Vào nội dung chính
ĐỨC - KHÍ HẬU

Hạn chế biến đổi khí hậu : phải hành động khẩn cấp từ nay đến 2020

Bên lề hội nghị quốc tế về khí hậu tại Bonn, theo AFP hôm nay, 03/06/2015, nhiều quốc gia nhất trí cần phải đưa ra các biện pháp hành động khẩn cấp từ nay đến 2020, và điều này nếu làm được sẽ đặt một phần cơ sở cho việc đạt đồng thuận tại Thượng đỉnh Paris (COP21).

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại cuộc họp báo về COP21, trụ sở Bộ Ngoại giao, Paris, 22/05/2015.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại cuộc họp báo về COP21, trụ sở Bộ Ngoại giao, Paris, 22/05/2015. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Ông Harjeet Singh, thuộc hiệp hội môi trường Action Aid, tổ chức thành viên của mạng lưới Climate action network, báo động khẩn thiết : « Hãy xem đợt nóng chưa từng có tại Ấn Độ, giết hại hơn 2.000 người trong những ngày gần đây. Hãy xem các thiệt hại do bão tại Vanuatu (đảo nam Thái Bình Dương) ». Nhà môi trường đặt câu hỏi : « Phải chăng chúng ta có thể thong thả chờ đợi đến 2020 để hành động quyết liệt hơn, trong khi biến đổi khí hậu đã tác hại đến nhiều quốc gia ?».

Theo các kinh tế gia của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC/IPCC), càng hành động chậm trễ thì giá phải trả sẽ càng đắt hơn. Cho đến nay, so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ trung bình trên trái đất đã tăng đến hơn 0,8°C. Nhiệt độ này đã ảnh hưởng rõ ràng đến mùa màng, mực nước biển dâng, các loài động vật biển di chuyển khỏi vùng cư trú truyền thống, hạn hán nghiêm trọng hơn tại nhiều vùng đất khô cằn…

Hành động khẩn cấp trước 2020 là vô cùng hệ trọng đối với rất nhiều nước, như các quốc đảo nhỏ, Châu Phi hay các nước phát triển chậm (PMA) (nhóm này gồm 48 nước, theo danh sách đầu năm 2014). Alix Mazounie, thành viên của tổ chức phi chính phủ Pháp Réseaux action climat, nhấn mạnh : « Các nước đang phát triển nói với các nước phát triển : nếu các vị muốn chúng ta đạt thỏa thuận về các cam kết sau 2020, hãy cố gắng hơn cho giai đoạn trước 2020 ».

Pháp – quốc gia chủ nhà của cuộc thượng đỉnh khí hậu quyết định này, phải đi đến một thỏa thuận toàn cầu có hiệu lực từ 2020 – hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề. Hôm thứ Hai, 01/06, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius – Chủ tịch Thượng đỉnh – bày tỏ hy vọng các đoàn đàm phán chuẩn bị một kế hoạch hành động cho 5 năm tới, để thông qua tại Paris. Vì sao kế hoạch này được nhiều quốc gia trông đợi ? Theo thành viên hiệp hội môi trường Action Aid, ông Harjeet Singh, hành động theo hướng này sẽ tạo lập sự tin tưởng và khẳng định vai trò hàng đầu của các nước đáng phát triển.

Đã từ nhiều năm nay, kế hoạch hành động trước 2020 đã được thảo luận trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc với tên gọi « workstream 2 », song song với thỏa thuận tương lai. Tuy nhiên, tiến trình này đã gây thất vọng cho nhiều tổ chức phi chính phủ và các nước đang phát triển. Trợ giúp hàng năm cho các dự án khí hậu, được nâng dần đến 100 tỷ vào năm 2020 – vốn đã được hứa hẹn từ 2009 – vẫn là một cam kết cần được làm rõ. Ông Harjeet Singh, hiệp hội môi trường Action Aid, nói : hiện tại các quốc gia đang chờ đợi một lộ trình cụ thể cho kế hoạch 100 triệu này.

Người phát ngôn của Liên Hiệp Châu Âu, Elena Bandram, thừa nhận rằng chủ đề này « đã trở lại thành vấn đề hàng đầu ».

Ngoài kế hoạch hỗ trợ cho năng lượng sạch, tăng cường trợ giúp tái trồng rừng hay thiếp lập hệ thống cảnh báo thảm họa nằm trong số các biện pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.