Vào nội dung chính
ĐỨC - HY LẠP

Merkel sẽ bị lịch sử phê phán nếu Châu Âu bỏ rơi Hy Lạp

Nếu Hy Lạp bị phá sản và bắt buộc phải rời vùng đồng tiền chung thì chính Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ lãnh phần lớn trách nhiệm. Uy tín của lãnh đạo cường quốc kinh tế số một của Châu Âu tùy thuộc vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất hiện nay trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước nhiều de dọa.

Angela Merkel Alexis Tsipras trong lần gặp tại Berlin 23/03/2015 - REUTERS/Hannibal Hanschke
Angela Merkel Alexis Tsipras trong lần gặp tại Berlin 23/03/2015 - REUTERS/Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Từ nhiều tháng nay, Thủ tướng Đức, một nhân vật có tiếng thận trọng, luôn đắn đo cân nhắc những hệ quả về tài chính, kinh tế và địa chiến lược trong trường hợp Hy Lạp rời vùng đồng tiền chung.

Theo các cố vấn thân cận của Thủ tướng Merkel, trái với quan điểm xem nhẹ hậu quả của bộ trưởng Tài chính đầy thế lực Wolfgang Shauble, bà dứt khoát không để cho thành viên Hy Lạp bị vỡ nợ, phải ra đi.

Thứ sáu 26/06, vài giờ trước khi Thủ tướng Alexis Tsipras loan báo với quốc dân Hy Lạp trưng cầu dân ý có nên chấp nhận hay không các đề nghị của các nhà tài trợ, Thủ tướng Đức còn tháp tùng Tổng thống Pháp bàn thảo riêng với đồng sự Hy Lạp bên lề thượng đỉnh Châu Âu. Bà khuyên Thủ tướng Hy Lạp nên chấp nhận « biện pháp rộng lượng » của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Trong cuộc điện đàm với tổng thống Barack Obama sau đó, thủ tướng Đức còn hội ý với lãnh đạo Hoa Kỳ, cần phải tạo điều kiện cho Hy Lạp ở lại và cải cách trong khối đồng tiền chung euro.

Trách nhiệm Merkel-Tsipras 

Theo giới phân tích, nếu cuối cùng Hy Lạp rời vùng kinh tế và đồng tiền chung euro thì chắc chắn Thủ tướng Tsipras và phe cực tả Hy Lạp sẽ bị phê phán là thiếu xây dựng trong các cuộc thương lượng triền miên.

Tuy nhiên, chính Thủ tướng Đức phải « quản trị » tình hình « hậu Hy Lạp » và sẽ là người chịu trách nhiệm giải thích vì sao không tránh được giải pháp xấu nhất này.

Trước hết, Hy Lạp ra đi là một thảm nạn cho người dân quốc gia Nam Âu này. Họ phải sử dụng đồng drakma mới, bị mất giá nghiêm trọng, đối đầu với lạm phát phi mã, thiếu hụt nhu yếu phẩm nhập khẩu nhất là dầu khí và thuốc men. Các nước Liên Hiệp Châu Âu sử dụng đồng euro cũng không tránh được tác động dây chuyền, mất hàng trăm tỷ cho vay, lại phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng.

Nói rõ hơn, theo Reuters, để Hy Lạp ra đi không phải là giải pháp triệt để mà bà Angela Merkel tính đến.

« Ám ảnh châu Âu tan rã » 

Trong các cuộc đàm đạo riêng, thủ tướng Đức cho biết mối lo ngại nhất của bà là nước Đức bị lịch sử kết tội làm châu Âu « tan vỡ ba lần trong một thế kỷ ».

Bà đã hơn một lần thương thảo với Thủ tướng Hy Lạp suốt năm giờ đồng hồ và cam kết Berlin « chiến đấu » bên cạnh Athens.

Liên Hiệp Châu Âu, tuy hùng mạnh kinh tế, đang đứng trước nhiều hiểm nguy : nước Anh với dự án trưng cầu dân ý đi hay ở, khó khăn thống nhất lập trường đối phó với làn sóng nhập cư bất hợp pháp, khủng hoảng với Nga tại Ukraina, đe dọa của thánh chiến Hồi giáo, giờ đây nếu cộng thêm tình hình rối loạn tại Hy Lạp thì số phận các dự án cải cách Châu Âu sẽ ra sao ? Những lực lượng chính trị cực tả và cực hữu chống Châu Âu thống nhất có thêm thời cơ để đòi « độc lập » .

Cựu Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer, trong một bài phân tích, nhận định như sau : khủng hoảng trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu xảy ra trong môi trường địa chính trị nguy hiểm và bất ổn. Để tránh bị tan vỡ, giải pháp cần kíp, đầu tiên và quan trọng hơn hết là giải pháp chiến lược cho hồ sơ Hy Lạp. 

« Thuốc đắng nhưng không hiệu nghiệm »

Từ khi khủng hoảng tài chính của Hy Lạp nổ ra cách nay năm năm , chiến lược của Berlin là thương thuyết từng giai đoạn : đánh đổi tài trợ với các biện pháp cải cách đớn đau thắt lưng buộc bụng. Tai hại hơn nữa, chiến lược khắc khổ này bị nhiều chuyên gia kinh tế và Thủ tướng Tsipras than phiền là cản trở kinh tế Hy Lạp vực dậy.

Không rõ tại sao, trong những tuần lễ gần đây, chủ trương trung dung của Thủ tướng Đức bị quan điểm triệt để của bộ trưởng Tài chính Wolfgang Shauble, lấn áp ? 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.