Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Khí hậu bị tách khỏi các đàm phán kinh tế

Đăng ngày:

Kể từ 20 năm nay, vấn đề khí hậu đã trở thành một tâm điểm của đời sống quốc tế ; để hạn chế việc Trái đất bị hâm nóng, một nền quản trị toàn cầu về khí hậu đang hình thành. Tuy nhiên những cố gắng từ các phía cho đến nay chưa đủ để ngăn chặn nhiệt độ Trái đất tiếp tục gia tăng, tổng lượng khí thải toàn cầu phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Trong giới chuyên gia, nhiều người đặt câu hỏi : Phải chăng nền quản trị quốc tế về khí hậu vừa hết sức ôm đồm, vừa không nhắm vào xử lý những vấn đề gốc rễ, như hiện nay, chính là nguyên nhân chủ yếu khiến các nỗ lực trong lĩnh vực này không theo kịp với những biến chuyển hết sức nhanh chóng của thế giới ?

Ô nhiễm tại khu tài chính Pudong, Thượng Hải, 18/03/2014.
Ô nhiễm tại khu tài chính Pudong, Thượng Hải, 18/03/2014. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

« Địa chính trị về biến đổi khí hậu » là chủ đề chính của một cuộc tọa đàm do chương trình tạp chí « Thảo luận Địa chính trị » của RFI tổ chức vào cuối tháng 5/2015, ít ngày trước vòng đàm phán tại Bonn (Đức), một bước chuẩn bị quan trọng cho Thượng đỉnh Khí hậu COP 21 tại Paris vào cuối năm.

Tham gia cuộc tọa đàm của RFI có François Gemenne, nhà chính trị học, giảng viênTrường Sciences Po Paris và đại học Liège, Bỉ. Ông là tác giả một cuốn sách quan trọng trong lĩnh vực này : « Géopolitique du changement climatique » (Địa chính trị về biến đổi khí hậu), Nxb Armand Colin, 2009. Cùng tham gia tọa đàm có ông Stefan Aykut, nhà chính học và xã hội học khoa học, nghiên cứu viên thuộc Đại học Paris-Est. Ông là đồng tác giả cuốn « Gouverner le climat. 20 ans de négociations climatiques » (Quản trị khí hậu. 20 năm thương thuyết khí hậu), vừa được Nxb Presses de Sciences Po cho ra mắt đầu năm nay. Vị khách mời thứ ba là Bastien Alex, nghiên cứu viên thuộc Iris, Giám đốc Đài quan sát địa chính trị về sự bền vững (Observatoire géopolitique de la durabilité).

Cuốn khảo cứu « Quản trị khí hậu. 20 năm thương thuyết khí hậu », mà Stefan Aykut là đồng tác giả, được một số nhà bình luận đánh giá là công trình xuất sắc nhất bằng Pháp ngữ hiện nay về lịch sử hai thập niên đàm phán về khí hậu.

Cuộc tọa đàm của các chuyên gia hàng đầu nước Pháp trong lĩnh vực này làm nổi bật tính phức tạp, những nghịch lý, xới lên nhiều mâu thuẫn căn bản trong lĩnh vực đàm phán về khí hậu hay vấn đề quản trị khí hậu hiện nay, đặc biệt là việc vấn đề khí hậu hết sức bức thiết lại bị tách khỏi (hoặc bị cô lập với) nhiều tiến trình đàm phán về các lĩnh vực hệ trọng khác, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của nhân loại hiện nay, như kinh tế, thương mại.

