Vào nội dung chính
HUNGARY

Hungary : Chủ trương chống nhập cư mang màu sắc bài ngoại

 Trung tuần tháng 6, Chính phủ Hungary đột ngột ra tuyên bố về việc nước này sẽ đơn phương dựng một hàng rào dây thép gai trên toàn tuyến biên giới phía Nam với Serbia để ngăn chặn làn sóng tỵ nạn chủ yếu đến từ quốc gia láng giếng này. Bức tường dựng lên giữa lòng châu Âu này bắt nguồn từ tư tưởng bài ngoại đang có xu hướng lên mạnh ở Hungary.  Thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest tường trình:  

Bin giơi Áo vào Hungary. Ảnh chụp ngày 24/06/2015.
Bin giơi Áo vào Hungary. Ảnh chụp ngày 24/06/2015. REUTERS/Heinz-Peter Bader
Quảng cáo

Với động thái bất ngờ trên, Hungary đã thực hiện những phát biểu mang tính hăm dọa trước đó đối với người tỵ nạn, rằng họ sẽ tiến hành những biện pháp ngan chặn nghiêm khắc tại biên giới Hung để chấm dứt "áp lực của dân nhập cư", từ dùng của Ngoại trưởng Szijjártó Péter, mà theo ông này thì Hungary chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, và do đó Hung phải "tự cứu lấy mình" trước khi Châu Âu có một giải pháp chung.

08:23

TTV.Hoàng Nguyễn - Budapest

Hungary, một quốc gia mà sự hiếu khách đã trở thành truyền thống, và xuất hiện trong lời huấn dụ gửi con trai của vị vua lập quốc István Đệ nhất cách đây hơn một ngàn năm; một đất nước mà trong những biến cố bi thảm thế kỷ 20 đã có hàng triệu người bỏ nước ra đi, trong đó không ít người thành danh, nay trở thành tâm điểm của sự bài xích người nhập cư, tỵ nạn với động thái gay gắt mới đây của chính quyền nước này.

1. Bức tường mới giữa lòng Châu Âu

Đó là bình luận của nhiều tờ báo trong và ngoài nước, từ khi Hungary đưa ra quyên bố "đóng cửa" đường biên giới dài 174km giữa nước này và Serbia, và dựng lên ở đó một bức tường tạm thời cao 4m bằng hàng rào dây thép gai. Sắc lệnh của Chính phủ nước này cho hay: từ nay đến đầu tháng 8, Bộ Kinh tế Quốc gia phải tìm ra nguồn tài chính cho việc xây dựng, còn Bộ Nội vụ phải đề xuất những điều luật chống nhập cư bất hợp pháp.

Quyết định nói trên dường như đã được đưa ra mà không có sự thông báo trước với các dân biểu đảng cầm quyền FIDESZ. Sáng hôm đó, chỉ vài giờ trước khi tuyên bố được vang lên, Phó Chủ tịch đảng FIDSZ Kósa Lajos khi được hỏi trên sóng truyền hình Tv2, đã phủ nhận việc chính quyền Hung chuẩn bị "xây tường", và còn cho rằng đây là điều ngu xuẩn.

Như vậy là hơn nửa năm sau phát biểu của Thủ tướng Orbán Viktor, theo đó ông không muốn thấy những bức tường mới được dựng lên ở Châu Âu, Chính phủ Hungary đã coi việc "khóa biên giới" bằng hàng rào dây thép gai là biện pháp khả dĩ nhất chống lại vấn nạn người tỵ nạn. Ngoại trưởng Szijjártó Péter cho rằng các ví dụ của Bulgaria và Tây Ban Nha cho thấy dựng tường để khắc phục tệ nhập cư bất hợp pháp là hiệu quả.

Đồng thời, chính quyền Hung cũng nhấn mạnh rằng, việc một nước có những biện pháp trên lãnh thổ của họ để giải quyết một vấn đề nội vụ của họ - như Hungary sẽ làm - là không vi phạm bất cứ một điều khoản nào trong Luật Quốc tế. Phía Hung cho rằng trên khía cạnh pháp lý, tất cả các quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu và các ứng viên EU đều là các nước an toàn đối với người tỵ nạn.

Do đó, theo chính quyền Hung, nước này có quyền gửi lại mọi người tỵ nạn đến từ các nước láng giềng, ví dụ Serbia, mà không cần xét đơn từ hay quan tâm gì đến hoàn cảnh cá nhân của đương sự. Để lý giải cho quyết định này, nội các Hung đưa ra một thống kê, theo đó trong 5 tháng đầu năm đã có 54 ngàn người nhập cư bất hợp pháp vào Hung, và con số này cho đến cuối năm có thể lên tới 120 ngàn.

