Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Bị Âu-Mỹ trừng phạt, Nga vẫn thách thức phương Tây

Đăng ngày:

Nga trải qua một năm đầy sóng gió vì các biện pháp trừng phạt của Âu Mỹ và dầu khí mất giá. Nhưng tại diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg lần thứ 19, tổng thống Vladimir Putin vẫn khẳng định Matxcơva đủ sức chống cự. Điện Kremlin khiêu khích Châu Âu khi lôi kéo Hy Lạp vào dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên qua Hắc Hải vươn tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Putin tiếp các doanh nhân tại diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg 2015.
Tổng thống Nga Putin tiếp các doanh nhân tại diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg 2015. Reuters
Quảng cáo

Thực hư về những khó khăn của Nga và tác động của các biện pháp trừng phạt Âu Mỹ đã liên tục ban hành để cảnh cáo Matxccơva gây bất ổn cho Ukraina ?

Nga điêu đứng

Tại diễn đàn kinh tế SaintPetersbourg mở ra từ ngày 18 đến 20/06/2016 tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước Nga đủ sức đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo ban tổ chức, diễn đàn đã được 7.500 người thuộc 114 quốc gia khác nhau quan tâm. Sau ba ngày hội họp, hơn 200 thỏa thuận, hợp đồng hay thỏa thuận ghi nhớ, tổng trị giá lên tới 293 tỷ rúp - hơn 5 tỷ euro- đã được ký kết trong dịp này.

Về phần mình cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Koudrin không che giấu là nước Nga dưới tác động của các biện pháp trừng phạt đang “trải qua một cơn bão tố”. Tại diễn đàn Saint Petersbourg, cựu bộ trưởng Nga cảnh báo : căng thẳng ngoại giao xuất phát từ khủng hoảng Ukraina khiến Nga bị cô lập về mặt chính trị, “kèm theo đó là những hậu quả kinh tế tai hại”.

Các chỉ số chính thức đều cho thấy nước Nga trong một năm qua đang lún sâu vào khủng hoảng. Tổng sản phẩm nội địa trong quý 1/2015 giảm 2,2 % so với một năm trước đây và nhiều dự báo cho thấy GDP của nước Nga sẽ bị sụt giảm hơn 3 % trong năm 2015.

Vẫn tại diễn đàn Saint Petersbourg, một thành viên của ngân hàng Aton, một trong trong những ngân hàng lớn của Nga ghi nhận : chính sách trừng phạt của Âu, Mỹ khiến các nhà đầu tư Tây phương nản lòng, còn nước Nga thì khan hiếm tư bản. Lãnh đạo tập đoàn luyện kim Severstal, Mikhaïl Mordachov lưu ý kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa Nga với các nước Châu Âu đã giảm 30 % trong quý một năm 2015 và đó là một "tín hiệu xấu cho tất cả mọi người ".

Về phần mình, chủ tịch một quỹ đầu tư của Nga, David Iakobachvili tuyên bố : hậu quả của chính sách trừng phạt nhắm vào nước Nga sẽ kéo dài “ít nhất là từ hai đến ba năm”. Chính phủ liên tục rao giảng với người dân là vẫn làm chủ tình hình hình, nhưng đối với các quỹ đầu tư thì khác biệt trước và sau các biện pháp trừng phạt khá rõ rệt.

Từ mùa xuân 2014 Liên Hiệp Châu Âu đã từng bước đề ra một danh sách gồm 42 trang ghi rõ các điều lệ trừng phạt Nga xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. 150 nhân vật và 37 tổ chức, doanh nghiệp có tên trong danh sách đó. Tài sản của những đối tượng có tên trong danh sách đen của Châu Âu bị phong tỏa, bản thân họ không được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Châu Âu. Bên cạnh đó Bruxelles cũng đã ban hành một số biện pháp cấm vận cụ thể nhắm vào các tập đoàn sản xuất vũ khí hay dầu khí, ngân hàng của Nga. Với hậu quả là các tập đoàn này không thể đi vay ngắn hạn trên thị trường tài chính Châu Âu.

