Vào nội dung chính
THỤY ĐIỂN

Quốc hội Thụy Điển đề nghị chỉ bán vũ khí cho những nước dân chủ

Nghị viện Thụy Điển ngày 26/06/2015, đã đề nghị là quốc gia Bắc Âu này chỉ nên xuất khẩu vũ khí sang các nền dân chủ mà thôi. Tuy vậy, các đại biểu cũng để cho chính phủ quyền quyết định về vấn đề nhạy cảm này.

Chiến đấu cơ Gripen của Thụy Điển.
Chiến đấu cơ Gripen của Thụy Điển. REUTERS/Johan Nilsson/TT News Agency/Files
Quảng cáo

Thụy Điển, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI, là nước xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 11 thế giới, và là một trong những nước mà công nghiệp quốc phòng có tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế. Đứng đầu là tập đoàn Saab, chiếm đến 60% sản lượng. Phần xuất khẩu không ngừng gia tăng. 

Năm 2014, 78% vũ khí của Thụy Điển xuất khẩu sang các nước đồng minh như Châu Âu hay đối tác truyền thống : Na Uy, Hoa Kỳ, Canada, Úc... Trong số 22% còn lại, thì khách hàng lớn của Thụy Điển là Thái Lan, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Algerie, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. 

Thụy Điển có một Ủy ban về xuất khẩu vũ khí, gồm 12 nghị sĩ, và từ 3 năm qua, tập trung trên việc soạn thảo những tiêu chí nghiêm ngặt về những nước có thể mua vũ khí Thụy Điển. 

Chủ tịch của Ủy ban, Hans Wallmark, giải thích trong cuộc họp báo : « Chúng tôi đề nghị đưa thêm vào một tiêu chí về dân chủ. Và như thế Thụy Điển sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới, nếu tôi không lầm, có một tiêu chí như thế ». 

Theo AFP các nghị sĩ Thụy Điển đã không đưa ra một danh sách tên quốc gia cụ thể, nhưng nêu công thức để tự diễn giải : « Tính chất dân chủ của một quốc gia là dựa trên sự hiện diện hay không của các định chế dân chủ và sự tôn trọng của Nhà nước đối với các tiến trình dân chủ cũng như (tôn trọng) người dân và các quyền chính trị. Tính chất dân chủ càng ít thấy, càng ít có chỗ để được cho phép… Và nếu có vi phạm nghiêm trọng hay thiếu sót lớn về nhân quyền (thì hiển nhiên) không thể cho giấy phép ». 

Ngoại trưởng Thụy Điễn, bà Margot Wallstrom, rất được chú ý trên diễn đàn thế giới với những quan điểm táo bạo, tỏ ý rất tán đồng đề nghị trên. Tuy nhiên, bà cũng nói trước tiến trình còn dài trước khi hành pháp thông qua đề nghị các nghị sĩ. Nhưng chủ đề tế nhị này lại được « sự đồng thuận chính trị rộng rãi là điều rất quan trọng và đáng mừng. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.