Khi mục tiêu 2°C không đi kèm với biện pháp cụ thể…

Sau hai thập niên đàm phán, cộng đồng quốc tế dần dần đi đến chỗ thống nhất được về mục tiêu để nhiệt độ không tăng quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, từ nay đến cuối thế kỷ, để tránh được các hiểm họa khôn lường do biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát. Cuộc đàm phán marathon để tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về khí hậu tại Paris vào cuối năm nay dường như là một cơ hội cho nhân loại hiện thực hóa mục tiêu này. Tuy nhiên, các nhà khoa học tham gia tọa đàm chia sẻ một nhận định rất khác : trong lĩnh vực khí hậu, có một sự phân ly triệt để giữa hai hiện thực (schisme de réalité), một bên là các đàm phán và thương lượng để hạn chế biến đổi khí hậu, và bên kia là những diễn biến của cuộc sống, dường như đang đi theo một chiều ngược lại, và thường là với tốc độ nhanh hơn nhiều. Nhà chính trị học François Gemenne nhận xét :

Tôi cho rằng, người ta đã nhất trí được với nhau về mục tiêu 2°C, về những mục tiêu rất dài hạn trong việc giảm lượng khí thải, tuy nhiên người ta lại không đạt được đồng thuận về ý nghĩa cụ thể, thực sự của mục tiêu này. Điều này cho thấy rất rõ quá trình đàm phán diễn ra như thế nào.

Mục tiêu 2°C là một khái niệm trừu tượng. Khi ta chuyển dịch con số này thành những biện pháp cụ thể, thì ta thấy rằng, để giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C, thì một phần ba trữ lượng nhiên liệu hóa thạch hiện nay sẽ phải không được khai thác, đặc biệt là than đá, nhưng cũng bao gồm cả dầu và khí đốt. Trên thực tế, một loạt quốc gia, ví dụ như Hoa Kỳ đã cho phép thăm dò dầu khí tại vùng Bắc Cực. Như vậy, có thể thấy, ở cấp độ quốc gia, ở cấp độ quốc tế, ngày nào cũng có những quyết định đi ngược lại mục tiêu 2°C này, đi ngược lại với những gì được quyết định ở cấp độ quốc tế. Chừng nào việc này vẫn diễn ra, chừng đó vẫn còn sự cách biệt hoàn toàn giữa các mục tiêu. Điều mà theo tôi cần phải thay đổi trong các đàm phán hiện nay, đó là bắt đầu chuyển dịch thực sự các mục tiêu xa xôi, trừu tượng thành các chính sách cụ thể, bao gồm cả chính sách không khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch.

Đối diện sự thật khi đã muộn ?

Nhà nghiên cứu François Gemenne đặt vấn đề : Phải chăng các thương lượng theo phương thức hiện nay là khuôn khổ phù hợp để mang lại một câu trả lời cho vấn đề khí hậu ? Hay ngược lại, phải chăng với phương thức đàm phán lâu nay, chính phủ các nước đang cố tình tránh né đối diện với thực tại ? Ông nói :

Trong một thời gian dài, người ta đã không muốn đề cập tới vấn đề « thích ứng » với biến đổi khí hậu, coi đó như là một đề tài cấm kỵ. Bởi người ta coi rằng, làm như vậy sẽ mang lại cho các quốc gia một cái cớ để không giảm lượng khí thải, làm chậm lại nhịp độ giảm khí thải. Nhưng người ta cũng thấy rằng, bất chấp việc tránh né như vậy, lượng khí thải gần như không giảm, mặt khác, các hệ quả của biến đổi khí hậu bắt đầu thể hiện rõ ràng, nhiều quốc gia đã trở thành nạn nhân. Từ đó, vấn đề thích ứng được đặt ra khẩn cấp.

Việc chấp nhận nói đến thích ứng với biến đổi khí hậu trên bình diện quốc tế đồng nghĩa với sự thú nhận thất bại trong việc giảm lượng khí thải đến mức cần thiết, để có thế tránh được các hậu quả như vậy (….)

Hiện tại, chúng ta thấy rằng, cả hai mục tiêu giảm khí thải và thích nghi đều không được làm tốt. Đây chính là bi kịch của các thương thuyết quốc tế. Và ta thấy một nội dung thứ ba đã được thêm vào, đó là phần « mất mát và thiệt hại », có nghĩa là sự bồi hoàn cho các thiệt hại, không thể giảm được nhờ các hoạt động thích ứng. Hiện tại, ta đang đi đến chỗ khẳng định : « thích ứng » là không thể giải quyết được, và như vậy cần phải hướng đến việc « bồi hoàn ».

