Vào nội dung chính
HY LẠP - CHÂU ÂU

Tương lai của Hy Lạp lại gây xáo động châu Âu

Màn giằng co giữa con nợ Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu có vẻ như bước vào hồi cuối với cuộc họp thượng đỉnh bất thường của các nước trong khu vực đồng euro tối nay 22/06/2015 tại Bruxelles. Hy Lạp và châu Âu là những danh từ xuất hiện phổ biến trên các trang nhất của hầu hết các tờ báo Pháp cùng những đánh giá đầy lo lắng.

Ảnh chụp tại Athens ngày 22/06/2015.
Ảnh chụp tại Athens ngày 22/06/2015. Reuters
Quảng cáo

Bắt đầu bằng nhật báo kinh tế Les Echos, tờ báo chạy tựa « Thượng đỉnh Hy lạp –Châu Âu : Thỏa thuận hay phá sản ? ». Le Figaro thì lo ngại qua hàng tựa lớn : « Hy Lạp : Châu Âu đặt trên lưỡi dao cạo ». Tờ báo tập trung đổ lỗi cho Thủ tướng Hy Lạp, xã luận Le Figaro : « vậy là 6 tháng ông Alexis Tsipras lừa phỉnh các nước châu Âu, hết ngày này qua ngày khác chối bỏ các cam kết của mình. Được các đối tác và Ngân hàng Trung ương châu Âu ( BCE) cố níu giữ, cho đến giờ ông vẫn không đưa ra một cải cách khả tín nào để có thể bảo đảm nền kinh tế của đất nước này có được sức sống. Áp dụng chương trình của ông, một chương trình phi thực tế và mị dân, tức là trở lại với đòi hỏi được tự do vung tiền tuyển thêm viên chức và phân phối các khoản trợ cấp mới. Tóm lại là để rồi một lần nữa bắt người khác phải trả cho sự lãng phí và quản lý kém của Hy Lạp. Ai có thể chấp nhận một sự bắt bí như vậy ? ».

Trong khi đó nhật báo Cộng sản L’Humanité lại tỏ thông cảm với Hy Lạp và trút phẫn nộ vào các chủ nợ của nước này, tức bộ ba Troika. Tờ báo nhận định : « cho đến cùng bộ ba chủ nợ của Athens ( EU, BCE và IMF) đã đưa ra mặc cả bắt bí : hoặc anh theo chính sách phản xã hội để hoàn được nợ, hoặc Bruxelles sẽ không rót 7,5 tỷ euro như đã hứa từ lâu trong kế hoạch hỗ trợ thứ hai, và như vậy thì anh phá sản là cái chắc ». L’Humanité kêu gọi Tổng thống Pháp trong hàng tựa trang nhất : « Ông François Hollande, nước Pháp phải giúp đỡ nhân dân Hy Lạp »,. Theo l’Humanité, « đây là lúc Tổng thống đặt tất cả sức nặng của nước Pháp lên bàn cân nhằm tránh hậu quả thảm họa là Hy Lạp ra khỏi châu Âu. Điều này liên quan đến tương lai của Hy Lạp và của cả châu Âu ». Tờ báo khẳng định lại đây là « Một Hội nghị thượng đỉnh để cứu Hy Lạp và ... châu Âu ».

L’Humanité phân tích : « tối nay, tại Bruxelles châu Âu chơi một ván bài lớn. Nếu các chủ nợ của Athens và nguyên thủ các nước trong khối euro vẫn khăng khăng cố chấp đòi hỏi của họ thì việc Hy Lạp ra khỏi Liên hiệp là điều không tránh khỏi. Với người Hy Lạp, điều này cũng có nghĩa họ sẽ còn bị khốn đốn hơn nữa so với những năm qua.... Nhưng nếu vậy thì liệu Hy Lạp có sẽ là nạn nhân duy nhất của thái độ ngoan cố của các chủ nợ ? » và tờ báo khẳng định hệ lụy sẽ là hàng loạt các nước khác ra đi như Hy Lạp.

Liệu Hy Lạp có phá sản ? là câu hỏi được Libération đặt ra, đồng thời tờ báo đưa ra ba kết cục có thể xảy ra cho Athens sau cuộc họp thượng đỉnh tối nay.

