Vào nội dung chính
HOA KỲ - FIFA - THAM NHŨNG

Khi tư pháp Hoa Kỳ muốn dọn sạch nền bóng đá thế giới

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thế giới, Sepp Blatter, vừa từ chức, từng phát biểu : « Có điều gì đó không ổn. Người Mỹ từng là ứng cử viên cho giải Cúp bóng đá thế giới năm 2022 và đã thất bại. Còn người Anh cho năm 2018 cũng bị thất bại ». Vậy tại sao Hoa Kỳ, một quốc gia không mặn mà với bóng đá lắm, lại quan tâm tới các vụ tai tiếng tại FIFA ? Báo Le Figaro giải thích trong bài : « Khi tư pháp Hoa Kỳ muốn làm sạch nền bóng đá thế giới ».

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch (trái) họp báo tại New York hôm 27/5/2015 thông báo truy tố các quan chức FIFA dính líu tới nghi án tham nhũng lớn.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch (trái) họp báo tại New York hôm 27/5/2015 thông báo truy tố các quan chức FIFA dính líu tới nghi án tham nhũng lớn. REUTERS/Shannon Stapleton
Quảng cáo

Ngành tư pháp Hoa Kỳ « rờ » tới FIFA một cách ngẫu nhiên và dần lật bộ mặt thật của cả một hệ thống tham nhũng lan rộng. Vụ việc bắt đầu từ Chuck Blazer, một quan chức bóng đá Hoa Kỳ, khi nhân vật này « quên » khai khoản tiền 17 triệu đô la với cơ quan thuế (IRS). Đây là một một sai lầm nghiêm trọng. Theo Don Riddell của kênh CNN Sport, « các công chức trốn thuế không được dung thứ tại Hoa Kỳ. Nếu người nào vi phạm luật pháp, và hơn nữa, nếu kéo theo các ngân hàng Mỹ vào các vụ tham nhũng, người đó sẽ phải trả giá đắt ».

Việc ngành tư pháp Mỹ tạm giữ những người thân cận nhất của Sepp Blatter được coi như khúc mở đầu của chiến dịch. Hôm qua, trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức, tổng thống Mỹ Obama đã nhấn mạnh, bóng đá là một môn thể thao nhưng cũng là « một ngành kinh doanh khổng lồ » đòi hỏi « sự liêm khiết ».

Bà Loretta Lynch, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ mới được bổ nhiệm ngày 27/04, đã công bố những cáo buộc đối với tổ chức tối cao của ngành bóng đá. Bà cũng liệt kê 47 tội danh liên quan tới 14 cá nhân đã bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ tại Zurich ngày 27/05 vừa qua. Người đứng đầu ngành Tư pháp Hoa Kỳ cho biết những cá nhân này đã « lạm dụng hệ thống tài chính Hoa Kỳ và vi phạm luật pháp nước này », đồng thời tuyên bố sẽ « buộc họ phải chịu trách nhiệm ».

Vậy tại sao tư pháp Mỹ có thể vươn tay tới tận Thụy Sĩ ? Chính quy tắc « quyền tài phán bên ngoài lãnh thổ » cho phép truy tố mọi công dân nước ngoài, nếu vụ việc có liên quan, dù chỉ là chút nhỏ, tới Hoa Kỳ. Một giáo sư ngành luật tại đại học George Washington cho biết chỉ cần một bức thư điện tử trung chuyển qua các máy chủ đặt tại Hoa Kỳ cũng đủ bằng chứng để mở điều tra.

Tai tiếng tại FIFA không phải là vụ việc đầu tiên mà ngành tư pháp Mỹ can thiệp. Cơ quan này muốn loại bỏ nạn tham nhũng trong ngành thể thao đỉnh cao và không ngần ngại quan tâm tới « hạnh kiểm » của các tổ chức quốc tế. Trong vụ việc FIFA, Chuck Blazer dường như hoàn toàn hiểu được lợi ích nếu ông hợp tác với cơ quan điều tra và trả một khoản tiền phạt tượng trưng.

Ngành tư pháp Mỹ đã lập hồ sơ chống Liên đoàn Bóng đá Thế giới bằng cách thâm nhập vào đội ngũ lãnh đạo của tổ chức này, thông qua việc hứa hẹn giảm án cho những người giữ chức vụ thấp hơn để nhắm tới « những con cá lớn ». Chuck Blazer cũng đã biến mình thành một « tai mắt » của FBI, cho phép hé lộ một góc màn bí mật được Sepp Blatter gây dựng trong suốt 34 năm cầm quyền. Danh sách nghi can với các vụ lừa đảo tài chính vô cùng phức tạp còn kéo dài. Những kẻ lửa đảo tại FIFA cảm thấy đang bị đe dọa đã không ngần ngại chuyển những khoản tiền bất hợp pháp qua hệ thống ngân hàng tại New York và Miami. Đây chính là sai lầm nghiêm trọng thứ hai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cuối cùng bênh vực chủ tịch FIFA, chia sẻ quan điểm của ông Blatter, cho rằng phương Tây đang tiến hành một âm mưu ghê tởm chống lại nước Nga. Còn ông Sepp Blatter, do cảm nhận được mối nguy hiểm từ vài tháng nay, nên đã tránh đặt chân tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tại Nga, ngành khoa học trở thành « nhân viên nước ngoài »

Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật cho phép đóng cửa mà không cần quyết định của tư pháp mọi tổ chức nước ngoài bị xem là đe dọa « an ninh quốc gia ». Ngay cả hoạt động hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học mà cũng bị xem là « nhân viên nước ngoài ». Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học Dynasty buộc phải tuyên bố đóng cửa ngày 08/06 đã khiến hàng ngàn nhà nghiên cứu khoa học xuống đường biểu tình phản đối. Sự phẫn nộ của trí thức Nga được báo Le Monde phản ánh trong bài : « Khi ngành khoa học Nga trở thành « nhân viên nước ngoài ».

Từng được áp dụng dưới thời Staline để trấn áp người đối lập, mô hình này hiện đang nhắm tới những tổ chức phi chính phủ có nguồn tài trợ nước ngoài hay có « hoạt động chính trị ». Rất nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền bị liệt vào danh sách trên, song đây là lần đầu tiên một tổ chức nghiên cứu khoa học cũng bị liên quan.

Thông tin trên đã khiến giới khoa học Nga sửng sốt. Với ngân sách lên tới 435 triệu rúp vào năm 2015 (7 triệu euro), từ khi thành lập vào năm 2002, quỹ Dynasty tài trợ hàng năm cho các nhà toán học và vật lý trẻ, đồng thời xuất bản rất nhiều công trình khoa học.

Nhà xã hội học và là chủ tịch một viện nghiên cứu độc lập tham gia biểu tình xót xa nhận xét : « Luật trên đã đưa ra chương trình « Tôi nghĩ » nhằm vào giới trẻ, nhưng tại đất nước chúng tôi, « nghĩ » là một trọng tội ».

Một kỹ sư vật lý tại viện Lebedev cho biết : « Các nhà nghiên cứu Nga nhận được tiền lương thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng, thấp hơn 3 lần so với Ba Lan chẳng hạn. Họ buộc đi dạy thêm để có thể đủ sống. Tuy nhiên, mọi hoạt động tự do bị coi là chống chính phủ ».

Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ tham gia biểu tình vì theo họ : « ngày mai sẽ không còn khoa học ». Trên nhiều tấm biển, người ta có thể thấy nhiều khẩu hiệu như : « Chôn vùi khoa học, chôn vùi tương lai » hay « Thanh niên không có giáo dục mà chỉ có các nấm mồ tại vùng Donbass ».

Người Rohingya tại Bangladesh có thể bị di dời tới một hoang đảo

Nằm trong vùng có nhiều « nguy cơ giông bão », hàng năm hòn đảo Hatiya phải hứng chịu những trận báo gây thiệt hại nặng nề và lụt lội. Thế nhưng, chính phủ Bangladesh đang có dự án định cư người Rohingya tại hòn đảo này. Báo Le Monde nhận xét dường như đây là lời nguyền bất tận đối với sắc tộc thiểu số Hồi này.

Hiện đang sống tại hai khu lán trại tại Cox’s Bazar, miền nam Bangladesh, người Rohingya sẽ bị chính phủ di rời lên phía bắc vịnh Bengale để phát triển khu vực Cox’s Bazar thành khu bãi biển du lịch.

Dưới sự quản lý của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR), Cox’s Bazar là nơi ở của khoảng 32.000 người Rohingya bỏ trốn khỏi Miến Điện từ năm 1990. Tại thời điểm đó, các khu vực nghèo nhất Bangladesh tiếp nhận người nhập cư Rohingya có cùng tôn giáo và chung ngôn ngữ. Nhưng thời thế thay đổi. Có khoảng 300.000 đến 500.000 người Rohingya sống bất hợp pháp tại Bangladesh. Về mặt chính thức, họ không có quyền làm việc nhưng họ thường xuyên bị bóc lột tại các công trường xây dựng. Cox’s Bazar có bãi biển lớn nhất Châu Á và muốn đón nhận tầng lớp du khách trung lưu Bangladesh mới. Những khu nhà ở ổ chuột của người Rohingya làm mất vẻ mỹ quan của bãi biển này.