Vấn đề nằm ở chỗ : điều gì sẽ xảy ra, nếu như không đủ khả năng bồi hoàn những mất mát, thiệt hại ? Nếu vậy, ta phải sẽ sáng tạo ra thêm nội dung nào nữa cho các đàm phán ? Phải chăng đó sẽ là các đài tưởng niệm cho những vùng đất, những cộng đồng dân cư bị hủy diệt do biến đổi khí hậu ?

Một vấn đề « tổng thể » bị đẩy vào thế cô lập

Vẫn về phương thức đàm phán khí hậu, François Gemenne chỉ ra một loạt nguyên nhân :

Tôi cảm thấy là phương thức đàm phán hiện nay khá là cổ lỗ, không thích hợp với một vấn đề hết sức phức tạp và đa dạng như vấn đề khí hậu. Cổ lỗ bởi vì nó bị tách biệt khỏi các lĩnh vực đàm phán khác ! Cổ lỗ bởi vì nó bị tách biệt khỏi công chúng, khỏi thực tế những tác động của biến đổi khí hậu ! Cổ lỗ bởi vì nó chỉ đại diện cho các quốc gia, trong khi chúng ta biết, chính quyền các nước chỉ có một khả năng giới hạn trong việc kiểm soát lượng khí thải trên lãnh thổ nước mình.

Ví dụ, 60% khí thải xuất phát từ các thành phố, như vậy, để đàm phán tốt, phải có đại diện các thành phố, đại diện các ngành công nghiệp, của xã hội dân sự. Chúng ta có ấn tượng rằng các thương thuyết diễn ra trong phòng kín, hoàn toàn tách biệt với các thực tế của biến đổi khí hậu, thương lượng xoay xung quanh các con số trừu tượng, mà không hề tính đến hiện thực, những hậu quả tàn khốc đối với nhiều cộng đồng.

Nhà chính trị học François Gemenne, tác giả cuốn « Địa chính trị về biến đổi khí hậu », đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng đàm phán khí hậu bị cô lập :

Đàm phán về khí hậu bị tách khỏi các tiến trình đàm phán quan trọng khác. Tôi thấy thực tế hiện nay về cơ bản là như vậy. Tôi cho rằng, cần phải nối kết trở lại vấn đề khí hậu với các vấn đề cơ bản khác, như vấn đề bất bình đẳng. Cần phải thấy rằng, vấn đề biến đổi khí hậu thoạt tiên là vấn đề phân chia, phân chia trách nhiệm, phân chia các hệ quả, phân chia lượng khí thải. Chừng nào ta còn coi vấn đề khí hậu như một vấn đề « môi trường », chứ không phải là một vấn đề « tổng thể », chừng ấy tôi không cho rằng ta có thể giải quyết được.

Một sự phân ly khác mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng, có hậu quả rất nặng nề. Đó là các thương thuyết cách biệt hoàn toàn với đời sống chính trị dân chủ, với các hiện thực cụ thể. Các đàm phán hết sức quan trọng với tương lai của nhân loại như vậy, nhưng nhân loại lại không hiểu thực sự về chúng.

Tôi cho rằng có một sự mất dân chủ trong quá trình đàm phán. Cụ thể là các chủ thể duy nhất có quyền quyết định là chính phủ các nước. Chúng ta cần đặt câu hỏi, một chính phủ hiện nay có thẩm quyền đại diện hợp pháp đến đâu trong vấn đề khí hậu ? Các công dân Pháp đang nghe chương trình này có cảm thấy đồng ý với quan điểm của chính phủ nước mình không ? Tôi cảm thấy, khi được hỏi về vấn đề khí hậu, rất nhiều người không đồng ý với quan điểm của chính phủ nước mình. Tôi từng ở Mỹ một thời gian, tôi thấy nhiều người Mỹ có quan điểm về khí hậu gần với Bangladesh hơn là với chính phủ Hoa Kỳ. Tôi cho rằng có một sự mất dân chủ cần được khắc phục trong đàm phán.

