Vào nội dung chính
HY LẠP - CHÂU ÂU

Sau cơn địa chấn Hy Lạp, châu Âu khẩn cấp tìm giải pháp chung

Một ngày sau khi phe « chống » áp lực chủ nợ thắng lớn trong cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp, các nhà lãnh đạo vùng đồng tiền chung gấp rút hội ý để tổ chức thượng đỉnh vùng euro vào chiều mai 07/07/2015. Cho đến giờ này, Paris, Roma một bên và bên kia là Berlin và dường như chưa thống nhất được lập trường chung cho tương lai.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker - REUTERS /Hannibal Hanschke
Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker - REUTERS /Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Đêm Chủ nhật, ngay sau khi kết quả trưng ý được công bố với phe « chống » hơn 61%, Tổng thống Pháp François Hollade và Thủ tướng Đức Angela Merkel lập tức trao đổi qua điện thoại. Tuy nhiên, hai bên chỉ thông báo nội dung với báo chí vào tối nay sau cuộc hội kiến tại Paris.

Mục đích của hai nhà lãnh đạo Pháp Đức là phải cùng một lời sau một tuần lễ phơi bày những quan điểm dị biệt. Trong bảy ngày qua, sau khi Athens quyết định hỏi ý dân thì Berlin tuyên bố « chờ kết quả » xong mới thảo luận vì tương lai vùng euro không bị đe dọa. Ngược lại, Paris ngay từ giữa tuần đã kêu gọi hai đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu phải « hội ý tức khắc » không nên chần chờ để « rơi vào bấp bênh ».

Lập trường chung của Pháp-Đức sẽ chỉ đạo cho quyết định của nhóm sử dụng đồng euro mà cuộc họp bất thường được triệu tập… 24 giờ sau đó. Từ sau chiến thắng của phe chống các giải pháp « thắt lưng buộc bụng » do các định chế tài chính và Bruxelles đề nghị, chương trình nghị sự của ngoại giao châu Âu buộc phải tăng tốc. Ngay từ tối Chủ nhật, chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thông báo cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính vào đêm thứ ba.

Cho đến trưa thứ hai hôm nay, không ai có thể tiên đoán được kết quả hai cuộc họp quan trọng này. Paris, qua tuyên bố của bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thì « chính phủ Hy Lạp phải đưa ra đề nghị thảo luận, nhân dân đã phát biểu ý dân phải được tôn trọng nhưng trưng cầu dân ý không tự động giải quyết được vấn đề ».

Trong khi đó, Berlin vẫn tỏ thái độ đe dọa : " Hy Lạp là thành viên của vùng euro, chính phủ Hy Lạp phải hành động tương xứng. Các điều kiện cho phép trợ giúp Hy Lạp chưa hội đủ ".

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.