Một số các trang thiết bị quân sự cũng bị cấm vận, như là trường hợp tàu chiến Mistral của Pháp được dành để cung cấp cho Nga nhưng đã bị giữ lại cảng Saint Nazaire. Bản thân nước Nga cũng đã bị loại ra khỏi G8, câu lạc bộ khép kín của những nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới. Để trả đũa Bruxelles, tháng 8/2014 Matxcơva quy định cấm nhập khẩu nông phẩm, thịt và rau quả của châu Âu vào thị trường Nga.

Vào tháng11/2014, bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Silouanov nhìn nhận nền kinh tế Nga bị thiệt hại khoảng 40 tỷ đô la do tác động trực tiếp của các đợt trừng phạt kinh tế mà Mỹ và Châu Âu đã ban hành. Cho tới thời điểm đó, hơn 140 tỷ đô la vốn đầu tư ngoại quốc đã chạy khỏi nước Nga. Tháng 12/2014 đồng rúp mất giá gần 1/3 so với đồng euro.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, Elvira Nabiullina tại diễn đàn St Petersbourg 2015
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, Elvira Nabiullina tại diễn đàn St Petersbourg 2015 Reuters

Dù đã huy động đến 25 % khoản dự trữ ngoại tệ, hao tốn đến 131 tỷ đô la, Matxcơva vẫn không giữ được giá đồng tiền. Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất chỉ đạo đang từ 5,5 % hồi tháng 1/2014 lên thành 17 % đễ cầm chân các nhà đầu tư, nhưng vẫn không ngăn được hiện tượng chảy máu tư bản.

Hàng nhập khẩu vào Nga trở thành những “xa xỉ phẩm”. Lạm phát trong tháng 3/2015 đạt 16 %. Theo lời cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Koudrin, lần đầu tiên từ 15 năm qua đời sống của người dân Nga đi xuống, thu nhập của các hộ gia đình –không kể yếu tố lạm phát- giảm 4,2 % trong bốn tháng đầu năm 2015, lương tháng trung bình của người lao động bị giảm 10 %.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng những khó khăn về kinh tế mà Nga đang phải đối mặt chủ yếu xuất phát từ chỗ mô hình phát triển của quốc gia này bị hụt hơi và Nga thiếu đầu tư cho sản xuất.

Trước khi bị quốc tế trừng phạt, chỉ số tăng trưởng đã bị sụt giảm đang từ 4 % năm 2012 rơi xuống còn 1,3 % vào năm 2013. Theo nhận định của Arnaud Dubien giám đốc điều hành viện kinh tế Pháp-Nga tại Matxcơva, trong số những khó khăn của Nga chỉ có từ 20 đến 25 % do các biện pháp trừng phạt gây nên.

“Tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này trong năm nay sẽ bị giảm đi từ 2,5 đến 3 %. Vấn đề cơ bản của Nga chính là là do thiếu đầu tư từ 25 năm qua. Nước Nga không dành quá 20 % GDP để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa guồng máy sản xuất. Bản thân người dân Nga cũng ít đầu tư do thiếu tin tưởng vào chính quyền. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh từ khi khủng hoảng Ukraina bùng nổ. Bên cạnh đó là hiện tượng chảy máu tư bản”.

Yếu tố gây khó khăn hơn cả cho nước Nga là hiện tượng giá dầu hỏa và khí đốt giảm mạnh kể từ mùa thu 2014. Nhưng trên thực tế đà giảm sụt của giá dầu hỏa, khí đốt trong những tháng gần đây đã bắt đầu chậm lại và điều đó giúp cho kinh tế của Nga tránh được kịch bản đen tối nhất.

Đối với ông Arnaud Dubien, kinh tế Nga không trên đà bị sụp đổ như điều đã xảy tới cho Ukraina. Mặt khác người dân Nga từ một năm qua đã bắt đầu thích nghi với tình huống. Thậm chí nhiều người đã bắt đầu “quên” là Nga đang bị Âu, Mỹ trừng phạt, mà họ chỉ chú tâm vào việc “khắc phục hậu quả của những khó khăn trong đời sống hàng ngày” mà thôi.