Ông Bastien Alex, Giám đốc Đài quan sát địa chính trị về sự bền vững (Pháp), chia sẻ với đồng nghiệp. Ông cũng đặc biệt lưu ý đến liên hệ giữa vấn đề khí hậu với sự tham gia chính trị của công dân :

Khó khăn trên bình diện quốc tế trong việc xử lý vấn đề này là thực sự. Vấn đề cần phải đặt ra hiện nay là, nếu phương thức đàm phán về khí hậu hiện nay là cổ lỗ, vậy phải chăng cần gắn kết đàm phán về khí hậu với các tiến trình đàm phán quốc tế khác, hoặc hội nhập các vấn đề khác, như kinh tế, năng lượng vào đàm phán về thỏa thuận khí hậu ? Đây là điều mà hiện nay chúng ta chưa có câu trả lời.

Việc đàm phán về khí hậu bị cô lập cũng liên quan đến tình trạng mất dân chủ. Có một khoảng cách lớn với các nỗ lực tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi người ta không hiểu thực sự các lợi ích của việc này. Đơn cử ví dụ như người dân không muốn đặt trạm điện gió gần nhà mình. Đây là một vấn đề liên quan đến sự đối diện với thực tế. Chúng ta cần các nhà chính trị hiểu được vấn đề này. Thách thức khí hậu cần trở thành một thách thức trong tranh cử. (Tuy nhiên) hiện nay, không có cử tri nào bầu cho một ứng cử viên có chủ trương chống biến đổi khí hậu. Khí hậu không phải là vấn đề « môi trường », mà là một vấn đề « tổng thể ». Cần phải đưa vấn đề này vào hoạt động tranh cử, nhưng điều này trong hiện tại chưa diễn ra.

Đưa các đòi hỏi khí hậu vào hiệp định thương mại mới

Dù sao, bức tranh toàn cảnh không hẳn toàn một màu đen xám. Về các đàm phán chuẩn bị COP 21 đang diễn ra, Stefan Aykut - tác giả cuốn « Quản trị khí hậu. 20 năm thương thuyết khí hậu » - cũng ca ngợi khía cạnh tích cực của khuôn khổ thương lượng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc hiện nay. Đây là nơi duy nhất mà quan điểm của nhiều nước đang phát triển, các đảo quốc tí hon có thể được lắng nghe, các quốc gia nhỏ và yếu có cơ hội tham gia vào tiến trình chung. Tuy nhiên, trọng tâm của Stefan Aykut là nhấn mạnh đến việc vấn đề đàm phán về khí hậu phải được gắn kết với các lĩnh vực cốt lõi của đời sống nhân loại, như thương mại quốc tế :

Tôi cho rằng cần nhấn mạnh đến cách thức mà người ta xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta đã nhiều lần nói đến « hiện tượng béo phì của hệ thống », đây là một diễn đạt được dùng để nói về mức độ ôm đồm rất cao của các nội dung đàm phán về khí hậu. Ngày càng có thêm nhiều nội dung được đưa vào, từ phát triển, đạo lý, cho đến vấn đề rừng, v.v.

Điều này một mặt gắn với tính chất phức tạp của vấn đề khí hậu. Vấn đề khí hậu đụng chạm đến tất cả những vấn đề đó, những lĩnh vực đó. Như vậy, việc xem xét các vấn đề này trong đàm phán có thể nói là chuyện bình thường. Nhưng ta cũng thấy rằng, để có thể xử lý được một vấn đề trên bình diện quốc gia hay quốc tế, cần phải làm cho nó trở thành một đối tượng có thể quản lý được.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc quy vấn đề khí hậu vào vấn đề khí thải, và kết hợp vấn đề này với một loạt các chuyện khác nữa, khiến đàm phán khí hậu quốc tế trở thành một công việc không thể điều hành được. Điều cần làm hiện nay là phải gắn kết khí hậu với một loạt các sân chơi khác, ví dụ như thương mại quốc tế, nơi hiện nay người ta đưa ra các quyết định đi ngược lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong những sân chơi này, người ta không nói đến vấn đề khí hậu.

