trước hết là Đức, cùng với các nước Đông Âu, cũng như các nước bị khủng hoảng nợ ảnh hưởng nặng như Ailen và Bồ Đào Nha. Về vấn đề này, Pháp có quan điểm mềm mỏng hơn.

Trong cuộc hội kiến tại Paris hôm qua, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cố gắng tìm kiếm một lập trường chung. Thủ tướng Đức cho rằng Hy Lạp phải « khẩn cấp » có « các đề xuất rõ ràng », trong khi Tổng thống Pháp đòi hỏi Athens phải có các đề nghị « nghiêm túc ».

Tuy nhiên, đằng sau nỗ lực thống nhất ngôn từ, quan điểm của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức là hết sức khác biệt. Ông Hollande, trung thành với truyền thống hòa giải, nhắc lại rằng cánh cửa « để ngỏ » cho các thảo luận, ông cũng nhấn mạnh đến sự « đoàn kết » với Hy Lạp, bất chấp việc cử tri Hy Lạp bác bỏ các đòi hỏi của các chủ nợ. Trong khi đó, bà Merkel nhấn mạnh rằng, đề nghị của các định chế chủ nợ, bị 61,2% cử tri Hy Lạp bác bỏ, vốn đã là « rộng rãi ».

Cho đến nay, lập trường của Đức là rất cứng rắn với Hy Lạp. Trả lời phỏng vấn tuần báo Stern, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, kiêm Bộ trưởng Kinh tế, tái khẳng định : thảo luận về giảm nợ cho Hy Lạp không thể bắt đầu trước khi Athens tiến hành các cải cách. Hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức báo trước các lãnh đạo khu vực đồng euro sẽ thảo luận tại Bruxelles hôm nay về một « trợ giúp nhân đạo » cho Hy Lạp. Ông Sigmar Gabriel giải thích : « Không nên buộc mọi người (tức dân chúng Hy Lạp) phải chịu trách nhiệm về những điều ngớ ngẩn do chính phủ của họ gây ra ».

Về phía Hy Lạp, hôm qua, Thủ tướng Tsipras lần đầu tiên triệu tập lãnh đạo các đảng đối lập, để ra một tuyên bố chung. Thông cáo, được công bố sau buổi họp, kêu gọi thông qua một thỏa thuận về trợ cấp tài chính cho Hy Lạp, đổi lại các cải cách, nhưng các nỗ lực về ngân sách của phía Hy Lạp phải được « phân chia một cách công bằng ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.