Vào nội dung chính
HY LẠP - QUỐC TẾ - CHÂU ÂU - TÀI CHÍNH

Bẩy câu hỏi liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ nghiêm trọng và các cuộc thương lượng rơi vào bế tắc, Chủ nhật, 05/07/2015, cử tri Hy Lạp được hỏi ý kiến về các đề nghị của chủ nợ. Để hiểu rõ hơn cuộc trưng cầu dân ý mà Châu Âu đang gần như nín thở chờ đợi kết quả, báo Les Echos, ngày hôm nay, 03/07/2015, nêu ra những thách thức của cuộc trưng cầu này dưới dạng 7 câu hỏi và trả lời.

Một người ủng hộ dự thảo cải cách trong cuộc biểu tình tại Athens ngày 30/06/2015.
Một người ủng hộ dự thảo cải cách trong cuộc biểu tình tại Athens ngày 30/06/2015. REUTERS/Christian
Quảng cáo

1- Câu hỏi nào sẽ được đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ nhật 05/07 ?

« Bạn có chấp nhận dự thảo thỏa thuận do Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) và Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong cuộc họp của Eurogroupe ngày 25/06/2015 ? » và dự thảo này tuy bao gồm 2 tài liệu, nhưng được coi là một dự thảo thống nhất. Tài liệu thứ nhất có tựa đề « Cải cách vì sự thành công của chương trình hiện nay và mai sau » và tài liệu thứ hai là « Phân tích sơ bộ về khả năng gánh chịu nợ ».

Ngay cả đối với một người Hy Lạp có theo dõi sít sao các cuộc đàm phán trong những tuần gần đây, thì cũng khó mà hiểu được vấn đề do tính chất phức tạp của sự việc. Đến mức mà Hội đồng Châu Âu cũng thấy bức xúc, đặc biệt yêu cầu là « các câu hỏi phải rõ ràng và dễ hiểu ». Hơn nữa để cho cuộc trưng dân ý được hợp pháp, ít nhất phải có đến 40% cử tri tham gia. Và chỉ có những người Hy Lạp sống trong nước mới có quyền bỏ phiếu.

Từ « chống » (« oxi » bằng tiếng Hy Lạp) xuất hiện trên hàng đầu tiên của lá phiếu, tiếp theo là từ « thuận » (« nai »). Chi phí tổ chức không được nêu rõ, nhưng giới truyền thông Hy Lạp đưa ra con số ước tính là 110 triệu euro.

2- Bản dự thảo thỏa thuận nào được đưa ra hỏi ý kiến cử tri ?

Cả hai tài liệu trên tổng hợp những yêu cầu cải cách do ba định chế (Ủy ban Châu Âu, BCE và IMF) đưa ra và báo cáo sơ bộ dài hai trang về khả năng gánh chịu nợ về dài hạn của Hy Lạp là những văn bản khô khốc, đầy số liệu và chữ viết tắt mà chỉ có những ai am tường mới hiểu được. Trong cả hai trường hợp, các phiên bản đều đề ngày thứ Năm 25/06 và không bao gồm những hiệu chỉnh cuối cùng như duy trì mức thuế giá trị gia tăng TVA thấp cho ngành khách sạn.

Các tài liệu này bao gồm tất cả các đề nghị cải cách được đàm phán gay go trong vòng 5 tháng giữa Athens với nhóm Troika cũ (như tăng TVA, hưu bổng …). Một phần lớn các cải cách đó đã được chính phủ Hy Lạp chấp nhận. Tuy nhiên, một cách chính thức, những đề xuất đó không còn tồn tại nữa, bởi vì các chủ nợ đã rút bỏ kể từ khi kế hoạch hỗ trợ Hy Lạp lần thứ hai đã chính thức chấm dứt vào thứ Ba 30/06 vừa qua.

Người dân có thể tham khảo các văn bản trên mạng bằng tiếng Hy Lạp (hãng tin Bloomberg cho biết có những lỗi dịch làm biến nghĩa, và có lợi cho việc bỏ phiếu chống) hay bằng tiếng Anh (với các tài liệu giống như các bản sao chép từ những tài liệu làm việc của các nhà đàm phán Hy Lạp, và có thể thấy cả các ghi chú của họ).

3- Các viện thăm dò dự đoán như thế nào ?

Công luận cực kỳ dao động hai ngày trước thời điểm trưng cầu dân ý. Không những câu hỏi đặt ra đã phức tạp, mà người Hy Lạp cũng thắc mắc là họ phải có ý kiến về chương trình thắt lưng buộc bụng hay về mong muốn ở lại khu vực đồng euro. Bởi vì đó là hai chuyện khác nhau. Từ đây cho đến trước ngày trưng cầu dân ý, không một ai có thể đoán được câu trả lời vào Chủ nhật, của cử tri Hy Lạp.