Chính vì vậy, theo Stefan Aykut, trong các đàm phán về mậu dịch đang diễn ra, cụ thể là Hiệp định thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ (TTIP hay Tafta), « điều hết sức căn bản là vấn đề biến đổi khí hậu phải đóng vai trò để làm sao cho làn sóng toàn cầu hóa sắp đến phải diễn ra phù hợp với các đòi hỏi về khí hậu ». 

Tin bài liên quan

Biến đổi khí hậu : AIE hy vọng khí thải giảm sau 2020

G7 hướng tới bỏ dần năng lượng hóa thạch

Thách thức Carbone ở hội nghị khí hậu Bonn

Tuần lễ Khí hậu Paris : Doanh nghiệp ở thế chủ động

Ngân hàng Thế giới đặt mục tiêu một nền kinh tế ''không khí thải''

Chống biến đổi khí hậu: Giới chuyên gia kêu gọi quản lý « địa công nghệ »

Paris : Tuần lễ của 1.000 nhà sáng chế làm biến đổi thế giới

"Con người" với "Tự nhiên" qua cái nhìn của nhà nhân chủng học

 

OCDE chỉ đích danh các chính sách khuyến khích ô nhiễm

Trước khi khép lại tạp chí Tiêu điểm thời sự tuần này về chủ đề Địa chính trị và khí hậu, những mâu thuẫn căn bản trong lĩnh vực đàm phán về khí hậu hay vấn đề quản trị khí hậu hiện nay, qua cuộc tọa đàm với các chuyên gia Pháp, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị thông tin về một dự thảo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE – gồm 34 nước công nghiệp phát triển - (công bố đầu tháng 6/2015, dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào tháng này), liên quan đến cuộc chiến hạn chế biến đổi khí hậu. Báo cáo mang tựa đề « Sửa đổi chính sách vì một nền kinh tế có hàm lượng cacbon thấp ».

Dự thảo báo cáo nói trên của OCDE được thực hiện phối hợp với Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE, Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (Agence de l’énergie nucléaire) và Diễn đàn vận tải quốc tế. Dự thảo đặc biệt cảnh báo sự mâu thuẫn trong chính sách quốc gia của nhiều nước, một mặt có các biện pháp khuyến khích giảm khí thải, nhưng mặt khác lại tiếp tục trợ giá cho năng lượng hóa thạch, hay định giá xăng dầu thấp hơn tổng chi phí, bao gồm cả các hậu quả sinh thái của năng lượng hóa thạch.

Dự thảo báo cáo đưa ra nhiều con số đáng lưu ý. Đơn cử, các đầu tư tư nhân ở 34 quốc gia OCDE vào than, dầu hay khí đốt, vẫn tiếp tục nhận được các tài trợ từ ngân sách Nhà nước, với tổng số tiền từ 50 đến 82 tỷ euro/năm. Trợ giá cho xe hơi của các doanh nghiệp là khoảng từ 19 đến 33 tỷ euro/năm (Phần lớn các phương tiện vận chuyển này gây ô nhiễm nhiều hơn và được sử dụng thường xuyên hơn so với xe cá nhân). Ngược lại, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển liên quan đến năng lượng (và chuyển đổi mô hình năng lượng) lại giảm từ 11% xuống còn 4%, trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2012, tại 29 quốc gia thành viên AIE.

Được công bố ít ngày sau cuộc tọa đàm nói trên của các nhà khoa học Pháp, dự thảo báo cáo do OCDE điều phối cũng chỉ ra cội rễ sâu xa của tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng trên Trái đất là do « các nền kinh tế và định chế nhà nước đã hết sức quen thuộc với năng lượng hóa thạch sau hàng thế kỷ sử dụng ». Do đó, « một chính sách khí hậu cần phải là một chính sách làm thay đổi các cơ sở hạ tầng, các định chế, và kể cả thay đổi các cơ chế dẫn đến việc củng cố thói quen sử dụng năng lượng hóa thạch » (theo ông Richard Baron, người phụ trách điều phối thực hiện báo cáo).
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.