Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - KHÍ HẬU

Kìm giữ nhiệt độ trên trái đất không tăng thêm quá 2°C, một bài toán khó

Làm thế nào để đạt được một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trong khi mục tiêu giảm phát thải khí CO2 mà các nước cam kết lại chưa đủ, để có thể bảo đảm là nhiệt độ trên trái đất sẽ không tăng thêm quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, tại hội nghị về khí hậu, ngày 01/06/2015, tại Bonn (Đức).
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, tại hội nghị về khí hậu, ngày 01/06/2015, tại Bonn (Đức). AFP PHOTO/Patrik Stollarz
Quảng cáo

Tại hội nghị Bonn, Đức, khai mạc từ đầu tháng và bế mạc ngày hôm nay, 11/06/2015, các nhà đàm phán đang cố gắng đạt đồng thuận về việc cần phải đánh giá và thường xuyên điều chỉnh mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của các nước, trong thời gian tới. Đây là một trong số rất nhiều bất đồng còn tồn tại và đụng chạm đến vấn đề chủ quyền và công bằng giữa các nước.

Chuyên gia Alden Meyer, thuộc Union of Concerned Scientists, một tổ chức phi vụ lợi của Mỹ, được AFP trích dẫn, nhấn mạnh : « Tất cả mọi người đều biết rõ là mức độ tham vọng (giảm phát thải khí CO2), có thể được đưa ra tại Hội nghị Paris là sẽ không đủ » để kìm giữ nhiệt độ trên hành tinh không tăng thêm quá 2°C. Do vậy, « cần phải có một yếu tố trong thỏa thuận ở Paris cho phép bảo đảm là trong những năm sau hội nghị, tham vọng này sẽ được tăng lên để chúng ta có thể tiếp tục đi theo hướng này và tránh được những tác động tồi tệ của hiện tượng biến đổi khí hậu ».

Cho đến lúc này, mới có 40 nước, từ Liên Hiệp Châu Âu cho đến Mỹ, từ Maroc cho đến Ethiopia, công bố các cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hạn chót cho các nước khác là 31/10/2015, tức là một tháng trước khi khai mạc Hội nghị Paris - COP 21. Mục tiêu của Hội nghị này là đạt được một thỏa thuận trên toàn thế giới để giới hạn nhiệt độ trên trái đất không tăng quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Giới chuyên gia tỏ ra dè dặt khi đánh giá về bản tổng kết các tham vọng, mục tiêu mà các nước đề ra, đồng thời chỉ trích gay gắt thái độ của Nga và Canada.

Theo bà Laurence Tubiana, nhà đàm phán Pháp, thì tổng các cam kết giảm phát thải CO2 của các nước chắc chắn là không đủ. Nhưng thách thức của thỏa thuận Paris là từng bước tiến sát gần mục tiêu 2°C, bằng cách lập ra một cơ chế cho phép xem xét lại và nâng cao các cam kết giảm phát thải CO2.

Cố gắng đạt được một thỏa thuận năng động và dài hạn là một ý tưởng tương đối mới. Ông Thomas Spencer, thuộc Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế (IDDRI) nhắc lại, Hội nghị về khí hậu ở Copenhagen 2009 (COP 15) được coi là một sự kiện quan trọng, thế nhưng « không có kế hoạch hành động sau Copenhagen ». Giờ đây, « ý tưởng này trở thành tâm điểm của các cuộc thương lượng ».

Tháng Năm vừa qua, khoảng bốn chục phái đoàn các nước đã họp hội nghị không chính thức tại Paris để thảo luận về chủ đề này. Còn tại hội nghị Bonn hiện nay, hồ sơ này có một chút tiến triển và trở thành một vấn đề rất quan trọng từ vài tuần qua.

Có nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có lời giải đáp : Nguyên tắc xét lại và điều chỉnh cam kết giảm phát thải sẽ được thể hiện dưới hình thức nào ? Việc thay đổi các cam kết có cần phải được ký kết cụ thể thành một thỏa thuận hay không ? Các cam kết giảm phát thải chỉ liên quan đến khí gây hiệu ứng nhà kính hay cả các loại khí khác ? Cam kết đóng góp tài chính ra sao ? Việc đánh giá lại cam kết được tiến hành một cách tập thể hay đối với từng nước ? Thời hạn xem xét lại các cam kết, 5 năm hay 10 năm một lần ?

Những câu hỏi này đã làm xuất hiện các bất đồng, chia rẽ giữa các nước. Các tổ chức phi chính hoạt động trong lĩnh vực môi trường và các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu chủ trương tiến hành các đợt đánh giá, thẩm định nhiều hơn, để kịp thời điều chỉnh mục tiêu giảm phát thải, lắng nghe và thực hiện các khuyến cáo của giới khoa học, để tranh thủ được các tiến bộ kinh tế, công nghệ.

Ngoại trưởng đảo quốc Marshall, ông Tony de Brum cho rằng tham vọng thực hiện các mục tiêu tùy thuộc vào quyết tâm chính trị. « Nhưng thỏa thuận phải tính tới việc thiết lập các cơ chế vững chắc để có thể đóng góp vào việc nâng cao mục tiêu giảm phát thải ».

Về phần mình, các nước đang phát triển và trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, thì chấp nhận sự cần thiết phải đánh giá lại các mục tiêu, nhưng đưa ra điều kiện là các nước phát triển phải thực hiện các cam kết đóng góp tài chính để giúp đỡ các nước dễ bị tổn thương đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Mặt khác, những nước này cũng nhấn mạnh là nội dung các cam kết phải do chính các nước đó quyết định.

Chuyên gia Alden Meyer nhấn mạnh : « Các nước đang phát triển và trỗi dậy nói rằng họ không muốn phải tuân thủ cùng một quy trình xét lại mục tiêu, cam kết như đối với một số nước vốn trong quá khứ là những quốc gia phát thải nhiều nhất. Thế nhưng, Hoa Kỳ lại không muốn bị đối xử khác biệt, trên phương diện pháp lý. Đây sẽ là vấn đề khó khăn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.