Tuyên bố dựng hàng rào tại biên giới phía Nam được đưa ra đúng vào lúc chính trường và công luận Hungary chìm đắm trong cuộc tranh luận bất tận và nảy lửa về người nhập cư và tỵ nạn. Trong cuộc thảo luận về đạo luật tỵ nạn mới, nhóm dân biểu đảng đối lập Đảng Xã hội Hungary (MSZP) đã bỏ ra ngoài phong họp để phản đối những quan điểm bị coi là bài ngoại quá mức của phe cầm quyền.

2. Đỉnh điểm của cả một quá trình bài ngoại

Còn nhớ, Hungary là quốc gia đầu tiên đã dỡ bỏ "bức màn thép" ngăn cách Đông - Tây trong vòng bốn thập niên, vào mùa hè 1989. Chừng 60-80 ngàn người tỵ nạn Đông Đức cũng đã sang được Tây Đức, nhờ quyết định của Chính phủ Hung mở biên giới Áo - Hung mùa thu 1989, một động thái mà chính giới CHLB Đức đương thời hết sức ca ngợi và tri ân, cho là đã "dỡ bỏ viên gạch đầu tiên trong bức tường Berlin".

Tuy nhiên, gần một năm nay, chính sách thù ghét người nhập cư và tỵ nạn - cũng như khả năng dựng lại biên giới - đã được nội các Hung và đặc biệt là Thủ tướng Orbán Viktor nhắc đến nhiều. Mở đầu là phát biểu của ông Orbán, cho hay chính phủ Hungary không ủng hộ nhập cư, và thay vì dân nhập cư thì nước này chủ trương hỗ trợ sắc dân Tzigane. Đồng thời ông Orbán cũng cho rằng đường lối của EU với dân nhập cư là giả dối và thiếu thực tế.

Những phát biểu của Thủ tướng Orbán Viktor bắt đầu được Châu Âu để ý tới, khi trong dịp qua Pháp nhân vụ khủng bố nhằm vào tờ tạp chí "Charlie Hebdo". Trong bận đó, thủ tướng Hungary đã lên tiếng chỉ trích người nhập cư vì lý do kinh tế, cho rằng EU cần có cách ứng xử nghiêm ngặt và hạn chế họ, và rằng nước Hung không thể tiếp nhận dân nhập cư có cội rễ văn hóa và hoàn cảnh khác biệt với mình.

Kể từ đầu năm nay, chủ đề dân nhập cư luôn có mặt trên bàn nghị sự và truyền thông Hung thông qua các tuyên bố dồn dập của giới chính khách thượng đỉnh. Như báo chí Hung nhận định, chính phủ Hung dường như không phân biệt được, hoặc họ cố tính đánh đồng hai khái niệm người tỵ nạn và dân nhập cư, để gây nên một làn sóng bài ngoại lan rộng trong cư dân và công luận xã hội Hungary.

Nội các Hung tiến hành một cuộc "tham vấn quốc gia" - tương đương một trưng cầu dân ý nhỏ - thông qua việc Thủ tướng Hung gửi thư kèm các câu hỏi tới mọi cử tri Hung về những vấn đề liên quan tới người nhập cư. Các câu hỏi trong thư được đặt theo hướng thù hằn với dân nhập cư, coi họ có liên quan tới khủng bố, và sự hiện diện của họ nguy hại tới đời sống xã hội và công ăn việc làm của dân Hung.

Mang tên "Tham vấn quốc gia về nhập cư và khủng bố" và được tiến hành từ tháng 4 năm nay, cuộc trưng cầu này được tiến hành trên tinh thần Hungary phải có chính sách riêng, nghiêm khắc và ngặt nghèo đối với dân nhập cư và tỵ nạn. Theo phía Hung, Châu Âu đã thất bại trong vấn đề này và chính quyền Hung trước tiên phải bảo vệ lợi ích người dân Hung trước nguy cơ dân nhập cư tràn vào Hung ồ ạt.

Để hỗ trợ cho mục đích có được những câu trả lời từ cử tri phù hợp với đường lối bài ngoại của chính quyền, nội các Hung còn cho trưng ở những địa điểm đông cư dân những tấm áp-phích rất lớn với nội dung bằng tiếng Hung, cách thể hiện khá thô bạo, là nếu bạn là người nhập cư, bạn phải tuân thủ luật pháp và tôn trọng nền văn hóa Hung, cũng như không được chiếm công ăn việc làm của người Hung.

"Tham vấn quốc gia" kèm những khẩu hiệu bài ngoại đã bị EU và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, dân quyền - trong đó có Ân xá Quốc tế AI - lên án mạnh mẽ vì tính thô bạo, nội dung bài xích trắng trợn, cũng như sự đánh đồng người nhập cư, tỵ nạn với các khái niệm tội phạm, khủng bố. Đặc biệt, báo chí Hungary đã coi đây là một dạng của sự phát biểu gây hằn thù theo định nghĩa của Hội đồng Châu Âu.

