Vào nội dung chính
HỒI GIÁO - CHÂU ÂU

Châu Âu đau đầu vì thanh niên tham gia thánh chiến

Châu Âu phải làm gì để ngăn chận thanh niên tham gia thánh chiến Hồi giáo, chiến đấu tại Irak và Syria ? Tịch thu hộ chiếu và gia tăng kiểm soát ở biên giới bị chỉ trích là những giải pháp kém hiệu quả.

Trang bìa cuốn sách Jihad Academy. Những sai lầm của chúng ta trước "Nhà nước Hồi giáo", của nhà báo độc lập Nicolas Hénin, chuyên gia về vùng Trung Cận Đông.
Trang bìa cuốn sách Jihad Academy. Những sai lầm của chúng ta trước "Nhà nước Hồi giáo", của nhà báo độc lập Nicolas Hénin, chuyên gia về vùng Trung Cận Đông.
Quảng cáo

Theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc, trong 10 tháng vừa qua, số lượng thanh thiếu niên trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tham gia phong trào thánh chiến đã tăng 71 %. Một trung tâm nghiên cứu về hiện tượng này có trụ sở tại Luân Đôn, thẩm định : cho tới tháng 1/2015 đã có khoảng 20.000 thanh niên gia nhập các mạng lưới Hồi giáo cực đoan. Ít nhất là 20 % trong số đó là công dân của các nước Tây Âu.

Để đối phó với đe dọa khủng bố, ngăn chận thanh niên sang Trung Đông tham gia thánh chiến, chính quyền các quốc gia Châu Âu đã đề ra một số các biện pháp như là tịch thu hộ chiếu, cấm một số đối tượng đáng nghi ngờ xuất cảnh …

Chính phủ Pháp cho biết đã tịch thu 60 hộ chiếu. Paris vừa thông qua một đạo luật mới, mở rộng quyền hạn của các nhà điều tra, cho phép đặt máy camera hay trang thiết bị để theo dõi máy vi tính của những thành phần khả nghi. Anh Quốc vào tháng 2/2015 cũng đã áp dụng những biện pháp tương tự, đồng thời chính quyền Luân Đôn đã ra lệnh cấm các nhà truyền giáo quá khích tham luận tại các trường đại học.

Đức, Hà Lan và Đan Mạch đã bắt đầu tịch thu thẻ căn cước, giấy tờ tùy thân, hộ chiếu … để ngăn chận các kế hoạch tham gia thánh chiến Hồi giáo ở Irak hay Syria.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các biện pháp nói trên đều vô ích và xâm phạm đời tư cá nhân. Anthony Dworkin, thuộc trung tâm nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Châu Âu – European Council on Foreign Relations- trụ sở tại Luân Đôn, nhấn mạnh : các nước Tây Âu cần ý thức được rằng, khủng bố luôn là một mối đe dọa tiềm tàng, không bao giờ bài trừ hoàn toàn được hiểm họa đó. Vẫn theo ông Dworkin, bắt giam những thành phần từ Syria hay Irak trở về cũng là một sai lầm và là một biện pháp phản tác dụng, vì nhà tù cũng là « đất để phát triển những tư tưởng cực đoan ».

Một nguồn tin xin được giấu tên kết luận : các biện pháp ngăn ngừa thánh chiến của các nước Tây Âu, dù tinh vi đến đâu, cũng không thể ngăn chận được tất cả các âm mưu hay kế hoạch khủng bố. Tịch thu hộ chiếu sẽ là vô ích vì nếu thực lòng đã muốn gia nhập các tổ chức khủng bố ở Syria hay Irak, thì thanh thiếu niên Châu Âu có thể liên lạc với các đường dây đưa người vượt biên sang Trung Đông bằng rất nhiều ngả.

Theo thẩm định của Cơ quan phản gián Anh, MI5, hiện có tới hơn một nửa trong số những công dân Anh sang Syria tham gia thánh chiến đã trở về nguyên quán. Mục tiêu của số này không chỉ là tiến hành các vụ tấn công ngay trên lãnh thổ Anh, mà họ còn có nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo thêm những thanh niên khác tham gia thánh chiến, tìm kiếm các nguồn tài trợ. Rất khó để các nhà điều tra theo dõi tất cả các hoạt động nói trên. Nhưng khó khăn hơn cả là vấn đề chia sẻ thông tin, phối hợp hành động giữa các nước Châu Âu cùng đang phải đương đầu với đe dọa khủng bố.

Camino Mortera-Martinez, thuộc trung tâm nghiên cứu Center for European Reform, cho rằng, trước mắt, các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu thiếu tin tưởng lẫn nhau. Cụ thể là Cơ quan phản gián Anh MI5 luôn cân nhắc rất kỹ trước khi cung cấp cho các đồng nghiệp Rumani dữ liệu hay thông tin về các mạng lưới thánh chiến Hồi giáo, bởi MI5 nghi ngờ các đồng nghiệp Rumani dễ bị mua chuộc và hệ thống bảo mật của cơ quan tình báo ở Bucarest không đáng tin cậy.

Một nhược điểm khác trong chính sách chống khủng bố của Châu Âu liên quan đến danh sách các hành khách trên các chuyến bay. Dự án này vẫn đang dậm chân tại chỗ từ năm 2011 tới nay. Hiện đã có 15 trong số 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đồng ý chia sẻ các dữ liệu về hành khách trên các chuyến bay, theo như mô hình đã được Mỹ, Canada, hay Úc áp dụng. Trên thực tế, biện pháp này vẫn chưa được áp dụng, do Nghị viện Châu Âu đòi các nước liên quan phải có những cam kết cụ thể trong việc bảo vệ các dữ liệu mang tính cá nhân. Cuối cùng, Nhà nghiên cứu Camino Mortera-Martinez, thuộc Center for European Reform, cho rằng để thực hiện một kế hoạch tấn công, các tổ chức khủng bố luôn tìm ra kẽ hở của các hệ thống an ninh. Bên cạnh đó, các cơ quan tình báo của Châu Âu lại không sẵn sàng chia sẻ thông tin. Đấy chính là hai trở ngại lớn trong chính sách đối phó với khủng bố của các nước Tây Âu.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.