Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG - KHÍ HẬU

G7 hướng tới bỏ dần năng lượng hóa thạch

Lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 hôm qua (8/6) đã thống nhất với nhau về mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 khá mạnh dạn, đồng thời với việc từ bỏ dần năng lượng hóa thạch. Kết quả này được đánh giá là một tiến bộ quan trọng trước thềm hội nghị quốc tế về khí hậu dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tại Paris.

Lãnh đạo G7 2015 tại Bayern đã đạt được tiến bộ trong  hồ sơ khí hậu toàn cầu.
Lãnh đạo G7 2015 tại Bayern đã đạt được tiến bộ trong hồ sơ khí hậu toàn cầu. REUTERS/Christian Hartmann
Quảng cáo

Thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh G7 tại Bayern, Đức, ủng hộ mục tiêu cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của cả thế giới từ nay đến năm 2050 là từ 40% đến 70% so với năm 2010. Bảy cường quốc công nghiệp thế giới cam kết đóng góp trong tương lai dài hạn vào điều tiết lượng carbone phát thải trong hoạt động kinh tế thế giới.

Để đạt được mục tiêu đó, các nước G7 đặc biệt cố gắng chuyển đổi lĩnh vực năng lượng của mình từ nay đến năm 2050. Nói một cách khác là giảm bớt tối đa trong khả năng cho phép của mỗi nước việc sử dụng các loại năng lượng hóa thạch như than đa, dầu mỏ và khí đốt để thay vào đó bằng các loại nhiên liệu tái tạo.

Những nỗ lực này của G7 đã được giới chuyên gia về môi trường khí hậu đánh giá là một tiến bộ quan trọng. Bà Jenifer Morgan, chuyên gia về khí hậu của Viện nghiên cứu Tài nguyên Thế giới ( World Ressources Institute ) nhận định : « Đây là một tuyên bố mang tính lịch sử báo hiệu kết thúc kỷ nguyên của các loại năng lượng hóa thạch . Lần đầu tiên, lãnh đạo các nước G7 thống nhất với nhau về mục tiêu vì một nền kinh tế phi carbone ».

Mảng thảo luận về khí hậu tại thượng đỉnh G7 lần này được mong chờ như là một tín hiệu mạnh trước Hội nghị COP 21 của Liên hiệp quốc tại Paris vào tháng 12 tới đây. Hội nghị quốc tế về khí hậu này sẽ phải xác định trên quy mô toàn cầu bước đi tiếp theo nhằm giới hạn nhieejy độ ấm lên trê toàn cầu.

Đàm phán Bonn dậm chân tại chỗ

Tổng thống Pháp, François Hollande, đến thượng đỉnh G7 lần này với hồ sơ ưu tiên là khí hậu, đã vui mừng đánh giá các cam kết đạt được là « nhiều tham vọng và hiện thực ». Trong khi cách đó không xa, tại Bonn cũng đang diễn ra các cuộc đàm phán đa phương nhằm chuẩn bị cho hội nghị COP 21, các phản ứng về thông cáo của thượng đỉnh G7 liên quan đến hồ sơ khí hậu lại tỏ ra dè dặt. Chuyên gia phân tích các vấn đề khí hậu, Alder Meyer thuộc Union of Concerned Scientist nhận thấy, nhóm nước G7 đề ra các mục tiêu cho tất cả thế giới nhưng bản thân các cam kết của họ thì lại không mấy cụ thể.

Tại Bonn, sau một tuần họp không có được tiến bộ nào khả quan, đại diện các nước đề nghị hai đồng chủ tịch diễn đàn đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Liên minh các quốc đảo tỏ rõ mối lo ngại tiến độ đàm phán diễn ra chậm chạp và có xu hướng dậm chân tại chỗ trong khi từ nay đến ngày diễn ra hội nghị Paris, các đoàn chỉ còn hai phiên đàm phán kéo dài 5 ngày vào tháng 9 và tháng 10 tại Bonn.

Để cho Hội nghị COP 21 thành công, cần phải bảo đảm có sự ủng hộ tích cực từ các quốc gia phát thải ô nhiễm lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga hay Brazil.Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande mong muốn các đối tác tại G7 phải bày tỏ mạnh mẽ và ý thức được rằng thái độ rụt rè lúc này có thể dẫn tới bế tắc trong các cuộc đàm phán mở rộng về sau này trên hồ sơ khí hậu.

Cũng cần phải nói thêm là các nước G7 ( Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý và Anh) chiếm 10% dân số thế giới nhưng phát thải lượng khí CO2 bằng ¼ của cả hành tinh.  Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới đặt mục tiêu con số hạn chế nhiệt độ tăng toàn cầu 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra nhóm nước giàu có này cũng cam kết « huy động » 100 tỷ đô la mỗi năm từ nay đến 2020 để dành hỗ trợ cho các sáng kiến giữ gìn bầu khí hậu chung.

Thủ tướng Đức cho biết là thỏa hiệp cuối cùng của G7 đã được cân nhắc từng câu chữ này là « kết quả của cuộc đàm phán khó khăn ». Chỉ có 4 trong số 7 nước muốn đẩy mạnh hơn nữa các cam kết nhưng Canada và Nhật, hai nước vẫn còn lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch, không nhất trí.

Vấn đề khó khăn nhất của nước chủ nhà G7 năm nay là các cuộc đàm phán cắt giảm sử dụng than. Trong bối cảnh nước Đức đã cam kết một chương trình chuyển đổi năng lượng lớn từ bỏ hẳn năng lượng hạt nhân vào năm 2022 thì than đá đến giờ vẫn là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện của nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.