3. Rào cản không giải quyết được vấn đề

"Sáng kiến" của Hungary về việc dựng lên hàng rào gây thép gai để ngăn chặn người tỵ nạn bị giới ngoại giao quốc tế và nhiều nước Châu Âu phản đối. Tuy nhiên, Ủ ban Châu Âu cho dù có những quan ngại mang tính nguyên tắc trong vấn đề này, vẫn chưa thể làm được gì theo hướng ngăn cản vì việc xử lý làn sóng nhập cư và bảo vệ biên giới là thuộc thẩm quyền của từng quốc gia thành viên EU.

Vấn đề được đặt ra là việc xây một hàng rào như thế - ngoài chuyện phản cảm trong một Châu Âu thống nhất, thì có hiệu quả trong việc điều tiết người tỵ nạn hay không? Có cách nào tốt hơn không để xử lý vấn đề nhập cư và tỵ nạn? Đây là câu hỏi mà Học viện Ngoại giao Hungary đã đặt ra hôm 24/6 cho ba chuyên gia, sau những tranh luận và phản hồi rất gay gắt trên báo chí và công luận Hung.

Dân nhập cư không phải kẻ khủng bố, cần hướng họ hội nhập với xã hội bản địa, còn những ai phải bỏ quê hương ra đi tới một nơi cách hàng chục ngàn cây số thì với họ hàng rào dây thép gai không có ý nghĩa gì. Đó là quan điểm của ông Tálas Péter, chuyên viên cao cấp thuộc Đại học Công ích Quốc gia, một đại học lớn là nơi đào tạo những công chức theo ngạch quốc phòng, cảnh sát và hành chính của Hungary.

Đồng tình với nhận định trên, PGS TS Nagy Boldizsár của Đại học Trung Âu cho rằng hàng rào có cao đến đâu đi nữa thì ví dụ đối với người tỵ nạn Syria, họ cũng sẽ "cắt ở tầm 80cm" để vượt qua. Ngoại trừ trường hợp có camera cảm ứng nhiệt theo dõi ngày đêm, và lính tráng biên phòng có thể xuất hiện trong vòng 5 phút tại nơi có sự cố, là điều hết sức đắt đỏ.

Hơn thế nữa, việc dựng lên một hàng rào như vậy - mà phía Hung cho là chỉ mang tính tạm thời, giai đoạn - còn vô lý ở chỗ theo thống kê của Bộ Nội vụ Hung, chẳng cần rào cản gì thì 97-98% người vượt biên cũng đã bị bắt giữ. Chưa nói đến việc khoản kinh phí hết sức đắt đỏ - chừng 22-35 tỉ Ft theo các ước tính - để xây hàng rào đủ để giải quyết vấn đề người tỵ nạn ở Hungary trong hàng chục năm.

Nói về khía cạnh pháp lý, Nagy Boldizsár phân tích rằng theo các luật và công ước về người tỵ nạn thì họ không phải là những kẻ vượt biên bất hợp pháp và bất cứ ai khẳng định họ là người tỵ nạn, thì Hungary bắt buộc phải nhận đơn của họ để xét, chứ không thể "chen lấn xô đẩy" họ đi nơi khác - hoặc gửi trả họ về nơi xuất phát - như ý của chính phủ Hungary. "Chỉ cần đọc luật là thấy rõ", ông Nagy Boldizsár nhấn mạnh.

Một thực tế cũng đã được các chuyên gia nhấn mạnh: đa số người nhập cư tới Hung thời gian qua không phải vì lý do kinh tế, vì ngoại trừ Kosovo, thì ba nước có nhiều người sang Hung nhất đều đang có nội chiến hoặc tình trạng gần như nội chiến. Do đó, việc chính phủ Hungary coi người xin tỵ nạn là di dân kinh tế là thiếu cơ sở, hơn nữa, nhập cảnh bất hợp pháp cũng chỉ là một vi phạm chứ không phải tội phạm.

Báo chí Hungary có đưa ra một phân tích, theo đó, 90% trong số 43 ngàn người đặt đơn tỵ nạn tại Hung đã di cư sang một quốc gia thứ ba trước khi đơn được xem xét xong xuôi. Số còn lại, chừng 5 ngàn người, cũng chỉ có 9% được chấp nhận quy chế tỵ nạn, thấp nhất ở Châu Âu. Trong khi đó, Hungary nhận được không ít kinh phí từ EU cho người tỵ nạn, do đó không thể nói người tỵ nạn hay nhập cư là hiểm họa cho kinh tế Hung.

Người tỵ nạn là vấn đề chung thuộc về đường lối ngoại giao và nội vụ của EU, cần một giải pháp chung cho Châu Âu, chứ không thể tự tiện đưa ra những quyết định đơn phương, nhất là trước khi bàn bạc với bất cứ ai. Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia an ninh và về người tỵ nạn của Hung. Nó cũng đồng nhất với ý kiến của Ủy ban Châu Âu, theo đó 28 nước thành viên EU phải có tiếng nói chung, thống nhất trong vấn đề này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.