Các doanh nghiệp thì đã hướng về những thị trường mới, chủ yếu là Trung Quốc và Trung Đông. Do vậy một số nhà quan sát cho rằng nếu chính sách trừng phạt nước Nga kéo dài, thì sẽ bất lợi trước hết cho chính bản thân các doanh nghiệp Âu, Mỹ muốn hay đang hoạt động tại Nga.

Thích nghi với tình huống là chiến lược của Philippe Pegorier, giám đốc chi nhánh Alstom tại Nga :

" Chúng tôi phải thích nghi với tình thế. Dù sao thì Nga cũng chỉ bị các nước Âu, Mỹ trừng phặt, nhưng đó không là lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, cho nên chúng tôi đã tìm ra những giải pháp khác để làm việc với Nga. Chẳng hạn như là trực tiếp đầu tư vào Nga, để sản xuất ngay tại chỗ, hoặc là chúng tôi mua trang thiết bị và nguyên liệu cần thiết từ các thị trường khác, ngoài khu vực Châu Âu, chẳng hạn như từ Ấn Độ hay Trung Quốc.

Cùng lúc chúng tôi giảm đơn đặt hàng với các nhà cung cấp Châu Âu. Đương nhiên là chúng tôi có gặp khó khăn, nhưng ‘cái khó, nó ló cái khôn’ và chúng tôi phải tự tìm cách khắc phục tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế. Chính là để cầm cự trong giai đoạn này và đợi khủng hoảng đi qua. Thực ra mà nói thì nước Nga đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, như những năm 2008-1998 … nhưng rồi kinh tế Nga cũng vượt qua được tất cả ".

Một trong những lĩnh vực bị chính sách trừng phạt của phương Tây tác động đến đầu tiên là ngành tài chính ngân hàng và các quỹ đầu tư của Nga. Cuối tháng 5/2015 Transportny, một trong số 100 ngân hàng lớn nhất của Nga tuyên bố vỡ nợ và phải chi ra 40 tỷ rúp – 650 triệu euro để bồi thường cho các thân chủ. Cơ quan bảo hiểm cho các ngân hàng Nga ASV được thành lập năm 2004, lần đầu tiên bị thâm hụt chi tiêu.

Trả lời thông tín viên đài RFI từ Matxcơva Muriel Pomponne, bà Nathalia Orlova, chuyên gia tài chính tại ngân hàng Alfa Bank cho biết :

" Trong khoảng thời gian hai tháng 8 và 9/2014 dưới tác động của các biện pháp trừng phạt, nhiều ngân hàng nhà nước bị khan hiếm tiền mặt, và đã rất khó đi vay tín dụng ngắn hạn, tức là vay trong thời gian từ 3 tháng đến 1 năm. Cũng thời điểm đó, lãi suất ngân hàng đã tăng cao, ngân hàng Nga thì bị thiếu đô la. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các hoạt động đi xuống, nợ khó đòi có khuynh hướng tăng lên cao hơn. Điều này đe dạo đến sự tồn tại của nhiều cơ quan tài chính Nga ".

Theo thẩm định của Ngân hàng trung ương Nga, 20 % các cơ quan tài chính trên toàn quốc có nguy cơ bị phá sản.

Nhìn đến đơn vị tiền tệ của Nga, đồng rúp sau khi tuột dốc không phanh hồi tháng 12/2014 đã lấy lại phong độ, và quan trọng hơn cả là với tỷ giá hối đoái hiện tại ở mức 1 đô la đổi lấy 53 rúp, thay vì 80 rúp ăn một đô la như hồi tháng 12/2014. Với tỷ giá trên dưới 50 rúp đổi lấy một đô la, giới doanh nhân Nga cảm thấy yên tâm hơn và điều này có lợi cho hàng xuất khẩu của Nga.

