Vào nội dung chính
HY LẠP

Hy Lạp : Động đất từ một chữ « không »

Chỉ có một chủ đề thời sự duy nhất chiếm tựa lớn trang nhất cũng như hàng loạt trang bên trong và các bài xã luận báo chí Pháp hôm nay 06/07/2015 : Kết quả trưng cầu dân ý ở Hy Lạp, với hơn 60% cử tri bác bỏ các điều kiện của chủ nợ.

Phe bỏ phiếu chống ùa ra đường phố ăn mừng thắng lợi - AFP /L. GOULIAMAKI
Phe bỏ phiếu chống ùa ra đường phố ăn mừng thắng lợi - AFP /L. GOULIAMAKI
Quảng cáo

Sự kiện được soi rọi dưới những khía cạnh khác nhau qua các dòng tựa : Libération chơi chữ trên thần thoại Hy Lạp nói đến cái « Không của (thần) Zeus » và nhìn thấy cơn « địa chấn ở Châu Âu ».

Le Figaro chạy một chữ "Non" – Không – thật to trên nền cờ Hy Lạp với vài ngôi sao cờ Châu Âu ở phần cuối. Bên dưới tờ báo ghi nhận trong hàng tít : « Hy Lạp tiến một bước lớn đến việc ra khỏi đồng euro ». Le Monde ra trước khi có kết quả cuộc hỏi ý dân Hy Lạp, đánh giá : « Tương lai Châu Âu được định đoạt ở Athens », và dành cả 18 trang đặc biệt cho hồ sơ.

Ở các trang trong các báo cũng tóm lược tình hình qua các dòng tít đậm : như Le Figaro ghi nhận : « Cái không của Hy Lạp làm rúng động vùng đồng euro. Các chủ nợ sẽ cố gắng giới hạn thiệt hại đã rất to lớn ». Tờ báo còn chú ý đến quan điểm Pháp-Đức : Nếu Tổng thống Pháp Hollande vẫn muốn tránh việc Hy Lạp ra khỏi vùng Euro, thì đối với bà Merkel, Hy Lạp đã cắt "mọi cầu nối".

Trong bài xã luận tựa đề : « Làm sáng tỏ», Le Figaro nhận định là thay vì tìm một thỏa thuận vào giờ phút chót với chủ nợ, người dân Hy Lạp đã chọn đi theo Thủ tướng Tsipras trong cuộc phiêu lưu điên rồ, đối đầu đến cùng. Nhưng đó là cuộc chọn lựa dân chủ, và nên tôn trọng. Có điều thay vì vững mạnh hơn sau cuộc trưng cầu họ lại đứng trước ngõ cụt : Hy Lạp vẫn nợ chồng chất, không còn một đồng để hoạt động một cách tự lập.

Đối với Le Figaro, Thủ tướng Tsipras đã tính sai trong cách suy diễn cực tả của ông, nghĩ là sẽ gây được sức ép, nhưng, theo tờ báo, sẽ không ai ký thêm một ngân phiếu khống mới cho ông sau hàng trăm tỷ đã rót cho Hy Lạp. Bây giờ thì nợ đáo hạn lại không trả được, và cứ như thế thì dần dà gọng kềm tài chính kinh khủng sẽ siết chặt lại trên Hy Lạp, và ngoại trừ phép lạ, Hy Lạp sẽ ra khỏi vùng Euro. Đây không phải do ý muốn của Châu Âu mà là hậu quả tất yếu cuộc bỏ phiếu hôm qua.

Báo Les Echos trong bài xã luận, cũng có phần nhận định tương tự như đồng nghiệp Le Figaro : « Cử tri Hy Lạp đã phiêu lưu. Giờ đây tất cả đều đặt trên bàn kể cả việc Hy Lạp ra khỏi vùng Euro, mà lý ra Hy Lạp không nên vào, và có thể ra sớm hơn là người ta tưởng ». Tờ báo quy trách nhiêm cho Thủ tướng Hy Lạp đã làm mất đi cơ hội tìm thỏa hiệp với chủ nợ.

Trong một bài nhận định khác Les Echos tim hiểu do đâu cử tri Hy Lạp đã ồ ạt hưởng ứng cuộc vận động của Thủ tướng Tsipras và gây ngạc nhiên ở Châu Âu, vì người ta nghĩ là nếu phe không tán đồng có thắng thì cũng với tỷ lệ khít khao. Nhưng quả thật là người ta đã đánh giá thấp sự thất vọng của người dân Hy Lạp đối với ‘các định chế’.

