Vào nội dung chính
Ý - NHẬP CƯ

Chính phủ Ý vẫn đơn thương độc mã trước vấn nạn thuyền nhân.

Trong mấy ngày gần đây, ở ngay sát biên giới Ý với các quốc gia như Pháp, Đức, Thuy Sĩ, Áo đã xẩy ra hiện tượng thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp và nước Ý đang bị chận lại không được sang các quốc gia khác. Tình hình có vẻ ngày căng thẳng, và đã có những “khẩu chiến” giữa chính phủ Ý với các chính phủ láng giềng vì Roma cảm thấy bị bỏ  mặc với nạn nhập cư trái phép.

Cảnh sát Ý giải tỏa người nhập cư trái phép gần thành phố Vintimille, ngafy/06/2015.
Cảnh sát Ý giải tỏa người nhập cư trái phép gần thành phố Vintimille, ngafy/06/2015. REUTERS/Eric Gaillard
Quảng cáo

Thông tín viên Huê Đăng tại Roma tường trình:

Như ta đã biết là trong thời gian gần đây, vấn đề thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp lên các đảo phía nam nước Ý, rồi sau đó họ ồ ạt tìm cách vượt biên giới để chạy sang các nước như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Áo … nhưng phía nhà chức trách của các quốc gia này đã ngăn chận họ tại biên giới.

Theo tin các mạng truyền thông thì những người nhập cư bất hợp pháp trong mấy ngày qua vốn đã bị chận lại ở biên giới Ý-Pháp ở Ventimillie, vì những người này muốn chạy sang Pháp, nhưng phía bên cảnh sát Pháp đã đuổi ngược họ trở về bên Ý, sáng nay cảnh sát Ý đã giải tán một số lớn những người này đang tụ tập mấy hôm nay trên các bãi đá ở bờ biển Ventimille. Theo tin thì cảnh sát Ý đã “thuyết phục” được những người nhập cư bất hợp pháp này rời bãi đá và được đã về một trung tâm đón nhận được cảnh sát Ý trang bị gần đấy.

Trên lý thuyết thì các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đều công nhận rằng vấn đề thuyền nhân là một vấn đề cần phải được giải quyết trên cơ sở hợp tác của các quốc gia Châu Âu, chứ không thể nào để nước Ý một mình gánh chịu hết vấn đề thuyền nhân. Nhưng khi đi vào cụ thể, khi nói đến các chính sách phân bố số người thuyên nhân đổ bộ lên nước Ý sang các nước Châu Âu, thì hầu như các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu đều … đi nước lùi.

Một số quốc gia cựu Đông Âu cũ thì đã chính thức tuyên bố là chính phủ của họ sẽ không nhận thuyền nhân. Những quốc gia Châu Âu “lâu đời” và có “truyền thống nhân đạo văn minh” như Pháp, Đức … thì lợi dụng vị trí chống đối của các nước Đông Âu cũ để khiến các kế hoạch hòa đàm giữa các quốc gia Châu Âu về vấn đề thuyền nhân bị dậm chân tại chỗ. Do đó, dù trước các tuyên bố “đoàn kết” và “nhân đạo” của các chính phủ Châu Âu, cho đến nay vấn đề thuyên nhận nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu xuyên qua các đảo miền Nam nước Ý vẫn tiếp tục là … vấn đề “riêng tư” của chính phủ Ý.

Trên lý thuyết, dựa theo tuyên bố của các quốc gia “láng giềng” với Ý, thí dụ như tuyên bố của Bộ trưởng nội vụ Pháp, thì Pháp hoàn toàn không “vi phạm” hiệp định Schengen, tức là Pháp không đóng cửa biên giới Ý-Pháp ở Ventimiglia, mà Pháp chỉ kiểm ta những người “nhập cư bất hợp pháp” (ở Châu Âu), và vì những người nhập cư bất hợp pháp này đã nhập cư vào lãnh thổ Ý, thì chính phủ Ý phải giải quyết vấn đề những người nhập cư này.