Âu, Mỹ cũng bị thiệt hại

Châu Âu và Hoa Kỳ cũng đang trả giá cho chính sách cứng rắn đối với Nga. Theo nghiên cứu gần đây nhất của Viện kinh tế Áo Wifo, hơn 2 triệu công việc làm trong Liên Hiệp Châu Âu và Thụy Sĩ bị đe dọa ; thiệt hại do chính sách trừng phạt Matxcơva có thể lên tới 100 tỷ euro. Trong quý 1 năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang thị trường Nga giảm 33,6 %. Trong mùa đông vừa qua, khối lượng du khách Nga sang Pháp trượt tuyết giảm đi 27 %.

Hạn chế giao thương với Nga đe dọa cướp đi đến 1 % GDP của nước Đức. Chỉ riêng ngành nông nghiệp và chăn nuôi, nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu như Tây Ban Nha, hay Ý, Hà Lan bị tác động mạnh do Nga ngưng nhập rau quả, thịt bò và sữa của châu Âu.

Về phần Muriel Rousseau giám đốc điều hành một nhà hàng tại Matxcơva và một cơ quan chuyên tổ chức các buổi tiếp tân, chiêu đãi cho các doanh nghiệp, bà nhận thấy ngày càng khó tìm được một hợp đồng với các đối tác Nga. Các doanh nghiệp phải giới hạn chi tiêu, hợp đồng với các khách hàng của bà Rousseau ngày càng khan hiếm. Nếu như trước đây bà ký được từ 1 đến 3 hợp đồng quan trọng hàng tháng, thì trong năm qua, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế bà chỉ nhận được 6 hợp đồng cho cả năm.

Chính vì vậy việc Liên Hiệp Châu Âu vừa triển hạn thêm 6 tháng lệnh cấm vận nhắm vào nước Nga không được các doanh nhân Châu Âu tán đồng. Đừng quên lãnh đạo các đại tập đoàn dầu khí của Tây Âu đều đã có mặt tại diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg vừa qua, từ Shell đến BP, từ Total đến Eni đều đã có những buổi làm việc với các đối tác như Gazprom hay Rosnef. Tập đoàn phân phối hàng đầu của Đức là Metro hay ông vua trong ngành xây dựng của Pháp và Vinci cũng đã không bỏ lỡ cơ hội đến thăm Saint Petersbourg vào dịp này.

Nga dùng Hy Lạp để khiêu khích châu Âu

Cũng tại diễn đàn kinh tế Saint-Pétersbourg Hy Lạp bất ngờ đạt được thỏa thuận với Nga về một dự án xây dựng đường ống khí đốt Turk Stream. Tổng trị giá dự án lên tới 2 tỷ euro.

Vào lúc Athens phải chạy nước rút để nhận được khoản tín dụng 7,2 tỷ euro của các nhà tài trợ thì tại Saint Petersbourg bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Panagiotis Lafazanis và đồng nhiệm Nga Alexandre Novak đặt bút ký thỏa thuận về đường ống dấn khí Turk Stream nối liền lãnh thổ Nga với Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình xây dựng được trao cho một liên doanh Nga và Hy Lạp thực hiện.

Trong tương lai Turk Stream có thể cung cấp đến 47 tỷ mét khối khí đốt cho các khách hàng châu Âu. Năng suất cung cấp đến Hợp tác năng lượng của trục Matxcơva Athens là một vố đau đối với Bruxelles và Washington : Hy Lạp đang xích lại gần với nước Nga của ông Putin mà cả châu Âu lẫn Hoa kỳ cùng đang muốn trừng phạt vì đã can thiệp vào Ukraina. Còn Mỹ thì không hài lòng trước viễn cảnh dự án Turk Stream cho phép Matxcơva mở rộng ảnh hưởng trên thị trường dầu khí Châu Âu.

Nhưng có lẽ bất ngờ hơn nữa là dụ Âu Mỹ trừng phạt Nga, nhưng tập đoàn dầu khí Gazprom vừa thông báo đã ký thỏa thuận với Shell và E.ON (Đức), OMV (Áo) để mở rộng hệ thống đường ống đưa khí đốt của Nga sang bắc Âu, qua Biển Baltic.

Dù cùng nhìn về nước Nga, rõ ràng các doanh nhân và giới làm chính trị có những logic rất khác nhau.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.