Ông Tsipras đã đánh trúng tim đen khi kêu gọi đến lòng tự hào của người Hy Lạp, không chấp nhận những người ‘từ bên ngoài’ áp đặt điều kiện, chính phủ Hy Lạp bị buộc phải tăng thuế, làm cuộc sống của họ khó khăn, chật vật thêm, như một cử tri giải thích với Les Echos. Ủng hộ chính phủ mạnh mẽ nhất, bên cạnh các công nhân viên chức là thanh niên đã nhiệt liệt đi bỏ phiếu.

Báo Le Monde cũng nêu lại bối cảnh khó khăn của người Hy Lạp trong bài báo trang trong tựa đề : « Nỗi hoang mang của ‘những người nghèo mới ».

Theo tờ báo 1/3 người Hy Lạp hiện nay sống dưới ngưỡng nghèo khó. Trước thực tế này thì các hoạt động từ thiện đã gia tăng mạnh nhất là trên phương diện trợ giúp lương thực. Ở thủ đô Athens hàng ngàn người như thế đến ăn những bữa phát chẩn. Cách suy nghĩ cũng thay đổi, ngay tầng lớp trung lưu, cần kiệm, hoang phí xem như là điều lố bịch.

Le Monde cũng như các đồng ngiệp chú ý đến hậu quả nếu Hy Lạp ra khỏi euro, không biết tương lại vùng đồng tiền chung ra sao, có thể tan vỡ như nhận định của những người bi quan nhất. Nhưng bài báo đáng chú ý trên Le Monde là bài về những rủi ro địa chính trị của sự kiện Grexit, tức là Hy Lạp ra khỏi vùng sử dụng đồng Euro.

Hy Lạp rời vùng Euro : Đâu là các rủi ro địa lý chính trị ?

Bài phân tích « Hy Lạp ra khỏi vùng Euro : Các rủi ro địa chính trị », nêu bật sự kiện Athens dù sao cũng là ‘một cực ổn định nằm giữa vùng Balkan dầy bất ổn và vùng Trung Đông đang bùng nổ’.

Bài báo mở đầu bằng thái độ lo ngại đã được chính Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ khi khủng hoảng Hy Lạp mới manh nha : đó là một mối nguy hiểm không chỉ cho sự ổn định tài chính toàn cầu cũng như sự thuần nhất của Liên Hiệp Châu Âu, mà còn đe dọa hệ thống chỉ huy quân sự của khối NATO tại miền Đông Địa Trung Hải.

Đối với Mỹ, theo Le Monde, cái lo trước mắt là căn cứ quân sự Mỹ Souda, đặt trên đảo Crète, của Hy Lạp, bản doanh của Hạm đội 6 Hoa Kỳ. Căn cứ này không xa bờ biển của Syria, Jordan, Liban và Israel, cho phép Mỹ can thiệp nhanh chóng trong trường hợp có xung đột. Trong chiến dịch can thiệp vào Libya năm 2011 chẳng hạn, chính Souda là nơi xuất phát của các phi đội F16 của Mỹ, trong lúc khoảng 400 lính thủy quân lục chiến Mỹ cũng được phái đến đó, sẵn sàng can thiệp nếu cần.

Tổng thống Mỹ dĩ nhiên không muốn cơ sở chiến lược này bị đe dọa, thế nhưng Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, từng cảnh cáo là khi tỏ thái độ không khoan nhượng với Athens về kinh tế, Châu Âu đã đánh giá thấp nguy cơ toàn khu vực rơi vào tình trạng bất ổn nếu Hy Lạp ra khỏi vùng Euro.

Giáo sư Georges Prevelakis ở Đại học Paris I, tác giả quyển nghiên cứu Địa chính trị Hy Lạp (xuất bản năm 2005) đã lấy làm tiếc rằng ngay từ đầu, vấn đề địa lý chính trị đã không được châu Âu quan tâm vì lẽ : « Đảm bảo một nước Hy Lạp ổn định về chính trị và với nền kinh tế vận hành có hiệu quả, sẽ giúp ổn định khu vực và châu Âu hóa vùng Balkan. Nhưng giờ đây, chính Hy Lạp lại đang bị balkan hóa ».