Vài thăm dò được thực hiện kể từ tối thứ Sáu rạng sáng thứ Bẩy, khi có thông báo tổ chức trưng cầu dân ý, cho thấy phe « chống » giành thắng lợi. Nhưng xu thế này cũng đang suy giảm dần do các quy định về việc đóng cửa của các ngân hàng và biện pháp kiểm soát vốn. Cuộc thăm dò đầu tiên do Viện Prorata thực hiện hôm Chủ Nhật 31/06 cho thấy phe chống chiếm đến 57%, còn phe ủng hộ là 30%. Thế nhưng, hai ngày sau, tỷ lệ người chống chỉ còn có 46% so với 37% của phe ủng hộ.

Một thăm dò không chính thức khác công bố vào trưa hôm thứ Năm 02/07 và được loan tải trên mạng xã hội, cho thấy phe ủng hộ cao hơn phe chống một chút. Các kết quả thăm dò tính theo mầu sắc chính trị của người được hỏi cho thấy rõ sự chia rẽ ở nước này. Những người ủng hộ đảng Syriza thì « chống » lại các đề nghị của Châu Âu (chiếm đến 77%), cũng giống như những người theo đảng Cộng sản, cánh hữu dân tộc chủ nghĩa và cực hữu. Cánh trung, phe xã hội-dân chủ của đảng Pasok và phe bảo thủ hầu như đều bỏ phiếu thuận.

4- Trong cuộc trưng cầu dân ý, các bên kêu gọi bỏ phiếu ra sao ?

Trên các tấm áp phích của đảng Syriza, có chân dung Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble với vẻ mặt cau có, phía dưới có chữ « Không » bằng tiếng Hy Lạp. Các thành viên của đảng cánh tả cấp tiến này không làm việc một cách nửa vời. Chiến dịch vận động tuy ngắn ngủi nhưng phải hiệu quả. Các thành viên thuộc đảng của Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ ồ ạt bỏ phiếu chống.

Trong phe ủng hộ, các lãnh đạo của phe này vắng bóng trong chiến dịch vận động. Antonis Samaras, cựu Thủ tướng và lãnh đạo đảng đối lập chính Tân Dân chủ, trên nguyên tắc chống lại việc tổ chức trưng cầu dân ý, mong muốn phe ủng hộ thắng thế. Ông tỏ ra kín đào và hoạt động ở hậu trường. Giới doanh nhân cũng như Tổng liên đoàn những người lao động Hy Lạp của khu vực tư nhân tuyên bố ủng hộ.

5-Điều gì sẽ xẩy ra nếu phe chống thắng thế ?

Ông Alexis Tsipras cho rằng phe chống thắng thế sẽ tạo ra vị thế thương lượng mạnh hơn cho Hy Lạp. Đối với các chủ nợ, đương nhiên, hậu quả sẽ hoàn toàn ngược lại. Hôm thứ Năm, 02/07, Chủ tịch Eurogroupe, ông Jeroen Dijsselbloem đã cảnh báo : « Trong trường hợp phe chống thắng, tình hình sẽ trở nên cực kỳ khó khăn cho Hy Lạp ». Nước này sẽ có nhiều vấn đề kinh tế còn nghiêm trọng hơn, và điều này sẽ làm cho chương trình trợ giúp còn tốn kém hơn và khó thực hiện hơn. Ông Chủ tịch, người rất hiểu các đối tác trong khu vực đồng euro, biết rằng những đối tác « diều hâu » chỉ có một mong muốn, đó là chấm dứt việc Hy Lạp nằm trong khu vực đồng euro.

Làm thế nào các dân biểu Đức, Phần Lan, Slovakia, v.v. có thể tìm ra được một đa số bỏ phiếu ủng hộ một chương trình trợ giúp mới hàng chục tỷ euro nếu như Hy Lạp nói « không » với mọi nỗ lực ? Ngoài ra, sự chằng chịt của các quy định pháp lý liên quan đến hệ thống euro sẽ nhanh chóng dẫn đến thảm họa kinh tế. Không đạt được thỏa thuận, BCE không thể tiếp tục hỗ trợ các nhu cầu về thanh khoản của Hy Lạp nữa. Không có giúp đỡ của BCE, các ngân hàng Hy Lạp sẽ phá sản.

