Vào nội dung chính
CHÂU PHI - THƯƠNG MẠI

26 nước Châu Phi ký hiệp định tự do thương mại TFTA

Hôm nay 10/06/2015, lãnh đạo 26 nước miền nam và miền đông Châu Phi họp tại Ai Cập, để ký một thỏa thuận tự do thương mại. Với hiệp định mới này, trao đổi thương mại giữa khối 26 nước Châu Phi - với 625 triệu cư dân và GDP khoảng 900 tỉ đô la - dự kiến sẽ tăng từ 20 đến 30%. Hiệp định TFTA là một bước tiến quan trọng trên con đường dài hướng đến sự hội nhập kinh tế của toàn bộ Lục địa đen.

Tổng thống nước chủ nhà Ai Cập Al Sissi tại thượng đỉnh châu Phi về TFTA.
Tổng thống nước chủ nhà Ai Cập Al Sissi tại thượng đỉnh châu Phi về TFTA. REUTERS/The Egyptian Presidency/Handout via Reuters.
Quảng cáo

Hiệp định tự do thương mại Tripartite Free Trad Area (gọi tắt là TFTA) - cho phép lập một vùng trao đổi tự do, trải dài từ Nam Phi đến Ai Cập – là kết quả của việc hợp nhất ba vùng kinh tế, hiện đang trong quá trình hình thành : COMESA, thị trường chung của các quốc gia miền nam và miền đông Châu Phi, EAC, Cộng đồng kinh tế Đông Phi và SADC, Cộng đồng phát triển miền nam Châu Phi.

Hiệp định TFTA bao gồm Ai Cập và Nam Phi, hai nền kinh tế phát triển nhất của châu lục, và nhiều nền kinh tế năng động khác, như Ethiopia, Angola, Mozambique, và Kenya, nhưng không có mặt Nigeria, quốc gia có GDP lớn nhất Châu Phi, nhờ dầu mỏ.

Hiệp định TFTA mang lại hy vọng thúc đẩy kinh tế Châu Phi tăng mạnh. Cho đến nay, trao đổi thương mại giữa các nước Châu Phi với nhau chỉ chiếm khoảng 12% tổng trao đổi mậu dịch của châu lục, so với tỉ lệ 55% của Châu Á và 70% của Châu Âu. Rào cản của trao đổi thương mại Châu Phi chính là các thủ tục hải quan phức tạp, rườm rà. TFTA sẽ đưa ra một cơ chế cho phép loại bỏ các rào cản phi thuế quan và chủ nghĩa hệ thống bảo hộ mậu dịch ngăn cản hàng hóa tự do lưu chuyển.

Theo Tổng giám đốc Cộng đồng phát triển miền nam Châu Phi, mục tiêu cuối cùng của dự án này là cho phép hàng hóa lưu chuyển tự do, miễn thuế.

Thành công của TFTA đặc biệt phụ thuộc vào việc xây dựng các đường xa lộ, đường sắt, và các trục giao thông khác. Sau thỏa thuận được ký tại Charm El Cheikh, 26 nước có thời hạn một năm để phê chuẩn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.