Tại vùng Balkan, vốn bao gồm các nước yếu, Nga đang cố gắng thúc đẩy những con tốt của mình tại Serbia và tại khu vực người Serbia ở Bosnia-Herzegovina. Phong trào thánh chiến cũng cố sức tuyển mộ chiến binh ở khu vực này, nơi có những cộng đồng Hồi giáo đông đảo.

Le Monde trích lời bà Sia Anagnostopoulou, dân biểu đảng cánh tả Syriza đồng thời là giáo sư sử học tại Đại học Pandeion ở Athens khẳng định vai trò ổn dịnh của Hy Lạp « quốc gia dân chủ duy nhất theo truyền thống châu Âu trong một khu vực mà phia Bắc thì bị chủ nghĩa dân tộc ở vùng Balkan đe dọa, phía nam thì bị tình trạng nền dân chủ thụt lùi ở Bắc Phi, phía đông với Thổ Nhĩ Kỳ trên đà cực đoan hóa về tôn giáo và vùng Trung Đông đầy lửa và máu ».

Hy Lạp theo Le Monde, cũng có một vai trò quan trọng trong việc gánh vác áp lực nhập cư cho Châu Âu.

Đó là chưa kể đến Trung Quốc, có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở Hy Lạp để tăng cường đầu tư , biến nước châu Âu này thành nội ứng phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh. Hiện nay, Trung Quốc đã biến Hy Lạp thành một đầu cho « con đường tơ lụa mới » của họ, với tập đoàn vận tải biển khổng lồ Cosco của Trung Quốc đã quản lý các cảng container chính của cảng Hy Lập Piraeus từ 6 năm nay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia François Heisbourg, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tại Paris, Trung Quốc là quan tâm nhiều hơn đến lãnh vực địa kinh tế hơn là địa chiến lược và họ sẽ thận trọng, không để bị dính vào một quốc gia đang gặp khó khăn.

Thủ tướng Nhật Bản mất uy tín

Về Châu Á hôm nay, Libération dành nguyên một trang cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mà điểm tín nhiệm đang « tuột dốc xuống mức thấp nhất ». Tác giả bài báo tóm lược tình hình : êkíp của ông Shinzo Abe đang chịu sức nóng tột độ nhưng không phải vì thời tiết mùa hè ! Mà vì nào là biểu tình, tranh luận quốc hội căng thẳng, bị chỉ trích công khai có khi còn bị sĩ nhục. Thủ tướng đang bị chống đối ngay cả trong phe của ông, điểm tín nhiệm của ông bị tuột giảm trong lúc phải giải quyết nhiều hồ sơ gai góc.

Tác giả bài báo nêu một dấu hiệu không thể xem thường và cho thấy sự thất vọng người dân : đó là kết quả thăm dò dư luận gần đây, ông Abe được 41% tín nhiệm, mức thấp nhất từ năm 2012, khi ông trở lại cầm quyền.

Dĩ nhiên, theo tác giả bài viết, thăm dò dư luận không làm nên chính phủ, nhưng ở một nước như Nhật Bản mà dư luận là một trong những nguồn của quyền lực thì không nên xem thường, và cũng có nghĩa là ông Abe có thể bị hạ bệ, một người khác trong đảng của ông có thể trỗi dậy.

Theo nhận định của Libération thì ông Abe là một người cứng cựa, đã thắng trong 3 cuộc bầu cử, giữ chiếc ghế thủ tướng trong hơn hai năm rưỡi, nhưng ông sẽ đứng trước 2 thời điểm có thể nguy hiểm : tháng 9 tới bầu lại chủ tịch đảng PLD, và năm tới bầu cử Thượng viện, và ông Abe phải nắm được thế mạnh.

Nhưng nhìn bối cảnh hiện tại thì dường như không phải như vậy. Một trong những hồ sơ khiến ông Abe bị chống đối là các dự luật mà ông đưa ra nhằm cho phép quân đội Nhật can thiệp ở bên ngoài để hỗ trợ các đồng minh, diễn giải lại như thế điều 9 hiến pháp chủ hòa.

Đối với đa số người Nhật không thể vi phạm điều 9 này. Dân Nhật cho thấy là họ vẫn thiết tha với hiến pháp chủ hòa : 80% vẫn chống đối dự luật của Thủ tướng Nhật, một người bị cho là hiếu chiến. Dân chúng Okinawa đã không ngần ngại nói thẳng với ông khi ông đến đấy ngày 23/06, nhân kỷ niệm70 năm trận Okinawa. Okinawa là hồ sơ lớn khác làm ông Abe mất lòng dân.

