Vào nội dung chính
HY LẠP - KINH TẾ

Chính quyền Hy Lạp muốn hỏi ý dân về kế hoạch cải tổ do chủ nợ đề nghị

Vào khuya hôm qua 26/06/2015, trên hệ thống truyền hình Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras bất ngờ loan báo quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 05/07 tới đây. Nội dung câu hỏi là tán đồng hay không kế hoạch cải tổ mà các chủ nợ muốn Hy Lạp áp dụng đề đánh đổi lấy việc tháo khoán phần cuối trong khoản trợ giúp 7,2 tỉ euro mà Athens đang cần để tránh vỡ nợ.

Vấn đề nợ Hy Lạp được nêu ra trong cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G7 tại Dresden, 28/05/2015.
Vấn đề nợ Hy Lạp được nêu ra trong cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G7 tại Dresden, 28/05/2015. REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Thông tín viên RFI tại Athens, Charlotte Stiévenard, phân tích quyết định có phần đột ngột trên của Thủ tướng Hy Lạp : 

« Đối với Thủ tướng Hy Lạp, quyết định này là nhằm đối phó với cái mà ông gọi là « tối hậu thư » của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông Tsipras đã lấy quyết định trong một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bộ trưởng. Đối với Thủ tướng Hy Lạp, trưng cầu dân ý là chọn lựa duy nhất còn lại hiện nay. 

Trên các kênh truyền hình vào đêm qua, ông Tsipras giải thích : « Trong suốt 6 tháng, chính phủ Hy Lạp đã đấu tranh để chấm dứt tình trạng khắc khổ, để đạt được một thỏa thuận khả dĩ, tôn trọng dân chủ. Nhưng người ta lại đòi hỏi chúng ta, cũng như là đối với các chính quyền trước, là phải thực hiện chính sách khắc khổ, cho dù bị nhân dân Hy Lạp lên án ». 

Thủ tướng Tsipras đã phát biểu như trên ngay trước một cuộc họp tối hậu của Bộ trưởng Tài chính vùng đồng euro tại Bruxelles, và trườc khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ vào ngày 30 tháng Sáu này. Thế nhưng ông Tsipras tỏ ra rất gay gắt với đề nghị các chủ nợ, cho là sẽ gây thêm bất công xã hội, gây xáo trộn thị trường lao động, cắt giảm hưu bổng, tăng TVA trên lương thực, và sỉ nhục cả một dân tộc. 

Nhiều Bộ trưởng đã kêu gọi bỏ phiếu chống đối đề nghị của các chủ nợ, nhưng phe đối lập đã lên tiếng cảnh báo : Cuộc trưng cầu dân ý thực ra mang ý nghĩa tán đồng hay chống đối Châu Âu. 

Nghị viện Hy Lạp sẽ họp phiên bất thường vào hôm nay, 27/06 để thảo luận về cuộc trưng cầu dân ý. Để được thông qua, cần phải có đa số tuyệt đối 151 phiếu trên tổng số 300 đại biểu. Chính phủ Hy Lạp cũng sẽ phải thuyết phục Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để cho Athens có thời gian tổ chức trưng cầu. » 

Thủ tướng Hy Lạp cho biết ông đã thông báo quyết định cho Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Thổng đốc Ngân Hàng Châu Âu. Ông cũng sẽ viết thư cho tất cả các lãnh đạo, các định chế Châu Âu, chính thức yêu cầu cho Hy Lạp thêm thời gian. 

Trên nguyên tắc ngày 30/06, là thời hạn chót để Hy Lạp thanh toán nợ. Đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hy Lạp phải trả 1,6 tỉ euro. 

Không có thỏa thuận với các chủ nợ, Hy Lạp bị rơi vào tình trạng vỡ nợ có nguy cơ ra khỏi Châu Âu. Giới kinh tế rất lo ngại trước khả năng « bất ổn định toàn diện ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.