Nếu đứng về mặt công pháp quốc tế, thì cũng có thể nói là các tuyên bố của các chính phủ “láng giềng” của Ý là không sai. Nhưng vấn đề thực ra không phải là “công pháp quốc tế”, mà là một hiện tượng xã hội chính trị thời đại: làn sóng di dân từ những vùng có chiến tranh, bất ổn, nghèo đói, bệnh tật, đến những vùng đất an bình, ổn định, và có thể có khả năng giải quyết vấn đề kinh tế nghèo đói cho cá nhân họ. Có thể hiểu ngay rằng một hiện tượng mang tính toàn cầu như thế không thể nào được một quốc gia đơn phương giải quyết chỉ vì quốc gia ấy có vị trí địa lý thuận lợi cho việc nhập cư bất hợp pháp của các thuyền nhân. Không thể nào giải quyết được bằng kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”.

Tại sao các quốc gia Châu Âu khác cứ như muốn để chính phủ Ý tự một mình giải quyết vấn đề thuyền nhân ?

Cũng có thể hiểu những lý do chính trị nội bộ của từng nước Châu Âu để có thể hiểu vì sao mà các chính phủ này đã có thái độ bất nhất như hiện nay trước vấn đề thuyền nhân. Mẫu số chung lớn của các quốc gia Châu Âu hiện nay là vấn đề khủng hoảng kinh tế, sản xuất trì trệ. Từ đó vấn đề phúc lợi xã hội cũng bị cắt xén khiến ngay đến những người dân Châu Âu cũng đang phải đối đầu với đời sống kinh tế khó khăn, kẻ ít người nhiều, có thể mức độ khó khăn đó có khác nhau trong từng nước Châu Âu, nhưng nói chung … qua rồi rồi thời “bò to lợn mập”, phủ phê dư thừa … Rồi từ đó, khi đời sống kinh tế không còn “phủ phê”, thì những giá trị “văn minh đạo đức” như nhân đạo, đoàn kết … cũng lần lần bị “hệ lụy”.

Ngày nay ở nhiều quốc gia Châu Âu đang nổ ra những lực lượng chính trị bài ngoại, chống đối ngay cả Châu Âu, xem như tất cả những khó khăn hiện nay của xã hội nước họ là đều có nguyên nhân từ “bên ngoài”, và các lực lượng chính trị này đang cổ vũ cho một chiến lược “bế quan tỏa cảng” kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tức là đơn giản chỉ cần ngăn cấm nhập cư … là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Các lực lượng chính trị bài ngoại này cho rằng đất nước của họ sẽ có thể tự phát triển mà không cần đến bất cứ một quan hệ hợp tác hỗ tương nào với thế giới bên ngoài, thậm chí, có rất nhiều tư tưởng cho rằng chính những quan hệ đến từ bên ngoài đang làm cho nền kinh tế tài chính nhà nước của họ gặp khó khăn.

Vấn đề là trước những khó khăn bức xúc như hiện nay trong xã hội, các lực lượng chính trị bài ngoại nói trên đang gặt hái rất nhiều đồng thuận của cử tri. Có những cuộc bầu cử ở nhiều nước, các lực lượng chính trị bài ngoại này đôi khi đang ở vào vị trí thứ hai hay thứ ba trong danh sách thắng cử, và thậm chí, ở một số địa phương, những lực lượng này là đảng có nhiều phiếu nhất. Điều quan trọng đáng để ý là các cử tri bỏ phiếu cho các lực lượng này không bắt buộc phải là “tả” hay “hữu”, hay nói cách khách, các cử tri này có thể đến từ “cánh tả” chứ không hẳn chỉ đơn thuần là của tri hữu khuynh. Nói theo cách nói của người Việt ta: bụng đói đầu gối cũng bò. Tình hình đời sống khó khăn quá nên nhiều khi người ta cũng không còn đủ sức giữ vững những giá trị văn minh nhân đạo.

Chính vì lẽ đó mà các chính phủ các quốc gia láng giềng của Ý rất ngại phải chấp nhận một chính sách “nhân đạo” trong vấn đề thuyền nhân, bởi vì bất cứ một quyết định nhân đạo nào, cũng đều trực tiếp hay gián tiếp tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước của họ, hay tạo ra những căng thẳng xã hội trước mắt có thể làm cho chính phủ gặp khó khăn đối với cử tri, và như thế là sẽ mất sự đồng thuận của cử tri trong những vòng bầu cử sắp tới. Và đồng thời những quyết định nhân đạo nói trên lại cũng có thẻ là “lá bài” để các lược lượng chính trị bài ngoại lợi dụng để thổi phồng thêm những vấn đề bức xúc trong xã hội và để “thu mua” thêm cử tri.