Ông Abe không thoát được gánh nặng của lịch sử. Bài báo nêu lại sự kiện chưa từng thấy : Cả một liên minh tập hợp từ chính khách, cựu lãnh đạo Nhật, trí thức, đặc biệt là hàng trăm sử gia, đã kêu gọi ông Abe phải tỏ lời hối tiếc, xin lỗi của Nhật nhân kỷ niệm ngày đầu hàng 15/08 tới đây, đề cập đến các hồ sơ gây đau thương như vấn đề phụ nữ giải sầu.

Ông Abe cho biết là diễn văn của ông vào ngày đó sẽ hướng về tương lai, nhưng có đánh giá là Thủ tướng Nhật sẽ tạo thêm vinh dự cho mình nếu ông ngỏ lời xin lỗi đối với số vài chục phụ nữ vẫn còn sống.

 

Tham nhũng : Thủ tướng Ấn Độ bị vạ lây

 

Cũng về Châu Á, Le Monde chú ý đến một lãnh đạo khác đang bị cuốn vào một vụ tai tiếng : Thủ tướng Ấn Narendra Modi. Sự vụ theo le Monde là hai bộ trưởng Ấn bị tố cáo hối mại quyền thế khi nâng đỡ một nhà tài phiệt lừng danh trong làng Cricket.

Thủ tướng Ấn Modi phải đối phó với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất nhiệm kỳ của ông. Từ mấy ngày qua cả nước Ấn nói đến sự cố Modi, một phần là vì những người thân cận với Thủ tướng dính líu vào vụ xì căn đan tiền nong, hối lộ, mà một nhân vật trọng tâm vụ việc lại cùng họ Modi, Lalit Modi, chủ nhân một tập đoàn thuốc lá và cũng nổi danh nhờ cho tổ chức các giải đấu cricket toàn quốc.

Nhà tỷ phú danh nổi như cồn đã bị mang tiếng khi người ta khám phá các vụ cá độ, gian lận, hối lộ để được truyền lại các các trận đấu... khiến Lalit Modi, vì bị truy tố trong nhiều vụ việc, đã sang lánh nạn ở Luân Đôn.

Chính quyền trước ở New Delhi đã vô hiệu hóa hộ chiếu của ông, tìm cách cho dẫn độ nhân vật này.

Vấn đề liên quan đến đương kim Thủ tướng bắt đầu vào năm ngoái, khi đột nhiên hộ chiếu của Lalit Modi lại có hiệu lực trở lại, và hơn nữa người ta khám phá ra rằng luật sư bào chữa cho Lalit Modi là con gái của nữ Ngoại trưởng Ấn, và nhân vật này dường như đã gây sức ép với phía Anh Quốc để ông Lalit Modi có những giấy tờ cần thiết ra khỏi Anh Quốc.

Đánh đổi lại thì Lalit Modi đã hứa cho một vị trí béo bở trong tập đoàn của ông cho chồng của Ngoại trưởng. Nhưng không chỉ bà Ngoại trưởng bị liên lụy, một bộ trưởng khác theo Le Monde, cũng có dính líu.

Phe đối lập Ấn dĩ nhiên là đòi hai vị bộ trưởng từ chức nhưng vấn đề là Thủ tướng Ấn vẫn đang tỏ ra hoang mang, chần chừ. Nhiều tiếng nói đòi chính Thủ tướng phải từ chức vì ông không đưa ra được giải thích nào thỏa đáng, nhất là khi lên cầm quyền, ông đã hứa sẽ có một chính phủ gương mẫu. Đến giờ ông Narendra Modi vẫn tránh né vụ việc, nhiều người trong đảng của ông cho là đến lúc Thủ tướng phải lấy trách nhiệm.

Báo giới cũng ngạc nhiên cho đây là lần đầu tiên ông do dự, lúng túng. Nhưng nhận định chung thì ông sẽ phải suy nghĩ lại về cách điều hành của mình. Truớc mắt thì New Delhi đang cho mở điều tra ở nước ngoài, từ Singapore đến đảo Maurice về Lalit Modi, và giới điều hành làng cricket ở Án

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.