Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - HY LẠP

Châu Âu bác bỏ dự thảo cải cách của Hy Lạp

Ủy ban Châu Âu hôm nay 10/06/2015 đã tỏ thái độ cứng rắn, bác bỏ dự thảo cải cách mới nhất mà Hy Lạp đệ trình ngày hôm qua.

. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (phải) tiếp đón Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Bỉ ngày 10/06/2015.
. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (phải) tiếp đón Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Bỉ ngày 10/06/2015. REUTERS/Virginia Mayo/Pool
Quảng cáo

24 giờ sau khi Athens đưa ra một đề nghị mới về kế hoạch cải cách, với hy vọng được các nhà tài trợ tháo khoán nốt hơn 7 tỉ euro, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra phán quyết cứng rắn, nhấn mạnh rằng văn bản này « không phản ánh nội dung các cuộc thảo luận » giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.

Theo phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu, tài liệu của Hy Lạp chuyển cho các chủ nợ, Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không đi theo hướng các cuộc thảo luận hôm thứ Hai, 08/06 giữa Ủy viên Châu Âu phụ trách kinh tế, ông Pierre Moscovici và các đại diện chính phủ Hy Lạp.

Cho đến hôm qua, Ủy ban Châu Âu vẫn còn hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận với Hy Lạp trong những ngày tới, với điều kiện chính quyền Athens bớt dùng các chiến thuật, mưu mẹo và chú trọng nhiều hơn vào các nội dung chính của cuộc thương lượng.

Tuyên bố ngày hôm nay của Ủy ban Châu Âu là một dạng cảnh cáo, bởi vì cho đến nay, Bruxelles vẫn tỏ thiện chí và tìm mọi cách tránh nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi khu vực dùng đồng tiền chung euro.

Nếu kế hoạch cải cách của Hy Lạp được chấp nhận, các chủ nợ mới đồng ý cho tháo khoán nốt 7,2 tỉ euro trong khoản tín dụng hơn 240 tỉ mà Ngân Hàng Trung ương Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu và IMF cấp cho Hy Lạp từ năm 2010. Hy Lạp không còn nhiều thời gian. Đến ngày 30/06, Athenes phải trả cho IMF 1,6 tỉ euro.

Theo giới quan sát, sau khi khai thác tối đa sự kiên nhẫn của các chủ nợ, nhất là Đức, giờ đây, dường như Hy Lạp đã làm mất lòng tin của Ủy ban Châu Âu, đặc biệt là Chủ tịch Juncker, người vốn là Chủ tịch khu vực đồng euro và theo dõi trực tiếp hồ sơ khủng hoảng Hy Lạp từ năm 2010.

Quan hệ giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsirpas và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã xấu đi, kể từ cuộc gặp cách nay đúng một tuần tại Bruxelles nhằm tháo gỡ những bế tắc trong cuộc đàm phán về về thể thức cải cách chế độ hưu bổng và tăng giá trị gia tăng TVA đối với điện. Đối với Athens, đây là hai lằn ranh đỏ không thể vượt qua, vì đích thân ông Tsipras đã đưa ra những hứa hẹn cải thiện hai hồ sơ này trong chiến dịch vận động tranh cử.

Một quan chức Châu Âu cho AFP biết, vào lúc dường như hai bên đạt được đồng thuận về tỉ lệ thặng dư ngân sách, thì hôm qua, Athens đưa ra con số 0,75% trong lúc các chủ nợ đề nghị 1%. Đối với Châu Âu, tỉ lệ này là quan trọng, cho phép xác định được tổng mức tiết kiệm ngân sách mà Hy Lạp phải thực hiện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.