Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU ÂU

Mỹ để ngỏ khả năng triển khai thêm tên lửa tại Châu Âu

Hôm qua 05/06/2015, theo AFP, trong một cuộc họp tại Stuttgart (Đức) giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và nhiều giới chức quân sự, ngoại giao Mỹ, một số khả năng phản ứng lại việc Nga vi phạm hiệp ước 1987 về tên lửa tầm trung đã được bàn thảo. Hoa Kỳ không loại trừ việc triển khai tên lửa đất đối đất tại một số khu vực ở Châu Âu sát với Nga.

Tên lửa Buk-M2/SA-17 của Nga trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm Đệ nhị Thế chiến kết thúc, 09/05/2015.
Tên lửa Buk-M2/SA-17 của Nga trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm Đệ nhị Thế chiến kết thúc, 09/05/2015. REUTERS/ Novosti
Quảng cáo

Trả lời AFP, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, trung tá Joe Sowers, tuyên bố : “Hoa Kỳ đang xem xét một loạt các biện pháp quân sự có thể được sử dụng, để đáp lại việc Nga vi phạm hiệp ước INF (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty)”. Hiệp ước INF, ký năm 1987, giữa Mỹ-Nga vào thời điểm đó, quy định hai bên không được sử dụng các tên lửa hành trình, phóng lên từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. 

Washington cáo buộc Matxcơva vi phạm hiệp ước INF, khi cho thử một tên lửa hành trình bị cấm. Về phần mình, Nga cũng lên tiếng bác bỏ. Theo Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, Viktor Ozerov, được báo Nga dẫn lời, Matxcơva tôn trọng hoàn toàn các cam kết trong INF, và Mỹ không có bằng chứng có cơ sở nào để chứng minh cho cáo buộc này. 

Vẫn theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, “tất cả các biện pháp Hoa Kỳ đã nghiên cứu là nhằm để bảo đảm Nga không có được ưu thế quân sự đáng kể, nhờ việc vi phạm hiệp định”. Một số giới chức quân sự Mỹ cho biết thêm, có những biện pháp mà Hoa Kỳ đang xem xét là nằm trong khuôn khổ hiệp ước, nhưng một số khác vượt ra ngoài. Phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, một giới chức quốc phòng Mỹ, Brian McKeon, khẳng định việc đặt tên lửa mới tại Châu Âu theo dự định nói trên là vi phạm hiệp ước 1987. 

Trước đó, hồi tháng 4, một giới chức cao cấp Lầu Năm Góc, ông Robert Scher, cho biết Hoa Kỳ xem xét khả năng tấn công tên lửa hành trình của Nga (vi phạm hiệp ước) ngay trên lãnh thổ nước này. 

Vẫn theo Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, hiện tại chính quyền Nga không có ý định rút khỏi hiệp ước tên lửa tầm trung. Hiệp ước INF 1987, có hiệu lực từ năm 1988, cho phép hai bên tiêu hủy hàng ngàn tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. 

Thượng đỉnh khối G7, bao gồm các cường quốc phương Tây, nhóm họp vào ngày mai, Chủ nhật 07/06, và thứ Hai, dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề Nga hỗ trợ phe ly khai miền đông Ukraina. Matxcơva bị loại khỏi G8, sau khi dùng vũ lực sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.