Khả năng thứ nhất là Grexit tức Hy Lạp. Nếu không đạt thỏa thuận trước ngày 30/6, hạn chót cho chương trình trợ hỗ trợ tài chính của khu vực đồng euro, Hy Lạp sẽ không thể trả được cho IMF khoản nợ tới hạn 1,6 tỷ euro cũng như 3,5 tỷ euro trái phiếu hiện do Ngân hàng châu Âu giữ cũng tới hạn trả vào ngày 20/7. BCE sẽ cắt nguồn thanh khoản của các ngân hàng Hy Lạp.

Tệ hơn, Quỹ bình ổn châu Âu (MES) sẽ đòi Hy Lạp phải trả ngay 142 tỷ euro mà nước này đã vay trước đó. Hy Lạp vỡ nợ thì các quốc gia cho Hy Lạp vay riêng lẻ sẽ mất khoảng 53 tỷ, khu vực đồng euro cũng sẽ mất khoảng 300 tỷ euro, trong đó riêng Pháp mất 40 tỷ. Các doanh nghiệp Hy Lạp vay vốn bằng đồng euro qua các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ mất khả năng chi trả bằng đồng tiền chung châu Âu. Chính phủ Hy Lạp sẽ không thể tiếp cận được thị trường tài chính quốc tế vì còn ai dám cho một con nợ phá sản vay tiếp. Ra khỏi khu vực euro tức là phải in tiền mới, và đồng tiền mới dựa trên một nền kinh tế như bây giờ của Hy Lạp thì chắc chắn sẽ lại rơi vào lạm phát mất giá nhanh chóng.

Một khi rời khỏi khu vực đồng euro thì cũng có nghĩa là phải rời khỏi Liên hiệp và Hy Lạp sẽ mất đi rất nhiều ưu đãi của thị trường chung, trong đó có trợ giúp của ngân sách châu Âu.

Theo Libération, ở kịch bản này điều cần phải xem là liệu Hy Lạp có kéo theo sự sụp đổ của cả khu vực đồng euro hay không ? Theo các chuyên gia đây là điều không loại trừ và cũng không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Tóm lại kịch bản Grexit có thể sẽ là bước nhảy vào hư vô đối với tất cả mọi người.

Khả năng thứ 2 được Libération đưa ra phân tích là Athens có thể chọn cón đường : Từ chối trả nợ IMF và BCE và vẫn ở lại trong khu vực đồng tiền chung bởi không có một cơ chế nào có thể trục xuất Hy Lạp ra. Athens có thể tiếp tục cầm cự, đi vay vốn lãi suất cao theo kiểu giật gấu va vai hy vọng với thời gian sẽ vực dậy nền kinh tế.

Khả năng thứ 3 là đạt được một thỏa thuận tối thiểu. Như vậy Hy Lạp sẽ phải đổi lại bằng rất nhiều nhượng bộ. Các kế hoạch hỗ trợ tài chính cũng không giúp được nhiều, trong khi cũng không có gì bảo đảm đất nước này sẽ hoàn thành được các cải cách trong vòng 10 năm tới.

Tóm lại Libération kết luận, dù có đạt được thỏa thuận hay không thì Hy Lạp sẽ vẫn còn khiến các nước châu Âu phản bận bịu trong nhiều năm nữa.

Miến Điện : Người Rohingya và thái độ của Aung San Suu Kyi

Đến với nhật báo Công giáo La Croix với một chủ đề liên quan đến châu Á. Trang thế giới của La Croix có bài : « Tại Miến Điện, người Rohingy phản đối luật hạn chế sinh nở ».

La Croix cho hay, hôm 23/5 vừa qua, tổng thống Miến Điện đã ký ban hành luật kiểm soát dân số, theo đó quy định khoảng cách sinh giữa hai con tối thiểu là 3 năm, nếu không sẽ bị phạt. Đây là điều luật nằm trong khuôn khổ bộ luật « bảo vệ tôn giáo và chủng tộc ». Văn kiện đã được thông qua dưới sức ép của phe theo Phật giáo cực đoan. Những người này muốn hạn chế gia tăng dân số ở người Hồi giáo Rohingya, bởi theo họ sắc tộc thiểu số này là mối đe dọa của Miến Điện.