Do vậy, BCE sẽ phải đề nghị các lãnh đạo Nhà nước và chính phủ khu vực đồng euro là họ có những bảo đảm khác đề xuất với BCE hay không. Thế nhưng, hôm thứ Năm, 02/07, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa, nhắc lại rằng bà chống lại việc họp Eurogroupe và đưa hồ sơ này ra hỏi ý kiến nghị viện Đức. Như vậy, các lãnh đạo Châu Âu sẽ phải gánh chịu trách nhiệm về việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro, dù có phải thiết lập một chương trình nhân đạo để tạm thời giúp đỡ Hy Lạp.

6- Nếu phe ủng hộ thắng thế, thì sẽ có những hậu quả gì ?

Đây là kịch bản mà tất cả các nước Châu Âu hy vọng : Việc dân Hy Lạp ủng hộ sẽ cho phép tái khởi động các cuộc thương lượng với Athens và có thể một cuộc họp mới của Eurogroup sẽ được triệu tập ngay trong tuần tới. Thời gian gấp rút bởi vì Hy Lạp vào ngày 20/07, phải thanh toán 3,5 tỷ euro cho BCE.

Nếu được nối lại, các cuộc đàm phán sẽ xoay quanh kế hoạch trợ giúp thứ ba, bởi vì kế hoạch trợ giúp thứ hai đã hết hạn từ thứ Ba, 30/06 trong bầu không khí hỗn loạn. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản cần phải vượt qua để tới đích, bởi vì cần phải được Nghị viện Đức chấp thuận về nguyên tắc có thêm một kế hoạch trợ giúp mới, rồi sau đó, phải thương lượng các điều kiện để có được trợ giúp (tức là các điều kiện Hy Lạp phải thực hiện cải cách) và đàm phán có thể kéo dài nhiều tuần. Do vậy, cần phải tìm được nguồn tài trợ khẩn cấp cho Hy Lạp trước ngày 20/07 (để thanh toán cho BCE).

Nhưng các chủ nợ sẽ đàm phán với ai ? Việc phe ủng hộ thắng thế trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp. Ông Yanis Varoufakis đã thông báo là ông sẽ từ chức Bộ trưởng Tài chính và sẽ khó mà hình dung được là Thủ tướng Alexis Tsipras không làm tương tự vì ông không được người dân ủng hộ nữa.

Nhưng để lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trong bối cảnh đó, thì gần năm chục nghị sĩ của đảng Syriza (trong tổng số 149 dân biểu tại Quốc hội) phải chấp nhận liên minh với đảng Xã hội Pasok, với cánh trung Potami và với đảng bảo thủ Tân Dân chủ. Đây không phải là việc dễ dàng, trừ phi phe ủng hộ thắng lợi rõ nét. Nếu không, Hy Lạp lại hướng tới một bầu cử lập pháp mới, sẽ được tổ chức trong thời hạn một tháng. Và trong trường hợp này, trong các cuộc thăm dò dư luận, Syriza lại vẫn là chính đảng có nhiều khả năng giành thắng lợi nhất…

7- Các ngân hàng Hy Lạp có thể tránh được phá sản hay không ?

Dòng người xếp hàng dài trước các máy rút tiền tự động của ngân hàng là một trong những hình ảnh gây ấn tượng mạnh về tuần lễ không bình thường tại Hy Lạp. Từ thứ Hai đầu tuần, các ngân hàng đóng cửa và các khách hàng chỉ được phép rút tối đa 60 euro mỗi ngày, trong lúc đó, việc di chuyển vốn bị kiểm soát trên toàn quốc. Theo Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, việc tái mở của các ngân hàng được dự kiến vào thứ Ba tuần tới, nhưng không có gì là chắc chắn cả. Ông Nikos Pappas, Bộ trưởng Quốc vụ, một chính trị gia có thể lực nói rằng các ngân hàng sẽ chỉ mở cửa trở lại trong trường hợp Hy Lạp và các chủ nợ đạt được thỏa thuận…

Quả thực là các ngân hàng đang ở bên bờ vực phá sản, hiện đang được Ngân hàng Trung ương Châu Âu hỗ trợ qua việc cung ứng thanh khoản, trong lúc đó, theo cơ quan thẩm định tài chính Moody’s, 44 tỷ euro của khu vực tư nhân đặt tại ngân hàng đã « bốc hơi » kể từ tháng 11/2014. Việc nâng mức vốn của lĩnh vực ngân hàng dường như không thể tránh khỏi. Chính phủ Hy Lạp hứa hẹn là những người gửi tiền sẽ không bị « sạt nghiệp ». Thế nhưng, cũng không có gì là chắc chắn cả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.