Trước mắt chính phủ Ý đang có những kế hoạch nào để đối phó với tình hình khẩn trương hiện nay ?

Ngay cả chính phủ Ý cũng đang gặp những khó khăn nội bộ trong nước vì vấn đề thuyền nhân. Hồi cuối tháng 5 vừa qua ở Ý có cuộc bầu cử hàng vùng, và ở một số đơn vị tỉnh và thành phố, đảng Dân Chủ (Partito Democratico) của đương kim Thủ tướng Matteo Renzi đã mất phiếu khá nặng, trong khi ở mạn Bắc nước Ý, đảng Liên Đoàn Phương Bắc Lega Nord, với lá bài bài ngoại chống nhập cư đã gặt hái rất nhiều phiếu, đồng thời phong trào 5 sao của hề Peppe Grillo, cũng theo chính sách chống nhập cư, đã gặt hái nhiều đồng thuận. Vấn đề là đảng Dân Chủ không thể nào chạy theo lá bài bài ngoại, không phải chỉ vì nó không phù hạp với các giá trị nhân bản cơ bản của một lực lượng tiến bộ cánh tả, mà cũng không thể chạy theo chân của các lực lượng bài ngoại hữu khuynh.

Hiện nay đang có những căng thẳng trong nội bộ chính trị nước Ý: một số lãnh đạo địa phương hàng vùng, hàng tỉnh, hàng thành phố hay thị xã vốn thuộc đảng Liên Đoàn Phương Bắc đang tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ quyết định của chính phủ trung ương bắt các địa phương phải chấp nhận đón tiếp thuyền nhân, thậm chí họ đe dọa là sẽ không “đóng thuế” cho chính phủ trung ương. Chính phủ Ý biết rằng đơn phương một mình, Ý sẽ không có khả năng giải quyết vấn đề thuyền nhân. Nhưng cũng khó mà lớn tiếng kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia Châu Âu khác nếu ngay trong nội bộ nước Ý chính phủ Ý cũng còn gặp cả sự kháng cự đến từ các lực lượng chính trị địa phương của Ý ?

Bên cạnh những khó khăn vừa kể, ngay trong xã hội Ý người dân cũng rất bức xúc về những cuộc điều tra tham nhũng hối lộ mà trong đó có dính dáng đến những kế hoạch mà các lãnh đạo chính trị của một số đảng, tả cũng như hữu, tham ô cùng với các băng đảng xã hội đen Mafia ăn chia nhau trong các chương trình xây dựng các trại đón nhận thuyền nhân và quyết đinh ngân sách dành để hổ trợ thuyền nhân: người dân cảm thấy như trong khi thuyền nhân là vấn đề nhân đạo thì lại bị chính các lãnh đạo chính trị và các băng đảng xã hội đen lợi dụng để chia chác ngân sách nhà nước.

Trước mắt, theo tin báo chí sáng nay, thì Chính phủ Ý đang nhắm đến kế hoạch cấp giấy tạm cư cho các thuyền nhân, như thế thì những người này sẽ không còn là “nhập cư bất hợp pháp” ở Châu Âu, và do đó, theo hiệp ước Schengen, mà các chính phủ láng giềng của Ý tuyên bố là không hề vi phạm, họ sẽ được tự do sang các nước khác. Nhưng như thế , rất có thể sẽ có những căng thẳng giữa các chính phủ Châu Âu với chính phủ Ý, điều mà chính phủ Ý muốn tránh.

Vấn đề thuyền nhân đang trở thành một thứ bom chính tị nổ chậm có thể gây ra những hệ lụy cho chính phủ Ý. Nhưng khổ nổi cho chính phủ Ý, thuyền nhân là một vấn đề mà … “bỏ thì thương, vương thì tội”. Tiến thoái lưỡng nan cho chính phủ Ý. Trong khi đó làn sóng thuyền nhân ngày ngay vẫn tiếp tục đỗ bộ lên nước Ý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.