Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - HY LẠP - NỢ - QUỐC TẾ

Hy Lạp trưng cầu dân ý về đề nghị cải cách

Hôm nay 05/07/2015, 9,8 triệu cử tri Hy Lạp sẽ đưa ra quyết định đồng ý hay phản đối đề nghị « cải cách » của ba định chế chủ nợ, IMF, Liên Hiệp Châu Âu và Ngân hàng Châu Âu, đổi lại Athens được triển hạn hỗ trợ tài chính. Theo nhiều thăm dò dư luận, tỷ lệ đồng ý và phản đối trong cử tri Hy Lạp là xấp xỉ nhau.

Cử tri Hy Lạp bỏ phiếu trưng cầu dân ý về thoả thuận cải cách, Chủ Nhật ngày 05/07/2015.
Cử tri Hy Lạp bỏ phiếu trưng cầu dân ý về thoả thuận cải cách, Chủ Nhật ngày 05/07/2015. REUTERS/Marko Djurica
Quảng cáo

Các định chế chủ nợ và đối tác Châu Âu lo ngại kịch bản « không » thành sự thật, mở ra khả năng Hy Lạp từ giã khu vực đồng euro, dẫn đến một khủng hoảng chưa từng có. Ngược lại, Thủ tướng Hy Lạp cho rằng, nếu phe nói « không » thắng thế « sẽ gửi đi một thông điệp kiên quyết, để Hy Lạp không chỉ ở lại Châu Âu, mà còn sống một cách đàng hoàng trong Châu Âu ». Nếu đa số cử tri chọn " thuận " với đề nghị của các chủ nợ, Thủ tướng Hy Lạp rất có khả năng sẽ từ chức.

Từ Athens, thông tín viên Charlotte Stiévenard cho biết cụ thể :

« Ngay tại trường tiểu học Metaxourgio, một khu phố bình dân của Athens, những người phụ trách địa điểm bỏ phiếu cho biết lượng người đến bỏ phiếu sáng nay là “bình thường”. Nhất là những người lớn tuổi. Hiện tại các xu hướng cũng chưa rõ ràng, cứ hai người thì có một trả lời “không” với kế hoạch do các định chế quốc tế đề xuất.

Đó cũng chính là lập trường của chính phủ Hy Lạp, muốn tạo ra những cơ sở mới cho các cuộc thương lượng với các chủ nợ. Chính phủ bác bỏ lập luận cho rằng Nhà nước có nguy cơ bị phá sản với kết cuộc là phải ra khỏi khu vực đồng euro, cho dù đó cũng là mối lo âu của nhiều người Hy Lạp, những người bỏ phiếu “thuận” trong ngày hôm nay. Chính vì vậy, nếu như phe “thuận” thắng thế, các định chế quốc tế sẽ phải chấp nhận tái khởi động cuộc đàm phán với chính phủ Hy Lạp.

Vào lúc mà Thủ tướng Alexis Tsipras công khai kêu gọi bỏ phiếu “chống”, vấn đề tính chính đáng của ông có thể sẽ bị xem xét. Cho tới giờ phút này, Tsipras vẫn chưa nói là sẽ từ chức trong trường hợp phe “thuận” thắng, nhưng nếu ở lại, ông sẽ rất khó điều hành chính phủ. Do đó, không loại trừ việc thành lập một chính phủ mới hay tổ chức bầu cử lại.»

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.