Ngoại trưởng Bangladesh tỏ ra quan ngại về nguy cơ cực đoan của người Rohingya và khả năng bị những chi nhánh của quân thánh chiến tuyển mộ. Lo ngại bị bắt giữ hay chịu cảnh phân biệt chủng tộc, nhiều người bỏ trốn sang Đông Nam Á. Khi một con tàu bị bắt giữ ngoài khơi Miến Điện ngày 29/05 vừa qua, Bộ Thông tin nước này gọi họ là người « Bangladesh », danh từ được Miến Điện dùng cho người Bangladesh và cả người Rohingya. Nữ thủ tướng Bangladesh ngay lập tức lên tiếng coi người vượt biển Rohingya là những « kẻ tâm thần » và cho rằng họ đã « làm xấu hình ảnh đất nước ».

Hiện chỉ còn những hòn đảo hay gặp thiên tai là nơi có thể tiếp nhận người Rohingya. Phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Bangladesh cho biết chính phủ nước này không thông tin hay xin tư vấn với tổ chức này. Họ hy vọng, nếu việc di dân diễn ra thì nên được tiến hành với sự tôn trọng người di cư. Thành công của chiến dịch này sẽ phụ thuộc vào việc người Rohingya nhận xét điều kiện sống tại nơi ở mới như thế nào.

Nhật Bản bị trao giải « Fossile » do thiếu nỗ lực vì khí hậu

Ngày 04/06, Nhật Bản bị trao một lúc ba giải « Fossile » của Climate Action Network, bao gồm 900 tổ chức phi chính phủ từ khoảng 100 quốc gia. Giải này giành cho những nước không nỗ lực trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Báo Le Monde coi Nhật Bản là một học trò kém của hội nghị khí hậu.

Đảo quốc bị chỉ trích vì cố cản trở những đề xuất của khối G7 nhằm ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C và xu hướng tài trợ của nước này cho các nhà máy nhiệt điện tại các nước đang phát triển.

Năm 2013, Nhật Bản thải tới 1,41 tỉ tấn khí CO2, gần với kỷ lục năm 2007. Thực vậy, sau thảm họa Fukushima, quốc đảo dần bỏ các nhà máy điện nguyên tử, mà thay vào đó là nguồn nhiệt điện. Chủ nhật vừa qua, thủ tướng Shinzo Abe thông báo với các đối tác G7, từ nay tới năm 2030, Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 26% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính căn cứ theo hệ số của năm 2013. Vì nếu căn cứ theo hệ số của năm 1990 mà các nước đang sử dụng, trên thực tế, mục tiêu của Nhật Bản chưa vượt quá được 18%.

Từ nay tới năm 2030, nguồn năng lượng của Nhật Bản dựa chủ yếu vào 20-22% nguyên tử, 24% năng lượng tái tại, 27% khí đốt, 3% dầu mỏ, và 26% than đá. Như vậy, khí đốt và than đá là nguồn cung cấp chủ yếu, trong khi đó các quốc gia Châu Âu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo.

Tokyo muốn đưa các nhà máy điện nguyên tử hoạt động trở lại, nhưng gặp phải sự phản đối của người dân. Theo Kiko Network, hiện nay, 25 nhà máy nhiệt điện được xây dựng hoặc đang trên dự án tại đảo quốc này.

Tokyo cũng đồng thời hỗ trợ việc xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện khác tại Ấn Độ và Indonesia. Thế nhưng, nhiều nhà bảo vệ môi trường mong muốn Liên Hiệp Quốc không phê chuẩn bất kỳ một dự án nào liên quan tới than đá. Còn Nhật Bản thì biện hộ rằng công nghệ của họ gây ít ô nhiễm hơn so với những công nghệ được sử dụng tại các nhà máy nhiệt điện khác.

Mùa thu năm 2014, năm trên tổng số 10 công ty điện lực đã từ chối hòa lưới điện của họ vào mạng lưới các nhà máy điện năng lượng mặt trời với lý do thiếu độ tin tưởng. Liên quan tới năng lượng sức gió, các dự án đang được nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng tới môi trường và có thể kéo dài tới 4 năm. Tổ chức Kiko Network ngạc nhiên vì quyết định này vì « sáu dự án nhà máy nhiệt điện không phải qua bất kỳ một nghiên cứu nào ».

Đảng AKP của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mất đa số ghế tại Quốc hội

Cùng với hồ sơ nợ của Hy Lạp nằm trên bàn hội nghị của khối G7, thất bại của đảng AKP của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc bầu cử Nghị viện diễn ra cuối tuần qua là chủ đề chính được báo chí Pháp đưa tin.

Thất bại của đảng AKP buộc đảng này phải thành lập một chính phủ liên minh. Ngoài ra, theo Le Figaro, ông « Erdogan đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị », còn nhật kinh tế Les Echos nhận định : « Thất bại bầu cử của đảng của tổng thống Erdogan đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào cảnh bấp bênh ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.