Tác giả bài viết nhắc lại, có khoảng một triệu người Rohingya sống tại tiểu bang Arakan, nằm ở phía tây Miến Điện, trong đó có 150 nghìn người đang phải sống trong các trại lánh nạn từ khi các vụ bạo động tôn giáo bùng phát năm 2012 giữa người Hồi giáo và Phật giáo ở bang này. Người Rohingya ở Miến Điện vẫn không được công nhận là công dân vì thế họ sống hoàn toàn phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo và trong sự dè chừng của chính quyền. Tác giả bài báo đã đến một khu làng trong bang Arakan và được biết, đại đa số những người Rohingya đều cho rằng họ không muốn hạn chế sinh sản, cho dù họ gặp rất nhiều khó khăn để nuôi dạy con cái, việc sinh nở của họ là do Allah định đoạt.

Cũng liên quan đến số phận của người Rohingya Miến Điện, La Croix còn ghi nhận thái độ « thận trọng của bà Aung San Suu Kyi ». Theo tờ báo, nhà đối lập Miến Điện, giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, người dành cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người và dân chủ lại tỏ thận trọng một cách kỳ lạ về chủ đề người Rohingya.

Tờ báo cho biết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Mỹ Washington Post đăng tải trên mạng tuần qua, bà Aung San Suu Ky đã trả lời rất lập lờ câu hỏi về việc cấp quốc tịch cho người Rohingya rằng : « Đây là vấn đề rất nhạy cảm... cực kỳ phức tạp » không thể giải quyết một sớm một chiều được.

La Croix cho rằng, thái độ của nhà đối lập hàng đầu Miến Điện, bị chỉ trích rất nhiều ở nước ngoài, có thể được lý giải bằng cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm nay, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà có khả năng giành thắng lợi và bản thân Aung San Suu Kyi cũng không giấu tham vọng trở thành tổng thống Miến Điện. Tờ báo nhận định, trong cuộc đua dài hơi này, nhân vật là nghị sĩ đối lập từ 3 năm nay đã lột xác, biểu tượng của dân chủ cũng phải tính đến việc nể mặt các cựu tướng lĩnh và lo cho uy tín của bản thân trong đất nước mà đạo Phật đã ăn sâu trải rộng.

Nga : Cô lập ngoại giao, kinh tế lao đao

Trở lại với lục địa châu Âu, vẫn là trên La Croix, với bài : Trong khủng hoảng kinh tế, nước Nga không thuyết phục được các nhà đầu tư.

Tờ báo trở lại với diễn đàn kinh tế Saint-Pétersbourg vừa diễn ra trong tuần với mục đích lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài đến với nước Nga trong thời buổi khó khăn hiện nay bởi bao vây cấm vận của phương Tây.

Tuy nhiên tại diễn đàn, theo ghi nhận của La Croix, giới doanh nghiệp Nga đã tỏ rõ mối lo lắng trước tình hình kinh tế và trước sự cô lập ngoại giao của đất nước. Trong khi đó Tổng thống Vladimir Putin thì lại cố tỏ ra vững tâm, tiếp tục khẳng định nước Nga vẫn « rộng mở với thế giới ».

Theo la Croix, tại diễn đàn kinh tế Saint –Pétersbourg, ông Alexei Koudrine, cựu bộ trưởng Tài chính Nga nói thẳng tuột ra rằng « chúng ta đang ở trong tâm bão », không cảnh báo rằng các quan hệ ngoại giao căng thẳng bắt nguồn từ khủng hoảng Ukraina đã đẩy nước Nga đến sự cô lập ngoại giao nguy hiểm và chắc chắn sẽ gây hệ lụy đến kinh tế. Thực tế những chỉ số gần đây cho thấy kinh tế Nga đang lún sâu vào khủng hoảng.

Vẫn theo La Croix, là một người có uy tín trong giới doanh nghiệp Nga, ông Koudrine đã quy trách nhiệm cho chính quyền Kremlin về hiện trạng kinh tế Nga hiện nay.

Tuy nhiên trong không khí hoài nghi như vậy, lãnh đạo Kremlin, Vladimir Putin vẫn tỏ ra tin tưởng. Trên diễn đàn, tổng thống Nga nhấn mạnh : « Nước Nga vẫn mở cửa với thế giới ». Đúng là để đối phó với các trừng phạt của phương Tây, Matxcơva từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina đã tăng cường mở rộng hợp tác với châu Á, mà hàng đầu là Trung Quốc. Tuy nhiên ông Putin khẳng định lại không phải vì thế mà Nga không còn để ý đến các đối tác truyền thống tại phương Tây và nước Nga vẫn muốn tiếp tục lôi cuốn các nhà đầu tư châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.